1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Ảnh
  4.  › 
  5. Khám phá

Giáo dục lịch sử, văn hóa chính là xây dựng nền tảng để sinh viên Việt Nam vững tin hội nhập quốc tế

06/02/2019
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Nhân dịp xuân mới, phóng viên báo Người Hà Nội đã có buổi trao đổi với GS. TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV về định hướng đào tạo ngành khoa học xã hội của trường, đặc biệt là những chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử, văn hóa đối sinh viên hiện nay, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Giáo dục lịch sử, văn hóa chính là xây dựng nền tảng  để sinh viên Việt Nam vững tin hội nhập quốc tế
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV
 
 PV: Trong những năm gần đây người ta nói nhiều đến vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia - dân tộc. Giáo sư có thể chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?
 
GS.TS Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ rằng văn hóa ngày nay đã trở thành nguồn lực phát triển của các quốc gia - dân tộc. Nguồn lực ở đây không chỉ là tài nguyên theo nghĩa thông thường, mà là sức mạnh, là bản sắc và làm nên sự khác biệt giữa các quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta chứng kiến sự xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia - dân tộc, chúng ta bắt gặp nhiều hơn sự đồng điệu, giống nhau trong thị hiếu của lớp trẻ hiện nay, họ cùng xem những bộ phim mang tính giải trí, những bộ trang phục, cùng nghe những bản nhạc trẻ… đó là xu hướng không thể tránh khỏi trước xu thế toàn cầu hóa như hiện nay. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là các quốc gia - dân tộc phải tạo được cho mình bản sắc riêng, tạo được sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa, có như vậy quốc gia - dân tộc mới có được nguồn lực riêng phục vụ cho sự phát triển. Chính văn hóa, chứ không phải các yếu tố khác, mới là động lực, nền tảng cho sự phát triển đa dạng, đặc sắc và bền vững của thế giới.
 
PV: Được biết trong các đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt là trong các bài giảng với sinh viên, Giáo sư đều kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam với những kiến thức quốc tế, hiện đại và mới mẻ. Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều về phương pháp giáo dục lịch sử, văn hóa cho sinh viên hiện nay?
 
GS.TS Phạm Quang Minh: Đối với bất kỳ quốc gia - dân tộc nào thì lịch sử và văn hóa cũng là hai thành tố rất quan trọng. Tôi thường bắt đầu bài giảng của mình bằng một câu hỏi với sinh viên: Theo các bạn, lịch sử và văn hóa có quan trọng đối với một quốc gia - dân tộc hay không?  Và phần lớn các em đều đưa ra câu trả lời là có, rất quan trọng. Tôi lại hỏi tiếp: theo các em nó quan trọng như thế nào? Thì hầu hết các em đều cảm thấy lúng túng khi đưa ra câu trả lời. Ngày nay, giới trẻ dành sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề khoa học công nghệ, giải trí, du lịch, mua sắm, hưởng thụ… mà ít quan tâm đến lịch sử, văn hóa, các giá trị truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ lý do là chúng ta chưa đổi mới phương pháp, nội dung, tài liệu giảng dạy. Khi giảng dạy về lịch sử tôi thường giúp các em học sinh “kể các câu chuyện” theo các cách khác nhau, gợi sự tò mò và hứng thú ở sinh viên, tránh áp đặt, chủ quan; đặc biệt chú ý tiếp cận theo hướng gắn lịch sử với các diễn biến, vấn đề, sự kiện hiện đang diễn ra, gắn kết các sự kiện, tiến trình lịch sử với sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa của dân tộc, so sánh với các quốc gia khác để các em có thể tiếp thu một cách sinh động, toàn diện, đa chiều hơn. Tôi thường sử dụng phương pháp 3C (Comparison - so sánh; Connection – kết nối; Change – thay đổi) để giúp các em sinh viên hiểu về lịch sử và văn hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới trong cùng thời điểm lịch sử, giúp các em hiểu được sự vận động, biến đổi của văn hóa theo chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. 
 
PV: Qua những gì Giáo sư vừa chia sẻ, Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử, văn hóa cho sinh viên nói riêng và cho thế hệ trẻ ngày nay nói chung? 
 
GS.TS Phạm Quang Minh: Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam… bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. 
 
Tôi cho rằng, việc giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường là rất quan trọng và cần thiết để góp phần hình thành nên những phẩm chất cho các em, những thế hệ tương lai, chủ nhân của đất nước sau này. Đối với các em sinh viên, việc giáo dục lịch sử, văn hóa chính là xây dựng những kiến thức nền tảng cho sinh viên Việt Nam về đất nước, văn hóa, dân tộc mình trước khi bước ra thế giới. Để mỗi khi giao lưu tiếp xúc với công dân các nước khác, mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam đều “khắc cốt ghi tâm” lòng tự hào tự tôn dân tộc bởi hơn hết các em chính là các “đại sứ nhân dân” mang hình ảnh đất nước đến bạn bè năm châu, đóng góp thiết thực vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, xứng đáng là công dân toàn cầu trong bối cảnh thế giới phẳng.
 
PV: Trường ĐH KHXH&NV với sứ mệnh là đơn vị tiên phong đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội, với vai trò vừa là hiệu trưởng, nhà quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy, Giáo sư có định hướng như thế nào để khoa học xã hội nói chung và Trường ĐH KHXH&NV nói riêng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước?
 
GS.TS Phạm Quang Minh: Hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng các ngành khoa học cơ bản, nhất là khoa học xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Tôi lại nghĩ khác, theo tôi đây chính là thời điểm mà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam có cơ hội để thể hiện và chứng minh ưu thế và vai trò của mình. Chính khoa học xã hội, chứ không phải là khoa học tự nhiên và kỹ thuật, lại có cơ hội phát triển hơn vì công dân các nước khác muốn đến Việt Nam để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của Việt Nam ngày một nhiều hơn.
 
Đối với Trường ĐH KHXH&NV, tập thể cán bộ giảng viên của nhà trường luôn xác định sứ mệnh của trường chính là phải đào tạo ra những công dân của thời kỳ toàn cầu hóa. Nghĩa là những sinh viên Việt Nam ra trường phải làm việc được ở những môi trường khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, chứ không chỉ ở Việt Nam. Làm được điều đó rất khó. Tuy nhiên, nhà trường có các chuyên gia giỏi, đam mê nghề nghiệp, có phương pháp giảng dạy hiện đại và thân thiện nên có thể giúp sinh viên nhanh chóng chiếm lĩnh được các lĩnh vực khoa học khó... Tôi hy vọng rằng, giảng viên và sinh viên của Trường ĐH KHXH&NV có thể làm việc được trong các môi trường văn hóa khác nhau và công trình của họ sẽ được nhiều người biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi mong muốn các giảng viên và sinh viên của nhà trường trong điều kiện của mình hãy trở thành các “đại sứ văn hóa” thực thụ, đem các giá trị văn hóa lịch sử của Việt Nam đến các bạn bè thế giới nhiều hơn nữa. Nếu như thế hệ trước đã có công bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước thì trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải biết trân trọng, gìn giữ, phát huy các giá trị, tinh hoa của đất nước, là cầu nối để thế giới biết đến Việt Nam không phải là một đất nước với những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, mà là một nền văn hóa, văn minh. 
 
PV: Một năm cũ sắp qua đi để chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới, thông qua báo Người Hà Nội, Giáo sư có muốn gửi gắm điều gì đối với cán bộ, giảng viên cũng như những sinh viên của nhà trường? 
 
GS.TS Phạm Quang Minh: Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin chúc cán bộ giảng viên, sinh viên của trường sức khỏe, hạnh phúc, thành công, có thêm niềm tin vào sự phát triển của nhà trường, vào sự đổi mới của đất nước, có sự đồng tâm nhất trí để biến mục tiêu xây dựng Trường ĐH KHXH & NV trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến, điển hình về khoa học xã hội ở Việt Nam. Chúc cho mỗi giảng viên và sinh viên của nhà trường hãy làm chủ tương lai tươi sáng của mình trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đúng với phương châm của nhà trường là “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai” (Honoring the Past, Embracing the Future).
 
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 
Minh Huệ/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)