1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

Đổi ngôi vào mùa trăng

06/02/2019
Bên cạnh đồ sộ những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, GS. Hà Minh Đức còn có tới tận 14 tập sách sáng tác gồm các thể loại bút ký, truyện ngắn, chân dung văn học và thơ. Tôi không cho đó là sự viết thêm vào một sự nghiệp lớn đã được khẳng định, mà thực sự là một mảng cống hiến không thể bỏ qua. Lúc giáo sư chuẩn bị ra tập thơ đầu tay, tôi có may mắn được giáo sư cho đọc bản thảo. Tôi hăm hở trong ngạc nhiên. Thế rồi, tập thơ đầu ra mắt. Và chẳng bao lâu, giáo sư lại đưa cho tôi tập bản thảo mới, rồi tập nữa, tập nữa. Cứ thế, tôi đã đọc với sự trân trọng đặc biệt, và để viết đôi lời giới thiệu còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Đúng là phải nhiều lần vì đây không còn là việc đọc văn tìm người. Vì mỗi lần đọc lại lại phát hiện ra một cái gì đó, mà, vào một thời điểm nào đó, một tâm thế nào đó, không thấy hết cái ẩn ý, cái vô thanh của nó.
Đổi ngôi vào mùa trăng
 
Bên cạnh đồ sộ những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, GS. Hà Minh Đức còn có tới tận 14 tập sách sáng tác gồm các thể loại bút ký, truyện ngắn, chân dung văn học và thơ. Tôi không cho đó là sự viết thêm vào một sự nghiệp lớn đã được khẳng định, mà thực sự là một mảng cống hiến không thể bỏ qua. Lúc giáo sư chuẩn bị ra tập thơ đầu tay, tôi có may mắn được giáo sư cho đọc bản thảo. Tôi hăm hở trong ngạc nhiên. Thế rồi, tập thơ đầu ra mắt. Và chẳng bao lâu, giáo sư lại đưa cho tôi tập bản thảo mới, rồi tập nữa, tập nữa. Cứ thế, tôi đã đọc với sự trân trọng đặc biệt, và để viết đôi lời giới thiệu còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Đúng là phải nhiều lần vì đây không còn là việc đọc văn tìm người. Vì mỗi lần đọc lại lại phát hiện ra một cái gì đó, mà, vào một thời điểm nào đó, một tâm thế nào đó, không thấy hết cái ẩn ý, cái vô thanh của nó.
 
“Vào mùa trăng” là một tập chọn lọc từ ba tập thơ của giáo sư, ngoài ra còn có thêm một số bài mới. Cảm giác liền mạch, tập trung đủ để cho ta nhận ra một tâm hồn, một cách cảm, một độ rung:
 
Nồng nàn hương biển hương em
Sóng cuốn đánh dạt em vào đời anh
Anh như bức thành
Bỗng nhiên tan vỡ
(Hạ Long ngày ấy)
 
Một người bị say sóng tình. Một sự đổi ngôi. Ta bắt gặp các lắc lư của người đang yêu, với tất cả cái bất thường, vu vơ, thao thức, mộng mơ của nó. Tôi đã từng nghe nói, những người tình đều là những cặp thi nhân. Đúng như thế thật. Này đây:
 
Một chiều gặp nhau
Mưa chợt đến
Và chúng ta chụm lại
Dưới mái hiên lặng lẽ giữa trời
Một tình cờ, như mọi tình cờ. Những gì diễn ra thì rời rạc, xa lạ. Tôi trộm nhìn em - Em lại nhìn chốn xa xôi - Bong bóng phập phồng - Và lanh chanh những hạt mưa rơi. Tất cả chỉ có thế. Và mưa tạnh. Và chia tay. Không phải, đã có gì đâu mà bảo chia tay. Nói đúng ra là ai đi đường nấy. Ấy thế mà xảy ra một sự đột biến khiến cho mưa trở thành Mưa dịu dàng - Mưa ân cần, và một trận động đất nhỏ:
 
Mưa lặng rồi
Em đi về đâu
(Cơn mưa đầu mùa)
 
Câu hỏi vu vơ mà rất gợi. Đọc thơ của GS. Hà Minh Đức, tôi rất chú ý những mạch ngầm kín đáo ấy, từ đó mà nhận ra một cách cảm nhận riêng. Vậy, tôi đã thấy gì? GS. Hà Minh Đức là đồng tác giả một tác phẩm nghiên cứu công phu về thơ, hình thức và thể loại. Ở đó, giáo sư chỉ ra những nguyên tắc, những quan niệm phổ quát, những cái được xem như những phép tắc cơ bản về thơ. Còn “Vào mùa trăng” thì giáo sư lại không theo một phép tắc nào cả, nói chính xác hơn, giáo sư chỉ vâng theo phép tắc duy nhất là những lời mách bảo của trái tim mà thôi. Tôi yêu sự thành thực và bàng hoàng của những câu thơ sau:
 
Tuổi trẻ em như một 
vầng trăng sáng
Tôi với em chênh nhau
nhiều năm tháng
Nên mơ hồ lẫn lộn thời gian
(Thành phố và em)
 
Với một người như GS. Hà Minh Đức, thật không dễ để hạ bút “Tôi với em chênh nhau nhiều năm tháng”. Câu thơ thành thực làm ta cảm động. Tác giả dũng cảm trao sự tin cậy cho người đọc.
 
Trường cảm chủ yếu trong “Vào mùa trăng” là tâm tình. Bút pháp quan trọng nhất là tự nhiên. Với hai ưu điểm ấy tác giả rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa người viết và người đọc. Ta gặp nhiều câu thơ, đoạn thơ rất gợi được viết theo một cách riêng:
 
Đêm đen
Như mái tóc của em
Anh vẫn  phủ dày lên mặt
Như ánh mắt em chưa tắt
Khi xa nhau
Anh ngồi một mình trên cỏ
Chờ đợi một điều gì
Gió lại đang về
Có qua miền em
Mang về chút hương quen
(Đợi chờ)
Nhà thơ chỉ huy cả một binh đoàn chữ. Thiên biến vạn hóa không thể đoán định. Phù phép nào tùy thích, nhưng đích đến phải tạo ra sự đồng cảm. Thơ của GS. Hà Minh Đức níu kéo ta ở lại chính là sự đồng cảm ấy. Tôi rất tin khi anh viết:
 
Anh đã đánh mất tình yêu
Như mất chính mình
Còn em, đang đi trong đêm
Có thể gặp một tia sáng
Hoặc chính để bóng tối chỉ đường
từ trong đau khổ
(Chia tay)
 
Những lời trao gửi trong tình yêu là những tiếng nói thầm, chảy trong mạch nội tâm. Giáo sư rất có ý thức tránh sự to tiếng, hoa mỹ, cố gắng tìm một cách nói kiệm lời biểu cảm rất sâu. Anh đánh mất tình yêu, có thể ví với nhiều thứ, có thể tô đậm những trạng thái tình cảm quen thuộc, ở đây tác giả chọn một cách nói trần trụi, cô đặc tối đa: Như mất chính mình. Phải là người đã yêu, đã kỳ vọng lớn lao, đã coi tình yêu như sinh mệnh của mình mới có thể thốt lên một câu thơ đau đớn như thế. Giản dị, cô đọng, tự nhiên và thành thực phải chăng là cách riêng của GS. Hà Minh Đức? Tôi rất tin ở sự mách bảo này để đi vào thế giới riêng của giáo sư. Thật không thể dễ dàng để có thể viết: Hoặc chính để bóng tối chỉ đường - Như kinh nghiệm biết nhận ra từ đau khổ. Đây không còn là chuyện riêng trong tình yêu nữa, mà thực sự là một kinh nghiệm sống, một sự từng trải sẵn sàng được nhận sự chia sẻ của nhiều người.
 
Bài “Vào mùa trăng” được tác giả chọn làm tên chung cho tập thơ này vẫn được viết theo lối kiệm lời, có khi chỉ là một nét phác, nhưng lại có sức mời gọi liên tưởng của người đọc. Anh nói về người yêu. Em ngoan như một tín đồ mộ đạo - và nồng nàn bên bếp lửa chiều đông. Người phụ nữ có hai thứ cuốn hút người tình: nhan sắc và phẩm hạnh: Cái thứ nhất làm nên tiếng sét ái tình. Cái thứ hai thực sự làm nên hạnh phúc. Ca ngợi vẻ đẹp hình thức thì về tả, say đắm cái vẻ đẹp tâm hồn thì nghiêng về khám phá. Giáo sư chọn cách thứ hai. Vì tác giả tin tưởng chỉ có phẩm hạnh mới làm nên sự vĩnh cửu trong tình yêu:
 
Trăng đêm nay thành trăng muôn thuở
Trăng soi sáng cho tình yêu đôi lứa
Cho tình yêu lưu giữ kiếp người
Cho tình yêu lưu giữ kiếp người. Tình yêu như thế nào để lưu giữ kiếp người? Từ tình yêu đôi lứa, tác giả muốn nâng lên thành tình yêu nhân loại nói chung.
 
Để nhận ra tình yêu ấy, tác giả cần phải tạo ra hoặc đặt nó vào trong những bối cảnh, nhưng độ chênh cần thiết để tình yêu khoe sắc và hiển hiện. Có phải thế chăng mà trong “Vào mùa trăng”, không nhiều lắm những ngọt ngào, viên mãn, mà nhiều hơn là những chia xa, những nhạt màu, những tình lang thang đọng lại nhiều day dứt. Mới ngày nào còn Bàn tay anh trong đêm lạnh giá – Đã ủ trong đôi tay của người em gái, thoắt đấy thế mà:
 
Bây giờ anh đã ở đây
Trên tay cầm một nhành lá
Đã nhạt màu
Chẳng còn gì thiêng liêng
Để nói lời hò hẹn
Chẳng còn gì nguyên vẹn
Khi mùa thu sắp tàn
Thương cánh chim rời tổ
Theo chân trời lang thang
Người ta nhận ra một tình yêu thật, một đắm say thật qua bước chân lang thang rất thật ấy.
 
“Vào mùa trăng” có những bài thơ nổi trội: “Nỗi nhớ ngày đông”, “Miền cổ tích của em”, “Tuyết ở Cornell”, “Chia tay”, “Không đề”… Ở những bài thơ ấy, cảm xúc đủ để tạo nên những câu thơ có sức chạm vào trí nhớ:
 
Mùa đông ơi. Xa cách quá chừng
Những kỉ niệm rung chuông thời thơ ấu
ngôi nhà ấm
và tình thương của mẹ
Tôi cảm tạ
một màu đông ân huệ
Đêm lắng nghe tiếng nhạc đêm trong
Hương hoa bay hương hoa lại thêm nồng
Thơ của GS. Hà Minh Đức coi đạm trọng hơn nồng, coi hồn cao hơn chữ. Đọc anh, ta thấy gần một tâm hồn ấm áp, đa cảm và tin cậy. Và khi anh chợt thốt:
Anh và em, hai bóng nhỏ
Dễ xóa đi trong sóng gió cuộc đời
(Với em)
 
Thì ta hiểu những xót xa thân phận không còn là chuyện riêng của mỗi người. Tôi đọc mà thấy cứ vương vấn mãi. Hóa ra đó cũng là chuyện kiếp người trong cõi vô thường bất tận. 
 
Hữu Thỉnh/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)