1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Hiệp định EVFTA: Những thách thức đối với ngành phân phối của Việt Nam

08/07/2020
Thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết của EVFTA.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 8/6 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Hiệp định được thông qua mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc này sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.

Tuy nhiên, EVFTA cũng có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận doanh nghiệp này không thay đổi để thích ứng.

Theo phân tích của Vụ Thị trường trong nước, thách thức trước hết do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài cùng với nguồn hàng hóa nhập khẩu vào trong nước.

Các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nguồn khác với giá cả phải chăng và chất lượng/mẫu mã tốt hơn, nay thực hiện EVFTA, thị trường trong nước bắt buộc phải tiếp tục mở cửa thêm cho hàng nhập khẩu từ các nước EU, sẽ càng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp trong nước.

Dự báo, tác động của EVFTA đối với nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên EVFTA trong giai đoạn 2020 - 2030 ước tính sẽ đạt khoảng gần 3 tỷ USD.

Nhóm hàng hóa Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải với mức tăng là hơn 200 triệu USD, chiếm 12% tổng giá trị gia tăng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên trong EVFTA.

Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vì Việt Nam có lộ trình xoá bỏ thuế dài, từ 7-10 năm.

Tiếp đến là thách thức khi phải thực hiện các cam kết trong EVFTA về mở cửa thương mại, dịch vụ: So với các hiệp định FTA trước, Việt Nam có nhiều cam kết mở cửa hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước thành viên EVFTA.

Điều đó cũng đồng nghĩa việc cam kết mạnh hơn về các cơ chế giải quyết tranh chấp. Điều này càng gây ra áp lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phân phối trong nước vốn có năng lực cạnh tranh tương đối hạn chế.

Hiệp định EVFTA tạo ra cơ hội cũng là thách thức đối với doanh nghiệp phân phối trong nước

Một thách thức nữa là đối diện với làn sóng thâu tóm, mua bán và sáp nhập (M&A).

Trong lĩnh vực phân phối, đối với các doanh nghiệp trong nước, do nhu cầu về vốn rất lớn cũng như kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối, nên sẵn sàng mở ra, mời đối tác có cùng ngành nghề, cùng chuyên môn, cùng định hướng để tiếp tục đầu tư, phát triển một cách nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối của nước ngoài, với sức mạnh về vốn và công nghệ quản lý, ý đồ của họ khá rõ ràng, đó chính là từng bước thâm nhập thị trường mới, nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới phân phối của mình vào thị trường mới và trong định hướng tạo ra và khai thác các thị trường mới.

M&A là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có của các doanh nghiệp trong nước.

Cuối cùng là thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và kinh tế số.

Việc chuyển đổi số và số hóa các hệ thống thông tin liên quan hoạt động kinh doanh và quản trị các tập khách hàng trong thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp phân phối trong nước, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, hạ tầng thông tin và năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp vẫn còn ở mức hạn chế so với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài.

Đây cũng là lực cản rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy Hiệp định EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức buộc các doanh nghiệp phân phối trong nước phải thay đổi theo vòng xoay phát triển.

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/hiep-dinh-evfta-nhung-thach-thuc-doi-voi-nganh-phan-phoi-cua-viet-nam.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)