1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Tin tức Hà Nội

Hà Nội: Hội Cựu chiến binh phường Nguyễn Trãi ký ức Vị Xuyên - Tri ân Anh hùng Liệt sỹ

22/08/2020
Như một lời hẹn ước, tháng 7 năm nay đoàn Cán bộ, Hội viên Cựu Chiến binh (CCB) phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã cùng nhau hành trình “Ký ức Vị Xuyên” – Tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang nằm an nghỉ tại nghĩa trang vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây những ngày tháng 7 lại chộn rộn bước chân của các cựu chiến binh tìm về. Người còn sống thắp hương cho người đã mất, hương khói, nước mắt và nụ cười là những hình ảnh dễ gặp nơi “Chảo lửa” Vị Xuyên - một trong những vùng chiến sự đẫm máu trong chiến tranh biên giới 1979 - 1989…

Tháng 7 năm nay, khi những người con đất Việt đang hướng trọn lòng tri ân thành kính tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, được sự nhất trí của Hội CCB quận Hà Đông và Đảng ủy phường Nguyễn Trãi, từ ngày 10 đến ngày 13/7/2020, Hội CCB Phường Nguyễn Trãi đã tổ chức một chuyến đi: “Hành trình ký ức Vị Xuyên” – Tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa; Đ/c Nguyễn Thành Hưng – Chủ tịch Hội CCB phường làm trưởng đoàn. Năm nay cũng là tròn 36 năm ngày Bộ Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên mở chiến dịch mang mật danh “MB84” (ngày 12/7/1984) nhằm thu hồi một số vị trí đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên.

 

Đoàn Cán bộ, Hội viên Cựu Chiến binh Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội tham gia hành trình "Ký ức Vị Xuyên"

Dịp “12 tháng 7” năm nay là kỷ niệm 36 năm ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch MB84, cùng với các CCB phường Nguyễn Trãi với hành trình “Tìm lại ký ức Vị Xuyên” – Tri ân các anh hùng liệt sĩ, còn có các CCB Vị Xuyên từ khắp các nơi như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... về thăm chiến trường xưa rất đông. Nhiều người dẫn theo vợ hoặc con, cháu với tâm nguyện hành trình về “Vị Xuyên” thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người đồng đội năm xưa và nhớ về một thời tuổi trẻ kiên cường giữ nước.

Chiều 10 tháng 7, đoàncán bộ Hội CCB phường Nguyễn Trãi đã tổ chức đặt vòng hoa tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, mọi người cùng nhau thắp hương trên Đài hương tưởng nhớ các Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Hoạt động chính của đoàn Hội CCB phường Nguyễn Trãi chuyến đi diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của 1.797 Anh hùng Liệt sĩ, trong đó gần 300 ngôi mộ “Chưa biết tên” và một ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ hy sinh tại hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy.

Đoàn Cựu Chiến binh Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ  Vị Xuyên"

Ngược dòng lịch sử, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 Quân đoàn chủ lực và 32 Sư đoàn bộ binh độc lập, 6 Trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 Sư đoàn và Trung đoàn Pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công xâm lược lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km. Mặc dù Trung Quốc có biện minh dưới chiêu bài "phản kích tự vệ", nhưng thực chất đây là hành động xâm lược Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quân và dân Việt Nam đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước, buộc phía Trung Quốc tuyên bố rút quân, đến ngày 18/3/1979 thì hoàn thành, nhưng trên thực tế, cuộc chiến đã kéo dài tới 10 năm (1979 - 1989).Từ năm 1984 đến năm 1989, cuộc chiến ở Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang) diễn ra vô cùng ác liệt. Trung Quốc đã huy động tới hơn 50 vạn quân của 8/10 Đại Quân khu, cùng khoảng 800 khẩu pháo lớn nhỏ.

Thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn sang Việt Nam từ 30 – 50 ngàn quả đạn pháo,… khiến cho núi lở, đá đè lấp kín khe sâu. Vì thế, trong hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ ta hi sinh tại Vị Xuyên, thì có tới hơn 2.000 liệt sĩ vẫn chưa lấy được hài cốt.Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, sự chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm của quân đội, các lực lượng vũ trang, chúng ta đã chiến thắng, đánh bại âm mưu xâm lược, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.41 năm đã qua đi kể từ ngày xảy ra chiến tranh biên giới 1979, 36 năm kể từ ngày mở màn chiến dịch MB84, mảnh đất Vị Xuyên đã thay da đổi thịt, “lò vôi thế kỷ” đã trở nên xanh tươi, Thanh Thủy, Thanh Hương, Thanh Đức rộn tiếng cười... Trong hành trình trở về “Tìm lại ký ức Vị Xuyên” – Tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong đoàn chúng tôi là những người lính đã từng tham gia chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đều thấu hiểu những sự hy sinh anh dũng của các anh sẽ mãi mãi không bao giờ bị lãng quên!

Cũng trong chương trình, đoàn cán bộ Hội CCB phường Nguyễn Trãi còn tới thăm cụm Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945).Pác Bó đó, vẫn trong trẻo và tinh khôi như thuở Bác Hồ vừa đặt chân đến sau những năm bôn ba tìm đường cứu nước. Pác Bó đó, vẫn khiến lòng người rạo rực, bước chân, vẫn muốn đến nơi người Bác Hồ kính yêu đã sống, làm việc và dẫn dắt Cách mạng Việt Nam.

Hướng về kỷ niệm 75 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2- 9; Đoàn tới thăm cụm di tích Cây đa Tân Trào – Biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang. Dưới gốc đa Tân Trào, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó quân Việt Nam Giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của đại biểu các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc. Từ đó cho đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang. Mặc dù đã trải qua 75năm, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng về với Tân Trào, về lại chiến khu xưa, mỗi người chúng tôi dường như vẫn cảm nhận được không khí hào hùng của những ngày Thu Tháng Tám lịch sử năm xưa. Mỗi địa danh, mỗi di tích ở đây đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng nơi khởi nguồn của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam khi xưa và hiện nay đã trở thành địa chỉ đỏ để nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau./.

Nguyễn Chiến/Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/ha-noi-hoi-cuu-chien-binh-phuong-nguyen-trai-ky-uc-vi-xuyen-tri-an-anh-hung-liet-sy-79978057.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)