1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tiểu phẩm - Ghi chép

Cảm nhận về nghề viết

27/11/2020
Không biết từ bao giờ, tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu đã trở thành một mái nhà, một người bạn thân thiết của tôi. Ở nơi này, tôi có thể nghe được từng nhịp đập, chạm vào được từng hơi thở của cuộc sống, cảm nhận được tình cảm chân thành, sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết trong công việc. Đến nay, kỹ năng viết bài của tôi đã được cải thiện nhiều, đã cảm thấy sự tự tin mỗi khi cầm bút. Để có được điều này, phải kể đến sự động viên giúp đỡ, góp ý nhiệt tình của các anh chị trong tòa soạn nói chung và Ban Chuyên đề nói riêng.

Nhớ lại vào một ngày đầu xuân năm 2019, vô tình tôi gặp lại người anh, người đã gắn bó cùng tôi một chặng đường gần 5 năm tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Khi đó, anh giữ chức vụ Trưởng Ban chuyên đề của tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu – Nhà báo Vũ Chiến. Lần gặp ấy, đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê và đây là bước khởi đầu cho cơ duyên, đến với nghề viết báo của tôi.

Nghe anh chia sẻ về công việc, tôi mới hiểu thêm về nghề làm báo, một nghề cao quý nhưng cũng không thiếu phần khắc nghiệt. Để có thể viết được một bài báo không đơn giản chỉ là giỏi văn, nhiều chữ, mà đòi hỏi người làm báo phải có sự đam mê nhiệt huyết, sự tìm tòi sáng tạo, nhạy cảm với các vấn đề ngoài xã hội, tìm được sự đồng cảm của bạn đọc. Ngoài việc tích lũy kiến thức nền tảng cơ bản, đòi hỏi các nhà báo, phóng viên phải dấn thân chịu nhiều vất vả, thậm chí phải thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy, nhưng cũng đầy thú vị.

Với một người ngoại đạo, việc viết báo là công việc khá khó khăn, nhưng sự đam mê và niềm cảm hứng đã thôi thúc tôi bắt tay vào viết bài. Mặc dù được viết theo ý thích cá nhân, nhưng do chưa được trải qua bất cứ khóa học đào tạo nào về chuyên ngành báo chí, dẫn đến sự lúng túng, hoang mang trong việc lựa chọn đề tài và cách thức truyền tải thông tin tới người đọc.

Sau nhiều đêm suy nghĩ và tìm đọc các tài liệu, tôi đã lựa chọn chủ đề cho bài viết đầu tay của mình về quản lý giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất. Đây là lĩnh vực mà tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong vai trò quản lý tại một số doanh nghiệp sản xuất như sản xuất sắt thép; bánh kẹo; bia rượu; dược phẩm….

Tưởng chừng mọi việc sẽ suôn sẻ, vì dù sao tôi đã một chút kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị sản xuất, nhưng để diễn đạt thành ý thể hiện trong bài viết là một việc không hề dễ dàng đối với tôi. Phải viết làm sao để các độc giả đọc và hiểu ý mình muốn trình bày, là điều không đơn giản. Sau gần 2 tháng với nhiều lần chỉnh sửa, gọt cắt, bài viết của tôi cũng đã hoàn thành và gửi đi trong tâm trạng đầy lo âu. Liệu bài viết có được tòa soạn đăng hay không? Các giải pháp đưa ra trong bài viết có phù hợp với xu thế quản trị và phát triển doanh nghiệp hay không? Độc giả sẽ đón nhận và đánh giá như thế nào? Đây là những câu hỏi thường trực trong tâm trí tôi suốt thời gian này.

Có lẽ rất lâu rồi, tôi mới gặp lại trạng thái hồi hộp chờ đợi như vậy. Để rồi, bài viết của tôi cũng được chấp thuận, một niềm hạnh phúc vỡ òa khi “đứa con tinh thần” được tòa soạn cho đăng. Tôi vô cùng hãnh diện vì được rất nhiều bạn bè, người thân gọi điện, nhắn tin chúc mừng, đồng thời cũng nhận được không ít lờiđộng viên, góp ý và sự hoài nghi về tính thực tiễn của giải pháp đã đề cập trong bài viết. Quả thật, do còn hạn chế trong việc diễn đạt, trình bày nên vẫn còn một số ý tôi viết chưa rõ làm người đọc khó hiểu.

Sau lần trải nghiệm đầu tiên ấy, tôi mới hiểu rằng nghề làm báo chịu rất nhiều áp lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui. Không phải ai sinh ra đều có sẵn tố chất viết lách, ngoài niềm yêu thích đam mê, vẫn cần phải có quá trình học tập, nghiên cứu, trau dồi tri thức. Nếu muốn cảm nhận được vị ngọt của nó, thì phải chấp nhận dấn thân, giữ được cái tâm sáng, cái đầu lạnh và một trái tim nhiệt huyết.

Khi công việc viết bài có phần thuận lợi hơn, một khó khăn mới lại nảy sinh đó là duy trì đều bài viết hàng tháng. Với chủ đề về quản trị doanh nghiệp khá rộng, phải làm sao khai thác được góc nhìn mới, có tính thực tiễn cao là một điều không dễ dàng. Nếu viết bài  với góc nhìn cũ, không theo kịp sự phát triển của xã hội, chắc chắn sẽ không được độc giả quan tâm đón nhận. Để có bài viết có chất lượng, hấp dẫn được độc giả, cá nhân tôi tự nhủ phải chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng tổng hợp, phân tích, tìm hiểu thực tế để có cái nhìn đa chiều. Tôi hiểu rằng, chỉ có độc giả là người khách quan nhất khi chấm điểm cho các cây bút, thông qua từng bài viết.

Trở thành thành viên nhóm Tài chính của Ban Chuyên đề, càng hối thúc tôi không ngừng học hỏi để thỏa sức đam mê trong nghề viết. Đây cũng là điều khiến tôi luôn cố gắng, cho dù cuộc sống còn xoay vần quanh việc cơm – áo – gạo – tiền. Vì vậy, hàng ngày tôi vẫn luôn dành cho mình một khoảng thời gian để đọc, viết và trau dồi kiến thức từ những anh em đi trước. Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu chính là nơi tôi có thể bày tỏ chính kiến, quan điểm và trình độ chuyên môn. Dù biết rằng để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp là không hề đơn giản, nhưng với tôi đây là một mối lương duyên làm thay đổi một phần của cuộc sống.

Theo Tuấn Hoàng/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/cam-nhan-ve-nghe-viet.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)