1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Khi thành phố im vắng

30/08/2021
Khi thành phố im vắng
Một góc đường sách Vũng Tàu trong những ngày giãn cách. 
 
Đêm đổ xuống thành phố bao nhọc nhằn. Ánh đèn vàng ủ rũ. Đêm nối đuôi nhau những lời nguyện cầu. Thành phố im vắng, những con tim im vắng, những đôi môi im vắng, những con mắt im vắng. Thành phố của những ngày giãn cách vì đại dịch. Chỉ có tình người thì không im vắng.
 
Thường thì mỗi năm vào dịp Tết, vài ngày Tết ngắn ngủi tôi mới thấy thành phố im vắng như thế này. Nhưng đó là sự im vắng mở cửa trong lòng. Còn hôm nay thành phố im vắng bởi lệnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Những cánh cửa đóng, những khu chợ đóng, những nhà ga đóng, những niềm vui đóng đợi ban mai.
 
Ban mai ở đâu trú ngụ trên những con đường dài, từ Sài Gòn - Đồng Nai - Bình Dương - Vũng Tàu cho đến những tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tôi nhắm mắt mà mơ tiếng ly cà phê vẫy gọi leng keng đá bi, của những thợ thuyền hằng ngày tỉnh giấc. Tôi hành khất những nụ cười của đôi môi em xòe ra ban trưa. Tôi cũng vừa nghe đâu đây tiếng pô xe nổ giòn tan trong phố. Mơ và mơ… Để rồi xem, để rồi xem…
 
Một buổi chiều nhá nhem bầy khỉ từ trên núi đổ xuống thành phố đại náo Vũng Tàu. Không khách du lịch, không còn nam thanh nữ tú leo núi tập thể dục, không ai cho khỉ ăn, khỉ buồn, khỉ đói, những con mắt khỉ đờ đẫn hoàng hôn.
 
Một buổi sáng, bước chân của những bà nội trợ bồn chồn, xếp hàng chờ đến lượt mình. Chị hàng xóm nói vọng qua cửa: “Chị vừa đi chợ về, chẳng mua được gì nhiều, chỉ mua rau củ linh tinh thôi mà đã ngót nghét vài trăm ngàn… Những cơn mưa hoang, những cơn mưa đổ xuống chang chang lòng người…
 
Những cơn mưa cuối hạ chạy từ Vinh vào đến Sài Gòn, chạy từ Sài Gòn về đến Đồng Nai, chạy từ Đồng Nai mà xập xoài Bình Dương, Vũng Tàu. Cô em gái Tăng Mỹ Ngân từ Sài Gòn messenger: Em và các thầy cô vừa đi phát rau cho bà con về. Anh trai ổn chứ?
 
Những từ thăm hỏi trong những ngày này mặc định là lời hỏi thăm về tình hình sức khỏe mùa dịch, sức khỏe qua biến chủng Delta đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
 
Một buổi tối, Lê Nhung cô gái trẻ, phóng viên của tạp chí Sông Lam messenger: Thầy ăn cơm chưa, mời thầy món ăn dân dã nè. Tôi ngó vào tấm hình, thì đó là món giá đỗ mà chính tay cô gái tự làm, tự chế biến. 
 
Đại dịch đã khiến con người ta phải làm nhiều hơn là nghĩ, phải hành động, phải hành động ngay thôi, kể cả từ những hành động nhỏ bé nhất để tự bảo vệ mình. Sau những tiếng thở dài, sau những bờ vai, sau những đôi môi, sau những nụ cười là chứa chan những ân tình trong biết bao câu chuyện đời thường của những người bình thường thầm lặng.
 
Mấy ngày nay lướt trên mạng, đọc trên báo tôi dễ dàng bắt gặp nụ cười tươi rói, hiền từ và đôn hậu của người đàn ông rau củ quả có cái tên ngồ ngộ Minh Râu. Chủ nhân của sạp rau nghĩa tình này là anh Phạm Hồng Minh (38 tuổi, ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Anh được người dân gọi bằng cái tên thân thuộc là "Minh Râu" vì chỏm râu trên gương mặt khá ngộ nghĩnh mà dễ thương.
 

Khi thành phố im vắng

Biết bao ân tình phía sau những gian hàng 0 đồng trong mùa dịch.
  
"Xoài chua lè chua lét 5.000 (đồng)/ kg, ai mua thì bán, ai sin (xin) thì cho"; "Rau muống miễn phí... 1kg theo mẫu... Lấy nhiều quá bị la, hihi"; “Cà... giống tốt... Ai mua thì bán, ai sin (xin) thì tặng"...
 
Có lẽ chỉ trong hoạn nạn mới biết một con người bình thường có thể làm được những điều phi thường, chỉ cần một tình yêu, một tình yêu thương đồng loại.
 
Cũng chẳng cần đọc báo, hàng ngày theo dõi Facebook của bạn bè tôi cũng nhận ra rằng thành phố đang im vắng nhưng tình người không hề im vắng. Một người chị của tôi, nhà thơ Trần Mai Hường đã đăng một trạng thái: “Hai ngày ở nhà ngoan dưỡng sức, sáng, mình vừa chạy ra bưu điện gửi chuyển phát nhanh, nhân thể mua ít thuốc tây. Đường vắng, bách hóa xanh không còn cảnh xếp hàng rồng rắn như mấy hôm trước cũng mừng mừng. Chạy đến ngã ba Quách Điêu và Liên Ấp 6 - 2, thấy một người ngồi lơ vơ, trong đầu nghĩ, trời cứ vạ vật thế kia bao giờ cho hết dịch. Xe vút qua mình đi gửi thư và mua thuốc cũng phải 30 phút, quành về, vẫn thấy người ấy ngồi đó, đỗ lại hỏi, em ngồi đây làm gì, em ngồi đây thôi, không làm gì, chị cho em gạo em có chỗ nấu không, em có, mình cho em bịch gạo (luôn trữ trong cốp xe), hỏi em đói không, em đói, cho thêm em 20 ngàn rồi bảo em về đi, dịch bệnh thế này ra đường nguy quá.”
 
Đêm xuống sâu hơn, tôi nhìn qua ô cửa sổ nhỏ, thành phố ngoài kia sẫm đi trong ánh đèn đường vàng vọt. Đâu đó thoảng nghe tiếng tắc kè trỗi lên niềm vắng. Lòng tôi cũng hoang mang vì hồi tối con bé con nhà tôi tự nhiên lại sốt. Nhìn ra bờ tường rào của khu chung cư, đâu đó như vài con khỉ non đang leo tường và kêu lên ọ ọe. 
 
Liệu thế giới này có thể thay đổi vì đại dịch Covid và những biến thể của nó? Có thể lắm chứ, cuộc sống luôn là dòng vận động có sinh có diệt. Nhưng tôi tin dẫu thế nào thì tình người cũng sẽ chẳng bao giờ im vắng.
 
Đêm miên man, lòng tôi miên man, những hình dung miên man. Bóng Minh Râu đang ngả dài trên những sạp rau với những hàng chữ miên man, bóng chị nhà thơ cũng tất tưởi trên những con phố miên man. Nghĩ về người, nghĩ về phố, nghĩ về tương lai, tôi nghĩ về hạnh phúc. Thành phố ơi, bao giờ hết im vắng?
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/khi-thanh-pho-im-vang_267767.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)