1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Mùa nhót

03/04/2020
Ai đã từng đi ngang qua tháng Ba để rồi mơ về những trái nhót đỏ mọng? Ai đã từng đi qua kí ức để thổn thức về tuổi thơ đã xa? Chao ơi tháng Ba và mùa nhót trở về cứ gợi nhớ gợi thương đến thế!

Ai đã từng đi ngang qua tháng Ba để rồi mơ về những trái nhót đỏ mọng? Ai đã từng đi qua kí ức để thổn thức về tuổi thơ đã xa? Chao ơi tháng Ba và mùa nhót trở về cứ gợi nhớ gợi thương đến thế!
 

Tháng Ba về, mưa phùn lép nhép, bầu trời xám xịt. Nắng trốn sau lớp mây đặc quánh chỉ thỉnh thoảng thò mặt ra như thể cùng tôi nhìn trộm vào xảo nhót chín cuối chợ. Đứng tần ngần một lúc cũng là lúc mẹ mua một mớ nhót về. Tôi sung sướng nhặt ngay một quả thật to, mài quả nhót đỏ mọng vào chiếc áo mút của mẹ đến khi không còn phấn bên ngoài thì nhanh tay bỏ tọt vào miệng, xuýt xoa tận hưởng cái vị chua chua, thanh thanh, ngọt ngọt. Quả thật, với bọn trẻ con chúng tôi thời đó đâu có thức quà nào hấp dẫn hơn trái nhót mùa xuân.
 

Khi mùa về, bọn trẻ con chúng tôi rủ nhau ra cổng trường mua nhót của bà Sáu Viu. Nghe nói nhà bà có một giàn nhót rất to. Mùa về bà lại trẩy từng xảo quả chín đem bán cho lũ học trò. Bà bán thì ít cho thì nhiều nên chúng tôi quý bà lắm. Ai thích ăn chua chọn quả chín vàng nhưng ngon nhất vẫn là quả chín đỏ mọng, căng tròn. Ăn nhót phải mài mềm sẽ bớt vị chát, vị chua và thêm tí muối ớt cay cay, mặn mặn mới đủ độ ngon. Giờ ra chơi chúng tôi tụm năm tụm ba thi nhau mài nhót. Đứa nào có quần hay áo nhám nhất thì đừng hòng có chạy. Cả hội xúm vào mài đến khi trắng xóa một lớp bụi phấn mới chịu thôi. Ăn xong cả bọn đứng lên đồng loạt rũ bụi bay trắng như bụi phấn. Sắc bụi trắng đó vương vít tâm hồn tôi mãi khôn nguôi.
 

Một ngày đi học về, cả nhà quây quần bên mâm cơm có món canh chua thịt băm với trái nhót xanh. Đó là món ăn giải nhiệt, dễ làm trong những ngày chớm hè. Người ta thường nấu canh chua với sấu, với me nhưng món canh chua chế biến từ quả nhót vừa lạ miệng lại hấp dẫn. Mẹ bảo quả nhót có vị chua, chát, tính bình ăn vào có tác dụng trừ ho hen, giải cảm, bình xuyễn, chữa lỵ... Đầu năm nóng ẩm vì nồm dễ ốm nên được ăn bát canh chua mẹ nấu lại yên tâm đến ấm lòng.
 

Thú thực nhà tôi chưa bao giờ có cây nhót. Nhưng hình ảnh cây nhót thân bụi, bán leo ôm dọc bờ rào nhà ông Hai Đức trong xóm cứ theo mãi trong tâm trí tôi. Ra Tết cây nhót ra trái và to rất nhanh. Quả nhót ban đầu như hột lạc rồi bằng ngón chân cái thì bắt đầu căng chín. Quả ra sớm chín đỏ, quả vàng ươm, quả xanh rì lúc lỉu, trĩu trịt trên cây ẩn dưới lớp lá màu xanh lục bóng, li ti bụi trắng như bụi bám. Mỗi buổi đi học về bọn trẻ con chúng tôi lại dừng lại ngắm nghía thèm thuồng nuốt nước miếng. Cuối tháng Ba nhót chín rộ nhờ nắng mới, nhờ đi qua cái rét nàng Bân. Cây nhót cứ rực rỡ trong tiết trời cuối xuân như thế. Mùa nhót chín gọi tuổi thơ tôi trở về, gọi một mùa hè nữa lại tới. Tôi bồi hồi nhớ đến bài thơ Lửa đèn của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
 

Anh cùng em sang bên kia cầu

Nơi có những miền quê yên ả

Nơi có những ngọn đèn 

thắp trong kẽ lá

Quả cây chín đỏ hoe

Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu

Trỏ lối sang mùa hè... 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/mua-nhot_257637.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)