1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Thủ đô

30/06/2020
Thời gian qua, các loại hàng hóa nông sản của Thủ đô ngày càng được nâng cao chất lượng, cải tạo mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhằm định vị tại thị trường trong và ngoài nước.

Hà Nội, địa phương vốn được biết tới với nhiều loại nông sản đặc sắc, hiện đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đây được xem là những bước đầu tiên trong tiến trình xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản để từ đó, giúp người nông dân nâng cao giá trị thu nhập trong lĩnh vực sản xuất.

Nhằm phát huy thế mạnh về nông nghiệp của vùng, Hội Nông dân xã Thanh Xuân- huyện Sóc Sơn đã tập trung định hướng để hội viên, nông dân đầu tư sản xuất rau hữu cơ thay cho quá trình trồng rau theo hình thức truyền thống như trước đây. Sản phẩm rau hữu cơ của vùng đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn và đang có nhiều kênh bán lẻ uy tín ưa chuộng, ký hợp đồng thu mua.

Hay như tại địa bàn xã Kim An, huyện Thanh Oai, địa phương vốn có nhiều lợi thế về địa hình bởi nằm ven bờ sông Đáy. Trước đây, nông dân trong vùng cũng chỉ chuyên canh trồng rau và cây màu. Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, xã đã tích cực triển khai và khuyến khích nông dân chuyển đổi mạnh sang trồng cây ăn quả, rau an toàn nhằm tạo được sự bứt phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Xây dựng thương hiệu được xem là cách làm hiệu quả trong việc thúc đẩy việc giao thương các sản phẩm nông sản

Hay từ năm 2016, sản phẩm chuối của xã Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu “Chuối Vân Nam - Phúc Thọ”. Nhờ vậy, giá bán đã tăng lên gấp đôi và được nhiều doanh nghiệp, siêu thị đặt mua. Hiện tại, giá trị sản xuất của cây chuối tại xã đạt 27-30 tỷ đồng/năm… Các chuyên gia Nhật Bản đã sang khảo sát và dự kiến sẽ hỗ trợ nông dân nơi đây trồng chuối xuất khẩu…

Gà Mía Sơn Tây sau một thời “thăng trầm” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường cùng với việc định hình thương hiệu. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây Nguyễn Quốc Quân thông tin: “Từ khi gà Mía có thương hiệu, tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với gà thường 20.000-25.000 đồng/kg”…

Nhìn chung, những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm chủ lực. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu tập thể bảo hộ cho nông sản. Những sản phẩm này đang được tiêu thụ ổn định, đạt giá trị cao tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố...

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản mang đến nhiều lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, Hà Nội mới có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, có một thực tế, Hà Nội có nhiều nông sản - đặc sản, nhưng số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Thủ đô mất sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.

Cần có tư duy và giải pháp mới để đẩy mạnh Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực

Để đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô, trước hết cần có một tư duy mới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Đây không phải là việc riêng của từng doanh nghiệp, địa phương mà phải trở thành chiến lược phát triển chung của thành phố để nâng cao chuỗi giá trị…; đồng thời, cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp trong việc tập trung nguồn vốn, đầu tư công nghệ… Ông Tạ Văn Tường thông tin: Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để nâng cao thương hiệu cho nông sản thủ đô

Ở thời điểm hiện tại, một số địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, cùng với đó là hỗ trợ nhãn hiệu, kinh phí quảng bá, xúc tiến thương mại. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa xây dựng được thương hiệu cũng như chưa có kênh tiêu thụ ổn định. Giải quyết vấn đề này, huyện Đông Anh đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản, hàng hóa… Hiện nay, Đông Anh đã có gần 600 sản phẩm nông nghiệp được truy xuất nguồn gốc.

Việc xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, đã có gần 400 sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, Thành phố trong cả nước được đưa về thị trường Thủ đô tiêu thụ. Đặc biệt, hơn 105 doanh nghiệp của các tỉnh, Thành phố thường xuyên tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản trên địa bàn và trên trang thông tin nông sản an toàn của Thành phố Hà Nội…

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Thành phố Hà Nội năm 2019. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thỏa thuận hợp tác với một số tỉnh, các vùng: Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng... về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật; sản xuất - tiêu thụ rau an toàn; hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu không thể tách rời việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, giải pháp căn cơ vẫn là tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn gắn với sơ chế, chế biến; đồng thời đưa công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong kết nối sản xuất tiêu thụ. Các doanh nghiệp, người sản xuất phải coi việc xây dựng thương hiệu là trách nhiệm của chính mình nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của ngành Nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/day-manh-xay-dung-nhan-hieu-thuong-hieu-cho-nong-san-thu-do.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)