1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Về quê

29/03/2020
Về quê, hai tiếng thân thương ấy bao giờ cũng gợi mở nhiều cảm xúc đặc biệt. Ấy là khi được cùng mẹ trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó tuổi thơ với nhiều kỷ niệm khó mờ phai trong tâm thức của người sống xa quê hơn nửa đời người. Ấy là khi gặp lại những những người thân đã lâu không gặp, chỉ thấy tiếng thấy hình qua điện thoại. Những cái ôm thật chặt, những câu chuyện không đầu không cuối rôm rả...

Về quê, hai tiếng thân thương ấy bao giờ cũng gợi mở nhiều cảm xúc đặc biệt. Ấy là khi được cùng mẹ trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó tuổi thơ với nhiều kỷ niệm khó mờ phai trong tâm thức của người sống xa quê hơn nửa đời người. Ấy là khi gặp lại những những người thân đã lâu không gặp, chỉ thấy tiếng thấy hình qua điện thoại. Những cái ôm thật chặt, những câu chuyện không đầu không cuối rôm rả… khiến bao nhiêu mệt nhọc sau một chặng bay dài tan biến.

Ai đó nói về quê là sum họp, thật không sai. Bên mâm cơm đạm bạc, nhìn con cháu quây quần, ngoại móm mém cười, ánh mắt vui mà vẫn thấy rưng rưng. Gần trăm tuổi, có lẽ ít khi bà được tận hưởng không khí đoàn tụ đầm ấm này, bởi con cháu kẻ Bắc người Nam, hiếm có dịp trùng phùng. Bà chỉ đứa cháu này, đứa cháu kia, kể lại ngày bà cháu gồng gánh đi sơ tán thời còn chiến tranh… Ký ức với người già như quyển sách dày và hay, càng đọc càng ngấm càng nhớ. Còn với lớp trẻ, nó lại là những thước phim sống động, chỉ cần nghe qua một lần, tự dưng nhớ mãi. Để rồi mỗi lần gặp nhau, vẫn những câu chuyện cũ bà kể mà vẫn thấy hay, thấy đẹp, ước ao cứ mãi bé bỏng như ngày xưa trong vòng tay của bà…

Về quê, mẹ dẫn đi thăm họ hàng. Qua cổng làng và những con ngõ nhỏ, chợt thấy lòng bình yên đến lạ. Nghe mẹ kể ngày xưa, làng khi ấy tương đối khép kín, chỉ để một hoặc hai lối ra vào. Vào buổi sáng, cổng làng mở, dân trong làng đi làm, đến tối thì cổng làng được đóng lại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Qua bao thăng trầm, làng quê có nhiều thay đổi, có thêm nhiều nhà cao tầng trong những con ngõ nhỏ nhưng cổng làng thì vẫn không thay đổi. Đó là nơi lưu dấu, chứng kiến nhiều sự đổi thay của làng. Với người ở quê, cổng làng đôi khi rất bình thường. Nhưng với người xa xứ, chỉ cần thoáng thấy cổng làng từ xa và bước qua cổng làng là thấy mình đã được về lại mái nhà xưa, bao cảm xúc chợt vỡ òa, lòng ấm áp hơn… Cảm xúc đó lắng lại khi mẹ đưa tay chạm vào cổng làng rồi nhớ chuyện ngày xưa, ngày mẹ trốn nhà gia nhập thanh niên xung phong, qua khỏi cổng làng đã thấy nhớ nhà quay quắt. Sau này, mỗi lần về thăm nhà, mẹ vẫn giữ thói quen ra cổng làng chụp vài kiểu ảnh. Nhiều năm, chỉ có vết thời gian in hằn trên mặt người con xa xứ, còn cổng làng thì cứ vẹn nguyên như thế. Người làng bảo, có xây gì thì xây, dứt khoát phải giữ được cổng làng, giữ được nét đẹp truyền thống của làng…

Về quê, chợt thấy gần gũi đến lạ những con ngõ nhỏ, những cánh đồng lúa đang mơn mởn, những con người chân chất, giản dị… Trong sự phát triển chung, làng cũng đang có những đổi thay khi càng ngày càng có thêm những ngôi nhà cao tầng mọc xen kẽ giữa những căn nhà còn nguyên mái ngói tường gạch cổ kính. Không hiểu sao lại có cảm giác bần thần khi đứa em họ chỉ tay về những cánh đồng lúa phía trước nhà, nói rằng chỉ vài năm nữa thôi nơi này sẽ là những chung cư, biệt thự…, đất đai sẽ lên giá, bà con sẽ đổi đời. Biết là vạn vật sẽ đổi thay, nhưng sao cứ thấy tiếc nuối. Không biết sau này quay lại, làng quê có còn giữ được nét xưa.

Nguyễn Đức Quyết/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ve-que_257583.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)