1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Hà Nội - Mấy góc cũ

22/10/2021

Hà Nội -  Mấy góc cũ
Toàn cảnh tổ hợp Cao - Xà - Lá.
 

Khi mà những cánh đồng ven đô còn bát ngát, lúa thơm mát từ khi lên xanh cho đến khi làm đòng, đỏ ngọn và mùi thơm nồng ấm hơn khi ngả vàng để vào mùa gặt thì lúc ấy Hà Nội cũng rất khác bây giờ. Phải người quê hay để ý và so sánh thì bảo:
 
- Gớm, mang tiếng Hà Nội, mà các làng mạn Thanh Trì, Từ Liêm hay Hoài Đức... cũng chỉ giống như làng mình thôi. Cũng một năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu, lễ hội cả tuần. Nhiều làng cùng phối thờ thánh làng mình.
 
- Đấy là huyện, còn ra đến khu “Cao - Xà - Lá” là khác quê mình lắm rồi. Nhà máy lớn, nhà tầng kiên cố, mà đến lạ 3 nhà máy đều sực mùi - Có người đáp lời.
 
Quả đúng như vậy, những làng xã của các huyện ngoại thành ôm lấy Hà Nội một cách thật tự nhiên theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ làng tôi theo quốc lộ tới Hà Nội, chỉ vắt qua cánh đồng mấy làng là đã đến thị xã Hà Đông. Khu Cao - Xà - Lá sộc vào mũi những mùi trộn lẫn rất tươi. Mùi thuốc lá khét, mùi cao su nồng nặc, và mùi hương liệu xà phòng sực lên như muốn át hai mùi kia. Hương vị thành phố tôi bắt gặp thật ấn tượng. Sau tôi mới biết nhiều người chung cảm giác đó với tôi, cùng với đó là sự choáng ngợp bởi hiển hiện trước mặt những 3 nhà máy lớn, hoạt động đêm ngày, với những mặt tiền “hoành tráng”, chữ đắp nổi to, tường bao cũng đẹp. Nó khác xa những hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp tôi đã từng thấy. Tôi nghĩ ngay đến những sản phẩm chất lượng cao, bán trong cửa hàng bách hóa của huyện chứ không phải hàng gia công bán ngoài chợ. Những nhà máy này hẳn là nơi sản xuất ra những mặt hàng nhà nước đó. Có buổi gặp giờ tan tầm, công nhân ra về, đường Nguyễn Trãi rộn ràng hơn hẳn. Nhưng, dẫu là khi công nhân đến hay về, sớm hay chiều thì khu Cao - Xà - Lá đều luôn dậy mùi bất kể thời điểm nào. 
 
Ngày ấy, rất ít người có xe máy, con đường Nguyễn Trãi xanh mướt xà cừ. Cuộc sống chầm chậm, dù là đèn cao áp vẫn bật lên mỗi tối nhưng ban đêm ngước lên bầu trời vẫn thấy vầng trăng và những vì sao lấp lánh. Đi một quãng không xa, phía cuối con đường bê tông vẫn là những cánh đồng bát ngát nối liền mấy làng với nhau bằng lúa nếp, lúa tẻ hay những ruộng rau muống, những đầm sen. Thế nên người ta so sánh “chả khác quê mình” cũng là phải.
 
Vài chục năm trước, hòa mình vào dòng xe đạp trên đường Nguyễn Trãi đến giảng đường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) -  đối diện khu Cao - Xà - Lá, tôi thấy mình lọt thỏm, miên man những lo lắng và ước mơ. 
 
Khu Thanh Xuân Bắc khi ấy vẫn chủ yếu là những dãy nhà lắp ghép sừng sững. Những ngôi nhà tường xù xì “granito” cao hơn cả ngọn xà xừ cổ thụ thật vững chắc. Hồi ấy, nhà cao tầng chưa nhiều, nhìn vào gương mặt phố chỉ thấy những ngôi nhà này. Cầu thang dẫn lên nhà tập thể có đường sống chia đôi để dắt xe đạp lên nhà và với đôi nhà có xe máy không tiện gửi cũng cho xe lên tầng 2, thậm chí lên cả tầng 3. Đêm về, những ánh đèn hắt ra từ những ô cửa nhà tập thể này cho ta cảm nhận diện mạo thành phố, hơi thở của thành phố. Mỗi căn hộ như một cái hộp nhỏ to khác nhau bởi tầm nhìn, những ngọn đèn tắt dần, để thấy cao áp sáng hơn. Những đêm trăng sáng, ăng- ten nơi đầu hồi nhà tập thể hay trên sân thượng vẽ nên những hình thù lạ lẫm vào ánh trăng. 
 
Cao - Xà - Lá “cũ” dần nhưng vẫn phả mùi khắp cả một vùng những luồng mùi hỗn độn ấy. Chợ Ngã Tư Sở cũng khiến người ta choáng về sự khác biệt với những cầu quán của chợ làng, chợ tổng. Người quê dám cầm tiền vào chợ Ngã Tư Sở mua sắm cũng phải dạng có máu mặt chứ không dễ dàng bị mắng chửi vì dám mặc cả, hoặc hỏi rồi không mua. Vải vóc ngút mắt, nhìn vải nào cũng thấy mê. Trước đây chỉ thấy vải lon trắng, xanh trứng sáo, pô-pa-lin Trung Quốc, sang hơn thì tuýt si, bình dân thì bông chéo 8/3, xanh sĩ lâm... thế mà cơ chế thị trường mở ra, vải vóc đầy chợ, những sít, siu, nhúng, nhung, dạ... Vải lon từng chiếm ngôi nhất đã về vườn, thay vào đó là những vải mới, nhập khẩu, phong phú màu sắc, họa tiết và bền cũng không kém. Thế nhưng, đến lạ vẫn có người từ ngoại thành đem từng bao tải vải thô về chợ bán. Nhiều người vẫn tìm một cái khăn cọ lưng hay cái khăn mặt từ làng nghề vào, vì hàng ngập khẩu, hàng nhà máy nhiều khi chậm muộn, và những mặt hàng của HTX này vẫn chưa phải đã hết khách.
 
Đường Láng mát rượi, mé bên sông cỏ mọc đầy, hàng xà cừ xanh mát rượi, đoạn qua làng vẫn nhiều nhà trồng rau thơm. Những dãy nhà 2 - 3 tầng đã dần lấn hết những luống rau, những hàng nước mía khiến đường Láng bớt xa hơn trong chặng đường xe đạp của đám sinh viên ngoại tỉnh ngày nghỉ đi khắp các trường tìm đồng hương.
 
Rồi tôi biết thêm Hà Nội còn có nhiều khu tập thể như Thanh Xuân và “cao niên” hơn cả Thanh Xuân như: Thành Công, Kim Liên, Nghĩa Tân, Nguyễn Công Trứ... Những ngôi nhà gắn với thế hệ 6X, 7X với những bể nước dưới sân khu tập thể, những chuồng cọp cơi nới  hoặc nhà tầng 2 chồng lên nhà tầng 1 thành 1 phòng cho con cái có chỗ học riêng...
 
Những năm cuối cùng của thế kỉ cũ tôi đã ra trường, đi làm. Con đường Nguyễn Chí Thanh vẫn còn ruộng rau muống ngay cổng ký túc xá trường Luật. Có việc tôi đi vào đường Chùa Láng, những ruộng rau muống vẫn theo lứa, ngôi chùa trầm mặc như vốn thế từ xưa...
 
Công việc khiến tôi bận bịu với những chuyến đi, sớm mai, tối khuya vẫn qua các chặng Cao - Xà - Lá, Láng, hay Ngã Tư Sở, nhiều khi chẳng để ý, nhưng nhớ nhất là những biển hiệu mica thay dần những biển sắt cũ... Thành phố phải thế, sáng đèn và văn minh. Nhưng rồi nhiều khi tôi thấy biển mica sáng ấy gắn vào những ngôi nhà cũ, tường tróc lở không hợp như những biển hiệu kia. Xe gắn máy nhiều dần lên, con đường chật lại bởi lưu lượng người lưu thông.
 
Mưu sinh cuốn tôi đi, hòa vào dòng người tắc đường mỗi ngày. Bẵng đi, chuyển nhà, lâu lâu đi qua Thanh Xuân khu  Cao - Xà - Lá không thấy dậy mùi, cả khu nhà lọt thỏm trong những dãy nhà cao tầng chồng lên xung quanh. Có người bảo:     
 
- Khu ấy không còn hoạt động.
 
- Vẫn có mùi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm vẫn còn. Những mùi đến chết không quên được - Tôi nói.
 
Đúng là Cao - Xà - Lá  chỉ thoang thoảng mùi nữa thôi, Cao su Sao Vàng đã có tên tiếng Anh, Thanh Xuân đã khác. Cao - Xà - Lá cây mọc đầy, ánh sáng cũ không rọi hết không gian mà nó đang sở hữu, nghe nói những nhà máy này sẽ chuyển ra ngoại thành hết, nơi đây sẽ có quy hoạch mới...
 
Tôi đã đến, đã thấy và chứng kiến cả chặng dài một góc Hà Nội. Dẫu là ngồn ngộn mùi khó chịu, khó tả, hay những ruộng rau muống mơn mởn lạc lõng, rồi những luống rau thơm cuối cùng của Láng mất nốt... để rồi nhớ. Mùa thu này chộn rộn những vui buồn, tôi chép lại.
 
Người Hà Nội
 
https://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-may-goc-cu_269692.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)