1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Quán quạ Phượng Trì

10/09/2018
Ở phía bắc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội có một ngôi quán cổ kính. Hiện nay mang chức năng của ngôi đình truyền thống. Đó là quán quạ Phượng Trì. Khuôn viên quán nằm trên một thế đất cao, như một bán đảo soi bóng xuống mặt nước trong xanh. Nơi đây là vực xoáy của dòng sông Đáy xưa nên không bao giờ cạn nước. Cảnh quan u tịch, sầm uất. Xưa kia nơi đây có nhiều cây gạo to, cao, cây đa xòe tán rộng, quạ và nhiều loài chim khác về làm tổ hàng đàn. Sáng sớm chúng bay đi kiếm ăn, chiều tối lại trở về trú ngụ. Vì thế có tên là quán quạ.

 

Chuyện kể rằng: Trang Phượng Tường (nay là làng Phượng Trì) thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, phong cảnh tươi đẹp, trên bến dưới thuyền, cư dân thuần hậu. Đầu trang có ngôi miếu nhỏ, biển đề bốn chữ "Thượng đẳng tối linh". Rồi một buổi chiều tà, mặt trời gác núi, bốn bề sông nước mênh mang, một chàng trai dáng hình tuấn tú, văn võ song toàn nhẹ nhàng bước vào trú nhờ trong miếu. Đến nửa đêm, trong cơn mộng đẹp, chàng nghe thấy tiếng vọng âm vang từ thượng điện, chàng nín thở lắng nghe:
 
"Bớ chàng trai họ Đào, nghe theo lời ta, hãy ở lại đất này. Trong đàn chim có con phượng đỏ, ngươi sẽ được dân chúng tin theo và tôn vinh vào sử sách muôn đời !"
 
Quán quạ Phượng Trì
Lầu vọng Quán
Chàng trai tỉnh dậy, biết là lời thần linh báo mộng, trong người thấy lâng lâng nhẹ nhõm, sức khỏe khác thường. Sáng ra, đã thấy các bậc bô lão và dân làng kéo ra đứng chật cửa miếu. Thì ra, đêm qua, nhân dân trong làng cũng đã được thần mộng báo có một "minh quân" trợ giúp đã đến với chúng dân. Người người mừng vui nghênh đón chàng trai như một vị cứu tinh. Từ đây, trang Phượng Tường có trường học, chàng trai là người thầy mẫu mực dạy trí, rèn đức cho nhân dân. Chàng còn khuyên bảo dân làng mở mang nông nghiệp, cấy trồng lúa nước, dệt lụa chăn tằm, nâng cao đời sống. Mọi người vô cùng biết ơn chàng, coi chàng như cha mẹ.
 
Năm 27 tuổi, chàng bí mật đến lập doanh trại luyện võ ở chân núi Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai ngày nay) và tích trữ lương thực, chờ thời cơ giúp nước. Thi thoảng, chàng vẫn trở lại Phượng Tường thăm hỏi dân chúng, ôn luyện võ nghệ cho trai tráng trong làng. Lúc bấy giờ vận nước suy vong, cảnh loạn ly nổ ra liên tiếp, dân tình oán hận. Đến năm Quang Hưng thứ 14, Trịnh Tùng lĩnh đại quân thủy bộ mở cuộc tiến công lớn dẹp loạn. Quân sĩ đi đến đâu, cờ xí rợp trời, thuyền bè đầy sông. Tiếng trống điểm, chiêng khua vang xa ngàn dặm. Đến trấn Sơn Tây nghe tin có "ông Cây Đa" văn võ song toàn, đức trọng, dân tin, lại có lực lượng quân sĩ hùng mạnh. Trịnh Tùng be mời ông về triều yết kiến. Ông Cây Đa dẫn 3 ngàn quân từ trang Phượng Tường kéo về kinh đô yết kiến, triều đình mừng rỡ phong cho ông chức thủy đạo đại tướng quân, hợp sức với Trịnh Tùng dẫn quân đi phá giặc. Có tướng mạnh, quân hùng, nghĩa quân liên tiếp thắng trận ở An Sơn, Thạch Định, Thượng Hiệp, Hạ Hiệp... Thừa thắng, nghĩa quân truy quét giặc đến tận vùng Cổ Nhuế, Thăng Long, phóng hỏa tiễn đốt thành. Quân nhà Mạc đại bại. "Ông Cây Đa" tiếp tục đuổi tàn quân giặc đến tận sông Thiên Đức. Giặc tan, mặt sông phẳng lặng, thuyền không một lá. Bỗng thấy cây ngô đồng to lớn xuất hiện trên bờ sông, ông sai quân hạ xuống làm thuyền. Đột nhiên, đất trời nổi cơn bão tố, giữa mùa xuân mà sấm sét kinh hoàng, trận cuồng phong mù mịt, không biết ông đã hóa thân bay theo mây gió về trời, hay hòa nhập thác mưa về nơi thủy phủ. Một lát sau, trời quang mây tạnh. Lạ thay, cây ngô đồng trôi ra sông Cái (sông Hồng), rồi ngược dòng đến sông Hát (sông Đáy ngày nay) xuôi vào bến nước trang Phượng Tường, dừng đậu trước tòa miếu cổ... nơi "ông Cây Đa" đã từng luyện võ, dạy văn. Triều đình ban phong sắc chỉ cho "ông Cây Đa" làm phúc thần. Nhân dân trang Phượng Tường đón duệ hiệu, trùng tu miếu điện, thờ phụng cho đến ngày nay. Ngôi miếu còn có tên là Quán Phượng có chức năng như một ngôi đình làng.
 
Về kiến trúc nghệ thuật, trước cửa miếu được xây dựng một tòa ngũ môn, hai tầng bằng chất liệu vôi, gạch.. Những đề tài Long, Ly, Quy Phượng… Cỏ cây hoa lá được đắp vẽ rất công phu. Hàng ngày, mặt trời từ phía đông chiếu qua 5 ô cửa trên cao, tỏa ánh sáng về phía tây. Buổi chiều, ánh sáng phản chiếu trở lại qua các ô cửa ấy. Lên có câu đối cổ:
 
“Tủng tiếu Đan Sơn Hồng nhật cận
Tằng lăng Phượng Các, tử vân lung”
 
Nghĩa là: 
 
Đan Phượng đỏ luôn có mặt trời chiếu tỏa và mây lành che chở.
 
Nhờ vậy cảnh vật và con người nơi đây luôn phong quang và thịnh vượng. "Đất lành chim đậu" chính là đây. Di vật quý hiện còn lưu là bản thần phả và bản văn tế bằng chữ Hán, đôi nghê đá với nhiều họa tiết tinh xảo của nghệ thuật kiến trúc cổ đời Lê.
 
Ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, nhân dân làng Phượng Trì mở lễ hội tưởng nhớ công ơn của thành hoàng Đào Một. Lễ hội có đấu vật, rước kiệu, hát quan họ trên mặt hồ… để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Di tích được Nhà nước xếp hạng cấp tỉnh năm 2006. 
 
Minh Nhương/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)