1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Ký ức tháng mười

16/10/2019
Trong tiết thu mát mẻ, tôi tìm đến nhà họa sĩ Trương Hiếu (khóa Tô Ngọc Vân Mỹ thuật Hà Nội), cựu chiến binh trung đoàn 88 sư 308 (đi Nam năm 1965), nhưng không phải để hỏi chuyện thời đánh Mỹ. Sinh năm 1939, họa sĩ Trương Hiếu là người đã chứng kiến và chào đón bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô 65 năm trước.

 

Tác phẩm “Tan ca” - Tranh của họa sĩ Trương Hiếu

Trong tiết thu mát mẻ, tôi tìm đến nhà họa sĩ Trương Hiếu (khóa Tô Ngọc Vân Mỹ thuật Hà Nội), cựu chiến binh trung đoàn 88 sư 308 (đi Nam năm 1965), nhưng không phải để hỏi chuyện thời đánh Mỹ. Sinh năm 1939, họa sĩ Trương Hiếu là người đã chứng kiến và chào đón bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô 65 năm trước. Là người sinh sau nên dù cũng là dân Hà Nội gốc như họa sĩ Trương Hiếu, tôi chỉ được nghe kể lại và nhớ về ngày 10/10 qua giai điệu hào hùng trong bài ca “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, vang trên làn sóng phát thanh khắp phố phường Hà Nội vào những dịp này.

Họa sĩ Trương Hiếu sống trong một căn nhà nhỏ. Đúng hơn là một nửa căn hộ kiểu mà Hà Nội xây thí điểm tại một số khu tập thể những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó có khu Trại Găng nơi sinh sống của họa sĩ Trương Hiếu. Cũng may, nhà ông có một khoảng đất nhỏ trong lối đi vào, bên trên là tán lá một cây khế sai trĩu quả, bên dưới ông trồng vài chậu hoa hồng, hoa cúc… Đón tôi, ông cười hiền lành, bảo rằng chăm sóc vài gốc cây, nuôi vài con gà… là hình thức ông “thư giãn” sau những lúc ngồi trước giá vẽ.

Ông khoe: Mình vừa xong bức sơn dầu “Tan ca” vẽ hai cô gái công nhân Công ty vệ sinh môi trường, gửi đi triển lãm nhân ngày 10/10 của các hoạ sĩ cao tuổi của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi bắt ngay vào chuyện:

- Ngày bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, chắc bác còn trẻ?

- Mình mới có 15 tuổi.

- Chắc bác còn nhớ nhiều kỷ niệm…?

Ánh mắt ông sáng lên: nhớ chứ, ngày ấy anh cả mình là lính công binh Đại đoàn công pháo 351, thắng trận Điện Biên rồi về Hà Nội mà.

Mừng quá, tôi reo lên: anh cả bác về lúc nào?

Dường như thông cảm với sự sốt ruột của tôi, họa sĩ Trương Hiếu kể tiếp: nhà mình có 5 anh em trai, anh cả nhiều tuổi nhất sinh năm 1930, đã học xong Thành chung thì cách mạng tháng 8/1945 rồi toàn quốc kháng chiến. Anh cả tham gia hoạt động. Năm 1949 là cán sự huyện đoàn Duy Tiên, Hà Nam, được kết nạp Đảng rồi sau đó được cử đi học lớp lục quân khóa 6, chuẩn bị cho “tổng phản công”. Là lính công binh, nên cả trung đoàn của anh được điều về Hà Nội trước ngày 10/10, rà mìn toàn bộ khu vực thành Hà Nội và những cứ điểm quan trọng. Mình nhớ một buổi chiều trước ngày 10/10, cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì thấy từ ngoài ngõ một anh bộ đội mặt đen cháy, đi như chạy vào. Cả nhà mừng mừng  tủi tủi: người con lớn nhất của gia đình đã trở về. Anh chỉ kịp nói: hôm nay đơn vị đi ngang qua đây, con cho anh em nghỉ giải lao, chạy vào báo tin… Mình chạy theo anh ra đến cổng làng, thấy cả một đám đông bộ đội đứng chờ…

Như hiểu sự thắc mắc của tôi, họa sĩ Trương Hiếu giải thích: nhà mình ở làng Thuyền Quang B, lối vào làng là khu vực giữa ngã ba phố Quang Trung - Trần Nhân Tông ra đến phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) bây giờ. Khoảng năm 1957, Nhà nước làm công viên Thống Nhất, san ủi mặt bằng cả làng di chuyển xuống Trại Găng ở. Anh cả đi bộ đội khi nhà mình còn đang ở chỗ tản cư Hà Nam. Anh ghé qua làng hỏi thăm, mới biết gia đình đã về làng nhưng không ở nền nhà cũ nữa mà chuyển sang chỗ ở mới.

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, nhiều gia đình ở Hà Nội tản cư đi các tỉnh. Gia đình nào may mắn được ở vùng tự do thì bám trụ được. Còn nhiều gia đình, như gia đình họa sĩ Trương Hiếu, chạy từ Hà Nội xuống Hưng Yên.  Pháp đánh đến Hưng Yên thì chạy sang Hà Nam. Đến khi Pháp chiếm cả vùng Hà Nam Ninh thì không còn đất sống nữa,  phải hồi cư về Hà Nội. Còn ông cụ thân sinh làm ở quân dược Liên khu 4 và người con lớn đi bộ đội.

Chừng như sợ loãng câu chuyện, họa sĩ Trương Hiếu chuyển sang chuyện đón bộ đội về Thủ đô. Ông cho biết làng Thuyền Quang B cũng như nhiều làng quanh vùng ven nội ô, vốn là cơ sở kháng chiến. Cán bộ ta về hoạt động thường xuyên. Nhà ông cũng tham gia nuôi giấu cán bộ, chị gái ông hoạt động nội thành, làm giao thông đưa đón cán bộ, vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là thuốc men và dụng cụ y tế cho kháng chiến. Sau khi gia đình hồi cư, ông thân sinh họa sĩ (vốn có nghề hóa dược) được tổ chức đưa trở lại Hà Nội, làm ở trường đại học Y-Dược (19 Lê Thánh Tông) chuyên lo kiếm vật tư y tế cho kháng chiến. Bởi thế mà trước khi bộ đội ta về, dân làng đã ngấm ngầm may sẵn cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu chào mừng… Còn lứa thiếu nhi như ông, học trước mấy bài hát kháng chiến, tập đánh trống… Đúng hôm 10/10/1954, ông cùng đội trống làng Thuyền Quang B trống dong cờ mở, từ làng vừa đi vừa hát, vừa đánh trống, theo đường Quang Trung lên tới hồ Hoàn Kiếm rồi qua trở lại đến dốc Hàng Kèn (đoạn dốc quãng phố Bà Triệu cắt Trần Hưng Đạo xuôi đến ngã năm phố Nguyễn Du bây giờ). Cả đội đứng cổ vũ, đói thì ăn bánh mì, khát thì uống nước, cho đến tối mịt mới về… Những ngày ấy người cứ lâng lâng… Còn lâng lâng hơn cả ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất.

Trong câu chuyện với tôi, họa sĩ Trương Hiếu thường xưng “mình” dù tôi ít tuổi hơn ông nhiều. Tôi nói nhận xét này với ông. Ông cười, giải thích: có lẽ là thói quen của người Hà Nội. Xưng “mình” trong khi nói chuyện với người khác. Thói quen ấy đã hằn sâu vào trong nếp sống rồi.

Đang chuyện ngày 10/10 lại quay sang chuyện nếp sống của người Hà Nội. Tôi hỏi ông có phần hơi “tranh thủ”: theo bác, vậy cái hào khí của đất Thăng Long thế nào? Dường như đã có sẵn câu trả lời, họa sĩ Trương Hiếu kể cho tôi nghe chuyện ông từ vùng Hà Nam chuyển về Hà Nội theo học trường tiểu học Quang Trung như thế nào? Ngày đầu đến lớp, ông được thầy giáo hiệu trưởng dẫn vào lớp học, theo lệ thường thì phải trải qua vài câu hỏi vấn đáp. Thầy giáo bảo: trò Hiếu có biết hát không? Không hiểu sao tự dưng tôi hát một bài hát phổ biến vùng tự do lúc ấy: Bạch Đằng giang. Cả lớp vỗ tay hoan hô. Những năm sau, nhà có 5 anh em trai, 4 người đi bộ đội. Chú út hết Đại học tình nguyện đi B, được phân về CP 90 (đài Giải Phóng A).

Ông bảo: có lẽ đó là “hào khí Thăng Long” chăng?

Nghe ông kể đến đây, tôi sực nhớ một chuyện: dạo nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất (con cả Giáo sư Nguyễn Lân) từ trần, tôi có đọc trên mạng một đoạn tự sự của hoạ sĩ Trương Hiếu khi được nhà báo phỏng vấn. Ông kể thanh niên Hà Nội đầu những năm 1960 rất thích bài hát “Người con gái Việt ” của Nguyễn Lân Tuất, mở đầu bằng câu “Quê hương em bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ”… Năm 1965 đi Nam chiến đấu. Mười năm ở chiến trường, hễ có dịp là ông lại hát bài hát ấy cho mọi người nghe.

Thấy tôi nhắc đến câu chuyện này, ông lại tủm tỉm cười: vì bọn mình là lính Hà Nội mà.

Quấy rầy họa sĩ đã lâu, tôi xin cáo từ. Tiễn tôi đến cổng, ông bảo: mình để ý thấy bạn nói “ngày bộ đội ta tiếp quản Thủ đô” mà không nói “giải phóng Thủ đô”. Nói thế là đúng lịch sử đấy.

Sợ làm mất thì giờ của ông, tôi xin phép ra về. Ông lại cầm tay nói thêm: người Hà Nội khi đến nhà bạn thân chơi, từ khi nói câu “xin phép ra về” đến khi ra về thật, có khi mất cả tiếng đấy. Đứng dậy chào – nói chuyện. Dùng dằng ra đến cửa - nói chuyện. Ngồi trên xe đạp rồi - còn nói chuyện tiếp… Nhưng thôi, đó là chuyện đã xưa rồi…

Ông bắt tay tôi thật chặt, mời tôi đến xem triển lãm nhân ngày 10/10. Và nói thêm rằng: nếu thích trò chuyện về hội họa, hôm nào lại đến nhé. Này, các cụ nhà mình ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có nhiều phong cách “hiện đại” hơn bây giờ nhiều. Nhưng tranh của các cụ vẫn là tranh Việt Nam, người không am hiểu hội họa nhìn vẫn thích.

Thanh Vũ/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)