1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tản văn - Tùy bút

Ấm áp tình quê!

12/04/2021
Buổi sáng ngày đầu tiên của năm 2021, chúng tôi tản bộ dọc công viên để tận hưởng bầu không khí thanh tao trong nắng sớm ngọt lành. Là ngày nghỉ lễ nhưng đường Sài Gòn vẫn tấp nập rộn ràng, người dân vẫn hối hả như nhịp sống từ bao đời nay.

Chạnh lòng, nhớ  Paris ngày này cách đây một năm. Trong cái lạnh man mát với những bông tuyết trắng mịn như hạt cát bay bay, đoàn người phải bước ra khỏi bến tàu điện ngầm nhà hát lớn Opera để đi bộ vì chật cứng, quá tải trong giờ phút cuối cùng của năm cũ. Ai cũng muốn đổ về, chạm chân tại Khải hoàn môn đón giây phút đầu tiên của năm mới. Hòa theo đoàn người rảo bộ từ nhà hát Opera tới đại lộ Champs- Elysees rồi cùng với các cháu sinh viên đồng thanh những giây cuối cùng tiễn đưa năm cũ 7-6-5-4-3-2-1 và Ura… Chúng tôi nhảy cẫng lên, ôm chặt lấy nhau mà hét Bonne annee (Chúc mừng năm mới), như muốn vỡ tung cả khoảng trời. Từng lớp pháo hoa đủ màu sắc được tung bay trên trời, rồi từ từ  xuống thấp đưa những ánh sáng lấp lánh như sao đêm xuống dòng sông Seine huyền ảo và diễm kiều. Nhiều nhóm thanh nữ trang phục đủ màu sắc, khác nhau cả về ngôn ngữ, tay ôm đàn, ôm trống, vừa đi vừa cất cao nhắc lại lời bài “Happy New Year” (Chúc mừng năm mới) của nhóm Abba, cả đoàn người cùng hòa theo đoạn điệp khúc “Happy New Year, Happy New Year…” không biết chán. Rượu Sâm panh được bật lên nổ ròn rã. Cả góc phố, con đường được ấm lên bởi hơi người, hơi đèn. Những hạt tuyết đọng lại trên mí mắt, trên mặt, trên môi, trên mũ, trên khăn, trên áo khoác dưới ánh điện cứ lấp lánh như những hạt kim sa như càng làm tăng thêm sự hạnh phúc trên mỗi gương mặt đang đỏ ửng vì lạnh, vì vui sướng.

Với người phương Tây ngày Noel là ngày của gia đình, ngày tụ tập quây quần bên nhau mở quà bên cây thông có ông già Noel. Khai vị thường là rượu vang với món gan ngỗng đặc sản, tiếp theo là mâm hải sản đủ loại từ tôm , cua, ốc… đến món hào tươi nhúng trong mù tạc và chanh là đủ thấy mát lạnh ngọt bùi. Món gà sống nướng vàng ươm sẽ được bày lên sau cùng.

Đêm 31/12 là của bạn bè, của đường phố, của giao lưu cho nên nhiều người thường tập trung ở những nơi xa hoa, lộng lẫy ánh sáng của Paris để cùng hòa mình trong khoảnh khắc hân hoan, đón chào năm mới. Năm nào cũng như năm nào cho đến trước thềm 2021, mỗi người dân Paris đều nghĩ như thế và đều làm như thế. Có lẽ vào giờ này năm trước, chẳng ai lại có thể nghĩ, tưởng tượng một Paris lặng chìm trong đêm giao thừa, một Paris vắng lặng hầu như không một bóng người, điều đó thật hoang đường, chỉ có thể là suy nghĩ của kẻ điên rồ.

Đại lộ Champs - Elysse  vẫn sáng rực bởi trên những hàng cây được chăm chút chu đáo bọc phủ lớp đèn nhấp nháy nhiều màu. Giờ đây, trong buổi tối 31/12/2020 chỉ có mỗi việc soi bóng cho những chiếc xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ kiểm soát lệnh giới nghiêm được ban hành từ 20g đến 6g sáng hôm sau. Làn sóng Covid-19 thứ ba nổi lên dữ dội, sức tàn phá ngày càng nặng nề, để lại những hậu quả thật thê lương, cho nên chính phủ phải kiên quyết áp dụng những sắc lệnh của thời chiến. Mỗi người dân phải tự biết điều tiết những sở thích, thói quen, tục lệ, nhu cầu cá nhân. Không phải chỉ riêng nước Pháp mà toàn bộ châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Mỹ La tinh, châu Úc đều ngập tràn trong dịch bệnh. Mọi người đều phải chấp nhận điều không tưởng - Đón năm mới trong yên lặng, trong giãn cách xã hội.

Màn hình điện thoại báo sáng, con trai và con dâu gửi ảnh hai đứa chụp selfie với khẩu trang kín mặt với lời chúc mừng năm mới.

Nhìn các con mà nước mắt nghẹn ngào, một cảm giác thương nhớ trào dâng. Nhớ chúng quá, từ mười năm nay chưa khi nào hai mẹ con không đón Tết Tây bên nhau. Năm nay thì hoàn toàn bất lực trước tình trạng dịch Covid-19 lan tràn. Người ở phương xa chỉ có thể gửi nỗi nhớ thương, lời chúc mừng năm mới qua mạng xã hội.

Tục lệ người Sài gòn cũng như người Việt ngày đầu năm giao lưu từng nhóm với nhau. Tôi may mắn được nhà thơ Phan Hoàng mời vào nhóm một số văn sỹ tại Sài gòn, chưa bao giờ tôi có một cuộc khai bút đầu năm vui, thân tình như đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Nhà văn - nhà thơ gạo cội với rất nhiều bài hát để đời “Vàm cỏ đông”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông” hát mãi mà chẳng bao giờ thấy cũ. Quà năm mới cho tôi là 2 hai cuốn tiểu thuyết của ông vừa xuất bản. Ra về mà những câu thơ trong tác phẩm “Mùa rất lạ” của nhà xã hội học Vĩnh Quang Nguyên cứ theo mãi trong tôi:

“Mùa rất lạ

Mùa vui, mùa thổn thức

Mùa bao dung, mùa hàn gắn đau thương

Mùa chia sẻ, mùa gọi mời can đảm…” (Mùa rất lạ - Vĩnh Quang Nguyên)

Mặc dù bài thơ này nhà thơ viết vào xuân năm 2018, nhưng mà sao tôi thấy vẫn như là viết cho năm mới này, cho mùa Xuân này đây! Có phải chăng chúng ta đang bước vào một mùa rất lạ, mùa mà lẽ ra cả thế giới phải cùng được đón chào hân hoan như nhau, phải cùng được nắc nẻ với những tiếng cười, hò reo đón những tia pháo bông rực rỡ, người người bên nhau, ôm ấp trao nhau những cái bắt tay, những nụ hôn…thế mà không, hầu như tất cả các nước đều im lìm, tập trung gồng mình chống chọi với con virus quái ác, thêm những biến thể bất thường làm cho cả thế giới chao đảo, nháo nhác, biệt lập… Ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất thế giới như hợp chủng quốc Hoa kỳ phải gồng mình, đón năm mới bằng trăm ngàn ca nhiễm Covid-19 với số lượng người thiệt mạng trong ngày lên tới hàng ngàn.

Có lẽ Việt Nam là một trong những nước duy nhất với số dân đông, giáp biên giới với quốc gia tâm dịch, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã chặn đứng sự lây lan của virus. Chúng ta mạnh nhất ư? Chúng ta giỏi nhất ư? Chúng ta có những máy móc hiện đại, tối tân nhất ư? Không. Chúng ta đều không có những thứ đó, cái chúng ta có chỉ là sức mạnh của lòng dân. Chúng ta đồng tâm thực hiện đúng chủ trương qui định về giãn cách xã hội của chính phủ, chúng ta có sự bao dung của đồng chí, đồng bào.

Bởi vì cả dân tộc đã nếm trải quá nhiều đau thương, mất mát trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập và trong cuộc sống hàng ngày đối phó với thiên tai, dịch bệnh của vùng hà khắc về địa lý, cho nên mỗi người dân đều trân quí giá trị cuộc sống, trân quí tính mạng từng con người. Chúng ta biết phải đoàn kết, biết sống vì cộng đồng, mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người thì mới vượt được qua mọi khó khăn. Còn con người là còn tất cả.

Có lẽ cảm giác của tôi cũng giống như rất nhiều đồng hương từ khi trở về Việt Nam đó là sự ấm áp, thân thương mỗi ngày được nhân lên, một cuộc sống hồi sinh cả về lượng và chất. Chúng tôi thật may mắn được là người con của tổ quốc này, thật may mắn trong mọi hoàn cảnh đều được chở che bao bọc an toàn bằng trái tim nhân hậu, thuần chất Việt Nam tự bao đời nay. Tổ quốc, quê hương luôn trong trái tim chúng tôi, -những người con xa xứ để dù có đi đâu đâu cũng luôn đau đáu nhớ về.

TS Cù Thu Hương/Doanh nghiệp &Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/am-ap-tinh-que.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)