1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Nhớ thuở kiếm cá ở làng

06/03/2020
So với các bạn cùng trang lứa, tôi có biệt tài kiếm cá. Chả thế mà chúng bạn gọi tôi là “con rái cá làng Nguyệt Lãng”. Tôi kiếm cá ban ngày, ban đêm, cả khi trời mưa, trời nắng. Tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng chục kiểu, cách kiếm cá, bắt cua, bắt ốc… hồi nhỏ của mình. Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ xin kể vài câu chuyện kiếm cá mà tôi đã trải nghiệm, đó là úp nơm, soi cá, hôi cá và kéo vó te.

Úp nơm

Một trong những sở trường kiếm cá của tôi là úp nơm. Có nhiều cách úp nơm, nhưng “úp nơm khoát” là cách tôi ưa thích nhất, tôi thường làm. Sau vụ gặt tháng mười, sau khi cắt rạ, cánh đồng làng tôi nom mênh mông như một hồ nước cạn. Ở đó có rất nhiều cá, cá quả, cá diếc, cá rô… Đấy là thời vụ lý tưởng cho tôi đi úp nơm kiếm cá. Sáng ngủ dậy, ăn qua loa vài củ khoai lang luộc, đeo chiếc giỏ bên hông, một tay cầm chiếc nơm tre, tôi đi ra cánh đồng.

Lội xuống ruộng, tôi nghiêng bàn chân phải, khoát nước mạnh, sao cho nước tóe ra xòe hình quạt, văng thật xa, thật mạnh để dọa nạt cá. Hễ phát hiện thấy một vẩn đục nổi lên, dù là nhỏ, là ngay lập tức tôi úp nơm vào đó. Trong nơm lúc ấy không có con diếc thì con rô, không con rô thì con cá quả. Tôi chỉ cần thò tay vào bên trong, khoắng tay cho nước xoay tròn, là bắt được con cá bị “trúng nơm”. Người đi úp nơm kiểu này phải có kỹ năng, phải khỏe chân và dẻo bàn chân, phải nhanh mắt, tinh mắt và giỏi nhận biết, phải có nghề, phải nhiều kinh nghiệm.

Các loài cá thường có phản xạ chui ngay xuống bùn lủi trốn khi mặt nước bỗng nhiên bị xao động mạnh và khi chui xuống bùn như vậy cá sẽ tạo ra vẩn đục, hoặc sủi tăm trên mặt nước, giúp ta phát hiện ra chúng. Dựa vào đặc điểm này người ta đã nghĩ ra cách úp nơm ruộng mà ở quê tôi gọi là “úp nơm khoát” (khoát nước bằng bàn chân). Không sốt ruột, không vội vàng, giỏ đeo bên hông, tay cầm chiếc nơm, chân khoát nước, tôi khoan thai “lãng du” khắp cánh đồng làng, kiếm cá. Sau khoảng ba giờ đồng hồ úp nơm khoát như vậy, tôi có đầy giỏ cá mang về.

Soi cá

Mùa đông là mùa thích hợp cho tôi đi soi cá, còn mùa hè trời hay mưa, nước đục, khó thực hiện hoạt động “tìm diệt” này. Tất nhiên nói đến đi soi, dù là soi ếch hay soi cá ta phải hiểu đây là công việc làm ban đêm.

Xưa, khoảng 8 - 9 giờ tối là tôi đeo giỏ vào hông, đốt đuốc, tay cầm con dao cán dài, sắc như nước đi ra ruộng soi cá. Tôi tìm ruộng nước trong để mắt có thể quan sát đáy ruộng. Bước xuống ruộng, tôi lội rón rén, hết sức nhẹ nhàng sao cho không làm khuấy động mặt nước (vì cá thấy động sẽ “bỏ chạy” ngay lập tức), hai mắt quan sát thật kỹ để phát hiện cá đang bơi ăn đêm dưới đáy ruộng.

Khi phát hiện thấy một con cá, tay phải cầm dao của tôi ngay lập tức chém mạnh xuống nước, trúng thân con cá rồi nhẹ nhàng thò tay xuống nước vớt con cá lên, cho vào giỏ. Cứ thế, tôi rón rén hết chỗ này đến chỗ khác để soi đuốc “tìm diệt” cá. Mỗi cuộc soi cá của tôi thường kéo dài gần hai giờ đồng hồ vì bó đuốc cũng chỉ cháy được ngần ấy thời gian là tắt. Đi soi cá ban đêm tôi thường bắt được cá quả, cá diếc, cá rô, thậm chí cả lươn, chừng nửa giỏ. Mớ cá đồng này dùng để nhà ăn, chứ không bán, vì nom rất xấu mã bởi con nào cũng bị “sứt đầu mẻ trán”. Hồi đó, ở làng tôi nước mắm còn rất hiếm, mẹ tôi thường đem kho tương mớ cá tôi kiếm được sau đêm soi cá. Cá kho tương ăn ngon đáo để.

Kéo vó te

Kéo vó te là một cách bắt tôm và tép ở làng quê. Việc này thường dành cho con gái, vì nó nhẹ nhàng, không phải lội bùn, lội nước, chỉ đi lại trên bờ ao, bờ ruộng. Tuy không phải là con gái nhưng tôi vẫn đi kéo te. Vì đã mang danh là “rái cá” thì tôi chẳng nề hà bất kỳ việc kiếm cá kiếm tôm, kiếm tép nào.  

Để làm vó te người ta thường dùng 2 đoạn tre già để vót gọng te. Gọng dài chừng 2m, tròn, to hơn chiếc đũa chút xíu, đoạn giữa vót mỏng gần cật, để có thể uốn cong. Một vuông vải te, mỗi chiều 50cm, dệt thưa như vải màn được buộc cố định vào bốn chân gọng bắt chéo nhau, buộc cố định ở giữa. Te có thể mở gọng ra khi sử dụng và gập gọng vào cho gọn khi không sử dụng.

Thường, trước khi mang te đi kéo tép tôi phải “hồ te” (nấu một nồi hồ bằng gạo pha nước vôi, ninh cho gạo nhừ nhuyễn đặc như hồ). Sau đó cắt một miếng mo cau to bằng lòng bàn tay làm “chổi hồ”. Mở vó te ra, lần lượt đặt các góc te lên chiếc thớt, quyệt chổi hồ vào nồi lấy hồ, rồi lại quệt hồ vào góc te, miết chổi thật mạnh vào mặt te, cho hồ bám thật chặt vào vải te. Hồ bám chặt bốn góc te chính là mồi nhử tôm và tép. Đem chiếc te đã hồ xong này ra phơi ngoài nắng cho đến khi hồ khô, bám chặt vào vó te là được. Mỗi lần đi kéo te, tôi phải hồ và phơi khô hồ tất cả 50 chiếc te. Ngoài ra, tôi cũng chuẩn bị một “cần kéo te” dùng để nâng te từ dưới ao hay dưới ruộng lên bờ để đổ tôm, tép vào giành.

Sáng sớm tinh mơ, tôi vác 50 chiếc vó te ra bờ ao và bờ ruộng. Dùng cần kéo te tôi lần lượt đặt từng chiếc vó te vào vị trí dưới nước, sao cho chiếc vó đứng thẳng, không vướng các vật thể khác. Cứ 4 mét tôi lại đặt một chiếc vó te. Thả te xong, khoảng 1 giờ sau là có thể đi kéo te. Đến vị trí mỗi chiếc te, tôi dùng “cần kéo te” nâng nhẹ te và kéo te lên bờ rồi đổ tôm hoặc tép có trong te vào giành. Hết một lượt như vậy, tôi đợi chừng một giờ đồng hồ, rồi lại mang giành đi kéo lượt tiếp theo. Khoảng 5 - 6 lượt như vậy thì tôi vớt te mang về sân phơi cho te khô để mai lại sử dụng tiếp.

Sản phẩm kéo te chủ yếu là tép và tôm. Mỗi buổi như vậy tôi kiếm được chừng gần nửa giành tôm tép. Ngày ấy, nước mắm hiếm, mẹ tôi thường dùng tương kho tép, tương ngấm vào con tép, khiến con tép mất tanh, béo ngậy, ăn rất được cơm. Nhiều hôm mẹ còn làm mắm tép bằng tép kéo vó te của tôi. Bây giờ, ở thành phố thỉnh thoảng vợ tôi vẫn mua mắm tép, vì tôi rất thích món “hồn làng” này. Tuy nhiên, phải nói thật, chẳng có món mắm tép nào sánh nổi với món mắm tép của mẹ năm nào.

Hôi cá

Dãy ao làng tôi là vùng đệm nằm giữa khuôn viên làng và cánh đồng phía trước làng. Do có nhiều ao, thỉnh thoảng lại có nhà tát ao bắt cá, cho nên chúng tôi đã lập một “Hội hôi cá” gồm 5 “hội viên”, toàn con trai, tuổi 11 - 12. Đây là “hội nhóc con” nhưng rất “đáng gờm” đối với những người tát ao. Thông thường, khi ao gần cạn, mọi  người bắt đầu lội xuống ao bắt cá. Trên bờ, những người tát gàu dai vẫn tiếp tục tát nước cho đến khi nước ao cạn kiệt. Nước rút đến đâu họ bắt cá đến đó. Đỉnh điểm của cuộc tát ao là khi nước cạn, chỉ còn lại một vũng to bằng cái nong ở giữa ao, thì hầu như toàn bộ cá ao dồn hết vào cái vũng nhỏ bé này, thường có hơn tạ cá ở đó. Và lúc này những người tát ao phải nhanh tay bắt, nhanh tay xúc cá ném vào chiếc thuyền nan đặt ngay bên cạnh. Đây cũng là cơ hội cho người đi hôi, trong đó có chúng tôi, xông vào “cướp cá”. Dù bị những người tát ao mắng mỏ, ném bùn ao vào người nhưng tôi không hề sợ, vẫn tiếp tục xông vào “vũng cá”, tay liên tục chộp cá nhét vào giỏ. Mỗi “trận hôi cá một mất một còn” như vậy tôi kiếm được, đúng ra là “cướp” được, gần đầy giỏ cá.

Để tránh chạm trán với “Hội hôi cá” bất trị chúng tôi, những người tát ao làng tôi thường cố tình tát cạn ao, bắt cá vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, chúng tôi đâu có chịu thua. Nhà ông Hiệu, chú ruột thằng Tuân, bạn cùng xóm, bằng tuổi tôi, có cái chuồng bò rộng, phía ngoài chuồng bò có kho rơm cho bò ăn. Hội chúng tôi thường rủ nhau ngủ chung tại đây để đêm khuya cùng nhau đi bùa cá khi ao cạn. Chúng tôi phân công nhau, từng đứa một, lần lượt đi “thăm ao”. Hễ thấy ao sắp cạn, người ta sắp xuống ao bắt cá thì về báo ngay cho cả hội “xuất quân”.

Lắm đêm những người tát ao ngỡ ngàng, ngạc nhiên, khi phát hiện thấy chúng tôi thình lình xuất hiện ngay sau lưng họ, như những bóng ma, lúc họ vừa mới lội xuống ao bắt cá. Họ ức lắm, nhưng còn biết làm sao. Tuy nhiên, cũng có lần chúng tôi bị uổng công, do bị họ lừa. Phát hiện thấy chúng tôi ngủ trong chuồng bò, mấy người tát ao bèn lẻn vào đó đắp thêm rơm cho chúng tôi ngủ. Nằm trong ổ rơm ấm áp, tuổi lại còn nhỏ, mấy thằng ngủ như chết. Sáng dậy mới phát hiện ra, đêm qua chúng tôi đã bị “vào tròng”. Lần đó mấy ông tát ao hả lòng hả dạ lắm, vì chẳng những họ đã “ru ngủ” được chúng tôi, mà họ lại còn không bị mất một con cá nào.

Lê Bá Thự/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nho-thuo-kiem-ca-o-lang_257425.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)