1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Nhà lý luận Thành Duy và vấn đề văn hóa dân tộc

18/04/2019
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Thành Duy, tên thật là Nguyễn Văn Truy (10/10/1932 - 9/3/2019), quê sinh ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại phố Võng Thị, quận Tây Hồ (Hà Nội). Nhìn lại chặng đường dài học thuật, có thể thấy ông chủ yếu gắn bó với công tác nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học. Ông thuộc thế hệ đến với Viện Văn học vào đúng năm đầu thành lập (1959), cùng các bậc thầy Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nam Trân…
Nhà lý luận Thành Duy và vấn đề văn hóa dân tộc
PGS.TS Nguyễn Thành Duy đến thăm và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp
 
Cả cuộc đời nhà văn Thành Duy dành tâm sức cho các công trình, đề tài nghiên cứu và có được 16 đầu sách in riêng, nhiều sách in chung và hàng chục tiểu luận chuyên sâu. Ông trở thành nhà lý luận, chuyên gia hàng đầu về vấn đề “tính dân tộc” và văn hóa - văn học dân tộc... Có thể khẳng định Thành Duy là nhà nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề tính dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh trên cả hai phương diện lý luận và vận dụng vào thực tiễn. Cụm công trình Động lực dân tộc và thực tiễn sáng tạo văn hóa, nghệ thuật (2004) và Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (2004) đều có sự tích hợp, phát triển các nội dung khoa học từ chuyên luận Về tính dân tộc trong văn học (1982), có ý nghĩa đặt nền móng cơ sở và tổng kết một đề tài khoa học văn chương quan trọng. Sau này tác giả mở rộng tới các vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh và các khía cạnh tư tưởng và lý luận văn hóa - văn học dân tộc.
 
Nhà lý luận Thành Duy và vấn đề văn hóa dân tộc
Khác với nhiều người, nhà nghiên cứu Thành Duy không đi sâu tìm hiểu những khía cạnh thuộc về phương pháp, trường phái, phương thức sáng tác chuyên sâu thuần túy mà ưu tiên khai thác các vấn đề lý luận liên quan đến đời sống tư tưởng và quản lý văn nghệ, nhấn mạnh các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, định hướng các bước tiếp nối và phát triển văn học qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chính vì vậy có thể khẳng định công trình Động lực dân tộc và thực tiễn sáng tạo văn hóa, nghệ thuật còn có ý nghĩa tổng thành, đóng vai trò tổng kết một chặng đường hoạt động nghiên cứu văn học sôi nổi của tác giả. Công trình Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh có tính vấn đề, có giá trị cả trên phương diện tư liệu và tri thức, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu di sản tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh.
 
Đặt trong tầm quan sát rộng lớn về bản chất văn học, công trình Động lực dân tộc và thực tiễn sáng tạo văn hóa, nghệ thuật chú trọng nhấn mạnh vị trí của văn học từ đặc trưng một hình thái ý thức xã hội và có những chức năng cụ thể. Suy nghĩ về phương hướng tiếp cận với bản chất của văn học, Thành Duy xác định: "Có nhiều cách tiếp cận với bản chất của văn học. Nhưng nhìn chung chúng ta vẫn thường thấy ba cách khảo sát giá trị của văn học gắn liền với ba bộ môn của khoa nghiên cứu văn học. Đó là văn học sử, lý luận và phê bình văn học. Ba bộ môn nghiên cứu truyền thống đó bằng những phương pháp nghiên cứu khác nhau đã giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của văn học từ trước tới nay. 

Đặc biệt từ khi vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, khám phá ra bản chất xã hội của văn học, cả ba bộ môn nghiên cứu văn học nói trên đã có những bước tiến nhảy vọt" (Sđd, tr.135)... Từ điểm tựa cơ bản này, ông trở đi trở lại nhấn mạnh mối liên hệ ý nghĩa quốc tế và đặc điểm dân tộc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, góp phần tìm hiểu tương quan giữa vấn đề dân tộc và hiện đại của văn hóa, nghệ thuật trong thời đại toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức, đồng thời đặt ra những yêu cầu cụ thể hướng đến sự phát triển bền vững trong thế kỷ XXI. Không dừng lại ở đó, ông đi sâu phân tích cơ sở khoa học và ý nghĩa thực tiễn của công cuộc đổi mới tư duy như một xu thế tất yếu. 

Thêm nữa, phải có một tinh thần kiên định, một lòng tin và sự chân thành sâu sắc ông mới có thể cất lên tiếng nói tâm huyết khi đặt vấn đề Đổi mới hay dấu hiệu của sự khủng hoảng về lý luận. Trong tiểu luận giàu tính luận chiến này, Thành Duy phân tích khá thuyết phục thực trạng đời sống tinh thần xã hội trong quá trình vận động và phát triển của đất nước, từ đó nêu lên ba nguyên nhân cơ bản về "sự lạc hậu lý luận đang là trở ngại cho sự nghiệp đổi mới", về "cơ chế quan liêu", về "tình trạng xem nhẹ đội ngũ lý luận phê bình, coi lĩnh vực phê bình như lĩnh vực có cũng được không có cũng không sao, không thấy vai trò lý luận phê bình đối với sáng tác và phong trào văn học nghệ thuật nói chung" và đi đến lời kết có ý nghĩa như một khẩu hiệu, một nỗi niềm cảnh báo, một nguyện ước thiết tha: Đổi mới phải đi đôi với việc khắc phục hậu quả lạc hậu lý luận (Sđd, tr.168-174)... 

 
Chắc chắn những tiếng nói chí tình như thế của chuyên gia lý luận Thành Duy đã góp phần không nhỏ vào quá trình nhận thức của những người cùng chung đội ngũ, từng bước tự điều chỉnh và phát triển đường hướng xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 
 
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)