1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Từ duyên nợ ban đầu

01/05/2020
Từ duyên nợ ban đầu



 

Nhìn lại hơn nửa thế kỷ viết văn, viết báo của mình, tôi không thể không nói đến một kỷ niệm đẹp, coi như cái duyên đã gắn cả đời tôi với báo Người Hà Nội, cơ quan ngôn luận của giới văn học - nghệ thuật Thủ đô.

 

Mùa hè năm 1967, kết thúc năm học thứ 3 ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (lúc đó sơ tán tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), tôi và hai bạn nữa cùng đạp xe từ xã Lục Ba về nghỉ ở Hà Nội. Ngày ấy, do Mỹ bắn phá liên miên, tàu hỏa phải chạy đêm, ga Quán Triều thường xuyên bị oanh tạc, phải tăng-bo khá vất vả. Trên một chặng đường dài như thế, dưới trời nắng như đổ lửa mà ba anh em chúng tôi không ăn uống, nghỉ ngơi gì cả. Chập tối, về đến sông Hồng, hai người bạn tôi qua phà, phóng đi tiếp. Tôi mệt lả, theo sau, rồi bị ngất trên chuyến phà sau, may mà được mọi người dắt cả xe đạp và hành lý vào lán nghỉ tạm… Được uống nước, tôi dần tỉnh lại. Nhưng chưa thể đạp xe, mà vừa đeo ba lô vừa dắt xe đạp vào nhà một người quen ở phố Lý Đạo Thành.

Đêm đã khuya, tôi không dám gõ cửa, đành khóa xe vào chân, nằm ngay phía ngoài cửa cho đến sáng… Hôm nay, sau 53 năm trời, tôi không thể quên cái đêm bị ngất trên phà sông Hồng ấy. Mệt thì ngất, nhưng đang tuổi thanh niên, phục hồi rất nhanh, và lại thấy yêu đời khi nhìn thấy các cô gái trên phà đang nói cười ríu rít. Không rõ họ đi đâu, nhưng từ giờ phút ấy, trong đầu tôi đã bắt đầu hình thành bài thơ “Tiếng hát bên này sông” và bài thơ được hoàn thành trong mấy ngày đầu ở Hà Nội. Xin nói thật rằng, bài thơ không có gì đặc sắc, nhưng nó là cảm hứng của một chàng sinh viên thời chiến và điều thú vị là nó đã đem lại cho tôi một đôi điều mới mẻ trong đời. 

 

Tôi đã gửi bài thơ cho tập Sáng tác Hà Nội của Hội Văn nghệ Hà Nội, tiền thân của báo Người Hà Nội ngày nay. Không ngờ bài thơ được đăng, gây cho tôi một niềm phấn khởi lạ thường. Trước hết, đó là bài thơ đầu tiên trong đời tôi được đăng báo tiếng Việt. Và còn vui hơn nữa là nó đã được trao giải thưởng về Thơ năm 1969 của Hội Văn nghệ Hà Nội. Nó đã thành duyên cớ cho tôi được làm quen với các anh ở Hội như: Hoài Anh, Ngọc Liên, Hoàng Quốc Hải và các nhà văn, nhà thơ lão thành: Tô Hoài, Huyền Kiêu, Kim Lân. Phụ trách tập Sáng tác Hà Nội của Hội Văn nghệ Hà Nội lúc đó là nhà thơ Huyền Kiêu, đương đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội. Được các bác, các anh khích lệ, tôi viết và có thơ đăng đều đặn, đôi khi đăng cả chùm. Đầu năm 1970, bài thơ “Đi giữa mùa xuân của Đảng” do tôi sáng tác được đăng rất trang trọng trên số đặc biệt kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng và được trao giải chính thức về thơ của Hội. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và một số nhà thơ đàn anh đã chúc mừng tôi. Năm đó, tôi được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hà Nội, sinh hoạt ở ban văn học, sau này tách ra thành Hội Nhà văn trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Như vậy, tính đến nay, tôi đã tròn 50 năm là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi vẫn trân trọng giữ tấm thẻ hội viên ngày ấy với chữ ký của vị Chủ tịch Hội - Tô Hoài, một nhà văn ưu tú của Hà Nội và của cả nước, người sáng lập và làm Tổng Biên tập đầu tiên của báo Người Hà Nội.

 

Thời gian đi nhanh thật! Mới đó mà tờ báo của giới văn nghệ Thủ đô đã lên tuổi 35. Chúng tôi, những cộng tác viên thường xuyên và gần gũi của báo, đã từng chứng kiến những bước thăng trầm của báo, vui với những bước tiến, những thành tựu của báo, đồng thời cũng cảm thông, cùng lo toan mỗi khi báo gặp khó khăn, trở ngại nào đó trong chuyên môn, trong công tác nhân sự, hay khâu tài chính. Nhìn một cách tổng quát, dù thế nào, tờ báo của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật vẫn vững bước tiến lên, có những cống hiến rất đáng ghi nhận trong đời sống tinh thần của Thủ đô. Chúng ta sẽ không bao giờ quên công lao của tập thể tòa soạn từ trước tới nay, từ các Tổng Biên tập, Thư ký tòa soạn đến các biên tập viên, các cán bộ, nhân viên của báo. Trước sau, tờ báo luôn là mái nhà thân thiết cho các hội viên, các cộng tác viên đi về. Biết bao người đã trưởng thành do sự nâng đỡ, dìu dắt của báo, cụ thể là qua sự trao đổi thẳng thắn và ân cần của các cán bộ phụ trách và các biên tập viên.

 

Riêng tôi, từ duyên nợ ban đầu, tôi trân trọng tờ báo với sự biết ơn và sự cộng tác hết mình, mong sao được đóng góp phần nhỏ nhoi, khiêm tốn và bằng sự sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của báo. Suốt chặng đường gắn bó với báo, tôi đã được tòa soạn cho đăng khá nhiều bài vở, từ những chùm thơ, những bài nghiên cứu về văn hóa, văn học Đức, các bản dịch lý luận và nhất là các bài viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

Kỷ niệm 35 năm tờ báo Người Hà Nội ra đời và trưởng thành, tôi thành thật biết ơn tình cảm của tòa soạn dành cho tôi và các anh chị em khác, đồng thời kính chúc tập thể tòa soạn mạnh khỏe, giàu nghị lực sáng tạo, từng bước đưa tờ báo không ngừng tiến lên. 

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tu-duyen-no-ban-dau_259000.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)