1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Cái giại

28/10/2019
Chẳng hiểu do đâu, từ xưa lắm thì phải người trong làng xứ Bắc gọi tấm phên đan bằng tre ngâm thường dựng trước cửa nhà trên, nhà ngang là cái giại, cái giại. Sau này không còn nhiều người đan giại dùng nữa, nhưng không phải đã hết, thi thoảng trong làng vẫn còn nhà dùng cái giại bạc thếch trong nắng mưa, lại có nhà bỏ cái cũ đi, vẫn đan cái giại mới thay vào chỗ đó, nên tôi mới nói chuyện về cái giại.

 

Chẳng hiểu do đâu, từ xưa lắm thì phải người trong làng xứ Bắc gọi tấm phên đan bằng tre ngâm thường dựng trước cửa nhà trên, nhà ngang là cái giại, cái giại. Sau này không còn nhiều người đan giại dùng nữa, nhưng không phải đã hết, thi thoảng trong làng vẫn còn nhà dùng cái giại bạc thếch trong nắng mưa, lại có nhà bỏ cái cũ đi, vẫn đan cái giại mới thay vào chỗ đó, nên tôi mới nói chuyện về cái giại.

Nhà xưa xây, thường thì 3 gian, hay 5 gian, ít con thì một buồng gói mà nhiều con, nhất lại con gái mà có điều kiện thì làm 2 buồng gói. Buồng gói trổ cửa sổ chấn song, mở ra vườn sau, còn  cửa thoáng đắp hình chữ hỉ hay đôi chim, lại có lỗ vuông thoáng tận đầu đốc, nên tiếng là buồng mà lúc nào cũng có ánh sáng. Vì xưa chưa có điện, nên người ta tính thế. Có nhà còn để khuyết 1 viên ngói mà thay vào đó tấm kính nhỏ, đảm bảo buồng sáng như có đèn cả ngày, vào đêm trăng sáng cũng sáng luôn cho đến khi trăng lặn. Vợ chồng mới cưới cứ trăng rọi vào giường còn khó ngủ ấy chứ. 

Buồng gói kê giường, kê tủ, chăng dây thép treo quần áo là sau này, chứ trước đó, thời các cụ vẫn làm cái sào tre, treo chiếu và quần áo. Buồng nhà nào cũng phải quây cót thóc, có nhà còn 2 cót chồng. Đến giáp hạt, xay xát bán gạo chợ phiên, gạo kém nhà dư giả thì vui, chứ nhà thiếu ăn thì méo mặt. Có nhà còn để cả giàn khoai Tây giống trong buồng, nên chật cứng.

Buồng trong là thế, 3 gian nhà ngoài có ban thờ gian giữa, trường kỉ gian bên, nhà có điều kiện còn sập gụ, tủ chè nâu bóng dấu thời gian… Nhà cửa không thể thông thống được, dù qua “đầu hè” tức hiên nhà mới vào đến trong nhà, thế nên xưa nhiều nhà chọn làm cái giại, chắn che ngoài đầu hè. 

Nhà xây xong, tre ngâm cũng còn, cọ sạch mới vớt lên, phơi cho khô rồi pha khéo. Khúc làm bo, khúc làm nong. Giại tre được làm theo kích cỡ phù hợp với ngôi nhà và nhu cầu sử dụng của gia chủ. Đây chính là bức bình phong không chỉ chắn gió mà còn che mưa hắt, chắn nắng chói. Giại thường che ở mặt tiền nhà. Giại khiến nhà thoáng mát mà khí vẫn thông. Giại có tấm, đan tay, một ống tre  pha làm 6 đến 8 tùy theo đường kính tre. Tre pha xong gióc mấu sạch, bỏ bọng, vót cho hết tướp, ngộ nhỡ dằm đâm vào tay và cũng khiến giại có tính thẩm mỹ hơn. Thường thì giại có độ cao từ chân tường đến mái gianh. Chiều rộng tùy gia chủ nhưng thường thì chỉ trên dưới 1 thước. Nhưng có khi cả sải tay, chia làm 2,3 khoang, trổ cửa trang trí như bức tường. Có thể mặt tiền ngôi nhà 3 gian chỉ cần 1 tấm giại, nhưng nhà 5 gian lại cần làm đến 3 tấm, chia ra. Một tấm giại thường chỉ có 2 đến 3 thanh tre ngang tầm giữa, còn các nong tre cật kia đan nong mốt xếp khít. Tấm giại đan xong, không dựng lên ngay mà được bao bởi những thân tre đực chắc, thẳng, gióc sạch. Những cây tre này được bỏ đi 1 phần, đủ để lắp tấm giại vào, bao đủ 4 xung quanh, làm thành cái khung chắc đẹp, chẳng lo xộc xệch nữa. Hai tấm giại xếp liền nhau, có thể chung 1 cạnh, 3 khúc tre đứng, 2 khúc nằm ngang bo trên dưới, khiến tấm giại vững chắc, góc cạnh vuông vức. Với những cây tre đực thẳng, chắc, với tay người pha nan khéo, đan đúng mặt nan cật 1 chiều, lại tay đục tre để lắp vào tấm giại vừa khít thì khi hoàn thiện, dựng lên thật ưng ý. 

Nhiều tay thợ sau này muốn nhanh, không dùng tre đục bo xung quanh giại mà dùng gỗ, làm kiểu này nhanh nhưng không đẹp. Nhưng có người cầu kì, làm thành những khung nhỏ trang trí, chính giữa tấm giại to, vừa đẹp lại vừa dễ nhìn ra tường hoa hay vườn trước. Có người còn  làm thành cả một khung cửa sổ với những chấn song bằng tay tre nhỏ hoặc bằng gỗ tiện. Cái giại thực sự mang công năng của bức tường chắn, vừa đảm bảo che chắn nắng mưa, gió lùa mà vẫn thông thoáng. 

Xưa trong làng nhiều tre, góc vườn, cuối ao nhiều nhà trồng tre, bẵng đi dăm năm là có bè tre ngâm dưới ao. Tre vớt lên xây nhà, xây bếp. Nhiều khi tiền nong eo hẹp, gạch vữa không sẵn, nhà xây xong đã bấn, cố không được, chỉ còn dăm cây  tre sau khi xây nhà, thế là những tấm giại ngăn bếp với chuồng lợn, chuồng gà  cũng được dựng lên. Đợi cho khi có lực tốt gia chủ mới xây lên những bước tường.

Giại dựng trong nắng, không lâu sau đã bạc thếch màu, những đinh đóng, móc buộc vào tre bo cạnh hay nong đan treo đủ thứ từ rổ, rá cho đến cái xơ mướp già rửa bát, cái túi ni lông dùng rồi. Cái ống tre bố đẽo thành cái ống đựng kem đánh răng, bàn chải cũng được buộc vào giại bếp, gần sân bể. Xâu cá mua về tránh mèo ăn vụng cũng được treo lên 1 cái móc trên giại, rồi úp lên cái rổ. 

Mưa có hắt vào giại thì gặp tre cật cũng ráo nhanh, mùa đông có ẩm thì nắng lên tre lại khô cong, khô đét những cây nấm nhỏ màu cam.

Giại nhà trên, giại nhà ngang  đan cũng khác nhau, những nan đẹp, đều chăn chắn  được chọn đan giại cho nhà, còn những nan kém hơn, đôi khi phải ghép thì để đan giại nhà dưới. Nhưng gặp tay người vót khéo, nhìn mãi mới thấy mấu, bụng tre vót đều, lưng tre vót nhẵn thì giại nhà hay giại bếp đều đẹp cả. Cái nhà mới phải dăm tháng mới hết cái mùi ngăm ngăm của tre ngâm trên mái và tre đan giại. Cũng là rất lâu sau người trong nhà vẫn lâng lâng niềm vui cất được ngôi nhà mới. 

Bẵng đi, chị em lớn khôn, đi học, đi làm rồi ra ở riêng, bố theo tổ tiên về nơi cực lạc. Cái giại cũ ngả màu đen, mấy nan gãy phía dưới, mẹ lấy bao tải dứa vá lại. Cảnh nhà buồn thiu. Buồn từ cái giại chắn cửa nhà cho đến trường kỉ, khói hương lẩn quất nơi ban thờ mãi mới theo lối cửa sổ thoát ra vườn sau nhà.

Anh về, bảo mẹ thay cái giại bằng tấm mành loại tốt. Mẹ không ưng, bảo đợi bè tre nhà hàng xóm được, mẹ mua dăm cây, anh về nghỉ lấy vài ngày đan cho mẹ cái giại khác. Chắc là anh ngại, vì trăm hay không bằng tay quen, bấy lâu nay anh có tay cưa, tay chặt gì nữa đâu, nhưng ý mẹ muốn, anh về nhờ người bạn học cùng ngõ giúp. Hì hục cả ngày hai anh cũng đan xong, cái giại dựng lại như xưa, đôi mắt mẹ ánh lên niềm vui, khiến cả nhà cùng vui.

Tóc mẹ bạc trắng, mà còn rụng mỗi ngày khi chải tóc, mẹ vẫn vơ đút trong hốc tre bo của giại. Tóc anh cũng đã muối tiêu. Anh bảo:

- Nếu có xây nhà mới thì nhà mình cứ để cái giại cho thoáng, các cụ đã tính rồi, chả sai bao giờ, nó là bức bình phong đích thực. Nhà không có cái giại cứ trống hoác. 

Anh đi thoát ly bao năm mà vẫn nghĩ thế, chẳng thế mà nhiều ngôi nhà trong làng vẫn luôn thay mới cái giại mỗi khi và đám đàn ông trong làng nhiều người vẫn biết đan giại thật khéo. 

Nguyễn Minh Hoa/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)