1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Nghĩ từ sau trận lũ

06/09/2019
Phải rồi, không có sự an ủi nào khác ngoài phù sa. Nhưng đâu phải mất mát nào cũng được an ủi bằng phù sa. Nhưng lần này, nhìn phù sa đặc quánh, phù sa lẫn vào kẽ tường của những ngôi nhà đổ dở, phù sa lên tận mái nhà. Ôi phù sa cũng đang chảy, phù sa như không cầm được…

Phải rồi, không có sự an ủi nào khác ngoài phù sa. Nhưng đâu phải mất mát nào cũng được an ủi bằng phù sa. Nhưng lần này, nhìn phù sa đặc quánh, phù sa lẫn vào kẽ tường của những ngôi nhà đổ dở, phù sa lên tận mái nhà. Ôi phù sa cũng đang chảy, phù sa như không cầm được…
 

Qua rồi những cơn lũ đói. Lũ gậm nham nhở những con đường, những dải đồi màu mỡ, lũ ngấu nghiến cả những thứ tưởng như không bao giờ lũ thèm ngó tới. Quả thật, đời đâu thiếu những bất ngờ, chuyện lũ cũ càng của quá khứ xa xăm bỗng xới tung những bề bộn thời công nghệ. 
 

Lũ qua rồi, tôi nhớ rừng. Rừng đi đâu trong những ngày mưa nguồn giận hờn thịnh nộ? Nhớ ngày bé, có lần nấp trong hang đá đợi hết cơn mưa rừng. Ngắm núi rừng hiện nguyên hình trong cơn mưa. Ngày ấy, rừng còn nguyên thủy chưa thành đường, thành lối, thành lô như sau này. Cái cây to trên cao xòe tán đón nắng, đón mưa tạo ra không gian ẩm ướt rồi mới để lọt những giọt nắng, giọt mưa xuống. Cây leo thì cả đời giăng mắc, thân chẳng thể dùng làm gì nhưng chính sự níu giữ ấy giúp cộng đồng vững chắc trước bão gió. Những miên man tưởng chừng vô dụng mà vô cùng hữu ích. Còn lại là những thân cây bụi lan man chùm rễ, tản mát thân cành nhưng tầng tầng lớp lớp giữ nước như người ta làm ruộng bậc thang. Mỗi lần mưa xuống, vì cây, vì đất, vì rừng những cái rễ ấy cố uống thật no nước đên căng bụng. Rễ âm thầm cả trăm năm đến sù sì dưới đất, có khi cây mục đi rồi, rễ âm ỉ thác vào đất mẹ mà làm tươi cho đất rừng nào ai hay.
 

Bởi thế, lũ qua rồi tôi nhớ đất. Ngày trước có mấy khi ta được tận mắt nhìn thấy đất. Cây bụi, cây leo, cỏ dại bám víu che phủ kín đất đai. Bàn chân phải dẫm lên gai sắc cả ngàn lượt mới lộ ra một con đường mòn đất nâu. Mùa đốt nương xuân, đất hiện lên lem nhem mà thơm từng thớ thịt. Mùa mưa miền núi có khi kéo dài cả tháng trời, nhưng cây vẫn cố sức giữ đất bằng mọi giá. Những cái rễ cắm trong đất như “cốt thép” làm xương sống cho đất tạo ra khối “bê tông cốt thép” vững chắc mà nước mưa khó lòng cuốn đi được. Những cái rễ nổi, những loài cây, cỏ dại không tên cứ bọc lấy đất như một sự trả nghĩa cho đất lành. 
 

Nhớ rừng và nhớ đất, tôi thương dòng lũ. Đất không còn níu giữ nổi dòng nước bất kham, nước sẽ về đâu. Đấy đâu còn là dòng nước hiền hòa theo sông về với biển, nước đi rồi đất còn đủ sức ấp ủ mùa màng nữa hay không? Nếu đất là những gì muôn thuở, nếu nước là những gì bất chợt thì rừng là sự tinh tế và sâu sắc để biến cái bất chợt thành những gì trường tồn. Để rồi, từ ấy, chúng ta mới có một lẽ sống bình yên như thế.

Bùi Việt Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)