1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Ôn cố tri tân với “Thương nhớ thời bao cấp”

06/09/2018
Gần 30 bức tranh minh họa sinh động và hóm hỉnh được trích từ cuốn sách cùng tên “Thương nhớ thời bao cấp” của hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa vừa được giới thiệu với công chúng tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace Hà Nội. Cùng với triển lãm, một cuộc tọa đàm với chủ đề cùng ôn cố tri tân với Thương nhớ thời bao cấp cũng để lại trong lòng công chúng nhiều cảm xúc.

 

Tái hiện một thời
 
Phiếu mua chất đốt, tem đường, phiếu vải… những nhân chứng “hùng hồn” một thời đã đưa người xem trở lại với thời bao cấp – một thời kỳ gian khó mà Việt Nam đã đi qua. Đó là cả một miền ký ức nhiều màu sắc: gian khó với miếng ăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng cũng không kém dí dỏm ở suy nghĩ và ấm áp bởi tình người. 
 
Ôn cố tri tân với “Thương nhớ thời bao cấp”
Một tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm.
 
Ở đó, con người hàng ngày phải đối diện với những lo lắng nhọc nhằn về nhu yếu phẩm từ chiếc khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo hay viên gạch xếp hàng… Nhưng họ đã vượt nỗi vất vả không phải bằng sự oán thán, hay những lời ca thán mà bằng thái độ tự trào, bằng cái nhìn sâu sắc, điềm tĩnh đến kinh ngạc, cùng thái độ phản biện hài hước.
 
Với cảm hứng từ những bức tranh cổ động, họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa không chỉ tái hiện lại thời bao cấp với những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè, cho tới những biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao... từng quen thuộc trong thời bao cấp mà còn khắc họa nên một xã hội mà tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống, với những đặc trưng không thể trộn lẫn.  

Những câu nói, những “thông điệp” ngôn từ kèm tranh minh họa làm người xem cười đấy, nhưng “cười mà có khi ra nước mắt, vì cảm động và thấm thía khi chiêm nghiệm một hiện thực cuộc sống của đất nước vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay”. Đấy là thành ngữ nói về thực tế đi nhờ xe trên đường cái rất phổ biến thời bao cấp. Các cô gái có “chiêu” dùng nón để vẫy rất hiệu nghiệm. Giơ nón ra vẫy là cái xe tức khắc phanh khựng lại. 

Đấy là bức tranh "Mặt nghệt như mất sổ gạo" minh họa cho câu thành ngữ có lẽ nổi tiếng nhất thời bao cấp. "Sổ gạo" tên chính thức là "Sổ mua lương thực", là một quyển sổ được Nhà nước phát, có ghi chi tiêu lương thực mỗi hộ gia đình được mua một tháng. Mất sổ gạo đồng nghĩa với việc cả nhà sẽ đói, cho đến khi vượt qua các nhiêu khê hành chính nhiều ngày để được cấp lại sổ mới.  Hay là những khám phá thú vị khi biết được tiêu chí về chàng trai lý tưởng của các cô gái khi xưa: “Làm trai cho đáng nên trai, có Pha-vơ-rít có đài giắt lưng” (Favorite - loại xe của Tiệp Khắc cũ cũng được ví như đồ “hàng hiệu” của dân chơi thời bao cấp).
 
Ký ức sống động, ẩn chứa giá trị nhân văn
 
Thời bao cấp đã trôi qua khoảng 40 năm, bởi vậy để sưu tầm được những tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần vè… thời kỳ đó mất rất nhiều công sức. Một việc tưởng như đơn giản là hiểu cho đúng những thành ngữ trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ hóa ra cũng là việc khó. Đại diện của Công ty truyền thông Nhã Nam chia sẻ rằng:  “Cuốn sách “Thương nhớ thời bao cấp” là một dự án đầy vất vả của Nhã Nam. Có những lúc dự án bị ngừng lại trong một thời gian dài, thậm chí có lúc chúng tôi từng nghĩ đến việc cuốn sách sẽ không ra đời nổi dẫu cho chúng tôi lên ý tưởng cho cuốn sách này cách đây khá lâu (năm 2012) và dẫu cho các họa sĩ đều miệt mài, quyết tâm theo đuổi dự án. Độc giả tinh ý có thể thấy trong cuốn sách, có một số bức tranh của Phong, hay của Khoa, với chữ ký sáng tác từ 2012. Cũng như có những bức ký 2017, tức là vừa hoàn tất ngay trước khi xuất bản. 6 năm cho một dự án sách tranh, cũng có thể nói, là một sự gian nan đáng kể”.
 
Ôn cố tri tân với “Thương nhớ thời bao cấp”
Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp” thu hút công chúng nhiều lứa tuổi
 
Nhà văn Bảo Ninh, tác giả của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” khi nói về cuốn sách này thì bày tỏ: “Đến tận bây giờ mà tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa “thời bao cấp” choàng tỉnh, biết đấy là bóng đè chứ không phải thật, mừng húm. Sau đó chẳng ngủ tiếp được cứ nằm miên man nhớ lại, nhớ và cười thầm, bao nhiêu là những sự kỳ cục, vừa khô cằn bảo thủ, vừa ấu trĩ ngờ nghệch đến đáng thương nơi bản thân mình trong suốt mười mấy năm ròng thời hậu chiến bao cấp”.
 
Có lẽ, không chỉ riêng với nhà văn Bảo Ninh, những ai đã từng đi qua thời bao cấp dường như đều không thể quên những câu chuyện, những câu vè hay nhưng “cười ra nước mắt” mà đến giờ thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại trong gia đình, hay những cuộc gặp gỡ bạn bè. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và GS. Nguyễn Minh Thuyết – những người từng trải qua thời bao cấp cũng đã khiến khán phòng lặng đi với những câu chuyện về những năm tháng không thể nào quên. Đó là kỷ niệm khi mua sữa mậu dịch theo tiêu chuẩn của tem phiếu, kỷ niệm khi cầm tem phiếu đi lĩnh thịt lợn thì lại nhận được cám gạo, kỷ niệm của những ngày tháng phải xoay xở để thích nghi với hoàn cảnh… 
 
Ôn cố tri tân với “Thương nhớ thời bao cấp”
Bìa sách “Thương nhớ thời bao cấp”
 
Không ít đại biểu dự tọa đàm cũng đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng đó. Dù khó khăn, dù nghiệt ngã nhưng họ tự hào vì đã đồng hành cùng sự chuyển mình của đất nước, được tôi luyện bản lĩnh, khả năng chịu đựng và vượt lên khó khăn với tinh thần lạc quan, tin về ngày mai tươi sáng. Cũng bởi vậy mà những ký ức về thời bao cấp tuy nghiệt ngã vẫn rất sống động và đầy giá trị nhân văn, thấm đượm tình người. 
 
“Thương nhớ thời bao cấp” đã một lần nữa cho chúng ta sống lại, đến mức nôn nao, cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định hay phán quyết rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn” – nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ. 
 
Thanh Bình/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)