1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Hà Nội trong mắt ai…

29/10/2018
“Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” (Hồi ức - Biên khảo) là tác phẩm thứ 13 (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà văn Lê Văn Ba. Năm nay ông đã 84 tuổi, nhưng nhiệt huyết vẫn như một “hỏa diệm sơn”, người trẻ cầm bút khó lòng theo kịp. Tính tuổi, ông thuộc thế hệ với nhà văn Vân Long (SN 1934), Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933), Băng Sơn (sinh năm 1932),... - những cây bút đã gắn bó nhiều năm với Hà Nội ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt.
 Hà Nội trong mắt ai…
 
1.Trong “Lời giới thiệu” tác phẩm, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhấn mạnh “Cần phục dựng bức tranh toàn diện về một giai đoạn văn nghệ rất sôi động của chúng ta”. Đây không phải là một lời kêu gọi suông đối với giới văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Đó là lời thỉnh cầu từ đáy lòng để “Cung cấp cho thế hệ sau bức tranh toàn diện về văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến 9 năm chống Pháp trên cả nước, từ chiến khu Việt Bắc đến các vùng đồng bằng, bưng biền, và các thành phố trong đó có Thủ đô Hà Nội bị quân Pháp tạm chiếm. Đây là một việc làm cần thiết, cấp bách của thế hệ chúng ta. Không nên trao gánh nặng cho thế hệ sau. Đó là sự công bằng của lịch sử”. Nói cách khác đây là một “món nợ tinh thần” của các nhà văn với Thủ đô. 
 
Hà Nội trong mắt ai…
 
Tuy nhiên, phải nói cho công tâm, thực tế sáng tác văn chương Hà Nội thời kỳ 1945-1954 đã được khởi động nghiên cứu từ trước. Trong sách “Văn học Việt Nam 1945-1954” của tác giả Mã Giang Lân (NXB Giáo dục, 2003) đã dành viết hẳn một chương “Sáng tác văn học ở Hà Nội, Sài Gòn 1945-1954”. Tuy nhiên cách viết chỉ là khái quát và gói gọn trong “văn học”, không mở rộng thành “văn nghệ”. Tác phẩm của Lê Văn Ba có biên độ lớn hơn khi nghiên cứu “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954”. Khi bắt tay vào thực hiện công trình tâm huyết “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954”, chúng tôi nghĩ, tác giả đã được định hướng tâm thế “Chúng ta không chỉ nợ văn chương mà còn nợ một sự chiêu tuyết đối với cả một phong trào, một đội ngũ” (Phát biểu tổng kết của nhà thơ Hữu Thỉnh trong cuộc tọa đàm Nhận diện thành tựu văn chương 1947-1954 trong Hà Nội tạm chiếm, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngày 6/10/2016 tại Hà Nội). Rõ ràng, có những món nợ tinh thần không phải một sớm một chiều, không chỉ một người trả nổi.
 
2. “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” của Lê Văn Ba là một tác phẩm thuộc dạng thức “2 trong 1” (hồi ức/biên khảo). Ngoài phần hồi ức “Ngày ấy Hà Nội” (từ trang 17 đến 28) phần lớn cuốn sách dành biên khảo  trong hai chương (kèm 2 Phụ lục) - “Nhận diện văn nghệ Hà Nội 1947-1954” và “Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954”. Có cảm giác khi đọc sách như người đi xem triển lãm “tạp kỹ”. Nghĩa là có đủ “món” văn nghệ từ văn chương, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, đến sân khấu, phê bình lý luận. Vì trải rộng như thế nên bút lực của tác giả không tập trung vào một trọng điểm nào. Chúng tôi hiểu đây là một cuốn sách về phong trào, về nhiều lĩnh vực văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm 1947-1954. Sau tác giả Lê Văn Ba, thiết nghĩ, còn cần nhiều tấm lòng, trí tuệ khác góp sức để tôn vinh “Văn nghệ Thủ đô thời tạm chiếm”.
 
3. Nói đến văn nghệ là nói đến những “gương mặt” tiêu biểu. Có lẽ phần hấp dẫn hơn cả của cuốn sách chính là khi độc giả có thể thích thú dừng lại lâu hơn với những tên tuổi thuộc các lĩnh vực, dĩ nhiên nổi trội nhất vẫn là văn chương (Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Phạm Cao Củng,  Ngân  Giang, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Giang Quân, Băng Hồ, Sao Mai, Thanh Hào, Thế Phong,...). Đặc biệt trong lĩnh vực này có một “đường dây” với tên gọi Tổ văn nghệ sĩ hoạt động bí mật nội thành. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) họ mới ra công khai - đó là Nguyễn Bắc, Lương Danh Hiền, Dương Linh, Hoàng Công Khanh, Lê Văn Ba, Lê Tám,... 
 
Có thể nói khi viết về những “gương mặt” văn chương tác giả Lê Văn Ba thông thuộc và sở trường hơn khi viết về các lĩnh vực khác như hội họa (Nam Sơn, Hoàng Tích Chù, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Tạ Tỵ, Mạnh Quỳnh), âm nhạc (Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Ngọc Bích,...), sân khấu (Vũ Khắc Khoan, Phan Tại,...), nhiếp ảnh (Đỗ Huân, Nguyễn Duy Kiên,...). Khi viết về các bạn văn tác giả đều thấm thía chia sẻ cái nỗi “nghèo” nói chung của văn nghệ sĩ vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tuy nhiên cái nghèo đói không làm cho lương tâm họ có tỳ vết “Cuộc sống đầy vất vả khó khăn nhưng viết thế nào để góp mặt với đời, không trái với lương tâm, sứ mệnh người cầm bút, hướng về kháng chiến mà vẫn giữ được mình, không bị nhà cầm quyền gây khó dễ. Đây mới là cả một cuộc vật lộn ghê gớm, nỗi ưu tư vò xé con tim mỗi nhà văn, nghệ sĩ yêu nước trong thời điểm ngặt nghèo” (trang 64). Đó chính là thái độ đồng cảm của tác giả Lê Văn Ba đối với đồng nghiệp văn nghệ sĩ cùng trang lứa. Ngày nay, ứng xử với nhau của giới văn nghệ sĩ như thế không được như ngày xưa (!?).
 
Riêng chúng tôi, thực sự xúc động và tâm đắc khi đọc phần “Người ở, người đi” (trang 76 đến 89). Đó là những trang viết về cảnh “người lên ngựa kẻ chia bào”. Do hoàn cảnh lịch sử, do số phận quy định và do vô số cái ngẫu nhiên mà sau ngày 10/10/1954, trong số các văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đã kẻ Bắc người Nam. Đã đành như Vũ Bằng (1913-1984), vốn là chiến sĩ điệp báo quân đội từ trong kháng chiến, theo yêu cầu nhiệm vụ của Tổ chức giao phó mà làm một cuộc “di cư bất đắc dĩ” vào miền Nam từ 1954. Ròng rã 21 năm trời ngày Nam đêm Bắc, ủ kỹ những ký ức lương thiện mà viết “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội”. Cũng là một cách ký thác kín đáo lòng yêu quê hương đất nước, đồng bào, đồng chí. Con số 43 văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954) sau ngày giải phóng Thủ đô đã “hành phương Nam” cho chúng ta một cảm thức về sự chia ly, chia cắt vì hoàn cảnh lịch sử, đã đành, mà cũng vì số phận nhiều rủi ro hơn may mắn với mỗi người. 
 
Lại có người, như nhà văn Băng Hồ, đã vào đến Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông - rồi lại kíp quay ra Hà Nội, chỉ vì “Tự nhiên tôi thấy tự hào về cái cố đô thân thiết của tôi. Tôi thấy nhớ da diết những rặng liễu thướt tha quanh hồ Gươm xanh trong bóng nước với những tà áo dài lụa trắng khép nép bay bay phía bên nhà Thủy Tạ. Tôi thèm cái sắc trời bảng lảng của một sớm thu về, làn gió heo may gợi cho tuổi trai mới lớn cái trống vắng vẩn vơ(...). Ôi! Hà Nội mến yêu của tôi, tôi bỏ Người đi sao đành” (trích hồi ký “Xanh xanh thuở ấy” của Băng Hồ, chưa xuất bản). Trong số “người đi” có những tên tuổi được công chúng nghệ thuật biết đến và suy tôn tài năng như Lê Văn Trương, Vũ Khắc Khoan, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ,... 
 
4. Là người hoạt động trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học nên chúng tôi đặc biệt chú ý và quan tâm đến phần viết “Phê bình lý luận, đóng góp không nhỏ” (từ trang 296 đến 303). Có thể nói là nhiệt tình của người viết thì tràn đầy nhưng bức tranh vẽ ra thì còn quá khiêm tốn, đơn sơ, đạm bạc như chính tác giả thừa nhận “Người viết bài này chỉ gom nhặt bước đầu một số tư liệu rời rạc với thành tâm giúp một phần nào các nhà văn học sử làm tuyển tập, toàn tập “Văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm 1947-1954” sau này” (trang 303). Với tư cách một người nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi cũng chưa thực sự cởi bỏ hết băn khuăn khi đọc chương II “Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” (từ trang 115 đến 304). Ở đây khái niệm “đỉnh cao” mà tác giả đưa ra quả thật chưa hoàn toàn thuyết phúc độc giả. Có lẽ cảm  thấy dùng thuật ngữ “đỉnh cao” nhưng rồi không tìm ra “đỉnh” nên sau đó tác giả đã khiêm tốn hơn khi dùng khái niệm “tác phẩm đặc sắc” (tr.123). Như vậy có thể nói gần 200 trang chương II cũng chính là phần quan trọng của cuốn sách, tập trung giới thiệu các tác phẩm văn nghệ đặc sắc những năm 1947-1954 trên các lĩnh vực văn chương, âm nhạc, hội họa, sân khấu, phê bình lý luận,...Nhưng quả thực đây cũng lại là một câu chuyện dài cần nhiều bút mực hơn nữa để đối thoại về một vấn đề rất mở, tiếp tục mời gọi các nhà văn dốc sức lực, thời gian nghiên cứu tiếp tục.
 
Những khiếm khuyết mà tác giả chưa vượt qua được để làm cho tác phẩm hoàn thiện hơn, chúng tôi nghĩ, có lẽ vì ông vẫn còn “đơn thương độc mã”. Công việc tổng kết này đòi hỏi công sức, trí tuệ của nhiều người. Chúng tôi đánh giá cao nhiệt huyết của một nhà văn thế hệ U80, đáng lẽ giờ đây mặc sức ngày đêm vui vầy với con cháu nhưng vẫn còn cặm cụi đèn sách. Quả thật nhà văn Lê Văn Ba là một tấm gương của lao động chữ nghĩa đáng khâm phục. 
 
Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)