1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Kỳ 2: Địa bàn lưu truyền và di tích diễn ra lễ hội Đền Và

16/08/2018
Lễ hội Đền Và diễn ra xuân thu nhị kỳ: mùa xuân chọn ngày 14, ngày rằm tháng Giêng; mùa thu chọn ngày rằm tháng chín. Cứ ba năm vào đám một lần nhằm các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Ở vùng xứ Đoài đến nay còn truyền những câu ca dao nói về lễ hội, trong đó lễ hội Đền Và luôn được đặt lên hàng đầu: - Thứ nhất là hội Đền Và Thứ nhì hội Nả, thứ ba hội Vù - Thứ nhất là hội Đền Và Thứ nhì hội Thón thứ ba hội Thầy.
Kỳ 2: Địa bàn lưu truyền và di tích diễn ra lễ hội Đền Và
Đền Và vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo
 
Địa bàn lưu truyền lễ hội
 
Đúng như cách xếp hạng của dân gian, lễ hội Đền Và là lễ hội lớn bậc nhất trong vùng ngay trong khi nói về địa bàn lưu truyền.
Trước hết là toàn dân xã Trung Hưng gồm 5 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Mai Trai, Nghĩa Phủ, Ái Mỗ, trong đó Vân Gia nơi có Đền Và là dân sở tại, cũng là dân giữ vai anh cả trong tục kết chạ cổ xưa.
 
Xã Trung Hưng là xã ngoại thị của thị xã Sơn Tây, ngoài vài nghề thủ công buôn bán nhỏ của dân ven phố, nghề nông vẫn là nghề căn bản. Đời sống kinh tế văn hóa đang được nâng cao, hộ đói không còn. Nhân dân trong xã có truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã có 2 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Phùng Văn Lừu, Phùng Hạnh Phúc và có 5 Mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Kỳ 2: Địa bàn lưu truyền và di tích diễn ra lễ hội Đền Và
Rước nước từ sông Hồng về đền Ngự Dội (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
Toàn xã Trung Hưng nằm trên một vùng đất lưu giữ kho tàng huyền thoại về sự tích Sơn Tinh - vị thần núi Ba Vì với ba ngọn cao xanh, mộng mơ trước mặt; dòng sông Tích uốn lượn bên sườn, thường trào xoáy dữ dội vào mùa lũ, lặng thầm róc rách vào mùa khô. Chính khí thiêng sông núi nơi đây đã từ bao đời khởi hứng, bồi đắp nên chất linh diệu của lễ hội Đền Và.
 

Kỳ 1: Những truyền thuyết khởi nguồn lễ hội Đền Và

Trực tiếp tham gia lễ hội Đền Và, còn phải kể đến nhân dân các xã lân cận như làng Thanh Vị xã Thanh Mỹ; làng Phù Sa, Phú Nhi xã Viên Sơn (đều thuộc thị xã Sơn Tây) và xa hơn nữa tới 7km, sang hẳn phía bên kia sông Hồng là làng Duy Bình xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có đền Ngự Dội, cũng thờ Thánh Tản.
 
Như vậy, tham gia trực tiếp lễ hội Đền Và có đến dân của 9 làng thuộc 4 xã, hai huyện thuộc hai tỉnh.
 
Về dự hội, có năm đông tới chục vạn người đứng kín hai bờ sông Hồng rợp trời cờ quạt chiêng trống.

Di tích diễn ra lễ hội
 
Di tích chính diễn ra Xuân hội là Đền Và. Trong tứ trấn thờ Thánh Tản, Đền Và là trấn phía Đông, gọi là Đông cung.

Các trấn khác là:
 
Tây cung: (Đền Thủ Pháp) xã Minh Quang huyện Ba Vì.
 
Nam cung: (Đền Yên Cư) xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (đền này không còn).
 
Bắc cung: (Đền Thính) xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Đền Và tọa lạc trên quả đồi hình kim quy (rùa vàng). Bao trùm quả đồi là rừng lim cổ thụ, quanh năm xanh rợp khiến khu đền thêm trầm mặc, linh thiêng.
 
Tương truyền, đền có từ thời Bắc thuộc đời Đường. Đến nay, qua nhiều lần tu tạo, đáng kể là các lần vào các năm Nhâm Dần (1902) năm Nhâm Thân (1932), Đền Và đã trở thành một di tích kiến trúc đồ sộ gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, gác trống, gác chuông, tả hữu mạc, tiền tế và hậu cung… Tất cả được bao quanh bằng bức tường thành đá ong vững chắc.
 
Tiền tế là tòa nhà năm gian, cách hậu cung một sân lọng. Hậu cung gồm hai tòa năm gian thông nhau tạo thành hình chữ công.
Từ sát cửa cung trở vào, có các ban thờ:
 
Ban thờ hai tượng tả văn hữu võ.
 
Ban thờ tứ thánh gồm 4 pho to như người thật, tay cầm vũ khí, mình vận bào đỏ. Đây là 4 vị tướng vốn trấn ở 4 cung: Đông, Tây, Nam, Bắc.
 
Ban thờ Công đồng.
 
Ban thờ bài vị các Thánh, khoác long cổn, đội vương miện, đặt trên ba cỗ long ngai lớn.
 
Phía sau cùng bày một khám thờ, bên trong đặt bài vị Thánh mẫu, người đã tiếp thụ linh khí núi sông sinh ra Sơn Tinh (Nguyễn Tuấn).
 
Cửa Đền Và hướng về núi Tản Viên.
 
Dưới chân đồi, kề sát mép sân gạch Bát Tràng trải rộng trước nghi môn là Dinh thờ ngũ hổ. Cạnh Dinh có giếng Cô Tiên, nước trong vắt thấu đáy.
 
Ngoài các đồ nghi trượng, tế khí, Đền Và còn có 3 giá mã: một ngựa bạch, hai ngựa hồng và 3 cỗ kiệu quý và nhiều hoành phi, cuốn thư, câu đối lộng lẫy vàng son. Đáng chú ý là 2 bức hoành phi ca ngợi công đức của Đệ nhất phúc thần Tản Viên Sơn thánh:
 
- Nam thiên thần tổ (thần tổ trời Nam)
 
- Vô sơn dữ tề (không núi nào cao hơn)
 
Nơi diễn ra lễ hội mùa xuân còn phải kể đến đền Ngự Dội bên kia sông Hồng. Ngôi đền cổ vốn đặt sâu trong làng Duy Bình, nay đã thành phế tích. Dân địa phương đã dựng một ngôi đền mới gần ngay bờ sông Hồng.
 
Nơi diễn ra lễ hội mùa thu, ngoài các nghi thức tế lễ ở đền, là hội đánh cá thờ trên dòng Tích Giang đoạn từ Cầu Vang (thuộc xã Đường Lâm) đến Mả Mang (cuối xã Trung Hưng). 
 
Lễ hội Đền Và không bị thu hẹp trong khuôn viên di tích mà trải rộng, kéo dài ra không gian thiên nhiên rộng lớn từ sông Tích đến sông Hồng. Thời gian lễ hội cũng thế, không chỉ khoảnh khắc nhất thời mà trải ra cả xuân thu nhị kỳ. Dư âm của hội, do đó mà ngân nga suốt cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.
 
Đón đọc kỳ cuối: Diễn trình lễ hội Đền Và
Yên Giang/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)