1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Hãy quan tâm bồi dưỡng kỹ năng cho người dạy, người phục vụ việc dạy học

23/03/2020
Chuyện một em bé bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong trước thềm năm học mới vừa qua tại trường quốc tế Gateway đã làm dấy lên một mối lo ngại không hề nhỏ đối với các bậc phụ huynh và khiến dư luận vô cùng hoang mang trước sự bất cẩn, tắc trách và vô trách nhiệm của nhà trường. Từ đó xã hội đặt ra hoài nghi: Trường học đã phải là nơi an toàn nhất cho con cái họ chưa? Bàn về thế nào là chuẩn quốc tế, trách nhiệm và sự quản lý của nhà trường để làm sao tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và nhân văn. Phóng viên có cuộc trao đổi với thầy Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.


Thầy Đỗ Tuấn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội 
 

PV:  Là người làm công tác giáo dục thầy đánh giá thế nào về cách quản lý sau sự việc trẻ bị bỏ quên trên xe tại trường Gateway vừa xảy ra?

 

Thầy Đỗ Tuấn Minh: Bất cứ ai trong xã hội đều cảm thấy rất bàng hoàng, đau xót trước sự việc vừa xảy ra tại trường Gateway. Qua sự việc này người ta phải nhìn lại các yếu tố chung để đảm bảo chất lượng đào tạo ở các cấp học. Vấn đề phải quan tâm nhiều là các yếu tố đảm bảo chất lượng ở các cấp học. Nó không còn là những yếu tố cao xa, đao to búa lớn mà là những yếu tố nhỏ nhất như chăm sóc, hỗ trợ, phục vụ người học. Nên bớt đi những thứ mang hình thức trong giáo dục, bớt đi những thứ mà đôi khi các nhà quản lý, giáo viên mất thời gian vào đó mà nên dành thời gian quan tâm, rà soát lại từng khâu, từng bước trong giáo dục, đào tạo rèn luyện, chăm sóc, hỗ trợ người học. Những ngày đầu tiên của năm học chúng ta nên dành thời gian đó để định hướng cho trẻ về kỹ năng. Dành thời gian tập hợp phụ huynh lại để bàn với nhau về cách phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường,  tránh tình trạng gia đình “khoán trắng” cho nhà trường và ngược lại. Lâu nay, chúng ta thường nói nhiều về việc rèn kỹ năng cho người học mà lại quên mất kỹ năng cho người dạy, cho người phục vụ việc dạy học. Chúng ta chỉ chăm chăm làm sao chuyên môn cho giỏi, làm sao đủ chứng chỉ, yêu cầu mà quên mất rằng việc bồi dưỡng kỹ năng, quy tắc ứng xử cho chính người đứng trên bục giảng và những đối tượng phục vụ cho việc học như bảo vệ nhà trường, người tạp vụ cũng không kém phần quan trọng. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu tâm sinh lý trẻ cũng cần được quan tâm để nắm bắt được những thay đổi của trẻ từ đó đưa ra được những cách dạy, cách chăm sóc phù hợp. Và cũng cần chú ý đến sự kết nối giữa các khâu trong quản lý từ việc dạy đến việc chăm sóc, đưa đón người học. Nếu mỗi người trong các khâu ấy đều làm tốt nhiệm vụ của mình bằng chính cái tâm thì chắc chắn tránh được những chuyện đáng tiếc. Tôi tin rằng, sau sự việc đau lòng vừa qua các trường mầm non, tiểu học… sẽ quan tâm chặt chẽ quy trình đón, trả học sinh. Và các nhà quản lý sẽ phải nhìn nhận lại cách quản lý của trường mình.

 

PV: Hiện nay có rất nhiều trường dân lập được mở và mang danh trường quốc tế, vậy thầy có thể cho biết như thế nào được gọi là trường chuẩn quốc tế?

 

Thầy Đỗ Tuấn Minh: Theo tôi, chuẩn trước tiên là phải chuẩn từ con người, sau đó mới nói nói đến các yếu tố khác. Phụ huynh nhiều khi không quan tâm cô giáo có phải giáo viên có chuyên môn giỏi hay không mà quan tâm đến việc giáo viên có chăm sóc tốt cho con mình hay không? Chúng ta cần những người dắt được các cháu lên xe thì phải đưa được các cháu xuống an toàn. Chứ không phải “lương tôi chỉ có vậy nên tôi chỉ làm được thế”. Tuy nhiên, tất cả đều có những quy định cụ thể về việc đăng ký các trường, ngay cả việc tên gọi như thế nào đều theo quy định của nhà nước. Với những cơ sở trường quốc tế có những bộ tiêu chuẩn rất đầy đủ và rành mạch như về cơ sở vật chất, đội ngũ, quy trình hỗ trợ đào tạo người học... Nhưng không phải cứ có yếu tố nước ngoài như nhân viên là người nước ngoài hay có chương trình đào tạo nước ngoài mà tự phong là trường quốc tế. Còn câu chuyện tự phong là trường quốc tế không phải không có, các chuyên gia giáo dục cho biết, việc các trường tự phong là “quốc tế” có yếu tố làm hấp dẫn phụ huynh và người học, đồng thời các trường cũng đưa ra mức thu rất cao; phụ huynh thì ngộ nhận rằng chính con họ đang học trường quốc tế nên không ngại đầu tư. Từ  bài học thương tâm này thì các bên nên ngồi lại với nhau và câu chuyện về trường quốc tế cần phải rạch ròi tránh tình trạng “dở trăng dở đèn”.

 

PV: Là một người làm giáo dục, vậy theo thầy điều gì quan trọng nhất để làm nên chất lượng giáo dục hiện nay?

 

Thầy Đỗ Tuấn Minh: Theo tôi, mỗi người đều phải làm tốt công việc của mình, trên cương vị của mình. Ví như tôi trên cương vị là hiệu trưởng ngoài việc quan tâm đến việc quản  lý, tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, tôi còn quan tâm làm sao để đào tạo được đội ngũ giáo viên sau này giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi kỹ năng và có tâm sáng để làm nghề. Nhiều khi chúng ta cứ mải miết chạy theo chuẩn đầu ra, nhưng có một chuẩn đầu ra vĩnh cửu không bao giờ thay đổi đó chính là cái tâm sáng. Nếu đã chọn nghề làm giáo viên phải yêu nghề, yêu trẻ, tâm huyết chứ đừng chạy theo đồng tiền. Người giáo viên đứng lớp phải là người truyền được cảm hứng, tạo động lực cho người học. Làm sao để mỗi người giáo viên đứng trên bục giảng đều là những nhà giáo dục chứ không phải chỉ là giáo viên hay huấn luyện viên. Để làm được điều này đòi hỏi các trường sư phạm phải có phương pháp đào tạo tốt để làm sao tạo ra được những thế hệ giáo viên giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ và có cái tâm sáng để bước vào nghề.
 

Trân trọng cảm ơn thầy!

Nguyên Hương/Lệ Quyên/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)