1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Dấu xưa còn đó...

22/11/2020
…Giờ đây, đi ngang qua đền Ngọc Sơn, mỗi chúng ta đều tự nhiên và tò mò ngước lên nhìn Tháp Bút, Đài Nghiên, công trình do cụ Nguyễn Văn Siêu hoàn thiện, - một kẻ sĩ lỗi lạc của đất Thăng Long xưa - cùng tung hoành trong văn chương với Cao Bá Quát, mà người xưa từng tôn vinh là Thần Siêu, Thánh Quát một thời.
Tất nhiên, thời của các thần các thánh đều cũng đã qua rồi, và cả thời đại lịch sử hàng nghìn năm đủ để tạo ra mọi điều kiện hình thành và nở rộ lên hiện tượng Kẻ sĩ Thăng Long cũng đã lùi vào quá khứ, mà không thể còn bao giờ lặp lại! Thuật ngữ Kẻ sĩ Thăng Long hôm nay chỉ được dùng với ý nghĩa “kính nhi viễn chi”, như một “từ ngữ có cánh”, thậm chí như một khái niệm kinh điển.  Và phải chăng Tháp Bút, cùng Đài Nghiên, sừng sững hãy còn đó, là một chứng tích văn hóa vật thể, nhưng cũng còn có ý nghĩa phi vật thể nữa, chính là để biểu tượng cho cả giới trí thức thời xưa?
 
Khí phách và tiết tháo
 
Ba chữ Tả thanh thiên khắc trên Tháp Bút, nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bảo là “viết thơ lên trời xanh”, nhưng có lẽ thâm ý của tác giả Nguyễn Văn Siêu là muốn nói đến điều hệ trọng hơn, đó là gợi ra khí phách và tiết tháo của kẻ sĩ khi cầm bút, tức đã là kẻ sĩ thì phải viết với tư thế hiên ngang, đàng hoàng, viết giữa thanh thiên bạch nhật, mà đã viết giữa thanh thiên bạch nhật, để không có gì che giấu mọi người, thì chỉ có thể viết nên sự thật và chân lý, viết ra những điều mình tâm huyết nhất với dân, với nước, với chính bản thân mình! Ý này càng được củng cố và rõ ràng hơn khi ta đọc tiếp xuống tấm bia khắc năm chữ ngay ở dưới chân tháp: Thái Sơn thạch cảm đương. Năm chữ này, thực ra cũng có thể đọc theo hai cách: Thái Sơn/ thạch cảm đương và Thái Sơn thạch/ cảm đương để cho ta hai cách vận dụng khi giải ra các nghĩa khác nhau.
 
Thạch cảm đương vốn là một tấm bia hoặc phiến đá đặt trước cửa nhà hay dọc hướng chính của cây cầu, để trừ tà, trấn yểm ma quỷ, đuổi đi điều không lành, mà người xưa thường hay khắc trên đó ba chữ này. Đây cũng là ảnh hưởng từ xưa của Đạo giáo. Vậy nếu hiểu theo nghĩa này thì Thái Sơn/ thạch cảm đương có nghĩa là một tấm bia trừ tà vô địch, vững chắc như núi Thái Sơn. Như vậy, nghĩa là ta coi “thạch cảm đương” là một cụm từ. Còn nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen như trên thôi, thì toàn bộ giá trị tấm bia này cũng không thật tôn cao cho Tháp Bút. Vì khi coi Tháp Bút chỉ với ý nghĩa là một vật thể trấn yểm với ba chữ thạch cảm đương gắn dưới chân tháp, thì nó cũng chỉ gợi cho mọi người suy nghĩ rằng: cả hình cây bút cùng hòn giả sơn ôm trùm ngọn Tháp Bút, đắp ngay trước lối vào cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn kia, chẳng qua cũng chỉ có giá trị đơn thuần là để trấn yểm cho cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn và đình Trấn Ba nữa mà thôi ư?! Lý giải như vậy có lẽ làm hạ thấp ý nghĩa Tháp Bút cùng hòn giả sơn, nếu so với suy nghĩ ở tầm cao hơn nhiều của một nhà Nho rất thâm Nho - là cụ Nguyễn Văn Siêu!
 
Còn nếu đọc theo cách ngắt thứ hai Thái Sơn thạch/ cảm đương, thì lại có nghĩa là: “Đá núi Thái Sơn đủ đảm đương mọi sự”. Núi Thái Sơn là một biểu tượng thiêng liêng cao quý của người xưa, để chỉ những thế lực bền vững tới ngàn đời, “thi gan cùng tuế nguyệt”. Những người được ví có được phẩm chất như núi Thái Sơn không nhiều, có thể là các bậc chân nhân, quốc sĩ, anh kiệt, tài cao đức trọng của đất nước. Ở nước ta, khí phách và đức độ như danh sĩ Chu Văn An đã được người đời ví là khí phách rắn như đá núi Thái Sơn. Bản thân Chu Văn An từ xưa cũng trở thành một biểu tượng sống của kẻ sĩ nước ta.Vì vậy, tấm bia Thái Sơn thạch/ cảm đương nếu hiểu như vậy thì chính nó lại là lời đề từ cho bản thân Tháp Bút, nhằm đề cao phẩm chất, khí phách, cốt cách của kẻ sĩ, dùng ngọn bút viết những điều tâm huyết giữa thanh thiên bạch nhật, thẳng thắn, mạnh mẽ, vững bền như núi Thái Sơn,dám đương đầu với mọi biến cố, vì vậy cũng có thể dịch là: Người vững vàng (như núi Thái Sơn) dám đương đầu mọi sự. (Nhà nghiên cứu Phạm Đức Huân trong cuốn Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba. Lời nhắn của người xưa (NXB Văn hóa - Thông tin, 2006) cũng hiểu các chữ “Tả thanh thiên” và “Thái Sơn thạch cảm đương” theo cách này.
 
Ta cũng còn có thể vận dụng cách kết hợp với cả hai lối ngắt tiết tấu như trên đã nói, để gắng tìm cho ra một cách hiểu tổng hòa theo nghĩa bóng, cao xa và thâm thúy hơn, đồng thời cũng giải thích được rõ thâm ý của nhà Nho uyên bác Nguyễn Văn Siêu cho thật trọn vẹn, khi ông đã kỳ công dựng nên Tháp Bút giữa Kinh kỳ để gửi gấm bao điều tâm huyết của mình… 
 
Ngợi ca kẻ sĩ
 
Bên cạnh Tháp Bút, ngay lối đi vào cầu Thê Húc, còn có Đài Nghiên, mà vị trí của nó cũng rất đắc địa, ở ngay giữa lối lên cầu để vào đền Ngọc Sơn. Có người còn tỉ mẩn để ý rằng: Vào một số ngày nắng đẹp nhất trong năm (thường là vào tuần đầu tháng Năm âm lịch), ngọn bút trên đỉnh Tháp Bút từ trên cao kia còn soi bóng vào đúng giữa lòng nghiên mực (như đang chấm mực để viết!) Quả là một ý tưởng bay bổng, xứng đáng tiếp nối vào với sức tưởng tượng lãng mạn của người xưa khi dựng Tháp. Vậy ta chịu khó đọc tiếp bài minh rất hàm súc và đa nghĩa được khắc trên thành nghiên đá và tìm hiểu kỹ những gì cụ Nguyễn Văn Siêu đã gửi gấm vào đó: 
 
Cổ hữu/ Huyệt địa tác nghiễn, chú Đạo đức kinh/ Chước đại phương nghiễn, trứ Hán Xuân Thu/ Thạch tư nghiễn dã/ Phỉ tượng hà hình/ Bất phương bất viên/ Diệu tồn chư dụng/ Bất cao bất hạ/ Vị hồ quyết trung/ Phủ Hoàn Kiếm thủy/ Ngưỡng Thạch bút phong/ Ứng Thượng Thai nhi thổ vân vật/ Hàm nguyên khí nhi ma hư không. 
 
Dịch: “Xưa kia/ Từng khoét đất làm nghiên, chú Đạo đức kinh/ Lại đẽo đá thành nghiên, viết sách Xuân Thu/ Đá hóa nghiên này/ Không hẳn hình gì/ Không vuông không tròn/ Tồn náu, ẩn chứa công dụng diệu kỳ/ Không cao không thấp/ Ở ngôi chính giữa/ Cúi soi nước hồ Gươm/ Ngửa trông ngọn Tháp Bút/ Ứng sao Thai nhả sắc mây lành/ Ngậm nguyên khí mài vòm trời rộng”.
 
Liên tưởng tới những gì chúng ta đã phân tích về kẻ sĩ, có thể nói, hàm ý bóng bẩy trong bài minh này cũng nhằm để ngợi ca kẻ sĩ thật kín đáo: Đích thực chỉ kẻ sĩ là loại người không chịu gò mình hóa vuông vức hay tròn trịa, không phải ở thứ bậc cao, cũng không hẳn thấp, mà ở chính giữa (thời cuộc hay xã hội), nếu được dùng, thì (họ) còn tồn lại mãi, ẩn chứa công dụng diệu kỳ. Khi họ cúi mình, thì đủ soi tới đáy nước hồ Gươm, khi đứng ngửa mặt, lại đủ ngước thẳng tới cao vời Tháp Bút. Biết: Ứng với sao Thương Thai (chòm sao Văn Xương) mà nhả sắc mây lành. Và: Ngậm nguyên khí (quốc gia) mà mài vòm trời rộng!
 
Có thể xếp bài minh này cùng với với cách hiểu các từ Tả thanh thiên và Thái sơn Thạch cảm đương ở phía trên, để kết hợp thành một cách hiểu đồng bộ về cốt cách và khí phách kẻ sĩ trên tổng thể. Tiếp nhận những cảm thụ trên, chúng ta đánh giá Tháp Bút và Đài Nghiên ở trung tâm Thủ đô xứng tầm là một cụm tượng đài cho vị thế và tâm thế của Kẻ sĩ Thăng Long, là biểu trưng được vật thể hóa của sĩ khí Thăng Long mà cha ông ta còn để lại.
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/dau-xua-con-do_262882.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)