1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Đêm Hà Thành giữa Warsawa

15/02/2020
Nhận lời mời của Câu lạc bộ Hà Thành Warsawa, tôi - nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa dẫn đoàn họa sĩ gồm: Thành Chương, Phạm An Hải, Phạm Hà Hải, Phạm Bình Chương, Bùi Phan Trung Dũng sang Thủ đô Cộng hòa Ba Lan giao lưu, thăm quan và sáng tác.

Câu lạc bộ Hà Thành ra đón đoàn họa sĩ Hà Nội. Ts.Trần Thu Dung (cầm hoa), họa sĩ Thành Chương (giữa),

họa sĩ Phạm An Hải (thứ hai từ trái sang) họa sĩ Phạm Hà Hải (thứ hai từ phải sang).

Các họa sĩ gặp mùa thu Đông Âu đều say đắm, dâng trào cảm hứng bởi ngay từ khi đặt chân xuống đất nước của Chopin, đã thích thú bởi sân bay quốc tế mang tên nhạc sĩ vĩ đại (Warsaw Chopin Airport) được thiết kế hình chiếc dương cầm khổng lồ rực sáng, như thể bất cứ lúc nào cũng có thể ngân lên âm nhạc.

Bà Nguyễn Kim Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Thành Warsawa (tiếng Pháp là Varsovie) mang lẵng hoa rực rỡ ra đón chào. Tôi, với tư cách Chủ tịch Hội Aurore Ánh Sáng (chuyên kết nối giao lưu văn hóa Việt - Pháp) thay mặt đoàn họa sĩ nhận hoa rất bất ngờ cảm động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Hội Việt kiều Ba Lan. Được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lần đầu tôi có cảm giác lạ lẫm và xúc động như vậy khi dự sự kiện kỷ niệm trọng đại của thủ đô trên đất Ba Lan, chúng tôi đều háo hức dù tuổi không còn trẻ.

Người Việt ở Ba Lan khá đoàn kết. Việt kiều ở Ba Lan hầu như mới hình thành sau này. Đại đa số đều thống nhất quan điểm: "Tương trợ lẫn nhau, cùng người Việt xa xứ, cùng lớn lên với câu ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn ".

 Tiết trời lạnh nhưng không ai thấy lạnh, không chỉ bởi hệ thống sưởi ấm hiện đại khắp thành phố lớn nhất của cường quốc văn học Ba Lan, mà bởi tình người Việt trên đất khách.

 Hội tụ nhớ về Thủ đô, do Câu lạc bộ Hà Thành tổ chức, tưởng chỉ có người Hà Nội, hóa ra đây chính là một điểm hẹn của người Việt. Hà Nội quần cư người khắp chốn, sang Ba Lan người Hà Nội cũng cuốn hút đồng hương các miền đến dự đêm kỷ niệm. Trong sảnh tiếp đón, những con người xa quê hương có thể cảm nhận như một nước Việt thu nhỏ với các giọng nói ba miền: từ Hà Nội đến Nghệ An, Quảng Bình, Đồng Hới, đến Đà Nẵng, Huế và Sài Gòn. Xa xa là cửa ô Quan Chưởng với những chiếc xích lô, với các thiếu nữ áo dài tha thướt lượn quanh chụp ảnh. Các món ăn dân dã - quà quê: bánh đúc, bánh dày, khoai môn, ngô luộc - nướng... hấp dẫn bên các món tủ đặc thù: phở, bún chả, nem. Buổi lễ giống như Hà Nội thời mở cửa, đón nhận dân tứ xứ về lập nghiệp. Bất chợt tôi nhớ đến ca khúc của Trần Hoàn - phổ thơ Đỗ Quý Doãn "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò xứ Nghệ" ứng biến thành câu: "Giữa Warsawa toàn nghe tiếng Nghệ". Đêm Hà Thành, một số ca sĩ nghiệp dư gốc Nghệ - Tĩnh lên hát đọc thơ về Hà Nội. Ca sĩ Nguyễn Minh Tâm, người con gái Hà Tĩnh hát về Hà Nội Thủ đô yêu dấu, Hà Nội vào thu đầy quyến rũ. Sự cởi mở, vị tha, và chân tình của những người con cùng cảnh xa xứ thật cảm động. Không còn quê theo địa danh cụ thể xuất thân, mà chỉ có một quê hương chung: Quê Việt. Tờ báo in, nay là trang web điện tử lớn và uy tín nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan mang tên Quê Việt do nhà thơ Lê Xuân Lâm quê gốc Nghệ An là Tổng Biên tập. Các họa sĩ đã thay mặt đoàn lên tặng lẵng hoa cho nữ ca sĩ gốc Hà Tĩnh, không chỉ vì tình cờ được xếp ngồi cùng bàn ăn trong ngày vui mà tình cảm của những người Hà Nội từng sinh ra, lớn lên gắn bó cuộc đời ở Hà Nội cảm nhận tấm lòng thành của người Việt ở giữa thủ đô Warsawa. Đêm Hà Thành chính là nơi giao lưu văn hóa, để gặp gỡ đồng hương bù lại những ngày vất vả mưu sinh, bươn chải, với ngôn ngữ khó khăn chưa hòa nhập.

Để xoa dịu đi những vất vả, gặp khó khăn, cộng đồng người Việt ở Warsawa khá quan tâm đến đời sống tâm linh. Những ngôi chùa còn nghèo đơn giản mà ấm tình đồng hương Việt. Sư Thích Trung Đạt - trị sự chùa Nhân Hòa cùng ông Hà Minh Hiền - Chủ tịch Người yêu đạo Phật tại Ba Lan rất cởi mở khi nói rằng: "Do hoàn cảnh địa lý, khí hậu, công việc, nhiều khi các buổi lễ phải đổi ngày và lệch giờ cho phù hợp để các phật tử đỡ vất vả. Chùa cách xa thành phố 20 cây, việc di chuyển sau những ngày làm việc không đơn giản, nên họ ghé lại bất kỳ lúc nào chùa đều rộng mở. Tất cả vì cộng đồng. Chùa là nơi chúng sinh đến để tịch thiền tìm một thế giới yên lặng và mong tìm đồng hương. Chút hương khói, tiếng mõ chiều đều đều như tâm hồn quê hương phảng phất."

Chùa Thiên Phúc ở giữa khu xa cánh đồng mới cải gia quy tự. Giống như nhiều nước châu Âu, một số gia đình hiến nhà làm chùa. Để có được ngôi chùa là cố gắng của cả cộng đồng. Chùa này còn đơn sơ, chưa có sư trụ trì, cộng đồng người Việt vẫn cố gắng bằng cách tự nguyện tăng gia trồng ngô, bầu bí, su su và kêu gọi ủng hộ mua nông sản và  góp tiền xây chùa. Doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuyển - gốc Hà Tĩnh có mặt trong đêm Hà Thành, sẵn sàng đóng góp công sức cho chùa mới. Giấc mơ của anh: để cho cộng động người Việt ngẩng mặt tự hào. Dù ở đâu người Việt nói chung và người xứ Nghệ nói riêng đều nỗ lực, sáng tạo. Chùa chỉ là nơi gặp gỡ trao đổi, còn với ông Tuyển: tu đích thực là ở đâu, làm việc gì cũng tu nhân tích đức, tu trong chính tim mình.

Tại Ba Lan, còn thành lập CLB Hoàng Sa, Trường Sa do bà Cao Vĩnh Hồng làm Chủ tịch.  Ông Nguyễn Lê Hùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hà Thành từng là bộ đội Trường Sa cùng tôi đã phối hợp mời đoàn họa sĩ qua Pháp triển lãm. Bà Cao Vĩnh Hồng - Chủ tịch câu lạc bộ Hoàng Sa, Trường Sa cùng anh em luôn tìm mọi cách để giúp người nước ngoài biết đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bà đang mong muốn kết hợp cùng các văn nghệ sĩ, chiến sĩ từng làm nhiệm vụ Trường Sa ở các nước làm cuộc triển lãm về biển đảo đi vòng quanh khắp châu Âu, giúp cho bè bạn thế giới hiểu thêm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trường Sa, Hoàng Sa tưởng rất xa, nhưng lại gần và có sức mạnh kỳ diệu kết nối những người con xa Tổ quốc. Cũng nhờ tình yêu biển đảo, Hội Aurore từ Paris cũng bay sang tham gia giúp tổ chức văn hóa của bà Lê Thị Bích Hường để gây quỹ ủng hộ các chiến sĩ Trường Sa. Bà Hường quê Bắc Giang (dì ruột ca sĩ Tùng Dương), hiện là chủ tịch Hội Nhịp cầu văn hóa Italia - Việt Nam, cùng đi Trường Sa với tôi năm 2017.

Để có một đêm văn nghệ hội tụ đầm ấm đậm tình quê hương, biết bao công sức, sự cố gắng, nhiệt tình của các hội đoàn trong đó có Câu lạc bộ Hà Thành đã bỏ nhiều ngày chuẩn bị. Nguyễn Lê Hùng đã liên lạc với tôi cả năm trước đó.

Tổ quốc, quê hương chính là sợi dây vô hình kết nối những người con xa xứ. Đêm Hà Thành chính là thời khắc quý báu cho những người con xa cảm giác trở về quê hương, cùng chung kỷ niệm thiêng liêng.

Tiếng chuông chùa Nhân Hòa vang lên trong không gian vắng lặng ở ngoại ô Warsawa. Chúng tôi mong sẽ có một Liên minh hội người Việt châu Âu ra đời để nối kết cộng đồng mà trụ sở đặt ở Warsawa. Xin cầu nguyện Trường Sa, Hoàng Sa vững vàng lãnh hải, trong lòng người Việt khắp năm châu, trong hiểu biết của những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình. Và cầu mong cho biển đảo quê hương mãi trường tồn, bình yên.

Trần Thu Dung/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dem-ha-thanh-giua-warsawa_256980.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)