1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Thời sự

10 sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp năm 2020

05/04/2021
Năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục cho thấy vai trò sống còn và là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Bất chấp một năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu.

1. Tăng trưởng GDP toàn ngành 2,65%

Trong bối cảnh đó khó khăn, ngành NN&PTNT đã thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%.

Đối với chăn nuôi, số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng thịt các loại năm 2020 đạt 5,27 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019.

2. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới với 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

3. Nông sản Việt rộng đường sang EU nhờ EVFTA

EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8, đã và đang mở ra cơ hội đáng kể với những doanh nghiệp đã có hoạt động xuất khẩu với đối tác EU. Theo đó, một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã tận dụng được ưu đãi thuế quan và giá cả nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Chỉ hơn 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng trong các tháng sau khi EVFTA có hiệu lực đã tăng từ 17-20% so với tháng trước đó.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tương lai ngắn xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tỷ USD như cà phê, trái cây, gạo, tôm... sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Thậm chí, trong tương lai xa hơn, EU còn là "mảnh đất" màu mỡ để nông sản Việt "đào xới" khi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn, chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hàng năm.

4. Sắp có vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in Việt Nam"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) tại phiên chất vấn sáng 9/11 về quá trình nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, với những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, nhánh nghiên cứu trong nước đã phân lập thành công ngân hàng virus dịch tả lợn châu Phi; giải trình tự gen của virus, nghiên cứu dịch tễ để có cơ sở xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn.

Các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng của đàn lợn; sản xuất thử nghiệm một số lô vaccine dịch tả lợn châu Phi vô hoạt, nhược độc, qua khảo sát quy mô hẹp thì cho kết quả tốt, các đơn vị đang hoàn thiện quy trình để sản xuất ở quy mô lớn hơn.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, ngay khi Mỹ công bố nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT đã chủ động đề nghị các nhà khoa học Mỹ hỗ trợ và tiếp nhận chủng virus dịch tả lợn châu Phi do phía bạn chuyển giao cùng quy trình công nghệ, quá trình sản xuất, thử nghiệm cho kết quả khả quan.

5. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với DN, HTX theo chuỗi được triển khai nhân rộng

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, doanh nghiệp (DN), HTX sẽ là "hạt nhân" quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất. Do vậy, việc thúc đẩy nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các HTX hoạt động hiệu quả sẽ là "chìa khóa" cho phát triển giai đoạn tới.

Năm 2020, toàn ngành thành lập mới được 14 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp; số HTX hoạt động hiệu quả là 14.532; có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập mới 1.055 DN, nâng tổng số lên trên 13.280 DN nông nghiệp.

6. Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Với lĩnh vực này, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Trong ngành trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…

Trong ngành chăn nuôi, công nghệ IOT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ ADN (DNA barcode) mã vạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...

Trong thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu-thả lưới chụp,  công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Ngành nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất... giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản,...

7. Cả nước có 3.200 sản phẩm OCOP

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm, vượt 800 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng xem xét xếp hạng 43 sản phẩm 5 sao.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chủ thể sản xuất. Đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng.Một điểm đáng chú ý là với  hơn 1400 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP có đến 38% các chủ thể là hợp tác xã. Như vậy, Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm. Ở đó có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Những tỉnh khó khăn lại triển khai Chương trình OCOP rất hiệu quả như Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Bến Tre… Những vùng khắc nghiệt, sản xuất quy mô nhỏ nhưng tạo ra các sản phẩm thực sự đặc hữu, đặc sắc… Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn tạo điều kiện để các vùng khó khăn, kể cả các hợp tác xã quy mô nhỏ được cạnh tranh bình đẳng.Nhiều chuỗi siêu thị như Big C, VinMart… đều mong muốn có một khu riêng dành cho sản phẩm OCOP. Việc triển khai chương trình đã đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng mà người dân mong muốn được sử dụng các sản phẩm phẩm đặc sản mà được đảm bảo bởi cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, mỗi sản phẩm được công nhận phải được xét duyệt qua hội đồng từ cấp huyện, tỉnh đánh giá chi tiết từ vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguồn nguyên liệu…

8. Nhiều dự án nông nghiệp được đầu tư

Trong năm 2020, ngành nông nghiệp có 16 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tính chung, trong 4 năm qua đã có 67 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này được đưa vào hoạt động. Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp chế biến chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành và dần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sản phẩm nông nghiệp được chế biến chiếm tỷ trọng lớn.

Những ngày cuối năm 2020, Tổ hợp nhà máy CPV Food của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Phước. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là tổ hợp chăn nuôi - chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án có số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất 100 triệu con/năm, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao để xuất khẩu. Đơn vị này kỳ vọng đạt doanh thu 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2. Tổ hợp nhà máy CPV Food được đầu tư công nghệ tiên tiến trong quản lý điều hành và sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuối tháng 9 vừa qua Tập đoàn TH vừa khánh thành nhà máy sản xuất chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại tỉnh Sơn La với mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Nhà máy có công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược. Đến năm 2025, doanh nghiệp này dự kiến tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng. Đây là nhà máy có tỷ lệ thu hồi nước ép cao, lên tới 80%. Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, dẫn ra khỏi nhà máy đến nhà chứa và phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho ngành thủy sản. Để cung cấp nguyên liệu là rau, trái cây cho nhà máy, doanh nghiệp đã hợp tác cùng nông dân trồng trọt trên một diện tích khoảng 35.000ha.

Sau vài tháng đưa nhà máy chế biến tiêu sấy lạnh vào hoạt động, sản phẩm của Công ty Phúc Sinh (238 Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM) đã mở rộng ở nhiều thị trường khó tính, mang lại giá trị gia tăng cao. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, chia sẻ, thay vì bán tiêu thô chỉ với 3 USD/kg, tiêu sấy lạnh có giá gấp 7 lần so với tiêu thô. Do đó, dù đầu tư nhà máy với hơn 50 tỷ đồng nhưng đơn vị dự kiến trong 5 năm sẽ thu hồi vốn. Sản phẩm chế biến có nhiều lợi thế hơn như so với hàng thô. Hàng thô có nhiều rủi ro trong bảo quản, vận chuyển, dự trữ theo mùa vụ và nếu không bảo đảm thời gian tiêu thụ sẽ bị hư. Sản phẩm chế  biến có thời gian bảo quản lâu, phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam.

Nhà máy cà phê hòa tan của Tập đoàn Intimex (61 Nguyễn Văn Giai, quận 1, TPHCM) mới hoạt động hơn 6 tháng, đã hoạt động đạt 70% công suất, bình quân sản xuất 200 tấn thành phẩm/tháng. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, cho hay, với sản phẩm cà phê được sản xuất từ công nghệ tiên tiến, công ty có thể bán được với giá cao. Bên cạnh đó, với công nghệ sản xuất có kết nối bằng công nghệ thông tin hiện đại, các đối tác nhập khẩu có thể giám sát chất lượng từ xa mà không cần phải đến trực tiếp Việt Nam.

9. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 03 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

10. Tôn vinh 63 nông dân xuất sắc năm 2020

Việc tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là hoạt động thường niên của Hội Nông dân Việt Nam nhằm cổ vũ những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, có sáng kiến, cống hiến trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới...

Nhân kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương tổ chức Lễ Tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020 cho các nông dân tiêu biểu; trao Danh hiệu Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân. 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020” có 55 người là nam, 8 người là nữ; có 7 người là đồng bào dân tộc thiểu số; có 2 người cao tuổi nhất, đều sinh năm 1950 là ông Huỳnh Văn Bé (tỉnh Đồng Tháp) và ông Trần Ngọc Hòa (tỉnh Lâm Đồng); người trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Ngọc Thạch, sinh năm 1987 (tỉnh Lạng Sơn) .

Theo Ban Tổ chức, thông qua nhiều vòng bình chọn khách quan, công tâm, nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân được các địa phương đề cử để Hội đồng Chung khảo bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020".

Những nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh ngày 13/10 chính là những đại diện tiêu biểu cho lực lượng nông dân cả nước, là những tấm gương lan tỏa đi những giá trị tốt đẹp

Theo Quang Vinh/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-nganh-nong-nghiep-nam-2020.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)