1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Năm ấy Tết ở làng xa

09/03/2019
Tôi bước vào căn bếp mái tranh vách đất ấm sực mùi thơm tỏa ra từ nồi bánh chưng. Ngoài trời, mưa rơi lâm thâm, gió lạnh thổi rít qua lũy tre rung ràn rạt.
Năm ấy Tết ở làng xa
Em đến lớp nơi sơ tán Ảnh: Mầu Hoàng Thiết
Tôi bước vào căn bếp mái tranh vách đất ấm sực mùi thơm tỏa ra từ nồi bánh chưng. Ngoài trời, mưa rơi lâm thâm, gió lạnh thổi rít qua lũy tre rung ràn rạt. Trong bếp, ánh lửa từ những thanh gộc tre to nổ tí tách như đang reo lên một âm thanh  háo hức khác lạ, một âm thanh mà  tôi chưa bao giờ được biết ở Tết Hà Nội. Ái chà chà, niềm vui vớt bánh chưng chín sắp sửa đến nơi rồi…
 
Lúc ấy là buổi chiều ba mươi Tết Mậu Thân (năm 1968). Những ngày trước Tết, mẹ tôi và bà tôi băn khoăn lắm. Về Hà Nội hay ở lại nơi này (làng Đông Côi, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) một làng quê không phải là quê cha đất tổ của mình? Trong suốt một năm, không có gì quan trọng bằng chiều ba mươi Tết, bà tôi làm cỗ cúng ở nơi bàn thờ. Nơi thiêng liêng ấy là một cái “án thờ” cũ kỹ, bụi bám trên những vết chạm trổ tinh xảo như những nếp nhăn trên nét mặt của người hơn trăm tuổi. Trên bàn thờ ấy lại có hai vật báu đó là hai cái vỏ đạn của các liệt sĩ cảm tử đã chiến đấu  trên phố nhà tôi trong mùa đông năm 1946. Bà tôi thường vẫn dùng hai cái “cát tút” bằng đồng đó để làm bình cắm hoa đào.  Hai “bình hoa” đặc biệt ấy đứng bên cạnh bộ đỉnh, lư bằng đồng tinh xảo - sản phẩm của làng Ngũ Xã. Vào ngày sắp Tết, bà tôi còn treo trước bàn thờ một bộ “y môn” bằng vải nhiễu đỏ thêu rồng phượng có những hình tròn bằng bạc như sao sa cùng những tua kim tuyến vàng chói. Trong ký ức tuổi thơ của tôi hình ảnh ngày Tết là hình ảnh lộng lẫy của bàn thờ rực rỡ.  Ấy thế mà năm ấy Tết Mậu Thân 1968, nhà tôi đã không có hương khói ở bàn thờ thiêng liêng ấy. Theo chủ trương của thành phố, năm này các gia đình tạm xa phố phường để tránh máy bay Mỹ có thể đánh phá ác liệt Thủ đô Hà Nội. 
 
Giờ đây bà tôi đang sắp mâm ngũ quả trên bàn thờ nhà chị Uống. Nơi ấy chỉ là một cái bệ xây bằng gạch tráng xi măng dựa vào một bức tường vôi trắng nhẵn nhụi ở giữa là một bát hương. Tất cả chỉ có vậy, ngoài ra không có gì nữa. Vào ngày rằm, mồng một tôi vẫn thấy chị Uống đặt hoa quả lên bệ thờ, thắp hương và nhìn vào khoảng trống ở bức tường vôi trắng lầm rầm khấn vái. Dường như ở đó có thể hiện ra tất cả, những gương mặt của các bậc tiên tổ, thần linh thổ địa và tất cả chốn thiên đường cao xanh… Những ngày giáp Tết năm ấy, chị Uống đã nói với bà và mẹ tôi: “Thôi, cụ và bác cứ ở đây ăn Tết với nhà em. Cụ  thắp hương mời các vị tổ tiên đi mây về gió về đây ăn Tết cùng với các cụ làng em.”
 
“Nào, cô Liên mang cái rổ lại đây!” - tiếng chị Uống gọi. Tôi lễ mễ bưng cái rổ to đến bên nồi bánh chưng đã được mở vung đang tỏa hơi nghi ngút. Tôi nhìn gương mặt mẹ hồng hào lên bên nồi bánh chưng mà vui quá. Mẹ chính là người đã gói những chiếc bánh chưng này. Mẹ tôi có tay gói bánh đẹp lắm ai cũng thích, mấy nhà hàng xóm cũng nhờ, thành ra bà cứ ngồi gói bánh liên tục, vốn sức yếu bà đã suýt lả bên chồng bánh. Bây giờ mẹ tôi đã khỏe lên rồi, chắc là vì mẹ tôi vui vẻ chăng? Cô bé Trúc ba tuổi cứ chạy quẩn quanh bên mẹ hít hà mùi bánh thơm vẻ thèm ăn lắm rồi. Chị Uống có một con gái, chồng chị đi bộ đội đã ba năm rồi, cảnh nhà cũng buồn, có thêm mẹ con bà cháu nhà tôi ở cùng, chị vui lắm.
 
Lúc ấy ngoài ngõ có tiếng gọi của em trai tôi, cả tiếng ríu rít của hai anh chị con nhà bác tôi: “Bà ơi, cô Thi ơi, chị Phương về rồi”.  Mẹ tôi sáng bừng nét mặt mắt hướng về phía ngõ đầy lá tre khô rơi, chắc là mẹ tôi rất mong ngóng chị tôi đang là kỹ sư nông nghiệp ở một nông trường cách làng này khoảng hơn 10km. Kia rồi, chị tôi mặc cái áo bông xanh tay dắt chiếc xe đạp cũ kỹ tróc sơn quen thuộc đang vui vẻ đi vào đó. Theo chị là ba đứa trẻ tươi cười tí tởn, tay chúng đang kéo dây mo nang tre khô được xâu vào thành một chuỗi. Vâng, đó là “nguyên liệu đun bếp”. Dạo ấy “chất đốt” là cả một việc lớn. Người dân sơ tán không có rơm rạ nên muốn có cái đun bếp phải mua rơm rạ, hoặc phải đi kiếm lá khô hay mo tre rụng…
 
Buổi chiều ba mươi Tết đến nhanh quá, bóng tối của đêm trừ tịch chốc lát đã bao phủ ngôi nhà giữa vườn tre xanh. Không gian tối sẫm gợi lên trong lòng người nỗi nhớ phố phường ánh điện lấp lánh nơi hồ Hoàn Kiếm. Ô kìa, bà tôi đã têm xong đĩa trầu, bổ cau tươi, bày đĩa hoa cúng có hoa hồng hái nơi vườn nhà chị Uống. Bà tôi nhẹ nhàng bảo chị Uống: “Chị là chủ nhà chị khấn mời các cụ về trước. Tôi sẽ khấn sau”. Nói rồi bà tôi lui lại để chị Uống bước lên phía trước bàn thờ. Bà bảo mẹ tôi, chị tôi và cả bốn anh chị em chúng tôi đứng ở phía sau chắp tay ngay ngắn hướng lên bàn thờ. Trong mùi hương thơm nghi ngút, bỗng nhiên tôi  nhớ lại hình ảnh các cụ trong ảnh ở ban thờ nơi phố cổ. Chẳng hiểu sao tôi  tin rằng các cụ đang bay về đây, nơi ngôi làng dưới bóng tre xanh này. Đêm Ba mươi Tết nào đối với tôi cũng thiêng liêng, nhưng có lẽ đêm ba mươi Tết ở nơi sơ tán này bỗng trở nên thiêng liêng hơn… Bởi hình như các bậc tiên tổ cũng đi sơ tán cùng chúng tôi. Các cụ như đang ngồi đâu đây trò chuyện với các cụ già trong làng này trở về từ những thời xa xôi lắm, có khi từ đời Lý, Trần, Lê… Tôi lại bỗng nhớ đến cảnh rất gần đây ngày giáp Tết, trên con đường đê sông Đuống, tôi cùng các bạn nữ đi tiễn đưa các bạn nam lên đường ra mặt trận… Dòng sông Đuống chảy lấp lánh dưới ánh nắng xuân buổi sớm mai. Cỏ trên triền đê xanh mướt, xanh như mầu áo của các bạn tôi ngày lên đường ra trận…
 
Sau bữa cơm tất niên, ngôi nhà lại im lặng trong bóng tối.  Chỉ còn le lói ánh đèn nơi chị Uống ngồi đan thúng. Làng này có nghề đan thúng, khi hết việc nhà nông người nào người nấy lại ngồi đan thúng. Hình như đêm ba mươi Tết ở làng quê này vẫn như đêm bình thường, vẫn có tiếng lách cách gõ nan thúng. Không có tiếng pháo nổ, có lẽ dân làng này không tiêu tiền vào việc mua pháo đốt. Đường làng chỉ có gió thổi vi vu, lá khô rơi, mo tre rơi, mùi khói hương bay trong gió chơi vơi… Trẻ con đã ngủ rồi, có lẽ đang mơ những giấc mơ gặp cha mẹ đi công tác xa về, gặp cha mình ở mặt trận về… Tôi vẫn thức cùng bà, mẹ và chị lặng lẽ đợi chờ phút giao thừa để thắp hương tiễn năm cũ đi đón năm mới đến.
 
Năm ấy Tết ở làng xa
Tết ở làng xa. Tranh của Lê Phương Liên
 
Bỗng có tiếng nhạc réo rắt, có tiếng chân bước và ánh đèn pin loang loáng... Có bóng một người đàn ông bé nhỏ gầy gò đang thong thả bước vào sân nhà. Kìa, ai như thầy hiệu trưởng trường làng. Thầy đeo trên mình chiếc đài thu thanh nhỏ. Mẹ tôi vội đi ra chào: “Kìa thầy hiệu trưởng, đêm tối tăm thế này, thầy đến thăm, quý hóa quá!”. Thầy giáo bước vào, vẻ mặt tươi cười: “Chào cả nhà! Sắp đến giao thừa rồi, tôi đến đón năm mới cùng cả nhà ta đây!”
 
Nghe tiếng lao xao bọn trẻ con cũng chợt tỉnh ngủ ngồi cả dậy. Thầy giáo đặt chiếc đài nhỏ bé lên bàn thờ. Từ chiếc đài vang lên tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết xuân 1968, lúc này đã đến câu cuối cùng: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Tiếng đọc thơ của Bác Hồ vừa dứt, tiếng dàn hợp xướng của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam hùng tráng vang lên rung động cả không trung… Trong tâm trí tôi lúc ấy, tưởng như nghe thấy tiếng súng nổ vang rền vọng tới, tưởng như đã nhìn thấy những người bạn nam sinh trường tôi đang lao vào khói lửa… Đã bao năm qua, biết bao người đã khuất, lũy tre xanh mái nhà tranh cũng không còn… Nhà tranh xưa bây giờ đã thành nhà gạch ba tầng khang trang. Thế mà trong tâm hồn tôi ký ức về đêm ba mươi Tết 1968 vẫn hiện về khi Tết đến. 
 
Lê Phương Liên/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)