1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Xin thôi trò đốt vía!

26/10/2021

XIN THÔI CÁI TRÒ ĐỐT VÍA !

                   Tác giả: NGUYỄN XUÂN HẢI

 

                                               NHÂN VẬT

           BÀ TÍN : 50 tuổi - tiểu thương bán hoa quả ở chợ

           CÔ XINH : 35 tuổi - tiểu thương bán hoa quả ở chợ

           NGHĨA : 28 tuổi - Giáo viên tiểu học.

           CỬ : 32 tuổi - Cảnh sát PCCC, người yêu của Nghĩa

           ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI BẢO VỆ (của chợ):  55 tuổi

Và một số nhân vật phụ như:  Nhân viên bảo vệ,  một vài khách hàng...

 

                                             CẢNH 1

          DÃY HÀNG BÁN HOA QUẢ TẠI MỘT CHỢ DÂN SINH

 

   Chợ chiều. Khách đã vãn. Khu vực bán hoa quả chỉ còn vài người trong đó có sạp hàng của bà Tín bên sạp của cô Xinh. Sạp hàng của bà Tín chỉ còn cam, ổi, thanh long... Của cô Xinh còn vú sữa, chôm chôm, thanh long và mấy bó hoa cúc để cúng.

   BÀ TÍN  (thở dài rồi tự nhủ ): Khách sắp đến nhà rồi mà hàng còn đầy ra.

Có hai cô gái đi ngang qua,Bà Tín đon đả chào: - Cam ngon quá các cô ơi, vào đây, vào đây...Chợ chiều rồi, bác để vốn cho...

    Hai cô gái lắc đầu rồi đi tiếp.

  CÔ XINH: Khách nào mà hôm nay chị nóng về thế?

  BÀ TÍN: Người yêu con gái đến ra mắt.

  CÔ XINH: Chúc mừng chị... Thế cháu Nghĩà nhà mình mấy tuổi rồi nhỉ?

  BÀ TÍN: Sao lại mấy... Hai tám rồi. Tính cả tuổi mụ là 29. Sang năm là 30. Mà như các cụ nói thì “gái 30 tuổi đã toan về già” rồi.

   CÔ XINH: Cháu Nghĩa trắng trẻo, xinh xắn, nom trẻ như gái 20 lo gì... Cơ mà năm nay 29 là được tuổi lấy chồng đấy...

   BÀ TÍN: Lẽ ra cháu lấy chồng từ năm hai bốn cơ. Nhưng dạo ấy bố cháu đang ốm nặng. Anh người yêu đòi cưới chạy tang, nó không chịu. Năm sau nhà họ lại đòi cưới, cháu khất để tang bố thêm 2 năm. Thế là nhà người ta cưới luôn cô khác cho con trai...

   CÔ XINH: Con bé vừa đẹp người, lại hiếu thuận thế... Ai mà lấy được chỉ có mà nhất...

   BÀ TÍN: Thì ai cũng nói thế nhưng con trai thời buổi này họ nghĩ khác rồi... Cảnh mẹ quá con côi lại nghèo như nhà tôi, đã có mấy cậu đến... rồi lại đi...

   CÔ XINH :- Thế lần này chị thấy cậu ấy thế nào ?

   BÀ TÍN: Nào đã biết mặt biết tên đâu. Hỏi cháu, nó nói: Khi nào chắc chín chín phần trăm mới dám đưa về nhà...

  CÔ XINH: Cũng phải. Cứ để người ta đến nhà, xem ý tứ người ta có thông cảm với gia cảnh của mình không đã...

  BÀ TÍN (lại thở dài): Con cái nhà nghèo sao mà khổ thế! Xinh đẹp đấy. Đức hạnh đấy mà người ta có cần biết đâu... Người ta cứ mơ cửa cao nhà rộng, xe cộ đàng hoàng cơ...

  CÔ XINH:  Ông giời có mắt cả  đấy. Chị chả phải lo cho chóng già...


Đúng lúc ấy Cử xuất hiện. Anh đi về phía sạp hoa quả.

   BÀ TÍN (tươi tỉnh): -Cam ngon quá cậu ơi... Vào mua mấy cân về pha nước cho các cháu uống. Giời nắng nôi thế này, uống nước cam là bổ nhất hạng...

   CỬ (bước đến quầy của bà Tín ): Chỉ có cam thôi hở cô?

   BÀ TÍN: Có thanh long  nữa... Mùa này ăn thanh long là mát ruột lắm...

   CỬ: Thôi. Cháu mua cam cũng được. Cô lựa cho cháu 3 cân...

   BÀ TÍN: Lấy cả 5 cân, cô để vốn cho...

 
 

   Trong khi bà Tín đang nhặt cam cho vào túi ni lon,  Cừ nhìn sang sạp hàng của cô Xinh. Thấy có khay vú sữa khá đẹp mã, Cừ ngẩn người ra nghĩ ngợi rồi cất giọng nhỏ nhẹ:

 CỪ: - Cô ơi...Cháu thành thật xin lỗi cô. Thực ra là hôm nay cháu rất cần mua vú sữa. Mà sạp của chị bên kia lại có nên cháu xin không mua cam nữa...

   BÀ TÍN: -Thì mua cả cam cả vú sữa cũng được mà. Mua ủng hộ bà già đi...

   CỪ: - Cô hết sức thông cảm. Cháu có việc chỉ thể mua vú sữa... (Ngần ngừ một lát rồi nói tiếp). Mà thôi, cô cân cho cháu 2 cân cam cũng được.

 
   Rồi Cừ lặng lẽ xách túi cam bước sang bên quầy của cô Xinh.

   CÔ XINH: Anh lấy mấy cân?

   CỪ: -Chị cho 3 cân. Lựa giúp những quả ngon nhá.

   CÔ XINH (vừa lựa hàng cho vào túi vừa nói nhỏ): -Yên tâm, vú sữa em căng mọng thế này, nhìn ngon mắt, sờ sướng tay, ăn sẽ nhớ...

   CỪ:- Tôi mua làm quà thôi.

 
 

Cuộc mua bán của Cử kết thúc thật nhanh chóng. Cử không lấy tiền thừa trả lại mà vội vã đi ngay. Bà Tín nhìn theo Cử lẩm bẩm :

   BÀ TÍN: - Lúc nào cũng “vú sữa em căng mọng”mà không biết ngượng mồm...

   CÔ XINH (quay sang hỏi cốt để làm lành): Sáng em thấy chị cũng cất cả chục ký vú sữa cơ mà. Bán lúc nào mà nhanh hết thế?

   BÀ TÍN:  Sáng bán được một ít. Trưa có một cô đến mua  nốt...Vú sữa thì còn để lâu được chứ cái đống cam phơi nắng cả ngày thế này , đến mai khéo ế teo ế tóp ... Không biết hôm nay ra ngõ gặp ai mà hãm thế không biết...

 
 

  Lại có một phụ nữ đi ngang qua. Bà Tín lại ra sức chào mời. Người phụ nữ nhặt mấy quả cam lên, bũi môi chê cam héo rồi bỏ đi... Bà Tín càng thêm bức xúc.

    Nghĩ ngợi một lát, bà Tín rút một mảnh báo từ tập báo để gói hoa, quả cho khách cuộn lại rồi châm lửa đốt. Trời khô nóng, lửa cháy bùng bùng. Bà Tín vung lửa  múa may một cách kỳ quặc quanh sạp hàng. Lát sau bà thả mảnh báo đang cháy xuống đất, nhảy qua nhẩy lại 7 lần và đọc những câu như sau:

     BÀ TÍN: - Đốt vía, đốt van.Vía lành thì ở, vía dữ xéo đi... Con lạy ông Thổ Địa dưới âm ti. Con lạy dì Phật Bà trên thượng giới. Phù hộ cho con bán buôn thuận lợi. Hàng của con không bị khách chê ỏng chê eo. Phù hộ cho mẹ con con sớm thoát phận nghèo... Đốt vía, đốt van. Vía lành thì ở, vía dữ xéo đi... (Cảnh  vừa hài vừa bi vừa hài diễn ra trong khoảng 2 phút)

     Mảnh báo thứ nhất đã cháy gần hết và bị gió cuốn đi. Bà Tín rút mảnh báo thứ 2 ra châm lửa tiếp thì lập tức có tiếng còi rúc lên liên hồi. Từ trong chợ, ông Đội trưởng đội bảo vệ đang phùng má thổi còi cùng 4 đội viên xách  bình chữa cháy chạy tới vây quanh bà Tín. Một cô bán rau cũng cầm cái bình nước (thường để phun cho rau tươi) tới. Nhìn thấy tờ báo thứ 2 trên tay bà Tín vừa bén lửa, cô gái phun nước dập lửa luôn... Trong khi đó 4 đội viên bảo vệ cũng lăm lăm bình chữa cháy trong tay chĩa về phía bà Tín chờ lệnh của Đội trưởng. Đội trưởng thấy tờ báo trên tay bà Tín đã tắt lửa lền hô lớn:

    ĐỘI TRƯỞNG: Đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Thực hành tiết kiệm, các đồng chí chốt lại bình bọt và chờ lệnh tiếp.

 
 

    Cô Xinh tủm tỉm cười còn bà Tín sợ tái mặt. Cô hàng rau lặng lẽ bỏ đi...

    ĐỘI TRƯỞNG (quay sang cô Xinh): - Cái nhà chị kia cười cái gì? Sự việc nghiêm trọng diễn ra ngay trước mắt. Ý thức công dân của chị để ở đâu mà không khuyên ngăn mà lại  nhăn răng ra cười...

    Cô Xinh im bặt.

   ĐỘI TRƯỞNG (tiếp): - Mấy tháng nay, ngày nào tôi cũng cầm loa đi khắp chợ thông báo việc thắp hương, đốt vàng mã  phải đúng nơi, đúng chỗ và phải túc trực, canh chừng bên nơi thắp hương đề phòng cháy lan... Vậy mà hôm nay vẫn có người vi phạm. Các đồng chí đứng nghiêm tại chỗ chờ tôi làm cái biên bản phạt nóng...

  CÔ XINH (giọng đanh đá):- Tôi có ý kiến thế này, ban nãy ông phê bình tôi cũng  đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Này nhá, ông loa loa việc phải hạn chế và hết sức cẩn trọng khi thắp hương và đốt vàng mã... Cả tháng nay chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành rồi,đúng chưa?

  ĐỘI TRƯỞNG: - Đúng.

 CÔ XINH : -Thế  tôi hỏi ông, khi  loa, đã lúc nào ông nói đến việc đốt vía chưa?

 
 

  Mấy anh bảo vệ đưa mắt nhìn nhau rồi cùng lẩm bẩm:

-         Ừ nhỉ. Chưa thấy loa nói đến việc đốt vía...

   ĐỘI TRƯỞNG : - Nói cho cô và bà đây biết nhá. Cái tờ báo cháy ở đây đã theo gió chạy lông nhông dọc chợ. Đến đám rơm khô của mấy bà bán chuối nải mới bỏ ra thì mắc lại rồi bén cháy nghi ngút... May mà cô em bán rau đây kịp thời phát hiện, dội hết cả thùng nước mới dập tắt được...

    Ông đội trưởng quay sang phía cô ban rau đứng ban nãy nói:

ĐỘI TRƯỞNG : - Cô em rau đâu rồi. Anh sẽ đề xuất thưởng nóng cho em...

CÔ XINH: - Em rau đi từ tám hoánh rồi. Về thưởng nguội thôi!

ĐỘITRƯỞNG (nói tiếp):

  -Mà nói dại nhá! Cái tờ báo lửa của bà này mà bay lên phía hàng bán quần áo, vải vóc, chăn ga, gối đệm thì hậu quả sẽ nguy hại khôn lường, phải không nào?

 
 

   Mấy anh bảo vệ lại gật đầu lẩm bẩm:

    -Cũng phải...

   CÔ XINH (nói nhỏ):- Các ông chỉ được cái quan trọng hóa vấn đề.

    ĐỘI TRƯỞNG (nói tiếp): -Sao lại không quan trọng. Trong đợt chúng tôi đi tập huấn vừa rồi, các anh bên phòng cháy quán triệt rất chi là kỹ, rất chi là căng vấn đề sử dụng củi lửa, điện đóm  trong các chợ dân sinh...

   NHÂN VIÊN BV 1 (phụ họa ) - Ngay cái hôm học bài đầu tiên, để nói về tầm quan trọng, đồng chí Trung úy giáo viên Lê Văn Cử đã điểm lại một số vụ cháy chợ. Ví như cái vụ cháy chợ trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi năm trước,thiêu luôn 700 sạp hàng,thiệt hại gần 200 tỷ... kinh chưa?

    NHÂN VIÊN BV 2: - Chưa kinh bằng cái vụ cháy Trung tâm thương mại ở Hải Dương năm sau. Anh Cử nói tổng thiệt hại lên đến hơn 400 tỷ đồng khiến hơn 500 tiểu thương ở đây khánh kiệt luôn cơ...

   NHÂN VIÊN BV 3: - Chả phài nói đâu xa, vụ cháy chợ Quang huyện Thanh Trì, Hà Nội mình mới năm kia cũng thiêu rụi tất cả các ki ốt khiến bà con tiểu thương ở đây trắng tay...

  NHÂN VIÊN BV 4: - Sợ nhất vẫn là cái vụ cháy chợ Phùng Khoang. Chính tôi đã chứng kiến vụ cháy lúc rạng sáng  hôm ấy. Ông chủ cửa hàng bánh mì thiệt phận, hai người trong nhà bị bỏng nặng... Đau xót lắm mọi người ạ!

  ĐỘI TRƯỞNG : - Còn cái vụ cháy chợ Đồng Xuân năm xưa thì...

CÔ XINH (cắt lời ông Đội trưởng): -Thôi, tôi xin các anh đừng kể thêm nữa... Càng kể càng thêm nẫu ruột. Chúng tôi rút kinh nghiệm là được chứ gì.  
 
  BÀ TÍN (rớm nước mắt): Thôi, tôi biết tôi sai rồi. Các ông lập biên bản đi, phạt đi cho tôi còn về... Hôm nay nhà tôi có việc... (Nói đến đây giọng bà Tín nghẹn lại)
    Đội trưởng đặt cái bình chữa cháy ,mở xà –cột đeo chéo vai lấy ra một quyển sổ và nói:

 ĐỘI TRƯỞNG: - Thằng nào văn hay chữ tốt giúp tao lập cái biên bản với.

 NHÂN VIÊN 1: Để em...

 Trong khi Đội trưởng và Nhân viên1 ngồi thụp xuống, kê xà- cột lên đùi hí hoáy lập biên bản thì mảnh báo trong tay bà Tín rơi xuống đất.

 ĐỘI TRƯỞNG (nhìn tờ báo vừa rơi xuống đất, sẵng giọng): - Yêu cầu bà nhặt tờ báo lên và cầm nguyên trên tay để chúng tôi có nhân chứng, vật chứng ghi vào biên bản.

  Bà Tín đứng ngây ra.

 ĐỘI TRƯỞNG  (tiếp): -Bà ấy chống lệnh tôi thì một đồng chí nhặt tờ báo lên. Lát  kẹp vào biên bản cũng được.
 Một nhân viên nhặt mảnh báo cháy dở lên, nhìn thấy  tấm ảnh ở trang sau liền nói như reo:

-Có ảnh anh em mình ở lớp tập huấn chụp chung với đồng chí giáo viên Lê Văn Cử sau buổi học khoa mục sử dụng bình bọt này...

 Cả đội bảo vệ xúm vào xem.

NHÂN VIÊN 2: - May quá, lửa mới bén đến cái mũ bảo hộ của Đội trưởng nên nom còn rõ mặt.

NHÂN VIÊN 3(lướt đọc bài báo có ảnh ): - Nhờ bài viết về anh Cử mà bọn mình cũng được lên báo... oách chưa? Để tôi đọc thử xem sao nhá.

ĐỘI TRƯỞNG : -Yêu cầu các đồng chí trật tự  để tôi tập trung vào công việc mấu chốt hôm nay... Tối về cùng đọc rồi chúng ta sẽ gọi điện chúc mừng đồng chí Lê Văn Cử luôn thể.
CÔ XINH (lại tủm tỉm cười và lẩm bẩm): - Cái gì cũng dính đến ông Lê văn Cử. Ước gì được tận mắt nhìn thấy cái ông phòng cháy ấy một lần nhỉ...   
 
                                                CẢNH 2

                                        TẠI NHÀ BÀ TÍN

    Cử đã có mặt trong căn nhà đơn sơ của mẹ con bà Tín. Mâm cơm khá tươm tất đã được dọn ra nhưng vẫn úp lồng bàn. Nghĩa xếp mấy quả vú sữa mà Cử vừa mang đến ra đĩa và hỏi :

    NGHĨA: - Sao anh biết mẹ em thích vú sữa mà mua?

    CỬ: - Anh suy ra từ sở thích của mẹ anh. Với lại, một lần đi chơi với em, gặp cái ô tô bán đang bán hoa quả từ miền Nam chở ra, em bảo dừng lại để em mua vú sữa về cho mẹ...

    NGHĨA: - Giời ạ ! Hôm ấy em mua là để mẹ bán kiếm đồng lãi thôi. Những 10 cân cơ mà...

   CỪ: -Ơ, thế mẹ bán hoa quả à?

   NGHĨA: -Vâng. Trước đây mẹ thường quẩy gánh hoa quả đi bán rong. Mẹ nuôi em ăn học bằng gánh hàng rong  đấy. Cũng may, mấy tháng nay mẹ được một người nhượng cho cái sạp ở chợ nên đỡ vất vả hơn...

Cử nhíu mày suy nghĩ rồi nói:

   CỬ: - Mẹ là người mẹ tuyệt vời. Một gánh hàng rong mà nuôi em ăn học nên người. Nếu mẹ đồng ý trao em cho anh, chúng mình sẽ cố gắng cùng bù đắp cho mẹ...

   NGHĨA: Anh nói thật chứ ?

   CỬ: -Thật như anh đang đứng trước mặt em đây thôi...

   NGHĨA: - Thế mà lâu nay em cứ ngại nói với anh gia cảnh của mình...

 CỬ: -Nghĩa ơi là Nghĩa... Em nghĩ anh là người như thế sao? Mà thực ra hoàn cảnh nhà anh cũng không khác nhà em là mấy... Bố anh là lính lương ba cọc ba đồng lại công tác xa nhà hàng chục năm. Mẹ anh làm ruộng ở quê cũng vất vả lắm...

   NGHĨA: - Bố anh ngày xưa làm lính  gì?

   CỬ : - Khi nhập ngũ bố là lính biên phòng. Khi được chuyển ngành làm lính phòng cháy chữa cháy, bố tiếp tục bám trụ ở tỉnh biên giới ấy đến tận lúc về hưu...

   NGHĨA: - Thế thì là cha truyền con nối rồi còn gì ...

   CỬ: - Thực ra hồi còn bé  anh chỉ ước sau này làm lái xe vi vu đây đó thôi. Nhưng khi làm hồ sơ thi đại học, bố khuyên anh nên theo nghề phòng cháy... Em có biết vì sao bố anh khuyên như thế không?

   NGHĨA: - Em chịu.

   CỬ: - Bố bảo bố còn mắc nợ cuộc đời này một việc, muốn anh trả giúp...

(Nghĩ ngợi một lát, Cử mới nói tiếp)... Bố kể rằng, hồi chiến tranh biên giới, mấy ngôi nhà ở một bản nhỏ gần nơi đơn vị bố đóng quân bị trúng đạn của kẻ thù từ bên kia bắn sang bốc cháy dữ dội. Bố và đồng đội đã vật lộn trong lửa khói hàng giờ, cứu được nhiều người dân đang kẹt lại trong nhà. Khi nghe tiếng trẻ con khóc ở ngôi nhà cuối bản, bố lao đến cửa thì toàn bộ mái nhà đang cháy ngùn ngụt bỗng đổ sập xuống. Bố và đồng đội tìm mọi cách nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu sống được đứa trẻ... Tiếng kêu khóc thảm thiết của nó vẫn  ám ảnh bố mãi đến tận bây giờ...

   NGHĨA: - Chuyện buồn quá. Hôm nay là ngày vui của chúng mình, kể chuyện khác đi anh...

   CỬ (xem đông hồ ): - Ừ. Anh xin lỗi... Sao em bảo 6 giờ mẹ sẽ về?

  NGHĨA: - Chắc mẹ bán chưa hết hàng... Nhưng biết có anh đến, kiểu gì mẹ cũng thu xếp được...
  Đúng lúc ấy, chuông điện thoại của Cử reo. Cử bấm máy nghe. Nghe xong anh nói với Nghĩa.

  CỬ: - Thành thật xin lỗi em và mẹ. Anh có lệnh đi miền Trung cứu hộ vùng bão lũ ngay trong đêm nay. Còn hơn một tiếng nữa là phải lên đường rồi...

   NGHĨA (thốt lên buồn bã ): - Mẹ ơi là mẹ... Đã dặn đi dặn lại rồi mà bây giờ...

  CỬ  (Kéo Nghĩa vào sát mình hôn nhẹ lên trán và nói): - Thế này đi. Bây giờ anh   ra chợ chào mẹ. Nếu mẹ đồng ý thì sau đợt đi công tác  miền Trung về, anh sẽ xin  làm lễ ăn hỏi, được không?

  NGHĨA (vẻ hạnh phúc): - Chắc là được.


                                         CẢNH 3

                  TRỞ LẠI SẠP HÀNG BÁN HOA QUẢ CỦA BÀ TÍN

      Khi Nghĩa và Cử ra đến chợ thì mấy ông bảo vệ chợ vừa đi khỏi. Bà Tín đang xếp từng loại quả cho vào thùng.

      Nhìn thấy Nghĩa đi bên Cử, trò chuyện ríu rít, cô Xinh  ngạc nhiên.

   CÔ XINH: - Cháu Nghĩa nhà chị kìa. Lại đi với cái “anh vú sữa” ban nãy...

   BÀ TÍN (ngớ người ra) :- Thôi chết, sao lại là anh ấy nhỉ.

   CÔ XINH: - Anh ấy khỏe mạnh, đẹp trai, xứng với cháu Nghĩa quá rồi còn gì?

   BÀ TÍN: - Ý tôi muốn nói là cái chuyện tôi đốt vía và bị phạt cơ... Nhưng có cô chứng dám, tôi đốt cả vía hai cái cô bũi môi chê cam của tôi nữa...

  CÔ XINH: - Thì chị chẳng khấn “vía lành thì ở, vía dữ xéo đi” đấy thôi. Bây giờ anh ấy trở lại thì là vía lành rồi còn gì?

  BÀ TÍN: Thôi, tôi thề độc là: Từ nay xin thôi cái trò đốt vía! Mà cô cũng đừng nói đến chuyện tôi vừa bị phạt nhá...

  Đúng lúc ấy, Nghĩa và Cử đã đến đứng trước mặt bà Tín. Bà Tín và Cử đều tỏ ra bối rối. Nghĩa không biết chuyện mua bán ban nãy nên vẫn hồn nhiên.

 NGHĨA: - Mẹ ơi là mẹ, con đã dặn đi dặn lại mẹ rồi... Bạn con đến nhà chờ mãi mẹ không về, bây giờ phải ra đây chào mẹ để về đơn vị...

 Mặt bà Tín lộ rõ sự thất vọng. Lát sau bà ấp úng...

BÀ TÍN: - Thế không ở lại ăn cơm với mẹ con tôi à. Con Nghĩa nó nói với tôi suốt mấy ngày rồi...

 CỬ: -Thưa bác, cháu đến cốt là để thăm bác và rất muốn được ăn một bữa cơm gia đình do em Nghĩa nấu... Nhưng ...

NGHĨA (cắt ngang): Anh ấy vừa có điện đơn vị gọi về tập trung, tối nay lên đường vào miền Trung giúp dân chống lụt...

BÀ TÍN: - Thế ra anh là bộ đội à?

CỬ: -Thưa, cháu là Cảnh sát PCCC ạ...

   (Dừng lại một lát vẻ bối rối rồi nói tiếp)... Dạ, thưa bác, cháu và em Nghĩa yêu thương nhau đã khá lâu... Hôm nay cháu sang nhà vừa là để thăm bác vừa là muốn xin bác cho phép bố mẹ cháu được gặp gia đình bên này bàn chuyện của chúng cháu ạ...

   NGHĨA: -Nhưng anh ấy phải đi công tác đột xuất nên tạm hoãn lại đến khi anh ấy về,được không mẹ?

  Nét mặt của bà Tín đã rạng rỡ lên.

   BÀ TÍN: - Được. Cứ phải để anh ấy lo việc nước trước đã...

  Cô Xinh cũng vui lây .

   CÔ XINH: - Xong việc nước về là làm lễ ăn hỏi và cưới luôn... Nhưng sắm lễ ăn hỏi nhớ phải mua vú sữa của tôi đấy nhá.

  BÀ TÍN: - Cái nhà cô lẻo mép này... Đã dặn đi dặn lại rồi...

     (Nghĩa và Cử  thu xếp nốt hàng hóa cho mẹ. Nghĩa phát hiện thấy tờ báo có in ảnh Cử và mấy ông đội bảo vệ chợ thì thốt lên )

 NGHĨA : - Ơ, sao mẹ lại mang báo lưu của con ra đây?

 BÀ TÍN : - Thì mẹ thấy mấy tờ báo con để trên bàn, tưởng con đọc xong rồi thì mẹ xin để gói quả, gói hoa cho khách...

 NGHĨA : - Mẹ ơi là mẹ... Mẹ biết vì sao con lưu lại liền 3 tờ báo như thế này không?

 BÀ TÍN : - Làm sao mà mẹ biết...

 NGHĨA : - Mẹ có nhận ra ai trong tấm ảnh này không?

  BÀ TÍN : - Hình như là mấy ông bảo vệ chợ...

  NGHĨA : -Vâng. Nhưng người đứng giữa mấy ông bảo vệ, mặc quần áo chữa cháy nghiêm chỉnh là anh Cử, con rể tương lai của mẹ đấy. Con định sau bữa ăn hôm nay sẽ khoe mẹ bài báo họ viết về một số chiến công của anh ấy...

  BÀ TÍN: -Giời ạ, người thế này mà sao con cứ phải giấu mẹ...

  CỬ: (Lại có điện thoại .Anh nghe xong thì nói): - Đến giờ cháu phải về đơn vị rồi. Hẹn gặp lại bác khi cháu ở miền Trung về ạ...

    Nói rồi Cử bước đi vẻ vội vã. Bà Tín nói với theo:

  -Phóng xe từ từ thôi kẻo ngã con...à, anh Cử nhá...

  Tiếng CỬ vọng lại: -Vâng, con sẽ nghe lời mẹ...

    Cử đi rồi  BÀ TÍN hỏi Nghĩa : - Thế làm sao mà con quen được anh phòng cháy này?

NGHĨA: - Trong bài báo này người ta cũng viết một tí về chuyện ban đầu của chúng con. Mẹ còn nhớ cái hồi giáp Tết xảy ra vụ cháy ở một căn hộ tầng 2 chung cư 5 tầng không?

BÀ TÍN: - Nhớ... Con đã kể cho mẹ mấy lần rồi mà...

 NGHĨA: - Người chiến sĩ đã lao vào lửa khói  cứu sống một học sinh lớp con chính là anh Cử. Khi biết tin anh ấy bị thương trong vụ cứu nạn ấy, con đã dẫn cả lớp đến bệnh viện thăm...

 CÔ XINH: -Tôi đã nói với chị rồi... Người như anh ấy thì vía chỉ có lành trở lên...

 BÀ TÍN: - Cái nhà cô này. Ban nãy chính cô đã ước được tận mắt nhìn thấy ông phòng cháy ấy một lần đó thôi.

 NGHĨA: -Có chuyện gì đấy mẹ?

BÀ TÍN: - Thì có... Tối về mẹ sẽ kể cho mà nghe.

CÔ XINH: - Ăn vú sữa, nhớ phần tôi đấy nhá. Mang tiếng bán cả tạ, cả tấn cho người ta mà mình có dám ăn quả nào đâu...

  BÀ TÍN: - Cái mồm dẻo quẹo kìa... Không dám ăn “vú sữa em căng mọng” thôi chứ ế teo, ế tóp thì vẫn phải ăn trừ bữa chứ bỏ đi sao được.  

Cả 3 người cùng cười vui.


 

Tác phẩm dự thi Cuộc Vận động sáng tác VHNT về lực lượng PCCC và CNCH
 
Người Hà Nội
https://nguoihanoi.com.vn/xin-thoi-tro-dot-via_269610.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)