1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Phát triển thương mại điện tử nông thôn cho đặc sản vùng miền tại Việt Nam

09/08/2021
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao lần lượt xuất hiện, tiêu biểu là sự xuất hiện của các loại tiền ảo hay tiền mã hóa như: bitcoin, ethereum, litecoin, monero, ripple… tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý chính thức điều chỉnh về tiền ảo và các giao dịch liên quan tới tiền ảo.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, có đến 68 triệu người dùng internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam. Đây cũng là động cơ thúc đẩy mảng TMĐT nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Thực trạng TMĐT ở Việt Nam

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, TMĐT ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này, tuy nhiên, quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn là vấn đề đáng phải bàn.

Khi dịch bùng phát, vài thiều Bắc Giang đã được triển khai bán trên nhiều sàn điện tử. Cụ thể là sàn TMĐT voso.vn.

Sự phát triển mạnh mẽ song hành giữa công nghệ số và kinh tế số đã tạo nên sự biến đổi to lớn, nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội. Kinh tế số đã trở thành một thành phần kinh tế đóng góp cực kỳ quan trọng và là xu thế không thể thiếu trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó, kinh tế thương mại điện tử (TMĐT) là một phần quan trọng của xu thế đó. Tính tới hiện tại, kinh tế TMĐT nước ta đang có mức tăng trưởng không ngừng và được dự đoán còn tiếp tục tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, TMĐT đang có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Quy mô thị trường TMĐT tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm; năm 2018, tổng doanh thu ngành TMĐT đạt 2,26 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm 2017, số lượng khách mua hàng thông qua TMĐT đạt 49,8 triệu người…, đưa Việt Nam lọt vào top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.

Trưởng phòng Chính sách (Cục TMĐT và Kinh tế số) Lê Thị Hà trong một bài phát biểu chia sẻ: Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với mức tăng trưởng 30%/năm. Đáng chú ý, có nhiều sàn TMĐT Việt Nam gồm: Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động, Sendo... đã chính thức lọt vào Top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Dự kiến của năm 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt mức 10 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/năm thông qua mua sắm online.

Xét trên thực tế, kinh tế TMĐT nông thôn Việt Nam mà cụ thể là TMĐT vùng miền còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, không những đưa sản phẩm đặc sản vùng đến với mọi người dân trong nước, ra nước ngoài, mà còn góp phần quảng bá, buôn bán sản phẩm đặc sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế xã hội – chính trị - văn hóa – giáo dục của người dân trong vùng và cả nước. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô giao dịch TMĐT Việt Nam còn rất thấp so với thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có dân số hơn 97 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet thường xuyên cao hơn các nước, đây là cơ sở để TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, việc phát triển TMĐT xuyên biên giới cũng mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Mô hình “kilomet cuối cùng”

Vậy làm thế nào để đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền thuận lợi phát triển trên kênh TMĐT? TMĐT không chỉ là chính sách phát triển sản phẩm này xanh, sạch, thế mạnh riêng cho mỗi vùng miền, mà còn tạo niềm tin an toàn chất lượng, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.  Ngoài ra, TMĐT còn là kênh bán hàng hiện đại, thuận tiện giữa người sản xuất – người mua, người bán, một hệ thống thanh toán hiện đại (truy xuất nguồn gốc, QR an toàn bảo mật trong TMĐT), tạo ra “một con đường TMĐT: ngắn nhất – đi đơn giản nhất, thời gian nhanh nhất” để sản phẩm từ nơi sản xuất đưa đến người tiêu dùng. Mô hình “kilomet cuối cùng” của TMĐT Trung Quốc là mô hình chỉ đường để TMĐT nông thôn tại Việt Nam hướng tới và nhìn nhận nhiều nét tích cực từ đây, với ý nghĩa phát triển nông thôn, tạo thu nhập nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông thôn Việt Nam.

Mô hình “kilomet cuối cùng” không phải là một km thực mà là quá trình cung cấp hàng hóa cho khách hàng thông qua các phương tiện vận chuyển từ trung tâm phân loại logistics đến khách hàng. Vì nó là một khoảng cách ngắn nhất có thể, nên được gọi là giao hàng một km hay thuật ngữ “kilomet cuối cùng” logistics và là liên kết duy nhất, liên hệ trực tiếp với khách hàng, điều này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là chìa khóa thành bại của các doanh nghiệp TMĐT mà còn là hoạt động logistics vô cùng quan trọng đối với người tiêu dùng TMĐT.

Trong đó, “thương mại điện tử hóa nông thôn” được cho là một chiến lược quốc gia tại Trung Quốc, hướng tới mục tiêu xóa nghèo. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ hàng tỷ Nhân dân tệ để xây dựng đường, mạng lưới logistics, hạ tầng băng thông rộng rãi tại các khu vực nông thôn. Bênh cạnh đó, hàng loạt chính sách cho vay lãi suất thấp ưu đãi thuế cũng được áp dụng. Cụ thể, từ tháng 10/2014, “ông lớn” thương mại điện tử Alibaba đã kết hợp với Chính phủ Trung Quốc xây dựng sáng kiến “Tao bao nông thôn” – Rural Taobao. Theo đó, Alibaba đầu tư 10 tỷ Nhân dân tệ với mục tiêu thành lập các trung tâm dịch vụ Tao bao tại 100.000 ngôi làng trên toàn quốc, tập trung ở các vùng sâu vùng xa. Những trung tâm này được trang bị máy tính, nhân viên để giúp nông dân mở cửa hàng trên trang thương mại điện tử Tao bao và thực hiện các đơn hàng online. Thậm chí, bà con nông dân ở một số khu vực còn được hỗ trợ tiền mua điện thoại thông minh có kết nối internet để bán nông sản do chính mình làm ra trên các trang thương mại điện tử cho người dân thành phố. Không kém cạnh, đối thủ JD cũng mở các trung tâm tương tự tại 1.700 thị trấn hoặc khu vực nhằm thúc đẩy thương mại điện tử ở vùng quê. Việc mua bán online trên TMĐT được đảm bảo an toàn, và theo đúng quy định của các công ty và pháp luật của Chính phủ.

Tại Việt Nam, sàn giao dịch O2O (Online – To – Offline là mô hình kinh doanh trong đó công ty sẽ thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến cửa hàng thực tế.) cũng không ngừng phát triển, nhưng chưa thực sự tạo được niềm tin buôn bán của người tiêu dùng. Đặc biệt, chúng ta vẫn sử dụng dịch vụ giao dịch tự do trên facebook, mạng xã hội dẫn đến hàng giả, hàng nhái, lừa đảo,… thường xuyên xảy ra. Chính phủ phần nhiều chưa kiểm soát được người mua hàng và người bán hàng. Theo số liệu điều tra từ sách trắng điện tử Việt Nam thì sàn TMĐT qua mạng xã hội chiếm 36% (chưa kể các loại hình cá nhân chưa đăng ký).

Tuy nhiên, xét về các dịch vụ khác như dịch vụ chuyển hàng hóa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước thì hiện nay vẫn đang được triển khai khá tốt, có sự cải thiện đáng kể từ thủ tục cho đến thời gian, độ an toàn, độ tin cậy, hình thức thanh toán. Thống kê đến tháng 9 năm 2020 chúng ta có các đơn vị vận chuyển uy tín tốt nhất cả nước: Giao hàng nhanh; Giao hàng tiết kiệm; Viettel Post; Vietnam Post; đơn vị vận chuyển Shipchung; giao hàng Suppership; đơn vị vận chuyển Kerry TTC Express; 247 Express; sShip; cổng vận chuyển qua Nhanh.vn…

Ngoài ra, các của hàng tiện lợi và hệ thống lấy hàng tự động cũng phát triển không ngừng nghỉ song song với sự phát triển của các dịch vụ vận chuyển. Từ năm 2012 đến năm 2018 tăng gấp 4 lần. Về quy mô, tỷ trọng và mật độ cửa hàng tiện dụng ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Trong khi các cửa hàng tiện lợi thường chiếm khoảng 20% thị trường ở các nền kinh tế khác, tại Việt Nam con số này khiêm tốn chưa đến 10%. Điều này cho thấy, tiềm năng mở rộng các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh về số lượng thì chất lượng của các cửa hàng này cũng cần phải đổi mới và cập nhật thường xuyên hướng đến chất lượng cung cứng dịch vụ tới người tiêu dùng. Một số chuỗi cửa hàng có thể kể đến là Cicre K; chuỗi cửa hàng tiện lợi GS 25; Family Mart; 7 – Eleven; Mini Stop; Cheers; Co.o Smile, Speed, VinMart+…

Theo đó, sự hạn chế về số lượng và chất lượng cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Việc mua hàng hóa từ các sàn TMĐT sau đó tới các địa điểm cửa hàng tiện lợi tự động lấy hàng tại Việt Nam là chưa có (rất ít, dù đã thấy xuất hiện tại một số chung cư, nhưng con số còn khiêm tốn và số lượng hàng hóa khá ít ỏi)

Tuy nhiên, bài toán áp dụng mô hình “kilomet cuối cùng” của thương mại điện tử Trung Quốc vào Việt Nam còn vấp phải một số khó khăn kể đến như áp dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn chưa được dùng phổ biến, nên khó kiểm soát được các sản phẩm vùng miền. Hạ tầng giao thông tại Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nặng nề, hệ thống tàu cao tốc, tàu điện ngầm, đạt tiêu chuẩn để vận chuyển nhanh còn chưa có. Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc phát triển TMĐT tại các vùng miền nhất là nông thôn còn hạn chế và chưa có điều kiện đầu tư xứng tầm. Thêm nữa, các sàn TMĐT nông thôn hiện nay chưa phát triển đồng đều đủ để đẩy mạnh đưa sản phẩm đặc sản vùng miền lên trang TMĐT chính thống chủ yếu vẫn thông qua các sàn TMĐT tự do (như facebook, zalo…) mà không có sự kiểm soát chất lượng, an toàn, uy tín, sự tin tưởng.

Từ bối cảnh trong nước và so sánh với nước ngoài, việc đưa sản phẩm đặc sản vùng miền lên sàn TMĐT và phát triển kinh tế TMĐT đặc sản trên mô thức O2O tại Việt Nam còn hạn chế, cần tìm ra một giải pháp hợp lý thúc đẩy kinh tế TMĐT trở thành xu thế trong phát triển kinh tế quốc dân.

Những hạn chế bất cập chung

Hiện tại, ở nhiều tỉnh, thành, các hoạt động TMĐT còn chưa phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn xa lạ với hầu hết người dân, có chăng cũng chỉ là một bộ phận giới trẻ có điều kiện tiếp cận sớm hơn với TMĐT.

Nguyên nhân tập trung vào 3 điểm chính:

Thứ nhất, về nhận thức, hiểu biết và thói quen của người Việt chưa quen với việc mua sắm hay sử dụng dịch vụ trực tuyến;

Thứ hai, về hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online, ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán chẳng hạn, người dân nông thôn còn quá xa lạ và thanh toán online gần như không có trong suy nghĩ của họ;

Thứ ba, các dịch vụ TMĐT chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư, “chịu chơi” và cần phải có thêm thời gian.

Hướng đến người tiêu dùng nông thôn

Mặc dù, tỷ trọng tại các khu vực nông thôn còn thấp, nhưng xét trên nhiều phương diện, TMĐT ở vùng nông thôn có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển. Dân số của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh chỉ chiếm hơn 16% dân số cả nước, trong khi đó 61 tỉnh, thành còn lại chiếm tới hơn 83%.

Một số sản phẩm đặc sản vùng miền bước đầu được đưa lên sàn TMĐT. (ảnh chụp từ trang website:voso.vn).

Ngoài ra, khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với TMĐT. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước cũng đang quan tâm đầu tư mạnh tay hơn để thúc đẩy TMĐT nông thôn phát triển cho xứng với tiềm năng.

Nếu như 5 năm trước, lượng người dùng điện thoại di động chưa đến 10% thì hiện nay con số đã đạt 92% ở thành thị và gần 70% ở nông thôn. Rõ ràng, điện thoại thông minh (smartphone) không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, ở nông thôn smartphone cũng trở thành hiện tượng mới với lượng người sở hữu ngang ngửa tại thành thị. Chính sự tăng trưởng về mặt công nghệ đã kéo theo những thay đổi lớn về hành vi mua sắm.

Theo ý kiến của đa số người tiêu dùng nông thôn, trước đây họ chỉ có thể mua bán qua kênh bán hàng truyền thống tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao... đây chính là lý do tại sao thị trường tiêu dùng nông thôn luôn được đề cập đến với tình trạng bị bỏ ngỏ, hoặc là thị trường tiềm năng. Hiện nay, các nhà bán lẻ hiện đại đã bắt đầu thâm nhập thị trường này.

Với sự gia tăng chóng mặt của phương tiện công nghệ hiện đại, các chuyên gia tiếp thị sản phẩm cho rằng, doanh nghiệp nên nhanh chóng nắm bắt xu hướng để phủ sóng hàng hóa tại thị trường nông thôn.

Xây dựng nông thôn thông minh

Những năm trước, thương mại được định hướng thúc đẩy mạnh bởi tầng lớp có thu nhập trung lưu ở thành phố, nhưng trong bối cảnh của nền kinh tế số, tình hình bắt đầu thay đổi, việc thúc đẩy tiêu dùng TMĐT không phải ở tầng lớp trung lưu nữa mà là của tầng lớp tiêu dùng kết nối, chính tầng lớp kết nối mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển.

Hiện có một số nền tảng kết nối với nhau trên quy mô toàn cầu, một cuộc cách mạng nền tảng đã thâm nhập mạnh vào trong nước, các ứng dụng Facebook, Zalo, Uber, Grab... là những kết nối quan trọng với người tiêu dùng Việt Nam. Để giúp cho các ứng dụng kết nối phát triển nhanh hơn, thúc đẩy nhanh hơn sự kết nối các tập đoàn, công ty công nghệ đã phát triển các công nghệ di động, đám mây, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, giúp người Việt Nam kết nối thuận tiện và an toàn hơn.

Nhưng trên thực tế đang có sự mất cân đối lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị về TMĐT. Do đó, các nhà làm chính sách cần chú trọng đảm bảo TMĐT phát triển nhanh và bền vững hơn.

Theo Hoàng Lan/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/phat-trien-thuong-mai-dien-tu-nong-thon-cho-dac-san-vung-mien-tai-viet-nam-p32565.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)