1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Thêm yêu Hà Nội cùng những điệu múa...

08/11/2018
Lần thứ 5, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức cuộc thi tác phẩm múa Thăng Long - Hà Nội và biển đảo. “Nối tiếp thành công qua 4 cuộc thi múa Thăng Long - Hà Nội và biển đảo được tổ chức trong những năm qua với 30 tiết mục đã được trao giải, Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội quyết định tổ chức cuộc thi này lần thứ V. Đây là sự kiện Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức hướng tới kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018. Cũng qua đây, chúng tôi mong muốn phát huy tài năng và lòng yêu nghề của các biên đạo trẻ đang sống và học tập tại các đoàn, trường nghệ thuật ở Hà Nội.” - Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cho biết.
Thêm yêu Hà Nội cùng những điệu múa... 
Tiết mục “Cỏ may - cỏ gà” ((biên đạo Nguyễn Khiêm, Mai Như Quỳnh, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) giải giải Nhì. Ảnh: HT
Chọn lọc từ mười lăm tiết mục đăng ký dự thi, 8 tiết mục “Hương mộc” (CLB Moomin Hà Nội), “Một thời để nhớ” (Trường cao đẳng Múa Việt Nam), “Cỏ gà - cỏ may”, “Tâm tình”, “Ráng chiều”, “Lung linh phố cổ” (trường Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội), “Ký ức mùa thu” (Nhà hát Ca múa nhạc quân đội), “Thư pháp” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) đã đem đến cho cuộc thi biết bao hương sắc Hà Nội lung linh, thơ mộng qua những vũ đạo hiện đại, tươi mới. Mỗi tiết mục đã kể những câu chuyện về cảnh sắc, con người Hà Nội hôm nay và hôm qua. Những “Ráng chiều”, “Một thời để nhớ”, “Ký ức mùa thu”, “Hương mộc”,  “Tâm tình”, “Thư pháp” đều là những câu chuyện của Hà Nội xưa. Đấy là Hà Nội với những cô gái, chàng trai lãng mạn hào hoa giữa những giây phút thanh bình mà cũng thật quả cảm khi xung phong trận tiền. Đấy là Hà Nội huyền diệu thật nồng nàn với tình yêu đôi lứa, thật huyền diệu qua những nét thư pháp, thật nên thơ trong tiếng guốc mộc vọng vang... 
 
Cùng với đó, Hà Nội hôm nay cũng được các vũ công tái hiện trên sân khấu là một góc phố cổ ồn ào với đủ thứ hàng rong: đánh giầy, gánh hoa tươi, bán báo dạo, ký họa... trong “Lung linh phố cổ”. Và, giữa những ồn ào đó vẫn có chuyện tình của đôi trai gái Hà Nội với những vũ điệu nồng nàn tình tự rằng:  “Tôi yêu Hà Nội. Có lẽ vì những con phố nghìn năm tuổi, lúc thì mang hình hài của một cô thiếu nữ, lúc thì sóng sánh lớp trầm tư của một người con gái chiều nào, có lúc lại như bà lão đã bắt đầu chậm chạp tay chân... Người ta vẫn nói, hơi thở của một người Hà Nội chính là hơi thở của những bước chân vang lên trong từng con ngách nhỏ, là tiếng những bản nhạc không lời lặng lẽ phát ra từ một căn gác nào đó đâu đây. Là những làn gió heo may se sắt chuyển mùa... Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về em – Hà Nội.”
 
Thêm yêu Hà Nội cùng những điệu múa...
Tiết mục “Một thời để nhớ” (biên đạo: Nguyễn Quỳnh Lan, trường Cao đẳng Múa Việt Nam) giành giải Nhất. Ảnh: HT
 
Câu chuyện của “Cỏ gà – cỏ may” cũng thật đặc biệt. Chuyện kể rằng: cỏ may xinh đẹp ở bên cỏ gà xấu xí. Cỏ gà mang trong mình một tình yêu đơn phương mãnh liệt nhưng cỏ may chẳng thèm để ý tới. Cỏ gà buồn bã cất tiếng hát mang nỗi ước vọng về tình yêu... Câu chuyện tình đơn phương ấy đã được các vũ công kể lại vừa dữ dội vừa bạo liệt mà không kém phần đắm say... 
 
Đánh giá cao về cuộc thi, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho biết, cuộc thi được tổ chức với quy mô, chất lượng tốt hơn so với các cuộc thi trước. Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội là đơn vị duy nhất trên cả nước tổ chức cuộc thi nghệ thuật về đề tài Thăng Long – Hà Nội và biển đảo để thúc đẩy nghệ thuật múa gắn với các nhiệm vụ chính trị của văn học nghệ thuật với công chúng Thủ đô. “Những điệu múa về Thăng Long – Hà Nội và biển đảo được thể hiện trên sân khấu là kết quả của sự lao động cần cù, tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật múa của các biên đạo trẻ đang sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội.” – NSND Trần Quốc Chiêm nói.
Cuộc thi múa Thăng Long – Hà Nội và biển đảo lần thứ 5 đã trao giải Nhất cho tiết mục “Một thời để nhớ” (biên đạo: Nguyễn Quỳnh Lan, trường Cao đẳng Múa Việt Nam). Hai giải Nhì được trao cho hai tiết mục: “Lung linh phố cổ” (biên đạo: Trần Văn Quý, Nguyễn Tố Linh, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) và “Cỏ gà – cỏ may” (biên đạo Nguyễn Khiêm, Mai Như Quỳnh, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Các tiết mục: “Hương mộc”, “Thư pháp”, “Ký ức mùa thu”, “Tâm tình” và “Ráng chiều” đồng giải Ba.
 

Theo biên đạo trẻ Trần Văn Quý, cuộc thi đã tạo cơ hội cho những biên đạo trẻ như anh một sân chơi bổ ích. “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có được cơ hội thể hiện những ý tưởng của mình gắn liền với một đề tài cụ thể. Thế nên, khi nhận được thông tin về cuộc thi chúng tôi đã hồ hởi đăng ký tham dự. Ở đây, chúng tôi không chỉ được thỏa sức với đam mê sáng tạo mà còn là dịp được thêm hiểu, thêm yêu về Hà Nội và từ đó lan tỏa đến mọi người.” – Biên đạo trẻ Trần Văn Quý chia sẻ.      

Miên Thảo/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)