1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Phía sau bước chân người lên đường

30/08/2021

Phía sau bước chân người lên đường

“Gió cốm thổi thơm ngọn lá” 
 
Sinh trưởng ở xứ Đoài mây trắng, từng làm việc ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây, (nay là Hà Nội), Phan Quế - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đến với thơ từ buổi đầu sáng tác và ông cũng được bạn đọc biết đến khá sớm. Tuy nhiều năm qua Phan Quế dành thời gian và tâm sức nhiều cho tiểu thuyết, nhưng thơ đối với ông vẫn là nỗi niềm canh cánh trong lòng. 
 
Bài thơ Mùa thu tiễn bạn có một hoàn cảnh ra đời đáng chú ý. Năm 1978, Phan Quế gửi bài thơ này tham dự cuộc tuyển chọn thơ hay mang tên Trang thơ 1978 do báo Nhân dân tổ chức giữa lúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang nổ ra. Đây là một trong 16 bài thơ của mười sáu tác giả được chọn, khi in thì đã sang đầu năm 1979. Đấy không phải cuộc thi thơ, nhưng dư luận vẫn cho rằng tất cả những bài thơ ấy coi như được một tờ báo lớn nhất nước trao giải cao đồng hạng. Nhà báo, nhà văn Thép Mới đề xướng và tổ chức trang thơ này, ông giao cho nhà thơ Xuân Nguyên biên tập. Trang thơ được đưa nhà thơ Tố Hữu xem lại để duyệt đăng.
 
Ban đầu, bài thơ có tên Thơ tiễn cháu, tác giả viết nhằm tặng người cháu nhập ngũ. Bài thơ hướng nhiều vào tình cảm riêng tư, gia đình, quê hương. Sau đó được tác giả điều chỉnh lại, đổi nhan đề, đưa tới bạn đọc cái ám ảnh, dư vang rộng tỏa mang tính xã hội của một thời toàn dân đánh giặc.
 
Không chỉ người tiễn người mà cả thiên nhiên đất trời quê hương xứ Đoài vào mùa thu tươi sáng cùng đưa tiễn người lính trẻ. Mở đầu bài thơ là mây trắng nõn nà, mây xanh xanh ngắt, là thóc vàng sân phơi để cho “Câu thơ bồn chồn tia nắng xuyên qua”… là cảnh gia đình, cùng làng xóm tiễn đưa người con, người cháu, người anh, người em… ra trận. Hậu phương với tình yêu đằm thắm và ý chí quyết tâm đã góp sức mạnh vào chiến thắng. Tác giả không kịp về/ Trước lúc bạn đi xa nhưng đã nhắn nhủ bạn bằng lời thơ rồi tưởng tượng ra khung cảnh quê nhà đưa tiễn trong bịn rịn yêu thương một cách chân mộc, nhuốm chất lãng mạn. Nào là: “Củ khoai lim ủ mật trong lửa trấu/ Trái cam hiền, trái hồng đôn hậu/ Bát nước chè đồng áng đọng sao rơi”. Rồi thì: “Có lưng áo bạc màu tro bếp/ Chái nhà, gốc mít/ Cái ngõ dài giọt nước giếng khơi/ Mái đình bay cánh phượng ngang trời/ Cô thợ dệt đêm trăng phơi lụa”. Hay: “Đường cày lật đỏ hoàng hôn”,“Gió cốm thổi thơm ngọn lá”…
 
Hồn quê xứ Đoài dân dã truyền thống nghìn năm như cũng theo người trai trẻ ra trận. Chàng trai mang theo khúc sáo diều, cũng là mang theo hình ảnh về cái đẹp, về tinh thần nhân văn. Bài thơ là một thi ảnh tưởng tượng hiện thực. Tác giả không có mặt trong buổi tiễn đưa, mà như vẫn cùng cả gia đình, làng quê tiễn đưa người ra trận. Đây là một tứ thơ lạ, khác thường. Âm điệu thơ bổng trầm, dìu dặt, sáng trong. Giọng điệu thơ trìu mến, ân cần, rủ rỉ. Hình ảnh, ngôn ngữ thơ giản dị, óng ả, gợi mỹ cảm. Cảm hứng về tình yêu làng quê ở bài thơ này được Phan Quế tiếp tục ở trường ca Tên đất tên làng xuất bản năm 1999. 
 
Phía sau bước chân người lên đường là gia đình, xứ Đoài quê hương, rộng hơn là một không gian văn hóa đã có từ hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và kiến tạo đất nước.
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/phia-sau-buoc-chan-nguoi-len-duong_267757.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)