1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Hẹn xuân bên hồ biếc

24/02/2020
Buổi chiều mùa đông ấy, tôi lững thững bước trên vỉa hè phố Hàm Long. Những ngọn gió bấc lạnh ngắt se sắt thổi tung bay mái tóc khi tôi rẽ vào một ngõ nhỏ.

Nhà thơ Trần Lê Văn (ở giữa) cùng nhà văn Lê Phương Liên và nhà thơ Thanh Hào đến dự lễ kỷ niệm 45 năm NXB Kim Đồng (năm 2002).

Buổi chiều mùa đông ấy, tôi lững thững bước trên vỉa hè phố Hàm Long. Những ngọn gió bấc lạnh ngắt se sắt thổi tung bay mái tóc khi tôi rẽ vào một ngõ nhỏ.

Ngôi nhà quen đã hiện ra trước mặt. Mái nhà cổ ẩn nhẫn đứng bên sân gạch rêu phong rợp bóng cây cổ thụ nằm lọt thỏm giữa một phố sầm uất ở trung tâm Hà Nội. Ngôi nhà dường như là bị lãng quên từ thế kỷ trước đó chính là mái ấm của nhà thơ Trần Lê Văn. Hôm nay tôi bước đến đây trong lòng hồi hộp lắm. Không biết ông nghĩ thế nào về cuốn sách Ngày em tới trường (NXB Kim Đồng 2002) của tôi? Ông sẽ chê chăng? Không biết ông có tìm được điều gì tâm đắc trong những trang viết còn mong manh non nớt của một tác giả trẻ kém ông 30 tuổi đời? Ô kìa, ông đã bước ra cửa đón, hình như ông đã thoáng trông thấy bóng tôi khi bước vào sân. Ông cười hóm hỉnh và đọc một câu thơ vui vẻ:

Đừng nhắc mùa xuân chớ vội vàng

Mình thì cố gắng bớt lan man…

Nghe thế tôi biết đó là hai câu thơ trong bài Xuân không hẹn của ông sáng tác từ năm 1986. Tôi cười tủm tỉm và tự hiểu rằng ông đã có ý chờ bèn lên tiếng chào thực thà: “Cháu chào bác, hôm nay bác có hẹn cháu ạ!”

Nhà thơ Trần Lê Văn cười hiền và hóm rồi quay lại ý nhị nhìn bác gái, “bông hoa rừng” của ông đã “gửi tuổi xuân trên núi” về xuôi với ông. Người bạn đời của nhà thơ Trần Lê Văn là bà Bạc Thị Nâu, một phụ nữ dân tộc Thái thanh lịch duyên dáng. Bà vốn là học trò của thầy giáo Trần Lê Văn ở Thuận Châu (Sơn La) và đã theo thầy giáo đi suốt cuộc đời. Giờ đây, bà nhẹ nhàng mời tôi ngồi xuống chiếc ghế mộc mạc rồi từ tốn pha trà đặt lên chiếc bàn đơn sơ nơi làm việc của nhà thơ, lát sau bà đi ra ngoài sân như một làn gió nhẹ.

Sau khi nhấp ngụm nước trà, nhà thơ Trần Lê Văn chợt hỏi: “Cô có biết trong tập sách này của cô, tôi thích truyện ngắn nào nhất không?”

Tôi lúng túng, khó trả lời quá, làm sao mà đoán nổi ý nghĩ của nhà thơ cao tuổi nhỉ? Nhìn nét mặt bối rối của tôi, nhà thơ thoáng một chút cảm động, vẻ mặt ông lặng đi đôi mắt nhìn đi xa xôi như đang thả hồn vào cõi hư vô. Tôi băn khoăn nghĩ: Phải chăng một truyện ngắn nào đó của tôi đã chạm tới nỗi buồn của ông? Tôi thầm tự trách mình sao đã quen biết nhà thơ mà lại chưa biết những chuyện gia đình ông? Chưa hề biết rằng ông có một người con trai tên là Hồng Thao đi bộ đội và đã là liệt sĩ! Thì ra tôi đã ơ hờ quá, chưa hề biết nỗi đau sâu xa trong lòng nhà thơ… Như để xua tan bầu không khí im lặng trong căn nhà có mùi hương trầm bay, nhà thơ Trần Lê Văn đọc chầm chậm:

Mưa xuân giăng tơ như ngày con đi.

Từ ngày ấy mưa không đứt đoạn… 

Tôi nghe tiếng ông đọc thơ mà tưởng như tiếng thổn thức trong lòng ông vang lên một khúc tơ đàn lay động tâm can người nghe. Khi ấy ngoài trời gió lạnh thổi khô khốc mà bỗng dưng tôi như thấy cảnh mưa bay mù mịt trước mắt.

Tôi bỗng thốt lên: “Mưa xuân hồ Gươm!”. Đó là tên một truyện ngắn của tôi trong tập sách Ngày em tới trường. Khi đó nhà thơ Trần Lê Văn gật gù vẻ mặt vui hơn, như là một thầy giáo vừa gợi ý xong và đã nhận được câu trả lời hoàn hảo của học trò. Ông buông lời nhẹ nhàng: “Đúng rồi!”

Ngay lập tức tôi hiểu rằng câu chuyện “Mưa xuân hồ Gươm” đã có bóng dáng của liệt sĩ Hồng Thao con trai của nhà thơ Trần Lê Văn trở về. Người đó đã đi bên hồ Gươm và dẫn hai mẹ con nhân vật chính trong truyện đến trước cổng lối vào cầu Thê Húc để cùng ngước mặt trông lên Đài Nghiên. Quả đúng như phỏng đoán của tôi, nhà thơ mở cuốn sách và đọc lại đoạn văn: “Đài Nghiên đâu? Kìa, trên đỉnh cổng có tượng con cóc đội một phiến đá từng trải dãi dầu mưa gió rêu phong. Đài Nghiên đó ư?”

Nghe giọng trầm ấm của nhà thơ đọc lại những câu văn của mình, tôi vui sướng khôn tả. Ông bảo tôi rằng: ông rất thích thú khi đọc những câu này. Hóa ra cùng với nỗi niềm nhớ về người con trai, ông còn có một nỗi niềm sâu xa khác: Ông rất gắn bó với hồ Gươm. Ông là người xuất thân trong một gia đình nho học ở Nam Định có vốn chữ Hán Nôm vững chắc. Nhà thơ Trần Lê Văn đã từng cùng các bậc túc nho làm việc đọc và phiên dịch chữ Hán Nôm sang quốc ngữ các câu đối, chữ viết trên các bức tường của quần thể di tích Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Nhớ lại bài thơ Cụ già với những dòng chữ cổ trên đền Ngọc Sơn của ông, tôi bỗng thấu hiểu cảm thông với nhà thơ đang ngồi trước mặt tôi đã có những câu thơ dành cho con trẻ:

Chữ bay múa lặng thầm trước mắt

trẻ thơ

Như hình khối trong bức tranh

huyền bí.

 Tôi như tưởng tượng ra cảnh các cụ nhà nho đeo kính lọ mọ đọc từng chữ trên những bức tường đã bị mưa gió phai nhòa để luận ra ý nghĩa của các bài thơ, câu đối cổ. Rồi soi xét tỉ mỉ tô lại từng nét chữ bị hủy hoại bởi thời gian. Làm công việc âm thầm lặng lẽ ấy các cụ không để lại tên tuổi cho riêng mình, bóng hình các cụ lặn sâu vào dáng chữ của bậc tiền nhân, như nhà thơ Trần Lê Văn đã viết:

Những ai qua đường, ngược xuôi

gió cuốn

Có thấy cụ già với những

dòng chữ xưa?

Chữ đề danh lam, tay cụ điểm tô

Lại bổ khuyết, giữ vẹn tròn khúc hát

Của người trước, thịt xương dù nát

Vẫn còn gì gửi lại mãi về sau…

Tôi lắng nghe nhà thơ Trần Lê Văn nói chuyện về những nỗi hoài cảm của ông,  vừa là tình của người cha thương con đứt ruột lại vừa chuyện văn hiến ngàn năm mà sao tôi cảm thấy cái tâm của ông thật nhẹ nhàng. Dường như ông đã trải qua mọi khổ đau để giờ đây không còn điều gì khiến ông buồn chán than van nữa. Tôi biết rằng nhà thơ Trần Lê Văn có người bạn tri âm tri kỷ là nhà thơ Quang Dũng từ trần đã lâu rồi. Người bạn thân của ông đã “gửi tiếng cười dưới đất” mãi mãi. Giờ đây bạn cùng trang lứa càng ngày càng thưa vắng, có lúc ngồi nói chuyện với một người trẻ tuổi, học vấn sơ sài nông mỏng so với vốn học vấn Đông Tây uyên bác của ông và trải nghiệm việc đời cũng còn ngây ngô đơn giản, chẳng biết là ông có cảm thấy tẻ nhạt không? Nhìn tôi ngồi im lặng vẻ suy nghĩ, bỗng ông hỏi:

“Tết đến xuân về rồi cô nhỉ? Cô có nghĩ đến chuyện đi chơi xuân không? Cô thích một cuộc đi chơi như thế nào?” 

Nghe ông hỏi thế, bỗng nhiên trong lòng tôi chợt nảy ra một ý tưởng. Tôi bạo dạn nói: “Bác ạ, cháu rất thích một ngày xuân nào đó bác cháu mình sẽ đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm, cháu sẽ được nghe bác đọc các câu đối ở đền Ngọc Sơn…”

Nhà thơ Trần Lê Văn nghe tôi nói thế cất tiếng cười hà hà, ông nói: “Nói chuyện với cô hay thật, không chỉ là chuyện văn chương đâu, mà tôi đoán rằng cô là một người con hiếu thảo.”

Tôi nghe vậy mà cảm động quá. Nghĩ là đã đến lúc tạm biệt ông, tôi đứng dậy chào và hẹn: “Bác Trần Lê Văn nhé, một ngày xuân nào cháu sẽ rủ bác đi chơi Bờ Hồ!”

Nhà thơ Trần Lê Văn nghe vậy, cười vui hơn, ông nói giọng dí dỏm: “Hẹn xuân bên hồ biếc!”

Thật không ngờ câu hẹn vui vẻ ấy mãi mãi là ước mơ. Sau cuộc gặp đó, chẳng bao lâu nhà thơ Trần Lê Văn bắt đầu lâm bệnh. Và rồi, ông ra đi mãi mãi.

Giờ đây mỗi khi có dịp đến cổng đền Ngọc Sơn, nhìn vào những hàng chữ cổ trên tường đền cổ, tôi bỗng cảm thấy có bóng dáng của nhà thơ Trần Lê Văn trở về trong ánh xuân quang lấp lánh nơi làn nước biếc.

Lê Phương Liên/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/hen-xuan-ben-ho-biec_257216.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)