1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Tết ở mặt trận Liên khu I Hà Nội

06/02/2019
Từ mùa đông năm ấy (1946), Hà Nội thanh bình trở thành thành phố bão lửa… Và cũng ngay từ những ngày đầu mùa đông năm ấy, Hà Nội trở thành mặt trận Liên khu I Hà Nội.
Tết ở mặt trận Liên khu I Hà Nội
Hậu phương thời chiến. Ảnh: Mầu Hoàng Thiết
 
Các chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô đã trấn giữ trên nhiều đường phố ở khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Chiếu) và khu Đông Thành (Hàng Thiếc, Hàng Quạt, Hà Trung, Hàng Đồng, Đường Thành). Lực lượng chiến đấu ở mặt trận Liên khu I Hà Nội gồm vệ quốc đoàn, tự vệ thành Hoàng Diệu, người lao động, công nhân, chị bán hoa Ngọc Hà, chị y tá, nữ sinh trường Đồng Khánh, thanh niên, các em nhỏ bán báo, đánh giầy, người giúp việc... hợp tụ với lời thề “Quyết sống chết với Hà Nội”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu 60 ngày đêm tại mặt trận.
 
Từ mùa đông năm ấy đến nay đã 72 năm trôi qua, biết bao mùa lá rụng về cội, gieo mầm bâng khuâng, thương nhớ… Kể từ mùa đông năm ấy, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, lần đầu tiên xa nhà đón Tết Đinh Hợi ở mặt trận Liên khu I Hà Nội. Đã 72 mùa xuân mà vẫn lắng đọng những kỷ niệm không thể nào quên, Tết Đinh Hợi (1947), Tết đầu tiên xa nhà, Tết đầu tiên ở mặt trận.
 
Tết năm ấy, đại gia đình Vệ quốc đoàn Trung đoàn Thủ đô quây quần bên nhau, từng tổ chiến đấu, tiểu đội, trung đội, đại đội chuẩn bị Tết đầu tiên xa nhà. Tết năm ấy, các chị y tá tự tìm những chiếc chổi tre, rửa sạch rồi lấy giấy hồng, giấy đỏ làm những bông hoa đào gắn lên, tạo thành cành đào để cắm ở nơi đóng quân và cả trên những ụ súng. Mặc dù đào Nhật Tân vẫn tươi thắm mà ta không thể có cành đào tươi đón Tết. Bởi Nhật Tân là nơi quân Pháp chiếm đóng. Chuẩn bị Tết có vậy thôi, thật đơn giản. 
 
Tết năm ấy, chúng tôi còn nhỏ tuổi (từ 9 - 13 tuổi) nên được gọi là Vệ Út còn các anh lớn tuổi hơn (phần lớn chưa tới tuổi đôi mươi) được gọi là Vệ Gộc. Càng đến những ngày áp Tết, đám Vệ Út chúng tôi càng nhớ nhà. May mà chúng tôi được các anh chị lớn tuổi âu yếm chăm sóc, động viên cũng vơi đi phần nào. Thật cảm động, đại đội bộ 14 có khoảng 10 người, được phát 1 chiếc bánh chưng. Các anh chị không ăn nhường cho các em thiếu sinh Vệ Út. Chúng tôi khóc nức nở, các anh chị cũng khóc theo rồi ôm và dỗ chúng tôi. Chúng tôi liền bẻ nhỏ phần bánh chưng của mình đưa các anh chị cùng ăn, cùng hưởng hương vị Tết. Đã qua hơn 70 mùa xuân, hương vị miếng bánh chưng lần đầu tiên chúng tôi đón Tết xa nhà ở mặt trận Liên khu I Hà Nội ấy vẫn vương vấn trong tôi.
 
Tết ở mặt trận Liên khu I Hà Nội
Những vệ út ở mặt trận Liên khu I Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
 
Đêm giao thừa, không ai bảo ai, chúng tôi không ngủ được, đắp chăn khóc nức nở nhớ cha mẹ, gia đình. Từng hình dáng, khuôn mặt, giọng nói của từng người trong gia đình cứ hiển hiện như đang vui vầy cùng với chúng tôi trong đêm giao thừa ở mặt trận Liên khu I Hà Nội năm ấy.
 
Tết ở mặt trận Liên khu I Hà Nội
Các chiến sĩ quyết tử của Trung đội 2 Tiểu đoàn 102 khu Đông Thành (năm 1947) (Ảnh tư liệu)
 
Và, đúng ngày mùng một Tết, các chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô được đọc thư chúc Tết của Bác Hồ. Đến giờ, dường như ai cũng vẫn thuộc làu từng lời Bác viết: 
 
Cùng các chiến sĩ yêu quý 
Trung đoàn Thủ đô!
Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.
 
Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau…

Ngày 27 tháng 1 năm 1947
Hồ Chí Minh

Thư chúc Tết của Bác Hồ đã đem lại nguồn xúc động, động viên cổ vũ các chiến sĩ quyết tử Thủ đô càng thêm ý chí, sức mạnh giữ vững lời thề: “Thề sống chết với Thủ đô Hà Nội”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Mở đầu lập công đón Tết là ngày mồng 2 Tết Đinh Hợi ta thắng trận Xô – va, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi điện khen: “Xứng đáng là một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô của Vệ quốc đoàn Việt Nam”. Tiếp theo, trong những ngày Tết, các chiến sĩ Thủ đô đã tiến hành nhiều trận đánh quyết liệt và thắng lợi. Đó là trận Hàng Thiếc (7/2/1947), trận Trường Ke (12/2/1947), trận Đồng Xuân (14/2/1947) – những trận ghi dấu ấn lịch sử 60 ngày đêm chiến đấu ở mặt trận Liên khu I Hà Nội.
 
Từ mùa xuân, từ Tết năm 1947 đến nay đã 72 mùa xuân, 72 Tết đi qua mà vẫn lắng đọng trong tôi cái Tết đầu tiên xa nhà ở mặt trận Liên khu I Hà Nội năm xưa. Tết nay đã hoàn toàn khác xưa, không chỉ có một chiếc bánh chưng mà các anh chị lớn nhường cho đàn em nhỏ Vệ Út trong đại gia đình Trung đoàn Thủ đô. Tết nay, nhà nhà vui Tết đầy đủ, đàng hoàng hơn xưa. Tết xưa những em nhỏ Vệ Út - 9, 10, 12, 13 tuổi - nay đã lên chức cụ, chức ông bà kể lại ký ức Tết xưa ở mặt trận Liên khu I cho con cháu nghe. Cứ mỗi mùa xuân đến, các ông bà Vệ Út lại quây quần bên nhau nhớ lại Tết năm xưa tràn đầy kỷ niệm và cùng nhau hát vang những bài ca về Hà Nội về quyết tử của quân Thủ đô: “Lời thề huyết thệ”, “Mơ đời chiến sĩ”, “Người Hà Nội”, “Ngày về”, “Đàn em Vệ Út”:
 
Rồi mai chiến thắng Thủ đô 
huy hoàng
Bên các anh có đoàn Vệ Út 
cùng sống
Cùng nhau ôn lại chuyện 
chiến đấu tung hoành
Trong súng gươm tới ngày 
chiến thắng hùng anh…
(Bài ca Đàn em Vệ Út
 
Lê Ngọc Canh/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)