1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Đỉnh cao của mọi chiến thắng

12/05/2020
Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ diễn ra trong vòng bốn ngày, từ ngày 26/4 đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quả thật là một chiến thắng vĩ đại và diệu kỳ chưa từng có. Điều này cũng chưa hề có trong lịch sử chiến tranh vệ quốc. Vậy cho nên sự kiện ngày 30/4/1975 là ngày toàn thắng, là đỉnh cao của mọi chiến thắng! Nhưng điều tôi muốn nói đến là căn nguyên sâu xa của sự chiến thắng ấy.

Xe tăng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 là sự kết tinh tuyệt đẹp của truyền thống tổ tiên ta đánh giặc: Từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, rồi nhà Nguyễn Tây Sơn - Quang Trung Nguyễn Huệ; đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh và vận nước cũng đã đến! Non sông nước Việt đã sinh ra Hồ Chí Minh, từ thời trai trẻ Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, nhận biết thời vận đất nước, nắm chắc thời cơ lái con tàu cách mạng vượt qua sóng dữ, đưa đất nước tới bờ bến vinh quang. Người là vĩ nhân thời đại, Người có biệt tài kiệt xuất trị quốc an dân. Người tự tỏa sáng để thu phục lòng người. Nhiều nhân tài đã tìm đến cùng hợp sức chung tay cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Đó là những người bạn lớn trên thế giới, đó là những người học trò xuất sắc như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng hàng trăm nhân tài khác trên nhiều lĩnh vực quy tụ bên Người.

Từ những năm 1940 của thế kỷ trước, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp đã tìm gặp Nguyễn Ái Quốc. Và chỉ 8 năm sau đó (1940 – 1948), chính Người đã thay mặt quốc dân đồng bào ký sắc lệnh tấn phong hàm Đại tướng đặc cách cho Võ Nguyên Giáp khi đang ở tuổi 37! Muốn giành độc lập cho đất nước, điều trước tiên phải tìm nhiều người tài biết cầm quân đánh giặc. Vậy là năm 1941, Người lại tuyển chọn một đội ngũ trẻ kế tiếp, cho tu nghiệp tại Trường võ bị quân sư Hoàng Phố (Trung Quốc) như Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Nam Long, Hoàng Minh Thảo... Sau này họ đều trở thành những tướng quân nổi danh, cả địch và ta đều biết tiếng. 

Hoàng Minh Thảo là một tướng trẻ được “cắm chốt nằm vùng” suốt 10 năm ở núi rừng Tây Nguyên và trở thành Thượng tướng, được giao trọng trách Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên. Ông là một vị tướng trí dũng song toàn. Đánh giả mà thật. Đánh thật mà giả, dụ địch theo ý muốn để tiêu diệt chúng. Chiến thắng ở Buôn Mê Thuột làm địch kinh hồn bạt vía, hoang mang hoảng loạn, vội tháo chạy khỏi chiến trường Tây Nguyên! 

Chiến thắng Tây Nguyên đã làm rung chuyển cả chế độ chính quyền Sài Gòn, ngụy quân ngụy quyền thi nhau tan rã. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nắm thời cơ quyết định mở chiến dịch Tổng công kích giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, lấy tên là “chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Người được giao trọng trách tối cao chỉ huy chiến dịch đã ký nhật lệnh: “... thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa!” và chỉ 4 ngày sau, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Sài Gòn được giải phóng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả nước hân hoan ca vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”! 

Qua những chiến thắng lừng lẫy chúng ta càng thấm thía và khâm phục vô cùng sách lược “dụng nhân như dụng mộc” của Người. Tướng Thảo cũng được cụ đích thân tuyển chọn cho đi học từ năm 20 tuổi. Ở tuổi 24, Hoàng Minh Thảo được bổ nhiệm làm Tư lệnh chiến khu III. Tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đánh bại hàng chục danh tướng Pháp và Mỹ như: Raoul Salan, René Cogny, Jean de Lattre de Tassigny, Đại tướng Henri Navarre (Pháp), Hakin, Maxwell D.Taylor, William Westmoreland, Bộ trưởng quốc phòng Robert Mc Namara (Mỹ). Các chính trị gia, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu sử học thế giới đánh giá rất cao tướng Giáp. Nhà sử học nổi tiếng nước Mỹ, ông Cecin B.Currey trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thiên tài quân sự của Việt Nam” đã viết: “... Ông là thiên tài quân sự lớn nhất và duy nhất của thế kỷ XX”; “... là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”! 

Năm 2015, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi có dịp trở lại chiến trường xưa trên chuyến xe khách đường dài. Cùng đi còn có những cựu chiến binh, hỏi ra mới biết họ là những chiến sĩ “cảm tử quân” - mũi thọc sâu của đại đội 6 bộ binh (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 anh hùng) ngồi trên tháp pháo hai chiếc xe tăng 843 và 390 do Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập) và Trung úy chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy tiến vào dinh Độc Lập. Dẫu biết trên đường hành tiến có thể trở thành “mục tiêu sống” cho quân địch tiêu diệt, nhưng họ vẫn dũng cảm, tiên phong tiến về phía trước…

Lúc ấy, trước mắt tôi, họ là những người bằng xương bằng thịt. Trong 15 tay súng ấy, chuyến đi này chỉ có 11 nhân chứng lịch sử, đó là Lê Văn Minh, Trần Mạnh Đề, Nguyễn Văn Đẩu, Cao Tiến Bang, Đoàn Xuân Trường, Đoàn Văn Nguyên, Tăng Văn Khôi, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Xuân Tưởng, Nguyễn Văn Tập và Hà Văn Hiền. Cao Tiến Bang, người tiểu đội trưởng đã 7 lần bị thương vẫn gan dạ chỉ huy chiến đấu. Tất cả trong số họ đều đã tham chiến ở những địa danh khét tiếng như: Khe Sanh, Đốc Miếu, Tà Côn, Cồn Tiên, Đá Bàn, Đầu Mầu, Nham Biều, Lai Thước, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị... làm cho quân địch nhiều phen thất điên bát đảo.

Tham gia những trận chiến đấu vào sinh ra tử, sẵn sàng hy sinh tuổi 20 để bảo vệ đất nước nhưng khi trở về cuộc sống thời bình, họ - “chỉ có một nguyện vọng nhỏ là được trở lại thăm chiến trường xưa, thăm dinh Độc Lập để nhận biết vị trí của mình 40 năm trước, rồi được cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm trước chiếc xe tăng 843 triển lãm ở cổng dinh, thế là đủ rồi”.

Họ chiến đấu anh hùng quả cảm khi đất nước có giặc. Họ sống và ước mơ giản dị như mọi quân nhân Việt Nam khác. Anh hùng lắm chứ!

Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 rất đỗi tự hào rằng:

Đất nước có một lãnh tụ 

thiên tài như thế!

Đất nước có một đội ngũ 

tướng tài như thế!

Đất nước có một quân đội 

anh hùng như thế!

Học trò của Người chỉ đạo chiến dịch Tổng tiến công mang tên Hồ Chí Minh lập nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sự kiện 30/4/1975 ấy là đỉnh cao của mọi chiến thắng, được kết tinh ở thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

 Về sự kiện lịch sử này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14/2/1976 đã khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dinh-cao-cua-moi-chien-thang_259002.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)