1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Hạt thóc vàng

15/03/2020

Xưa, khi nghe bà kể chuyện cổ tích Tấm Cám, tôi chưa hiểu nghĩa chữ “tấm” và chữ “cám” liên quan với chữ “gạo”, “thóc” như thế nào? Bà tôi bảo: Tấm ngon bổ quý hơn Cám. Tấm là một phần của hạt thóc (phôi mầm) bị vỡ rời trong khi xay gạo, đây là phần rất quý của hạt thóc, nhờ nó mà hạt thóc sẽ nảy mầm. Tấm có thể nấu ăn rất ngon. Cám là lượt vỏ thứ hai sau vỏ trấu bao bọc nội nhũ (hạt gạo) bị rời ra thành bột sau khi xay xát. Cám không mịn mà ram ráp ít ngọt khó tiêu thường dùng cho gia súc ăn. Có lẽ vì thế mà trong truyện cổ tích tên “Tấm” được đặt cho nhân vật xinh đẹp mồ côi nghèo khổ được Bụt thương, Vua yêu. Còn tên “Cám” được đặt cho nhân vật con mụ dì ghẻ người xấu có tính ganh ghét độc ác. Trong truyện cổ tích Cám chết là hết chuyện, không thể sống lại được nữa! Hóa ra trong truyện cổ tích các cụ đặt tên nhân vật đã chọn kỹ lắm. “Tấm” được tôn vinh hơn “Cám” dù đều từ hạt thóc mà ra, có lẽ cũng vì ý nghĩa từ gốc mang tính chất sinh học.

Thủa bé thơ ở phố tôi chưa được thấy hạt thóc, chỉ nhìn thấy hạt gạo trắng và bát cơm mùi thơm hấp dẫn. Khi nhai cơm trong miệng tôi thấy một vị ngọt ngào êm dịu. Vị của hạt cơm không ngọt sắc như mía, ngọt đậm như chuối, ngọt mượt như nhãn và cũng không phải là vị ngọt nồng nàn của thịt… Vị ngọt của cơm là một vị ngọt thanh tao mà ấm bụng người ta sâu đậm cả đời. Lớn lên tôi được về làng quê, được nhìn thấy hạt thóc nằm phơi trên sân gạch dưới ánh nắng rực rỡ. Tay tôi được sờ chạm vào hạt thóc mà cảm thấy một sức nóng ấm truyền dẫn lên khắp người. Bàn chân trần của tôi được đi lùa vào những hạt thóc ẩm đang tỏa hơi thở nồng nàn kích thích tôi một cảm giác phấn chấn. Và tôi được xem những hạt thóc được đưa vào máy xay xát. Máy xay để tách vỏ trấu ra khỏi hạt thóc và máy xát để tách vỏ cám ra thành hạt gạo. Ôi, hạt gạo trắng tinh mà tôi vốc lên trên tay nhẹ tênh mát dịu đây đã phải trải qua một quá trình xay xát đau đớn lắm! Và từ hạt gạo người ta lại tiếp tục nhào nặn trong nước và lửa để có chế biến bún, bánh phở, bánh cuốn, bánh đa, mỳ gạo…  rồi cả các loại xôi, các loại chè, các loại bánh từ gạo nếp.

Lại nhớ đến một buổi chiều cuối năm gió bấc mưa phùn, tôi có dịp đi về quê. Trên cánh đồng mênh mông gió lạnh thổi se sắt, các bà các cô đang nhổ mạ. Những bó mạ xanh đó được chuyển ra ruộng cấy. Dẫu có cấy bằng máy chăng nữa thì những người thợ cấy vẫn phải lội xuống nước lạnh ngắt để cấy những cây mạ non xuống đồng. Chỉ khi được thực sự cúi mình xuống ruộng, đưa tay giúi cây mạ xuống bùn, tôi mới hiểu ra để cây lúa non bé tẹo đứng được trên ruộng nước, rồi bén rễ để sống được là một việc khó thế nào.

Rồi đến một ngày thu tôi lại về quê. Khi chạy ra cánh đồng tôi sững sờ thấy trước mắt cánh đồng lúa chín vàng, thơm ngào ngạt. Trong lòng tưởng như đang ngủ mơ mà cây lúa trước mặt như một người bạn hiền, tôi hỏi: “Lúa ơi, có phải nhờ nắng thu về mà hạt lúa vàng?” Cây lúa rung rinh trong gió không ra gật mà cũng không ra lắc, ngọn cây lúa cúi xuống nhìn đất dưới chân. Tôi reo vui như chính mình đã tìm được câu trả lời: “À, phải rồi, có nắng vàng và có đất nuôi lúa thì lúa mới chín vàng!”. Cây lúa vẫn rung rinh lắc đầu như là câu trả lời của tôi chưa ổn. Lúc ấy có tiếng hát của bà nội tôi vang lên từ phía sau những hàng lúa nhấp nhô: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!” Tôi chạy về phía bà. Nâng những hạt lúa trên tay để thăm những hạt lúa đã chín mẩy, bà thầm thì: “Cây lúa nó biết công người trồng đấy cháu ạ”. Nghe bà tôi nói, cây lúa như gật gù. Những hạt thóc như sà vào lòng bàn tay đầy chai sạn của bà, tỏ bày tình cảm. Lúc đó bỗng ao ước mình được hóa thân vào cây lúa, như trong truyện cổ tích để sống thử một đời cây lúa, để biết được người nông dân đã chăm lo cho cây lúa như thế nào.

Giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, trên tay tôi có điện thoại thông minh. Tôi có thể  biết nhiều chuyện xảy ra trên thế giới: động đất, băng tan ở hai cực và những con cá biển nuốt phải túi ni lon, bệnh dịch COVID-19 rung động toàn cầu… Lúc này trên bàn của tôi có một lọ thủy tinh đựng những hạt thóc vàng. Tôi ngồi ngắm những hạt thóc vàng như ngắm một kiệt tác của tạo hóa. Lúc đó nếu có một nhà khoa học nào đó bảo tôi rằng: Người ta đã phát minh ra cách biến những hạt thóc ấy thành hạt vàng 999! Thì, tôi sẽ lắc đầu, bởi tôi biết rằng hạt vàng là sự vô tri và hạt thóc là sự sống mãi mãi.

Lê Phương Liên/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/hat-thoc-vang_257474.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)