1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Hà Nội: Sôi nổi các hoạt động nhân ngày di sản văn hóa Việt Nam

04/02/2020
Kỷ niệm lần thứ 15 ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2004 - 23/11/2019), tại Hà Nội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Đến với “Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam” công chúng được trải nghiệm những loại hình

văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam

Tại hồ Văn (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám), từ ngày 20 đến 26/11, Hội di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức “Tuần lễ di sản văn hóa Việt Nam”. Gần 60 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giao lưu văn hóa nghệ thuật, trình diễn quay tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm; trình diễn nghệ thuật pha trà và mời trà, nghệ thuật gói bánh chưng; trình diễn áo dài truyền thống của các nghệ nhân, các nhà thiết kế… giúp cho nhân dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về nét đẹp của những di sản văn hóa truyền thống.

Bên cạnh các hoạt động sôi nổi trong “Tuần lễ di sản văn hóa Việt Nam”, tại khu Thái Học di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịp này còn có triển lãm Thư pháp “Truyền kinh chính học”. Đến với triển lãm, công chúng có dịp thưởng lãm 100 tác phẩm của các nhà thư pháp đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam ở cả hai loại hình: Thư pháp Hán Nôm và Thư pháp Quốc ngữ. Nội dung các tác phẩm là các trước tác thơ, văn của Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đây là những áng văn, thơ thấm đẫm tình người, chứa chan tình yêu quê hương, đất nước, cũng chính là cơ sở và là nguồn cảm hứng để các tác giả phóng bút sáng tạo nên những tác phẩm đặc sắc trong triển lãm lần này.

Một địa điểm không thể thiếu trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày di sản văn hóa Việt Nam đó là Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Tại địa điểm này, từ 22 đến 24/11 đã diễn ra “Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam” lần thứ 2. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước được thưởng lãm, trải nghiệm những loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam như: hát then, hát văn, bài chòi, quan họ, hát chèo, ví dặm, ca trù, hát xẩm... cùng với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, vượt cầu khỉ, nặn tò he…

Cùng với “Ngày hội di sản văn hóa Việt Nam”, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm “Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời”. Triển lãm lần đầu tiên khai thác sự đa dạng, phong phú của nguồn tài liệu Châu bản triều Nguyễn kết hợp với tài liệu tiếng Pháp gồm hình ảnh, bản đồ, bản vẽ về thành Thăng Long - Hà Nội, nhằm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng, thay đổi cấu trúc không gian thành Thăng Long - Hà Nội từ năm 1802 - 1897.

Tiếp nối thành công của triển lãm nghệ thuật đa phương tiện “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, từ ngày 20 đến 26/ 11 tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức triển lãm “Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống”. Tại triển lãm 50 bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên cùng với  hơn 100 bức tranh Hàng Trống được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping được giới thiệu đã giúp người xem có cái nhìn tổng quát, sâu hơn về dòng tranh này. Bên cạnh những bức tranh thờ, tranh Tết thì những bức tranh thế sự cũng đã giúp công chúng thấy được những nét đặc sắc cũng như sự thay đổi và phát triển của dòng tranh Hàng Trống qua thời gian.

Không chỉ minh chứng cho sức sống và giá trị của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cũng như những nỗ lực để gìn giữ một dòng tranh quý, triển lãm còn là lời khẳng định về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc quảng bá sâu rộng về thành tựu của di sản Việt Nam nói chung, nghệ thuật tạo hình Việt Nam nói riêng.

Góp phần làm nên không khí sôi nổi của các hoạt động chào mừng ngày di sản còn có Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tại đây, trong hai ngày 23 và 24/11/2019, đã diễn ra chương trình “Âm nhạc của người Khơ Mú ở Nghệ An và Điện Biên” với sự góp mặt của 19 nghệ nhân đến từ hai tỉnh Nghệ An và Điện Biên. Chương trình giới thiệu đến công chúng cách chế tác nhạc cụ truyền thống (các loại sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ...); cách thực hành trình diễn với làn điệu hát tơm của nhóm Khơ Mú đến từ tỉnh Nghệ An cùng các điệu múa dân gian như: thằm đao đao, múa sạp, múa boòng bụ (dỗ ống), múa lắc eo tự biên của nhóm Khơ Mú đến từ tỉnh Điện Biên.

Qua những hoạt động ý nghĩa này, công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ phần nào hiểu thêm về di sản văn hóa phi vật thể, cũng như những đặc trưng văn hóa dân tộc các vùng miền từ đó thêm tự hào, thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia Phú/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-soi-noi-cac-hoat-dong-nhan-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam_256817.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)