1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Văn học nghệ thuật Thủ đô và những bước chuyển mới

12/11/2019
Năm 2018 đã khép lại trong sự háo hức, hân hoan đón chào năm mới. Cùng phóng viên báo Người Hà Nội nhìn lại hoạt động của các Hội chuyên ngành - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trong suốt một năm qua để có thể thấy rõ những bước chuyển của văn học nghệ thuật Thủ đô.
Văn học nghệ thuật Thủ đô  và những bước chuyển mới
Triển lãm “Những bức ảnh đi cùng năm tháng” - là một trong những hoạt động ý nghĩa của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội.
 

 Nhiều triển lãm gây được tiếng vang 
 

Năm 2018 là một năm hoạt động sôi nổi của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội mà minh chứng lớn nhất đó là hàng loạt các triển lãm do Hội phát động và phối hợp tổ chức. Đầu tiên là cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 48 với chủ đề “Cuộc sống ngoại thành Hà Nội” do Hội phát động nhân kỷ niệm 10 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Tiếp đó triển lãm ảnh “Nụ cười Hà Nội” (phối hợp với báo Người Hà Nội tổ chức) và triển lãm ảnh “Công an Thủ đô: tận tụy, trách nhiệm, gần gũi, thân thiện, nhân văn” (phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội tổ chức). Các cuộc thi, ảnh chuyên đề đã tạo ra sân chơi ý nghĩa giúp nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô có dịp thể hiện tài năng qua các tác phẩm của mình. Qua các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm người xem có thể nhận thấy sức sống mới của nhiếp ảnh Thủ đô. Sức sống mới ấy chính là các nhà nhiếp ảnh đã biết đi sâu miêu tả, khắc họa chân dung con người và cuộc sống của họ. Ngoài ra, trong năm nay Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội còn bảo trợ và chấm ảnh cho 2 cuộc triển lãm “Mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất 2018” của UBND huyện Đông Anh và triển lãm “Sắc màu tháng 5” của CLB Nhiếp ảnh Hồ Gươm; phối hợp với Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5/2018. Một triển lãm hết sức đặc biệt đã được Hội tổ chức vào dịp cuối năm 2018 đó là triển lãm “Những bức ảnh đi cùng năm tháng” giới thiệu 115 bức ảnh của 22 nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành. Đây là lần đầu tiên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức một triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân sự đóng góp to lớn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước và phong trào nhiếp ảnh của cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.
 
Cũng như Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, hoạt động triển lãm là mảng hoạt động nổi trội của Hội Mỹ thuật Hà Nội. Năm qua, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức thành công triển lãm “Mỹ thuật Thủ đô 2018” chào mừng 64 năm ngày giải phóng Thủ đô. Triển lãm đã thu hút đông đảo hội viên nhiệt tình hưởng ứng và đã hội tụ được nhiều thế hệ họa sĩ tham gia từ các họa sĩ cao niên đến các họa sĩ trẻ mới bước vào nghề. Kết quả, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được với 250 tác phẩm của 250 tác giả để giới thiệu với công chúng đồng thời cũng hoàn thành cuốn vựng tập “Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2018” và chọn ra 2 tác phẩm xuất sắc để đề cử giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2018. Ngoài ra, Hội còn gửi 5 tác phẩm của các em thiếu niên Hà Nội tham gia Triển lãm quốc tế thiếu niên tại Tokyo (Nhật Bản).
 
Tăng cường tổ chức các trại sáng tác và đi thực tế 
 
Góp phần không nhỏ cho sự thăng hoa của các nghệ sĩ không thể không nói đến các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác… Năm nay, Hội Mỹ thuật đã tổ chức được 2 trại sáng tác cho 15 hội viên tại Nha Trang, 20 hội viên tại Sa Pa (Lào Cai). Dịp cuối năm Hội đã tổ chức chuyến đi thực tế cho 45 hội viên tại làng cổ Lạc Nhuệ và chùa Bà Đanh (Hà Nam) và 25 hội viên đi thực tế tại Quảng Bình. Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì tổ chức chuyến đi thực tế cho 200 hội viên tại làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, tham quan bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chùa Đại Từ Ân và chùa Đậu (Hà Nội). Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức cho hơn 40 hội viên đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh và Bắc Hà, mỗi đợt 4 ngày, tạo không khí sáng tác sôi nổi trong hội viên. Còn Hội Điện ảnh Hà Nội thì chọn Cồn Vành (Quảng Ninh) làm điểm đến cho hơn 100 hội viên trong đợt đi thực tế năm 2018. 
 
Năm qua, Hội Sân khấu không chỉ mở trại sáng tác kịch bản cho 25 tác giả tại Hà Nội mà còn tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Hà Nội và Cát Bà (Hải Phòng). Hội Nghệ sĩ Múa thì tổ chức 2 chuyến đi thực tế tới cao nguyên Mộc Châu và Hòa Bình cho hơn 100 hội viên. Hội Âm nhạc cũng chọn Đà Nẵng là điểm tổ chức trại sáng tác năm nay để 43 hội viên được bay bổng với những ca khúc mới về Thủ đô và đất nước. Trong khi đó, Hội Nhà văn tổ chức cho 100 hội viên đi thực tế tại Ninh Bình và Phú Thọ và trại sáng tác tại nhà sáng tác Tam Đảo cho 29 tác giả. Với Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội 4 chuyến đi thực tế cho các hội viên tại đền Đô, chùa Phật Tích (Bắc Ninh); Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh); Na Hang (Tuyên Quang); Sa Pa (Lào Cai) cũng tổ chức thành công. 
 
Có thể nói, các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế… không chỉ giúp các hội viên gắn kết chia sẻ mà còn là chất xúc tác cho các nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
 
Đẩy mạnh hoạt động chuyên môn, đưa nghệ thuật đến với công chúng
 
Năm 2018 là năm Hội Nhà văn đẩy mạnh hoạt động chuyên môn khi kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam; phối hợp với khoa viết văn báo chí của trường Đại học Văn hóa tổ chức khóa học “Bồi dưỡng và thẩm bình văn chương” cho sinh viên tại trường; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức đêm thơ “Những giai điệu mùa thu”; phối hợp với Hội Nhà văn Borisuaere, Hàn Quốc tổ chức đoàn nhà văn, nhà thơ tham dự lễ phát hành tập thơ chung của các nhà thơ khuyết tật châu Á năm 2018. Giải thưởng thường niên của Hội năm nay chỉ gồm một giải văn học dịch cho tác phẩm “Diệt vong” của tác giả Thomas Bernhard do dịch giả Hoàng Đăng Lãnh dịch và xét giải thành tựu văn học trọn đời cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
 
Bên cạnh các hoạt động thường niên như tổ chức sinh hoạt chuyên đề giới thiệu 111 tác phẩm mới, chương trình ca nhạc “Tình yêu Hà Nội” lần thứ XII với chủ đề “Tuổi thơ và hòa bình”, Hội Âm nhạc đã ký văn bản ghi nhớ với Trung tâm truyền hình nhân dân để giới thiệu các tác phẩm, tác giả là hội viên của Hội, đến nay đã phát sóng được 4 số với 17 tác giả/ 17 tác phẩm và một chương trình gala âm nhạc “Phút giao mùa - Tình yêu Hà Nội”. Cùng với đó hội viên Hội Âm nhạc đã tham gia 6 cuộc vận động sáng tác ca khúc với hơn 100 tác phẩm dự thi.
 
Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, Hội Sân khấu đã phát động hội viên tham gia sáng tác kịch bản sân khấu. Cùng với đó, Hội còn vận động hội viên tham gia sáng tác kịch bản sân khấu về: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Chia sẻ về một năm hoạt động tích cực và hiệu quả, nghệ sĩ múa Nguyễn Văn Bích cho biết, bên cạnh việc tiếp tục công tác sưu tầm, nghiên cứu các điệu múa cổ Hà Nội, lần thứ 2 cuộc thi tìm kiếm và sáng tác điệu nhảy Việt Nam được tổ chức và đã chọn được 10 điệu nhảy mới để phổ biến về các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, Hội còn tổ chức thành công cuộc thi Tác phẩm múa về đề tài “Thăng Long - Hà Nội và biển đảo lần thứ V”, cuộc thi “Tài năng múa Solo và Duo thiếu niên, nhi đồng thành phố lần thứ 3”.  
 
Là một hội có đặc thù riêng, các hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội luôn tích cực trong công sức sưu tầm nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy kho di sản vô giá của cha ông. Năm nay các hội viên của Hội tiếp tục công tác nghiên cứu, sưu tầm để hoàn thành đề tài “Sự tích thành hoàng làng Thăng Long - Hà Nội” và “Tục ngữ ca dao Hà Nội” đồng thời triển khai đề tài “Sưu tầm lễ hội dân gian Hà Nội”. Đáng chú ý năm nay lần đầu tiên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phối hợp với CLB Hát chèo tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) 
 
Văn học nghệ thuật Thủ đô  và những bước chuyển mới
Các họa sĩ Thủ đô chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi thực tế tại chùa Bà Đanh (Hà Nam).
 
 
Tổ chức chương trình hát chèo tàu tại không gian phố đi bộ trước vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ. Chương trình đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống cha ông.
 
Với lĩnh vực điện ảnh, việc tìm đầu ra cho các kịch bản điện ảnh luôn được Hội Điện ảnh Hà Nội hết sức quan tâm. Đạo diễn, nhà quay phim Đan Thiết Thụ - Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội cho biết: Hãng phim Sao Khuê đã hoàn thành kịch bản phim truyện lịch sử “Lê Thái Tổ từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm” và năm 2018, Hội tiếp tục vận động từ các nguồn xã hội hóa để có kinh phí dựng phim. 
 
Tiếp tục các hoạt động của những năm trước, năm nay Hội Kiến trúc sư Hà Nội vẫn tích cực tham gia công tác phản biện và đóng góp ý kiến cho trên 100 dự án xây dựng trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Hội đã cử hội viên tham quan Hàn Quốc để giao lưu, tìm hiểu công tác đưa hoạt động kiến trúc đến gần hơn với nhu cầu của đô thị trong định hướng phát triển bền vững. Hội cũng tập trung triển khai xây dựng sách kỷ yếu hoạt động Hội và bộ kỷ yếu 30 năm Hội Kiến trúc sư Hà Nội. 
 
Tổ chức nhiều cuộc hội thảo ý nghĩa
 
Đi tìm cho câu trả lời cho các câu hỏi về những vấn đề của nhiếp ảnh hiện tại, vào tháng 11/2018, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Nhiếp ảnh nghệ thuật, những vấn đề hiện tại”. Tại hội thảo rất nhiều những vấn đề mà giới nhiếp ảnh cả nước quan tâm trăn trở đã được giới nhiệp ảnh đề cập tới như: Vai trò, vị trí của nhiếp ảnh nói chung, nhiếp ảnh Hà Nội nói riêng hiện nay; những hạn chế, bất cập hiện nay của nhiếp ảnh Việt Nam; vai trò của cá nhân người nghệ sĩ đối với sự thành, bại của sáng tạo nhiếp ảnh; vì sao nhiếp ảnh Hà Nội những năm gần đây chưa có những tác phẩm thật xuất sắc…
 
Cũng tập trung cho công tác lý luận phê bình, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo với chủ đề: “Mối quan hệ giữa tác giả kịch bản sân khấu với các nhà hát” và “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát Hà Nội”. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tổ chức Hội thảo “Phát huy tài năng nghệ sĩ trẻ, nghiên cứu trẻ trong sự nghiệp kế thừa và phát triển văn nghệ dân tộc hôm nay”; tổ chức tọa đàm về vở kịch “Vùng lạnh” của Nhà hát Kịch Hà Nội. 
 
Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng đã tổ chức được 3 buổi tọa đàm với chủ đề: Xây dựng nông thôn mới Hà Nội với những vấn đề của bảo tồn văn hóa; Thực trạng – giải pháp quy hoạch cải tạo tái thiết khu tập thể, khu vực nội đô lịch sử của thành phố; Hành nghề kiến trúc Asean. Những vấn đề “nóng” này đã được các kiến trúc sư bàn thảo và gợi mở nhiều phương án hay, hợp lý.
 
Trong khi Hội Âm nhạc tổ chức hội thảo “Âm nhạc Hà Nội hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô” và Hội Nghệ sĩ múa tổ chức hội thảo về tìm kiếm và sáng tác điệu nhảy Việt Nam, Hội Nhà văn cũng đã tổ chức tọa đàm “Phát động sáng tác viết về Hà Nội” và hội thảo “Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học” với nhiều bài tham luận và nghiên cứu có giá trị. Mặt khác, Hội còn tổ chức cho hội viên xem vở kịch “Quẫn” (tác giả: Lộng Chương, đạo diễn: Trần Lực), tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề hàng tháng để thông tin về văn học nghệ thuật, nghe các báo cáo trong nước và quốc tế mở rộng cho kiến thức sáng tác của hội viên.

 
Văn học nghệ thuật Thủ đô  và những bước chuyển mới
Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phối hợp với CLB Hát chèo tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) tổ chức chương trình biểu diễn trên phố đi bộ.
 
Nằm trong chuỗi chương trình hoạt động năm nay, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã mời các nhà nghiên cứu thuyết trình về chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở đồng bằng Bắc bộ” và “Con đường di sản hò khoan Lệ Thủy” (Quảng Bình). Tại buổi thuyết trình được tổ chức ngày 25/5/2018, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ còn mời gần 20 nghệ nhân và nhạc công hò khoan huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến biểu diễn tại khán phòng của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Sự kiện đã thu hút được nhiều công chúng yêu âm nhạc tới thưởng thức.
 
Có thể nói chặng đường năm 2018 đã đi qua và có lẽ vẫn còn lưu dấu trong ký ức của các văn nghệ sĩ nhiều cảm xúc. Những thành quả, thành công, trong suốt một năm qua cũng chính là hành trang, là bước đệm mới để mỗi Hội, mỗi văn nghệ sĩ bước tiếp vào một chặng đường mới. Hi vọng rằng, một năm mới sẽ mở ra với nhiều thắng lợi và thành công mới. 
 
25 tác phẩm và công trình đoạt Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô 2018 

1. Về văn học:
- Bộ tiểu thuyết: Vỡ vụn và Cuộc vuông tròn của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.
- Sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954 của nhà văn Lê Văn Ba.
2. Về âm nhạc:
- Ca khúc Sơn Đoòng Phong Nha của nhạc sĩ Văn Tiến.
- Ca khúc Sắc màu biên giới của nhạc sĩ Huyền Ngọc.
- Sách lý luận phê bình Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu.
3. Về nhiếp ảnh nghệ thuật:
- Tác phẩm Ban mai hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Viết Anh Mạnh.
- Tác phẩm Đêm hội trăng rằm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Anh Tuấn.
- Sách ảnh Chuyện kể hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hồng.
4. Về sân khấu:
- Tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nhà hát Kịch Hà Nội.
- Tác phẩm Những tấm lòng vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
- Tác phẩm Nghĩ và viết của tác giả Ngọc Thụ và tác phẩm Huyền nữ Phạm Thị Thành của tác giả Trần Thị Minh Thu (đồng Giải thưởng).
5. Về Mỹ thuật:
- Tác phẩm Hương xưa của họa sĩ Đỗ Hoàng Anh.
- Tác phẩm Đêm dưới cầu Long Biên của họa sĩ Nguyễn Văn Tuấn.
6. Về văn nghệ dân gian:
- Tác phẩm Kể chuyện đường, ngõ, phố Hà Nội của tác giả Lê Đình Mai.
- Tác phẩm Các danh tướng trấn giữ thành Hà Nội của tác giả Nguyễn Sinh Thủy. 
- Tác phẩm Làng cũ nhớ về của tác giả Vũ Kiêm Ninh
7. Về điện ảnh:
- Tác phẩm Những người mẹ đặc biệt của đạo diễn Phạm Hằng Giang.
- Tác phẩm Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Người cộng sản kiên trung, bất khuất của đạo diễn Trịnh Quang Tùng.
- Tác phẩm Khúc nhạc diệu kỳ của NSND Nguyễn Hà Bắc.
8. Về múa:
- Tác phẩm Một thời để nhớ của tác giả Nguyễn Quỳnh Lan.
- Tác phẩm Cỏ gà, Cỏ may của tác giả Nguyễn Khiêm và Mai Như Quỳnh.
- Tác phẩm Lung linh phố cổ của tác giả Trần Văn Quý và Nguyễn Tố Linh.
9. Về Kiến trúc:
- Tác phẩm Nhà ở xã hội Hưng Thịnh tại khu đô thị mới Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội của KTS Trần Vũ Lâm, Cty CP Kiến trúc Lập Phương - CUBIC (đơn vị tư vấn thiết kế).
- Tác phẩm Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 tại các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Mê Linh, Tiên Phong, Tráng Việt, Văn Khê, huyện Mê Linh và xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội của Ths.KTS Thái Nhật Quang cùng các cộng sự: KTS Trần Quốc Duy, KTS Vũ Vân Nga, KTS Võ Thị Mai Phương.
- Tác phẩm Khu nhà ở cao tầng E4 tại lô E4, khu ĐTM Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội của Ths.KTS Hoàng Minh Hải, KTS Lê Quốc Nghĩa cùng các cộng sự: KTS Lê Trung Hiếu, KTS Nguyễn Như Tuấn. 

Hồng Đặng/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)