1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Một trời thương nhớ

07/04/2021
Thanh Hiên sinh năm 1953 tại La Hiên, Thái Nguyên, nhưng quê nội của bà ở Bắc Giang, quê ngoại ở Bắc Ninh, nên vùng đất Kinh Bắc đã có ảnh hưởng đến tâm hồn thi sĩ, nét đẹp về cốt cách và tài năng sáng tạo của bà. 
 
Thanh Hiên từng học tập và sinh sống tại Ba Lan hơn 20 năm, về nước bà giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Hàng Hải (Hải Phòng), rồi Đại học Giao thông TP. Hồ Chí Minh… Cuộc sống bôn ba khắp nơi là thế nhưng tâm hồn của Thanh Hiên lại luôn hướng về quê nhà, về nơi chôn rau cắt rốn, về vùng quê Kinh Bắc nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ của bà... Tập thơ “Một trời thương nhớ” là nỗi lòng của một người con xa xứ hướng về quê hương, về những người thân thương, những kỷ niệm, những vùng đất… Trong tập thơ còn có những bài thơ về nỗi nhớ trường lớp, nhớ bạn, nhớ trời Âu, nhớ đất nước Ba Lan xinh đẹp…  “Một trời thương nhớ” được xuất bản năm 2003, tên tập thơ được lấy từ tên một bài trong tập thơ.
 
Một trời tuyết trắng mênh mang
Một trời thương nhớ, 
nhớ thương một trời
Tha hương đi giữa dòng đời
Buồn vui thì cũng xứ người mà thôi.
 
Tên bài thơ “Một trời thương nhớ” đúng như tâm trạng chung của cả tập thơ, những câu thơ da diết nói lên nỗi lòng của người con sống xa quê hương, buồn hay vui thì vẫn vậy, vẫn tha hương nơi xứ người, vẫn ngày đêm hướng về quê hương… Có thể nhận thấy một phần lớn trong 33 bài thơ là nỗi nhớ và hoài niệm về những miền đất đã đi qua, những con người bà đã gặp.
 
Đọc bài thơ “Dòng sông quê hương” chúng ta có thể nhận thấy đây là hoài niệm của thi sĩ về vùng đất Kinh Bắc, nơi quê ngoại của bà, nơi người mẹ vất vả ngược xuôi để “để lại cho con điều may mắn”.  Mở đầu bài thơ thi sĩ thao thiết: “Con bỗng nhớ về day dứt một dòng sông”. Dòng sông ấy là dòng sông quê hương, dòng sông tuổi thơ nơi người mẹ đã sinh ra con nhưng: “Cuộc đời con nay đây mai đó/ Đã mấy lần được về quê?”. Nỗi nhớ đến cả trong giấc mơ của thi sĩ: “Trong giấc mơ con trở về Kinh Bắc/ Hôn lên dòng sông quê”… Lòng nhớ thương của người con xa xứ chỉ được về quê hương trong những câu thơ day dứt khôn nguôi...
 
Về nỗi nhớ Hà Nội, trong bài “Tạm biệt thành phố này tôi đi” thi sĩ viết: 
 
Không có nắng nơi đâu đẹp như 
nắng vàng Hà Nội
Chẳng có màu xanh nào tươi mát 
như ở nơi đây
Nhưng mùa xuân này tôi lại phải 
chia tay
Nên nắng buồn dọi xuống sân trường 
lộng gió
Sao lòng tôi thấy nhớ…
 
Xa Hà Nội, xa người thân, xa cả sắc nắng vàng rất riêng Hà Nội, lại xa vào mùa xuân, cái mùa đẹp nhất trong năm, cái mùa mà lòng người xích lại gần nhau hơn, yêu nhau hơn và cần nhau hơn bao giờ hết. Dẫu vậy với thi sĩ dù xa thế nào thì vẫn “Như con chim vẫn nhớ về tổ cũ”, vẫn da diết nồng nàn với Hà Nội… để rồi phải thốt lên “Hà Nội ơi! ước gì ta đừng xa”. 
 
Vẫn là nỗi nhớ ấy, vẫn là tấm lòng da diết ấy nhưng trong “Tháng Năm và tháng Chín” bà lại thiết tha nhung nhớ lớp học thân yêu ở Đại học Hàng hải (Hải Phòng) mà phải thốt lên rằng: “Lớp học thân yêu ơi/ Trong lòng ta nỗi nhớ”. 
 
Khi sống ở xứ người, bà nhớ lại: “Tháng Tư mùa xuân năm xưa/ Có một cô giáo trái tim day dứt/ Tạm biệt nơi mình yêu dấu ra đi”, rồi thi sĩ tự hỏi mình ở châu Âu có cám dỗ gì, mình đi tìm gì giữa trời Âu truyết trắng để bây giờ phải ngồi thao thức “… nhớ về miền đất nơi mình đã ra đi”. 
 
Trong bài “Đường cũ”, thi sĩ lại da diết nỗi nhớ người thương: “Ngày xưa anh đi cùng em/ Trên con đường ấy bóng nghiêng hai người/ Sao đường anh bỗng xa vời? Em đi đường cũ bóng soi một mình”. Một bài thơ buồn, vừa nhung nhớ, như vừa trách móc sao anh lại xa vời như thế, để một mình em bước đi trong đêm…
Cũng là nỗi nhớ về người con trai ngày ấy, ở bài “Bông hoa mua ngày xưa” thi sĩ lại nhớ về một thủa tóc còn ngang vai, cái thủa còn là bé con trong mắt người ấy, cái thủa chỉ nhìn nhau thôi, mến nhau thôi chứ chưa biết thổ lộ… những kỷ niệm, những tình cảm thủa thơ ngây cứ thế mà hiện về trong day dứt nhớ mong, tiếc nuối: 
 
Ngày xưa, ngày xưa ấy
Em đã ngồi cạnh anh
Nhưng mà em không nói
Còn anh, anh không biết
Để ngàn đời nuối tiếc
Một ngày xưa, ngày xưa… 
 
Ai trong chúng ta cũng đều có kỷ niệm, có nỗi nhớ, thậm chí có những nỗi nhớ in sâu trong tâm can thổn thức, người đọc sẽ được chia sẻ trao gửi những nỗi niềm mà chỉ thấu hiểu được qua những vần thơ, và đôi khi chỉ một câu, một khổ thơ, người đọc đã cảm giác như được tác giả đang kể câu chuyện, cuộc đời của họ. Có thể nói, “Một trời thương nhớ” đưa bạn đọc đến những mạch cảm xúc đan xen nhau, nhớ đấy nhưng nỗi nhớ lại chính là một nét đẹp cho tâm hồn. Tập thơ được xuất bản bởi chất thơ đầy cảm xúc, vần thơ trau chuốt mượt mà, ẩn chứa tâm tư về cuộc sống về những trăn trở day dứt của một nữ sĩ xa quê… “Một trời thương nhớ” tạo nên sự đồng cảm, nhớ thương gần gũi bình dị trong cuộc sống. 
 
Mẹ và quê
 
Ngày xưa mẹ vẫn ước mơ
Đưa con gái lớn về quê một lần
Ước mơ ngày ấy chưa thành
Mẹ không còn, con một mình về quê.
Bần thần lần bước con đi
Con đường cũ, mái tóc thề còn đâu
Mẹ là con gái nhà giàu
Lấy chồng ai có ngờ đâu một đời
Một đời bèo dạt mây trôi
Một đời vất vả, một đời nhớ thương
Sông Cầu xa xót dặm trường
Câu ca quan họ còn vương xứ người
Bờ đê xưa, ánh trăng soi
Hai hàng cỏ vẫn những đôi nhân tình
Mẹ đi, lặng một bóng hình
Sông Cầu vẫn chảy, dập dềnh sóng xô
Tha hương biết mấy bơ vơ
Nhớ quê, thương mẹ bao giờ cho nguôi.
Gdansk, 8/1999
 
Cảm xúc mùa xuân
 
Mùa xuân có gì lạ
Sương vương trên cành cây
Gió đùa trong nắng sớm
Lưng trời chim én bay.
 
Có điều gì thương mến
Trong giọt nắng xuân đầy
Có điều gì ấp ủ
Mà mắt em sắc mây?
 
Gdansk, 14/3/2001
 
Bài ca của biển
 
Anh chưa nói với em điều gì
Chỉ dẫn em đi trên cát vàng Ban-tích
Gió biển thổi, tóc em bay xòa xuống mặt
Anh dịu dàng gạt tóc em ra
Em ngước nhìn lên làm anh bối rối
Và trong phút giây rất vội
Anh nắm chặt bàn tay em
Định nói điều gì anh lại lặng yên
Anh sợ phá tan khoảng trời yên tĩnh
Anh sợ phá tan âm thanh từ sự yên lặng
Âm thanh không phải bằng lời
Âm thanh tự trái tim
 
Cát biển vàng in dấu chân em
Sóng biển lô xô, dạt dào âu yếm
Cánh rừng dương rủ bóng
Nói những điều thủ thỉ tự ngàn năm.
 
Anh chưa nói với em điều gì
Cứ dẫn em đi qua rừng vô tận
Nghe biển rì rầm vỗ sóng
Ơi biển chiều Ban - tích bình yên
Bài ca của biển, bài ca của anh và em
Bài ca không phải bằng lời, 
bài ca tự trái tim.
 
Biển Ban - tích, 1976
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/mot-troi-thuong-nho_264169.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)