1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Nâng cao hiệu quả quy định thông tuyến KCB BHYT: Cần chú trọng y tế cơ sở

31/10/2019
Sau hơn 3 năm thực hiện, quy định thông tuyến huyện trong KCB BHYT đã mang lại nhiều kết quả, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHYT nhưng cũng bộc lộ một số bất cập. Do vậy, việc có nên thực hiện thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT như trong lộ trình thực hiện Luật BHYT hay không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm... Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Phóng viên: Là người trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng Luật BHYT 2008 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014), ông có thể cho biết tại sao chúng ta lại quy định lộ trình thông tuyến tỉnh sau 6 năm Luật BHYT 2014 có hiệu lực?

 

Ông Nguyễn Văn Tiên: Trong quá trình xây dựng Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014, rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như chuyên gia, cơ quan chức năng cho rằng nên xem xét thông tuyến KCB BHYT cho người dân, bởi chúng ta cứ phải đi KCB BHYT thứ tự từ tuyến thấp lên cao, trong khi có những bệnh ở tuyến cơ sở chưa chữa được. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trong cơ chế tự chủ hiện nay, nếu thông tuyến mà không quản lý cẩn thận thì nhiều người sẽ lên tuyến trên. Trong khi đó, theo nhiều ĐBQH việc thông tuyến sẽ dễ dẫn đến việc “lấy dao giết trâu đem đi mổ gà”, gây lãng phí, đồng thời sẽ tốn kém (tiền ăn ở, đi lại…) cho bệnh nhân và người nhà. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, khi xem xét vấn đề thông tuyến, Quốc hội đã quyết định trước mắt sau 2 năm (năm 2016) mở thông tuyến huyện và đến năm 2021 tính toán mở thông tuyến tỉnh.

 

Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này, khi quy định thông tuyến huyện đã thực hiện được 3 năm, những băn khoăn chúng ta đặt ra ở thời điểm đó có xảy ra không?

 

Ông Nguyễn Văn Tiên: Khi đặt lộ trình, đã xác định sau 5 năm thực hiện thông tuyến huyện sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị cho thông tuyến tỉnh. Qua 3 năm thông tuyến huyện, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân rất ủng hộ do việc đi KCB rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc quản lý cũng gặp một số vấn đề rắc rối nhưng có thể nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý. Thông tuyến huyện trong KCB BHYT là một trong những đột phá của chính sách y tế nhưng cũng phải xem xét cùng với những quy định khác để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây, trạm y tế xã rất nhiều việc (tuyên truyền, tiêm chủng, KCB thông thường…); bây giờ chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn KCB người dân không tin tưởng nữa. Nguyên nhân là y tế xã do bệnh viện huyện quản lý, cấp thuốc gì thì được thuốc đó và thuốc ở y tế xã thấp hơn so với ở bệnh viện… khiến người dân phải lên tuyến trên. Vì vậy, chúng ta phải sửa đổi chính sách để thuốc ở xã cũng được như ở huyện; một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản cũng nên trang bị cho tuyến xã. Làm như vậy sẽ giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên nữa.

 

Phóng viên: Việc thông tuyến huyện đã bộc lộ rõ những bất cập. Vậy đến khi thực hiện thông tuyến tỉnh, liệu chúng ta có tiếp tục gặp phải những tồn tại tương tự?

 

Ông Nguyễn Văn Tiên: Tôi nghĩ rằng, bài học của thông tuyến huyện khá rõ. Sau nhiều năm thực hiện pháp luật BHYT, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đơn cử như chúng ta phải xác định được phương thức chi trả theo trường hợp bệnh có hiệu quả nhất và được nhiều nước áp dụng. Khi xây dựng Luật BHYT 2008 cũng như Luật BHYT 2014, Quốc hội chủ yếu giao Chính phủ chứ không có lộ trình. Ví dụ, có 3 phương thức chi trả nhưng chúng ta không xác định thời điểm sử dụng phương thức chi trả nào chiếm tỉ lệ cao nhất. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thế giới cũng như Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng cũng đã xác định phải áp dụng nguyên lý y học gia đình trong chăm sóc sức khỏe ở tuyến xã, phường. Đây không chỉ là việc chăm sóc sức khỏe mà còn có vai trò quan trọng trong quản lý cũng như sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Ở các nước, y tế cơ sở là nơi “gác cổng” theo dõi sức khỏe, nhằm đảm bảo việc thông tuyến đúng với tình trạng sức khỏe người bệnh; đồng thời xác định tuyến cần chuyển đến hợp lý, chứ không cứ phải chuyển theo trình tự như ở nước ta. Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta làm tốt việc quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu thì việc thông tuyến như vậy có thể thực hiện được, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.

 

Phóng viên: Theo quy định, việc thông tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, Luật BHYT đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2021. Vậy theo ông, chúng ta có nên giữ quy định thông tuyến tỉnh hay không?

 

Ông Nguyễn Văn Tiên: Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT- đây là đích để chúng ta có thể điều chỉnh chính sách cho hợp lý. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tôi thấy rằng chúng ta có thể thông tuyến tỉnh, thậm chí thông tuyến Trung ương với điều kiện tuyến cơ sở phải quản lý tốt sức khỏe, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các bác sĩ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phải thực hiện đúng chức năng của mình. Khi người dân đi KCB, trước tiên họ ký xác nhận thông qua bác sĩ gia đình để được quản lý, xác định, giới thiệu lên đúng tuyến. Như vậy, chúng ta được cả 2 mặt: Quản lý tốt quỹ BHYT, tiết kiệm tiền cho người dân do không lên tuyến trên với những bệnh nhẹ; đảm bảo quyền thông tuyến, giúp người dân bị bệnh nặng được điều trị kịp thời.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Hà/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)