1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Thuế phải nộp của hộ kinh doanh cá thể - Kỳ 1: Hiện trạng chung

01/12/2020
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Đây là khẩu hiệu nhắc nhở người dân có trách nhiệm nộp thuế vào ngân sách nhà nước, theo đúng quy định của pháp luật. Khẩu hiệu đó càng cần được quan tâm, trong thời kỳ đất nước đổi mới. Bởi chi phí xã hội, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí phục vụ đời sống dân sinh ngày một tăng cao, kéo theo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Năm 2015, ngành thuế đã thay thế hệ thống phần mềm theo dõi thu ngân sách QLT bằng phần mềm TMS, để kiểm soát chi tiết và phân quyền riêng biệt đến các bộ phận trong chi cục thuế, theo mỗi user. TMS cũng theo dõi chi tiết các phần việc như mở tờ khai, mở mã số thuế cá nhân, tiếp nhận dữ liệu thu ngân sách từ kho bạc đẩy về cơ quan thuế để đối trừ khoản thuế còn phải nộp, của từng đối tượng nộp thuế, giúp nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát nguồn ngân sách từ thu thuế. Nguồn thu đó những năm gần đây, đã được áp dụng công nghệ một cách toàn diện, nhằm giảm nguy cơ thất thoát ngân sách từ sự chi phối trực tiếp của cán bộ thuế, khi tương tác với đối tượng nộp thuế, lưu giữ nhật ký hoạt động, làm cơ sở xác định các giao dịch phát sinh.

Tuy nhiên, những công đoạn mà máy móc không thể thay thế con người, vẫn còn khá nhiều. Đây là nguồn cơn phát sinh nhũng nhiễu của cán bộ thuế, với đối tượng nộp thuế. Những phát sinh đó, thường núp bóng dưới nhiều trạng thái khác nhau, đẩy chi phí "mờ", hay còn gọi là chi phí ngoài sổ sách của đối tượng nộp thuế tăng cao. Đôi khi gây khó khăn cho người nộp thuế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, trong cơ chế kinh tế mở của Chính phủ ta hiện nay.

Về bản chất, nhiệm vụ của cán bộ thuế là hướng dẫn đối tượng nộp thuế thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thuế. Cán bộ thuế có trách nhiệm giải thích cho đối tượng nộp thuế hiểu rõ chính sách pháp luật về thuế và hỗ trợ người nộp thuế thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đối với quy định của pháp luật thuế. Tuy nhiên, ở lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân, quá trình giám sát việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cán bộ thuế ở các chi cục còn lỏng lẻo, công cụ kiểm soát nguồn thu thuế chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thu thuế của các hộ kinh doanh cá thể.

Ảnh minh họa

Đã có những vụ việc khiếu kiện tại một số Chi cục thuế, trực thuộc Cục thuế Thành phố Hà Nội. Cán bộ thuế nhũng nhiễu, hạch sách với người nộp thuế, mỗi khi xuống địa bàn kiểm tra. Khoản thuế mà hộ kinh doanh phải nộp, được cán bộ thuế thu trực tiếp bằng tiền mặt tại nơi đối tượng nộp thuế đang kinh doanh, nhưng không cung cấp được đầy đủ chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tương ứng với khoản tiền đã thu của hộ kinh doanh, gây bức xúc cho đối tượng nộp thuế. Đây có thể coi như khoản tiền "chạy ngoài ngân sách", vi phạm Điều 6, Luật quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14, do Quốc hội ban hành ngày 13 tháng 6 năm 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.

Một yếu tố khá quan trọng nữa, là số lượng hộ kinh doanh cá thể biến động rất lớn, kéo theo số hộ thuộc diện nộp thuế cũng biến động theo, tạo khoảng trống cho “tiền thuế mà hộ kinh doanh đã nộp, chạy vào chỗ không phải nộp”. Hay nói cách khác, số tiền thuế phải nộp, đi qua khoảng trống ngắt quãng về thời gian dừng kinh doanh của hộ kinh doanh rồi "lẩn khuất" theo những lối đi riêng mà cán bộ thuế tạo ra. Thêm vào đó là quy định cấm cán bộ thuế thu tiền mặt trực tiếp tại cơ sở kinh doanh, chưa được thực hiện nghiêm ngặt, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách vì đường đi của tiền thuế bị "thao túng".

Ngoài ra, tình trạng chung hiện nay là đa phần các hộ kinh doanh cá thể nộp tiền cho cán bộ thuế, nhưng không yêu cầu cung cấp chứng từ, chứng minh khoản thuế đó đã nộp vào ngân sách nhà nước. Thói quen đó đã tạo lối mòn cho tiền thuế "tự do bay nhảy" theo ý muốn của cán bộ thuế. Vì vậy, cần nâng cao ý thức cho đối tượng nộp thuế và sử dụng các chế tài đủ mạnh, để việc thực hiện quy định pháp luật của cán bộ thuế được nghiêm minh.

Những kẽ hở được nêu ở trên, rất khó kiểm soát, bởi hiểu biết các pháp lệnh thuế của đối tượng nộp thuế còn hạn chế và tâm lý sợ sai, sợ bị xử phạt của người nộp thuế, vô tình làm tăng khả năng “vô hiệu các quy định của pháp luật về thuế”. Thêm vào đó, sự “nhũng nhiễu” tạo áp lực cho người nộp thuế, càng làm cho các lỗ hổng của cơ chế rộng thêm.

Đã có nhiều vụ việc trốn thuế bị đưa ra ánh sáng nhưng đa phần là các Công ty, Tập đoàn, với số tiền tham ô rất lớn. Đối với số thuế phải nộp của hộ kinh doanh cá thể, cũng rất cần có các biện pháp đồng bộ kiểm soát, tránh thất thu ngân sách nhà nước, bởi số lượng hộ kinh doanh cá thế là không nhỏ. Hơn nữa, bộ phận này là khâu cuối cùng đưa sản phẩm, hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Vì vậy, tỷ lệ thuế phát sinh tại đây cũng không hề nhỏ, nhưng lại là khâu khó kiểm soát nhất trong tất cả các đối tượng nộp thuế.

Ở kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ đi vào các vụ việc cụ thể, giúp độc giả có góc nhìn đa chiều và tường minh hơn, theo hướng đi của chuyên đề này.

Theo Vũ Chiến/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/thue-phai-nop-cua-ho-kinh-doanh-ca-the-ky-1-hien-trang-chung.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)