1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Hà Nội ta luôn có Bác bên mình

01/02/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30/1/1957. (Ảnh tư liệu)
 
Sinh thời, bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của UBND Thành phố Hà Nội, từng nói: "Hà Nội vinh dự là Thủ đô của cả nước, lại có hạnh phúc là nơi Bác Hồ sống, làm việc và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Trong công cuộc kháng chiến và cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thủ đô Hà Nội luôn được Bác quan tâm, dìu dắt".
 
Là người được Bác Hồ đích thân chọn vào cương vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng ngay từ những ngày đầu cách mạng, đã được gần gũi và tháp tùng Bác Hồ trong các dịp Người tham dự các hoạt động chính trị, xã hội. Cũng vì thế, ông học được ở Người đức tính gần gũi quần chúng - gần tới mức như không còn khoảng cách. Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán năm 1962, vị Chủ tịch nước và Chủ tịch thành phố đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Tín - người đàn bà gánh nước thuê ở ngõ Hàng Chĩnh, phố Lý Thái Tổ. Đêm giao thừa ấy lạnh lắm. Thấy Bác Hồ, chị quá bất ngờ nên đã khóc vì cảm động, vội quẳng cả đôi thùng ôm chầm lấy Bác. Bác và bác sĩ Trần Duy Hưng cũng xúc động. Bác nói: "Nín đi cháu, Bác không đến thăm những người như cô chú thì thăm ai...".
 
Từ đó cho đến tận những năm cuối đời, cứ vào dịp Tết, bác sĩ Trần Duy Hưng lại đi thăm và chúc Tết những người lao động, từ người thợ cắt tóc đến bà mẹ ngoại thành, từ chị công nhân tại phường Vĩnh Tuy đến anh nông dân ở huyện Sóc Sơn. Như một thói quen, cứ chiều 30 Tết, ông lại chuẩn bị một túi quà để tặng cho người công nhân quét rác cuối cùng của đêm giao thừa.
 
Bác sĩ Trần Duy Hưng luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: “Dù làm Chủ tịch nước, Chủ tịch thành phố hay gì đi nữa, Bác cháu ta cũng phải hiểu rằng: Mình không phải là những ông quan cách mạng, mà là những người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người cũng thường xuyên nói với cán bộ Đảng và chính quyền thành phố về truyền thống vẻ vang của Thăng Long, Đông Đô, và nhắc họ hãy làm việc như thế nào để xứng đáng với Thủ đô anh dũng, kiên cường.
 
Kháng chiến bùng nổ, từ núi rừng Việt Bắc, Bác cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của cả nước, Bác vẫn nhớ tới Thủ đô Hà Nội. Tháng 5 năm 1949, trong thư gửi đồng bào Hà Nội, Người viết:
 
“Chúng ta chắc thắng vì chúng ta quyết thắng. Tôi viết thư này với tất cả lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng. Đồng bào gắng tiến lên, ngày vẻ vang sẽ không xa”.
 
5 năm sau, kháng chiến chống thực dân Pháp đã thắng lợi. Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, Bác cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chuẩn bị nhiều mặt để tiếp quản Thủ đô. Ngày 10/10/1954, Bác gửi thư cho đồng bào Hà Nội, nêu rõ: “Trong tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn luôn bên cạnh đồng bào”.
 
Trong thư, Bác khen ngợi đồng bào đã phấn đấu giữ gìn Thủ đô, đồng thời nêu ra những nhiệm vụ mới cho quân và dân Thủ đô. Các vị lãnh đạo Hà Nội cho biết, từ ngày giải phóng đó, Bác dành cho Thủ đô sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Người thường xuyên dành cho các tầng lớp nhân dân sự khích lệ, động viên. 
 
Dù bận rộn với nhiều công việc hàng ngày của một vị lãnh tụ tối cao, Người rất chú ý tới ngành công nghiệp nặng của Thủ đô. Đã nhiều lần Người đến thăm Nhà máy Cơ khí trung quy mô, món quà của tình đoàn kết hữu nghị Việt - Xô; Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, một công binh xưởng có từ ngày Cách mạng tháng Tám. Bác đi thăm bà con nông dân ngoại thành ngay từ khi mới cải cách ruộng đất. Những ngày hạn hán, nắng cháy đồng, những ngày bận rộn nhưng rất vui, nhân dân Thủ đô đều thấy có Bác bên cạnh.
 
Một nhà lãnh đạo khác của Hà Nội, đó là nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thọ Chân cho biết, ông đã từng được tham gia trong buổi Bác Hồ duyệt bản quy hoạch Thành phố Hà Nội. Trong buổi làm việc quan trọng đó, một đồng chí trong Trung ương đề nghị Bác là nên xây dựng Văn phòng Trung ương Đảng ở nơi khác, đẹp hơn chỗ hiện tại, đó là vị trí trường Anbert Sarraut. Nghe thấy thế, Bác trả lời:
 
- Văn phòng Trung ương như thế là được rồi. 
 
Sau khi im lặng một lúc, Bác hỏi:
 
- Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng ở chỗ nào thì tốt không?
 
Mọi người nhìn nhau. Bác chỉ tay vào ngực mình và nói tiếp:
 
- Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất.
 
Nói điều đó, Bác dạy mọi người hiểu rằng Đảng và nhân dân là một. Đảng phải luôn luôn được nhân dân quý trọng, yêu mến và bảo vệ.
 
Đúng như lời bác sĩ Trần Duy Hưng đã nói, Hà Nội hạnh phúc là nơi Bác Hồ sống, làm việc và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Người gắn bó với Hà Nội trong một quãng thời gian đầy những sự kiện hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tính từ ngày Người đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) đến ngày Người vĩnh viễn ra đi (2/9/1969), vừa tròn 24 năm, trong ngót ¼ thế kỷ ấy, Bác đã cùng nhân dân Thủ đô trải qua những năm tháng đầy thử thách, đầy niềm vui và tự hào. Ấy là khi con thuyền cách mạng vượt qua bao thác ghềnh do giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm cùng bè lũ tay sai gây ra. Ấy là những sự kiện đáng nhớ của Tuần lễ vàng, của cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên, ngày Nam Bộ, phong trào Bình dân học vụ. Và sau này, những đêm giao thừa, từ Hà Nội phát đi giọng nói ấm áp của vị lãnh tụ tối cao khi đọc lời chúc Tết. Ấy là khi Người thân ái vẫy chào các tầng lớp nhân dân Hà Nội mỗi dịp kỷ niệm Ngày độc lập 2/9, mỗi khi đón tiếp các vị khách quốc tế. Hà Nội cũng là nơi diễn ra bao sự kiện to lớn của đất nước, như Đại hội Đảng, các cuộc mít tinh lớn, các hội nghị lớn, những hoạt động đầy ý nghĩa của mối tình kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn… Trong cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc do giặc Mỹ gây ra, Bác Hồ vẫn không rời Hà Nội. Người là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần, là người thân yêu nhất của Hà Nội ta. Quên sao được tiếng Người đọc Lời kêu gọi đồng bào cả nước vào ngày 17/7/1966 qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa - Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.
 
Từ niềm tin ấy, quyết tâm ấy, qua 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước sum họp một nhà, Hà Nội đã có những bước tiến lớn về mọi mặt, Hà Nội ngày càng xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao của cả nước. Hà Nội hôm nay thực sự đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong niềm vui, Hà Nội ta luôn cảm thấy có Bác bên mình. Người vẫn theo dõi từng bước đi, từng đổi mới của Hà Nội. Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hà Nội ghi sâu lời Bác dạy, luôn trăn trở tìm những hướng đi mới, có hiệu quả lớn hơn. 
 
Năm 2020, Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã tiến hành thành công, đề ra những quyết định quan trọng về công tác quy hoạch phát triển đô thị với tầm nhìn xa, tư duy mới và trách nhiệm cao. Theo đó, trong chương trình công tác của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy quyết tâm khắc phục các hạn chế còn tồn tại: Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu của thành phố đến nay mới đạt khoảng 86%; phát triển đô thị tại Hà Nội vẫn chưa gắn với phát triển kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới chưa gắn với phát triển đô thị... Điều này càng làm chúng ta nhớ tới Di chúc thiêng liêng của Bác, tới mong muốn của Người là xây dựng Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
 
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác khi Người còn sống, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội ngày càng thấy rõ thành phố của mình là một đô thị đặc biệt, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, điểm đến hấp dẫn của bè bạn khắp năm châu. Trong mỗi bước đi của mình, Hà Nội luôn cảm thấy có Bác bên cạnh, được Người khích lệ, cổ vũ với tất cả niềm tin yêu, tình cảm sâu sắc của vị Cha già dân tộc. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-ta-luon-co-bac-ben-minh_264116.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)