1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Nhà thơ Vũ Xuân Hoát với khát vọng sáng tạo thi ca

12/11/2019
Năm 1965, chàng trai Vũ Duy Hoát (tên khai sinh của nhà thơ Vũ Xuân Hoát), rời quê hương Nghĩa An, Ninh Giang (Hải Dương), xung phong đi quân ngũ khi vừa tròn 18 tuổi.
Nhà thơ Vũ Xuân Hoát với khát vọng sáng tạo thi ca
 
Tôi gặp nhà thơ Vũ Xuân Hoát (sinh năm 1947 - tuổi Đinh Hợi) lần đầu tiên, tại trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội, ngày ấy còn ở phố Hàng Dầu. Khi đó anh vẫn còn mặc bộ đồ bộ đội biên phòng, nơi anh mới rời quân ngũ, chừng mấy năm. Anh liền đọc cho tôi nghe mấy câu thơ đầu tiên viết về Hà Nội: “Dã rừng sốt rét về đây. Phố Hàng Bạc đấy! Lạ ngây bước khờ. Liễu dâng đáy kiếm lặng bờ. Bút nghiên chấm phẩy xanh tờ trời thu…”. Tôi rất cảm động và nhớ mãi.
 
Năm 1965, chàng trai Vũ Duy Hoát (tên khai sinh của nhà thơ Vũ Xuân Hoát), rời quê hương Nghĩa An, Ninh Giang (Hải Dương), xung phong đi quân ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Ngày ấy, giặc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nước ta, thanh niên nô nức lên đường. Được biên chế vào đơn vị bộ đội biên phòng, người lính trẻ Vũ Duy Hoát bắt đầu những chặng đường gập ghềnh, khắp các cung đường biên giới. Những bài thơ đầu tiên, với bút danh Vũ Xuân Hoát, bắt đầu từ những cánh rừng biên giới. Đến năm 1971, anh đã được giải thơ của báo Công an nhân dân vũ trang (tiền thân báo Biên phòng ngày nay). Và cũng chỉ mấy năm sau, cái tên Vũ Xuân Hoát còn được xướng lên, trong giải bài thơ hay nhất trong năm, báo Văn nghệ (1978).
 
Anh ôm mộng thơ ca về với Hà Nội. Chính trong giai đoạn này, chúng tôi càng có dịp gần nhau. Tôi và anh đã cùng đi đây đó, viết bài và nhiều lần run rẩy trong rét mướt, ăn chung cái bánh mì chia đôi cho đỡ đói giữa đường. Những năm bao cấp đầy khốn khó, vừa làm báo, anh vừa phải lo đời sống cho vợ con, ở quê. Nhiều năm anh đã phải ăn ngủ tại trụ sở báo Người Hà Nội ở phố Hàng Buồm. Vậy mà năm khoảng 1982, anh vẫn cắp sách đi học khóa 3, trường Viết văn Nguyễn Du. Nhưng rồi đến năm cuối, anh lại phải bỏ dở chừng, bởi cơm áo không đùa với khách thơ. Lại đúng vào thời điểm đổi tiền. Cuộc sống chồng chất khó khăn. Thêm nữa vợ con từ quê ra lắm nỗi lo toan. Anh lại quay về làm báo Người Hà Nội, với công việc của một phóng viên, cần mẫn chăm chỉ.
 
Có điều lạ, tuy lúc nào Vũ Xuân Hoát cũng bay bổng với những vần thơ, nhưng anh lại là một cây bút viết phóng sự xã hội khá sắc sảo. Liên tiếp anh được nhận giải báo chí viết về đề tài con người thủ đô. Đặc biệt, mấy chân dung lao động Thủ đô, qua bài anh viết đã có sức ảnh hưởng đáng kể. Có người sau đó trở thành anh hùng trong chiến đấu. Lại có người, từ người nông dân được đưa lên làm giám đốc Nhà nước vì tài năng, và lao động trung thực. Dường như trong thời gian này, thơ Vũ Xuân Hoát mỗi lúc một thăng hoa, bởi những trải nghiệm, nóng bỏng tâm thế của một thi nhân với xã hội. Tập thơ đầu tiên của Vũ Xuân Hoát: “Cơn giông hồ Gươm” đã được trao giải thưởng thơ 5 năm (1986 - 1990) của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Đây là bước tiến vượt bậc của nhà thơ Vũ Xuân Hoát, mở ra một không gian mở cho một nhịp điệu, một sắc thái thơ riêng anh. Giọng thơ Vũ Xuân Hoát luôn ẩn chứa những triết lý nhân sinh, sau nét ung dung tự tại của kẻ sĩ đất Hà thành.  
 
Năm tháng qua đi. Ra được vài ba tập thơ, nhưng sau đó anh bận với trăm thứ việc của một thư ký tòa soạn, rồi phó Tổng biên tập (2003), và Tổng biên tập (2005). Phải nói nhà thơ Vũ Xuân Hoát, một trong số ít Tổng biên tập, được phát triển từ phóng viên của báo đi lên. Chính vì thế, báo Người Hà Nội thời anh làm có một bản sắc riêng biệt, với sự cộng tác đông đảo của những tác giả nổi tiếng, trong Nam ngoài Bắc. Nhưng có lẽ với thơ, anh luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn, đúng như cảm xúc khi anh viết, đây không chỉ là tình yêu, mà còn là thơ mà anh hằng đeo đuổi, khao khát sáng tạo.
 
Có lẽ với nhà thơ Vũ Xuân Hoát, cái thuở của “Cơn giông hồ Gươm” (in năm 1988), “Chân trời mới thắp” (in năm 1990), hay “Thời tôi biết” (in năm 1996) đã qua. Sự tiếp nối của “Thiên quê” (in năm 2000) đến “Quê bạn” (in 2008), nhà thơ Vũ Xuân Hoát đã thể hiện một gương mặt thơ khác hẳn. Một sự chuyển động mới, trong cảm xúc hình tượng, ngôn ngữ thơ ca. Một thi pháp mới ư? Hẳn thế! Nói anh là một vận động viên luôn bứt phá vượt lên phía trước quả không sai. Nhà thơ đã có một bản khắc “tự họa” chân dung mình, khá độc đáo. Tôi có dịp may mắn đọc cả mấy trăm bài thơ, trong tập thơ mới “Đùa chơi mặt nạ” của anh, và thấy rõ chặng đường sáng tạo của anh. Tôi tin sẽ có sự bàn thảo trái chiều, rất sôi nổi về thơ Vũ Xuân Hoát. Nhưng với tôi, một chân dung thơ Vũ Xuân Hoát mới đã hình thành, với nét ghồ ghề, góc cạnh. Thơ anh thể hiện nhiều tìm tòi, khám phá, tạo sự ám ảnh khác lạ.
 
Thì giờ đây anh quan niệm: “Tư duy hình tượng và tư duy logic, tính phi lý trong sự có lý đồng thời song hòa ở nghệ thuật thi ca. Có người nói: tư tưởng kia mới là chính là cốt lõi của thơ. Chữ chỉ là vỏ bọc. Đúng vậy! Không sai. Nhà thơ như một nhà ngôn ngữ học, biết điều khiển cái chữ, đặt chữ đúng vị trí biểu đạt, sao cho thơ sinh khí, tràn hình ảnh, liên tưởng đa chiều. Và, người sáng tạo ra ngôn ngữ thi ca mới đích thực thi sĩ”. Nhưng như thế vẫn chỉ là nguyên lý thông thường, anh còn phát triển một màu sắc thi ca của mình có nét độc đáo, rằng: “Thơ ở toàn bài, từng câu, đều có đủ các thanh, không trùng lặp chữ nào trong trang, đặt đúng chỗ tâm trạng, tự thân, không gò ép, thật khó thay! Tôi chọn hướng đi này để làm thơ. Hay dở thế nào, cũng tùy ở sự thưởng thức. Lối khác biệt, biết đâu bị vứt rác tôi, chẳng hạn. Vâng! Phá cách ấy, có chừng…”. Vậy là anh đã hình dung, sự thành hay bại còn chưa biết, nhưng vẫn tiến lên phía trước, với lý tưởng thẩm mỹ của mình. Đó là một triết lý nghệ thuật thơ ca dị biệt, mộng ảo xen lẫn hiện thực, về cả hình thức và nội dung.
 
Kim chỉ nam về thơ, mà Vũ Xuân Hoát suy ngẫm chiêm nghiệm, đã cuốn anh theo những nhịp phách mới. Thứ nhất tiêu chí đủ các thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) trong từng câu. Hai là không trùng lặp chữ trong trang. Nguyên chỉ thế thôi cũng đã làm khó cho người làm thơ. Vậy mà nhà thơ đã làm. Ta thử đọc: “Bao mất mát, hy sinh rừng già ơi! Sao nhãng: có thể nào. Tàn khốc tung trời, không át nổi chất tình si về mùi hương con gái. Rung cho nhịp thời này, địa chỉ: - Giấc chiêm bao. Đâu túi ngực bạn mình: Email mở - tràn tâm tư kết nối” (Mùi con gái - 2015). Đó là cảm xúc khi anh bắt gặp hình ảnh: “Túi ngực bạn mình, dòng hẹn tình, nét mực đạn xuyên. Ngàn lá xé bay nhoàng chớp lóe”. Một cảm giác lỡ làng cho đồng đội. Một bức thư ướp hương con gái đã ở lại. Không còn lời hẹn về. Một bài thơ xúc động, với hình ảnh ảo diệu “địa chỉ: - Giấc chiêm bao”. Đó là một thành công.
 
Càng về sau, nhất là trong những năm gần đây, nhà thơ Vũ Xuân Hoát khai thác hết năng lượng thơ ca theo thi pháp của mình. Anh có những phát triển mạnh bạo hơn. Với thi phẩm “Đùa chơi mặt nạ” (2016), nỗi niềm thơ nặng trĩu tâm can, sau sự “Ngộ” trong giác tuệ rằng: “Người ta đeo mặt nạ. Cả một đám đông. Mặt cũ mặt mới thời gian gần sắc mặt. Đủ kiểu dáng tuồng lên những loạt hòa đồng”. Tứ thơ có những phát hiện, phía sau của cuộc sống giả trá, bon chen, là những mặt nạ giỡn đùa. Nhà thơ sau những dấn thân, trải nghiệm, tìm lại được chính mình: “Ta tháo ra mặt nạ. Tháo lời hứa trở về. Sống bình thường như đã. Tựa hồ trong cơn mê”. Đó cũng chính là bản lĩnh của một thi sĩ.
 
Đọc thơ Vũ Xuân Hoát, tôi càng thấy bị cuốn hút, bởi những nỗi niềm bừng thức mộng ảo của anh. Anh đã tự viết cho mình và cũng như viết cho tôi rằng: “Chỉ mình ta lạc lõng khác người. Quẩn quơ mãi vị đắng ngoài thể thức. Tiếng Việt thanh dòng mải diễn mấy mươi…”. Đó là sự tìm lại mình sau bao trầm luân, khao khát. Nhà thơ đắm chìm trong nghệ thuật thi ca. Hết phá cách đến ngộ chữ. Nhưng rồi với “Thanh dòng” (2018), chữ của anh dùng để chỉ sự trong sáng của tiếng Việt, và đã vượt ra khỏi “Ngôi nhà chiêm bao” để “Tự vấn” rằng: “Những câu thơ hồ hởi suốt một thời/ Đánh võng ta bằng sự cả tin không tính đếm”. Người đọc bị thơ anh hấp lực, bởi những tâm sự rất khắc nghiệt, sau những đam mê chữ nghĩa.
 
Tôi đặc biệt thích bài thơ ngắn “Tôi chỉ” mà anh mới làm gần đây. Bài thơ như một nút kết, cũng là sự trả lời cho chính anh và bạn đọc, trên chặng đường dài sáng tạo thi ca: “Tôi chỉ là một lão nông cố nặn ra diêm dúa. Giữ chặt niềm say mới tưởng có riêng mình. Việc tẻo teo nghĩ đường khua gậy múa. Cuốc đỉnh mây võ giọng luống thiên đình”. Chà! Thú vị biết bao sau những lời tự thú. Thơ là thế đó!?. Bởi nhà thơ đã nhận ra chân gốc của nó: “Từng chữ biết ta dở trò cấy gặt. Quất lằn tâm hạ giới mở giữa tầm. Trâu húc ngà, đủng lối ọ đi… trũng bước. Tĩnh dấu chiều quê ngả gọi lấm bông cầm…” (Tôi chỉ).
 
Dường như sự giác tuệ đã mách bảo trái tim nhiều điều hơn. Vũ Xuân Hoát trăn trở, đổi mới, nhưng không khi nào lạc lối vào thế giới ký bí, u ám. Thơ anh luôn ẩn giấu những niềm khao khát, say mê khám phá, bên cạnh lại tỏa lan, một không gian tâm hồn trong trẻo. 
 
Vương Tâm/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)