1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Phố Kim Hoa, quận Đống Đa, Hà Nội

05/11/2019
Phố Kim Hoa dài 600m, rộng 3-4m. Từ đầu phố Đào Duy Anh, cạnh ngã tư đường Lê Duẩn - Đại Cồ Việt qua đình làng Kim Liên đến trị sở UBND phường Phương Liên.

Phố Kim Hoa dài 600m, rộng 3-4m.

 Từ đầu phố Đào Duy Anh, cạnh ngã tư đường Lê Duẩn – Đại Cồ Việt qua đình làng Kim Liên đến trị sở UBND phường Phương Liên.

Nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa.

Tên phố mới đặt tháng 1/1999.

Kim Hoa vốn là tên cũ của làng Kim Liên. Làng Kim Hoa vốn là một trong 36 phường hợp thành kinh đô Thăng Long đời Lê. Sang đời Nguyễn, đầu thế kỷ XIX trở thành thôn và là một trong 23 phường thôn hợp thành tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, vào đầu đời Thiệu Trị (1841) vì kiêng tên húy của bà mẹ vua này nên đổi ra là Kim Liên (tổng Tả Nghiêm cũng đổi là tổng Kim Liên).

Làng Kim Liên có tên nôm là làng Đồng Lầm, làng này xưa có nghề nhuộm vải nâu cho nên ca dao Hà Nội cũ có câu:

Đồng Lầm có vải nâu non

Có hồ cá rộng, có con sông dài

“Hồ cá rộng” là hồ Bảy Mẫu, “con sông dài” là sông Kim Ngưu, một nhánh của sông Tô, từ chỗ gần Cầu Giấy chảy theo đường La Thành, qua Cầu Dừa, qua làng Kim Liên, qua Cầu Dền, đi vòng xuống Vĩnh Tuy, rồi chia nhiều nhánh về phía Yên Duyên, Sở Thượng cũng như Thịnh Liệt, Pháp Vân xuống tận các huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

Đình làng Kim Liên thờ thần Cao Sơn, về lai lịch thần này có thuyết kể rằng Cao Sơn chính là một bộ tướng thân cận của Sơn Tinh (thánh Tản Viên) từng cùng với thánh này chống Thủy Tinh và Thục Phán.

Một thuyết khác lại kể rằng Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn người lao Lãng Xương (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Nguyễn Hiền tức Cao Sơn và Nguyễn Sùng tức Quý Minh đều là con người chú ruột của Sơn Tinh.

Có Thuyết kể lại rằng Cao Sơn và Quý Minh là 2 trong số 50 người con theo Lạc Long Quân xuống miền xuôi.

Đền Cao Sơn ở Kim Liên được xây dựng từ năm 1510, vẫn được coi là ngôi đền trấn giữ phía nam kinh thành Thăng Long. Trong đền có tấm bia do Hoàng giáp Lê Trung soạn năm 1510, sau bị mờ, được khắc lại vào năm 1772. Nội dung kể rằng thân Cao Sơn đã “âm phù” Lê Tương Dực trong thời gian đánh Lê Uy Mục.

Ở chỗ nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Kim Liên, cho tới giữa thế kỷ XIX vẫn có một cửa ô gọi là ô Kim Hoa, sau đổi là ô Kim Liên, dân chúng vẫn quen gọi là ô Đồng Lầm. Đây chính là một cửa ô mở qua tường phía nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa. Từ cửa ô này đi ngược lên là hai hồ Bảy Mẫu và Ba Mẫu. Ven hồ là nơi dân làng Đồng Lầm phơi vải. Họ lấy bùn ở dưới hồ lên để “nhấn bùn”  cho vải màu nâu ngả sang đen.

Theo TĐĐP Hà Nội/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)