1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Slovakia - thị trường tiềm năng nhập khẩu cá ngừ đóng hộp Việt Nam

12/07/2020
Theo số liệu thống kê của Eurostate, thị trường Slovakia có xu hướng nhập khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm cá ngừ cắt lát cao cấp và cả các sản phẩm bình dân. Thị trường cá ngừ đóng hộp tại Slovakia, đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 2 năm, cho thấy đây là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các nhà chế biến cá ngừ.

Cụ thể năm 2019, Slovakia đã nhập khẩu tổng cộng 6.168 tấn cá ngừ đóng hộp, tăng 78% so với năm 2017 và 6% so với năm 2018. Sự gia tăng nhập khẩu này tương quan với việc giảm giá trung bình nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp từ các nhà cung cấp chính. Trong 2 năm, giá CFR trung bình của các sản phẩm cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào thị trường này giảm 14%, tương đương 690 USD/tấn.

Một phần nhỏ các sản phẩm cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào thị trường này được tái xuất sang các nước EU khác, trong đó chủ yếu là các nước Đông Âu, nơi Slovakia cung cấp 1.381 tấn cá ngừ đóng hộp. Hiện Slovakia là nước không có ngành sản xuất và chế biến cá ngừ.

Thái Lan hiện đang là nguồn cung lớn nhất, chiếm lĩnh thị trường này sau khi tăng đột biến (379%) các lô hàng xuất khẩu sang Slovakia trong năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan sang thị trường này lại giảm nhẹ.

Sự tăng trưởng xuất khẩu đột biến này của Thái Lan sang Slovakia là do nhu cầu đối với các sản phẩm thịt cá ngừ xé vụn của Slovakia cao và khả năng cung cấp các sản phẩm với giá rất cạnh tranh của các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan. Nên mặc dù đang bị áp thuế cao 24% khi xuất khẩu sang EU nhưng các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Thái Lan vẫn cạnh tranh tốt tại thị trường Slovakia.

Thái Lan hiện đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất của Slovakia

Tây Ban Nha là nguồn cung lớn thứ 2 cho thị trường Slovakia, với khối lượng xuất khẩu thấp hơn 146 tấn so với Thái Lan trong năm 2019. Nhưng các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha đang được bán với giá cao hơn nhiều so với Thái Lan, cao hơn 2.359 EUR/tấn (giá trước thuế). Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Tây Ban Nha sang Slovakia cũng giảm so với năm 2018, nguyên nhân là do giá các sản phẩm của nước này có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ.

Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số các nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Slovakia. Sau sự sụt giảm xuất khẩu vào năm 2018, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Slovakia đã tăng trưởng vượt bậc trong năm 2019, đạt 116%.

Sự tăng trưởng này được cho là do các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp đã đưa ra mức giá cạnh tranh hơn, giảm 5% so với năm 2018. Với mức giá CFR trung bình năm 2019 của các sản phẩm đóng hộp ở mức 2.936 USD/tấn, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang có mức giá thấp thứ 2, sau Thái Lan. Chính vì vậy mà thị phần và thứ hạng của cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại Slovakia đã tăng lên trong năm 2019.

Cùng với Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang tăng mạnh xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường Slovakia là Philippines. Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này sang Slovakia cao hơn 145% so với năm trước đó. Và cũng giống như Việt Nam, các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp của Philippines đang cung cấp các sản phẩm với giá cạnh tranh hơn so với những năm trước, giá CFR trung bình các sản cá ngừ đóng hộp của Philippines năm 2019 đã giảm 15% so với năm 2018. Và điều này cũng giúp cho Philippines tăng thêm thị phần tại thị trường này.

Điều đáng nói là trong khi các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Thái Lan và Việt Nam đang bị áp thuế cao 24% khi xuất khẩu sang EU, các sản phẩm của Philippines lại được miễn thuế xuất khẩu sang thị trường này. Như vậy có thể thấy, mặc dù thuế cao với mức giá cạnh tranh cao các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Thái Lan và Việt Nam vẫn cạnh trạnh tốt tại thị trường này.

Cá ngừ đóng hộp

Mặt hàng cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Slovakia, những tháng đầu năm 2020 mặt hàng này cũng xuất khẩu mạnh sang thị trường Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng từ cuối năm 2019. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn này tăng 38%, đạt gần 7,6 triệu USD.

Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng tăng cao, trong khi xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh giảm.

Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp đã tăng từ 62% trong quý I/2019 lên gần 76% trong cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16041490, tăng gần 114% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 12 cho thị trường Nhật Bản. Việt Nam cũng là nước duy nhất đang tăng giá cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2019.

Tiền hàng cộng cước hay giá thành và cước (tiếng Anh: Cost and Freight - CFR) là một điều kiện Incoterm.

Incoterms (viết tắt của International Commercial Terms - Các điều khoản thương mại quốc tế) là một bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterm quy định những quy tắc có liên quan đến giá cả và trách nhiệm của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/slovakia-thi-truong-tiem-nang-nhap-khau-ca-ngu-dong-hop-viet-nam.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)