1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Cô barista của tôi...

28/04/2021
Cô barista của tôi...
 
Người ta ngồi cà phê đôi khi không phải chỉ để uống cà phê! 
 
Nên nhiều khi ba lô trên vai, lòng đương dạt dào bên cung đường xa xôi đã thấy nôn nao một nỗi nhớ hình hài không rõ rệt về phố Hà Nội- về hàng cà phê có cái tên giản dị nằm ở ngã tư, đối diện một vườn hoa. Dậy lên hương vị bạc xỉu, bồng bềnh hình vẽ ngộ nghĩnh trên tách latte, một vỉa hè đậu đầy hoa nắng có một chú sẻ nhảy và mổ, mổ và nhảy. Loanh quanh! Tiếng cười chan chan nắng ấm của bạn…
 
 Ở đó, lặng lẽ và quen thuộc là cô barista – một nhân viên pha chế cà phê.
 
Không biết tuổi biết tên, gặp nhau là như gặp một người thân quen mà xa lạ. Xa lạ mà thân quen. Cô hỏi chúng tôi uống gì? Chúng tôi order những thức quen thuộc, đôi khi thêm vài câu đùa. Có câu cô đáp lời, có câu cô nghiêm mặt. Và tôi thích cái vẻ mặt không hớn hở, đôi khi nghiêm ngắn, tư lự của cô…
 
Quán nhỏ có mặt tiền là những ô cửa kính đủ để để đón cái nắng xiên rải trên nền gạch. Những băng ghế gỗ minimalism (tối giản) dựa lưng vào tường, khiến khách ngồi đâu trong quán cũng nhìn được phía ô cửa và nhìn lên quầy pha chế. Quầy gọn gàng với máy pha cà phê và những đồ dùng của thế giới những hạt arabica và robusta.  Nhỏ mà tinh, đơn giản mà dấu ấn. Con cá bằng gỗ chỗ quầy rửa để treo đồ. Menu là bảng đen có những nét chữ màu phấn trắng, chân phương như chữ học trò. Một bình nước men xanh thời bao cấp với những chiếc cốc bằng nhôm và dòng chữ “vui lòng tự phục vụ”.
 
Sát ngay hai ô cửa kính hai bên lối ra vào là băng ghế gỗ cho những ai muốn là một phần của vỉa hè thành phố để nghe “tiếng đời lăn náo nức”. Thi thoảng tôi lại gặp ở băng ghế này một cô gái đi giày đỏ ngồi một mình với cuốn sách trên tay, hoặc một cô gái bận váy đen với điếu thuốc thơm mùi cà phê…
 
Cô barista của tôi loay hoay ở quầy pha chế, tất nhiên, để làm latte, bạc xỉu, cappuccino, sữa chua cà phê… Sẽ không có gì để nói thêm nếu những khi vắng khách, cô không ngồi chăm chú như một cô học trò chép bài trên một cuốn sổ. Một bận, tôi tò mò, đứng lên hỏi:
 
- Em đọc sách hay viết gì thế?
 
- Em chép kinh ạ!
 
- Chép kinh Phật á?
 
- Vâng!
 
Tôi không hỏi thêm, cũng không thắc mắc như bạn tôi, rằng “cô bé ấy trẻ quá, sao ngồi chép kinh làm gì?”. Chỉ thấy cần lặng yên để cho cô bé được lặng yên trong một vài phút nghỉ ngơi. Và cái dáng ngồi ấy, khuôn mặt ấy, sự chăm chú ấy bên cạnh mấy bông hồng đỏ, vàng đã nở bung, thơm ngát, mang lại cho vị khách là tôi sự yên tĩnh trong một không gian đủ nghe lòng mình, đủ nghe tiếng đời trôi ngoài khung cửa. 
 
Dịch covid-19 làm tất cả các quán cà phê phải đóng cửa. Phải nói là nhiều lần tôi đã bước qua nơi ấy và không nén được một sự kiếm tìm. Quán mở nhưng không có người ngồi. Chỉ có đồ mang về… Và như thế nó không còn tiếng rủ rỉ chuyện trò, cái tư lự và cả những tiếng cười. Dân thành phố không có cà phê như người mơ ngủ…
 
Rồi thì quán xá được mở lại với sự thận trọng và kiểm soát chặt chẽ. 
 
Tôi bước vào, mọi thứ vẫn thế, những chỗ ngồi mang kỷ niệm, duy chỉ có phía quầy không thấy cô barista của tôi…
 
- Bạn nhân viên mọi ngày đâu em? – Tôi buột miệng hỏi một barista mới tinh
 
- Bạn ấy ngồi ngoài kia chị ơi! Bạn ấy nghỉ làm rồi!
 
Ngoài vỉa hè, cô barista của tôi tươi cười rạng rỡ vui đùa cùng bạn.
 
- Em nghỉ rồi ạ! Bây giờ em là khách rồi.
 
- Em chuyển nghề à?
 
- Vâng, em chuyển sang học về dược
 
- Đang bốc cà phê chuyển sang bốc thuốc à?
 
Chúng tôi cười vang. Rồi chúng tôi nói về việc làm thế nào để có được một tách espresso hoàn hảo, về lớp crema chuẩn, về kỹ thuật đổ sữa latte art, về sự nhạy cảm của một barista khi nhìn giọt cà phê chảy để điều chỉnh độ mịn của bột cà phê, kiểm soát lực nén bằng tamper (dụng cụ nén cà phê pha máy)… Khó có một công thức nào hoàn hảo ngoại trừ khả năng cảm nhận và độ tập trung của một barista cho từng loại thức uống cà phê, cũng như cho từng khẩu vị của khách…
 
Cứ thế mà chuyện không dừng. Tôi không còn nhận ra vẻ tư lự của cô khi chăm chú chép kinh Phật nữa. Cũng chả có gì là mâu thuẫn. Phật giáo với tinh thần một cuộc tìm kiếm và trở về với bản thể cốt cũng là để “khai phóng” con người. Hình như cây bút Phan Việt trong một cuốn sách của mình, từng viết: “Mỗi người có thể có một ngôi chùa ở ngay trong lòng mình”. 
 
Ngày mai, tôi trở lại, cô barista của tôi chắc sẽ không còn ở đó.  
 
Một người lạ mà quen, quen mà lạ. Cũng đâu có quan trọng gì nếu như người với người vô tình chạm qua đời nhau có thể mang lại cho nhau dù là một chút niềm vui của sự an nhiên, lòng yêu tin vào điều mình đang làm, đang nghĩ.
 
Phải vậy không em, cô barista của tôi…
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/co-barista-cua-toi_265019.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)