1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Thị trường

Xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa 'cứu' thủy sản

09/05/2020
Khi thị trường xuất khẩu đang bị ngưng trệ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản ở thị trường nội địa là giải pháp bền vững và sáng suốt.

Ngành thủy sản chật vật
 

Đánh giá về thị trường thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản không tránh khỏi ảnh hưởng của Covid-19 ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ giảm trên 29%; mực, bạch tuộc giảm 31%; tôm khoảng 15%. Về thị trường, xuất khẩu sang EU giảm nhiều nhất (40%); kế tiếp là Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%...

Thực tế, nhiều đơn hàng tại thị trường Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm dừng do dịch Covid-19 mà chưa có thời gian quay trở lại, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp thủy sản cũng chịu nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn... Tính chung, lũy kế đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.




Giá thủy sản đã có sự phục hồi. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa

Khi thị trường xuất khẩu đang bị ngưng trệ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản ở thị trường nội địa là giải pháp bền vững và sáng suốt. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ người dân chưa được sử dụng thực phẩm do chính nước mình sản xuất.

Bên cạnh đó theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714USD/tháng vào năm 2020,  thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỉ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực (trên 70%). 

Đây chính là những khoảng trống và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam nâng cao và mở rộng thị phần. Chưa kể tới nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… Nếu các đơn vị sản xuất, cung ứng thủy sản có thể tiếp cận, phối hợp với nhiều kênh phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp thì sản phẩm thủy hải sản sẽ được người dân trong nước biết đến. 

Chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh, nguồn gốc rõ ràng, không lý gì thủy hải sản lại không thể tiêu thụ trong nước. Hiện, giá nhiều loại thủy sản đều tăng trở lại với mức từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với gần 2 tháng qua.

Các loại thủy sản đang được các thương lái tập trung thu mua, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, sò huyết. Cụ thể, tôm sú loại từ 10 - 15 con/kg có giá 290. 000 - 300.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm càng xanh mua xô 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; sò huyết loại 60 con/kg có giá 70.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg.

Riêng cua biển hiện nông dân trong tỉnh Trà Vinh bước vào đầu vụ thu hoạch và được nhiều thương lái tập trung thu mua cung ứng thị trường các tỉnh và tại TP Hồ Chí Minh. Giá cua thịt loại 5 - 6 con/kg từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, cua thịt loại I (3 con/kg) từ 270.000 đồng/kg, cua gạch từ 300.000 đồng/kg, tăng bình quân 10.000 đồng/kg.

Những dấu hiện trên cho thấy bản thân người nuôi trồng thủy sản đang chủ động hơn trong việc phân phối, mặt hàng thủy sản tươi sống được ưa chuộng nên giá sản phẩm có sự phục hồi.

Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/xuat-khau-gap-kho-thi-truong-noi-dia-cuu-thuy-san.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)