1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Văn hóa

Lần tập đi thứ ba

27/08/2018
Bé lại đây chú yêu nào, chú thương bé lắm mà! Tôi âu yếm, vuốt ve đôi bàn chân be bé xinh xinh của bé mà lòng se lại. Cái luyến tiếc âm thầm bỗng trào lên như muốn giữ lại vật quý giá vô vàn đã mất đi trong trận chiến cách đây gần nửa thế kỷ... Thằng bé bỗng ưỡn người thét to làm tôi giật mình hối hận.

 

Lần tập đi thứ ba
Minh họa của Hà Trí Dũng

 
- Cháu ngoan, chú xin lỗi mà…
 
Hiền vội giơ tay đón con đang khóc ngằn ngặt trên tay tôi, cô áy náy nhìn tôi bằng đôi mắt nửa cảm thông, nửa như đọc được những ý nghĩ trong tôi. Bởi tôi là thương binh bị cụt một chân. 
 
Hiền dịu dàng vừa dỗ con vừa đi ra cửa. Tiếng khóc của bé con xa dần, xa dần để lại sự yên tĩnh trong căn phòng bé nhỏ. Tôi như chợt tỉnh quay sang phía Tuấn đang ngồi tư lự. Nhìn sắc mặt Tuấn biến đổi, tôi biết bạn tôi đang xúc động trước tâm trạng đột biến của tôi hơn là tiếng khóc của con. Bởi tôi và Tuấn cùng bị thương phải cưa chân ở mặt trận phía Nam năm 1969. Tuấn lặng lẽ đẩy nhẹ bao thuốc Sông Cầu sang phía tôi, hỏi khẽ:
 
- Cậu và Nhung dạo này vẫn khỏe đều đấy chứ?
 
Tôi lạnh lùng trả lời Tuấn giọng trầm lặng như nói với chính mình:
 
- Bọt xà phòng… bọt xà phòng đã tan hết rồi…
 
- Sao? – Tuấn tròn xoe mắt, ném nhanh sang tôi một tiếng khô khốc. Cậu đang nói gì vậy?
 
- Tuấn à. Kể ra cũng đáng ngạc nhiên đấy, chính mình cũng không ngờ Nhung lại thay đổi nhanh đến thế:
 
- Nhưng sao lại đến cơ sự này chứ, hay là cậu lại nổi cái máu nóng “Thời tiết Trường Sơn” lên chắc? - Tuấn nóng ruột xen vào.
 
- Không,  không phải thế, mà ngược lại ý nghĩ của cậu đấy. 
 
Tôi thầm thì như nói với Nhung đang đứng trước mặt. Hôm qua Nhung đột ngột báo cho mình một tin sét đánh. Bố mẹ Nhung không đồng ý. Có thể là như thế, nhưng có phải bây giờ bố mẹ Nhung mới biết đâu. Mình biết đây không phải là nguyên nhân để Nhung thay đổi. Tôi không thể nói thêm được nữa, cổ họng tôi tắc nghẹn, hai mắt cay xè như bị lựu đạn cay. Tôi chăm chắm nhìn vào cái chân cụt mà muốn khóc.
 
Như đã hiểu tất cả, Tuấn không muốn khoét sâu vào nỗi lòng tôi lúc này. Tuấn lảng sang chuyện khác để tôi bình tâm lại sau cơn dằn vặt:
 
- Bây giờ thế này nhé, lâu lắm cậu mới đến thăm chúng mình, ta còn phải tâm sự với nhau nhiều. Hôm nay cậu ở lại ăn cơm với vợ chồng mình cho vui.
 
Không để tôi có đủ thời gian từ chối, Tuấn đứng dậy dúi vào tay tôi mấy quyển sách:
 
- Cậu xem quyển này chưa? “Một người chân chính” của Borit Polevoi đấy, hợp với bọn mình lắm. Còn đây là tập ảnh cưới của chúng mình, đây là quyển nhật ký mình viết thời gian trước đấy. Cậu ngồi xem nhé, mình xuống bếp một tý rồi lên ngay.
 
Tuấn bỏ tôi ngồi một mình, khập khiễng đi xuống bếp. Tiếng cạch cạch phát ra từ cái chân gỗ của Tuấn báo hiệu niên hạn của nó đã quá lâu rồi. Tôi ngắm nhìn căn phòng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Đồ đạc trong phòng được xếp đặt gọn gàng, thoáng mát và rất đơn giản. Cái giá sách tự đóng lấy đầy sách văn học. Bên cạnh giá sách là cây đàn ghita cũ treo lơ lửng trên tường. Tôi biết Tuấn rất ham ca nhạc, ngay cả những ngày còn ở trại an dưỡng Tuấn cũng không rời cây đàn này. Tiện nghi sinh hoạt của gia đình còn thiếu nhiều nhưng Tuấn rất hài lòng với cuộc sống thanh đạm này. Mỗi khi gặp tôi, Tuấn thường vui vẻ khoe với tôi về đứa con trai kháu khỉnh, về người vợ hiền chung thủy. Sau mỗi lần nói chuyện bao giờ Tuấn cũng chấm dứt bằng câu quen thuộc:
 
- Mình có được cuộc sống như thế này không phải là đơn giản đâu cậu ạ. Mà phải phấn đấu, phải lao vào cuộc sống mà vươn lên. Rồi cậu cũng sẽ trải qua thôi.
 
Lật dở từng trang nhật ký của Tuấn, tôi như thấy từng mảng sống trước kia của người bạn thương binh này tái hiện lại trước mắt:
 
 “Tháng sáu năm 1969, trong một trận đánh Mỹ ở Hố Nai Biên Hòa mình đã bị thương nặng sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ đặt khối bộc phá đánh tan lô cốt đầu cầu của địch. Máu từ vết thương loang đỏ thấm xuống đất. Bắp chân trái bị dập nát, bẹp dí, quần áo rách bươm vì mảnh đạn. Ngay sau đó mình được đưa vào bệnh viện tiền phương để điều trị. 
 
… Mình ngất đi vì máu ra quá nhiều, khi tỉnh lại thấy hẫng đi một bên mình với tay quờ quờ nhưng chỉ thấy khoảng giường ướt át. Mình giật bắn người, cố nhoài lên để nhìn xuống nhưng bất lực, toàn thân đau ê ẩm không làm sao nhúc nhích nổi. Mình liếc nhìn mọi người xung quanh, không khí lúc ấy sao nặng nề thế. Trong cái im lặng ghê người ấy, mình chợt nghĩ tới một điều chua xót. Mình chợt hiểu cái điều không mong đợi đã đến với mình. Mình bàng hoàng ngơ ngẩn rồi bỗng thất kinh hét to: Chân tôi?... Tôi mất rồi à?... Hai giọt nước mắt nóng hổi từ từ lăn trên gò má. Sao lúc ấy mình lại hèn yếu đến thế?
 
Sự mất mát đột ngột đến với mình làm cho mình khổ tâm ghê lắm. Đã nhiều lần ra trận, có những lúc tưởng như chín phần chết chỉ còn một phần sống, thế mà mình chưa bị thương lần nào cả. Đôi lúc mình cũng nghĩ đến sự hy sinh, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ mình nghĩ sẽ bị mất mát như thế này. Cuộc sống của mình từ nay đã mất đi một bộ phận của thân thể: mất đi cái mà không bao giờ trở lại với mình nữa. Thời gian điều trị ở bệnh viện chậm chạp trôi đi!. Cuộc đời mình từ nay có lẽ gắn liền với đôi nạng gỗ: Lắm lúc mình tự đấu tranh với mình không nổi. Bao ước mơ thầm kín từ bấy lâu nay tan biến. Những trận đánh sắp sửa tới mà mình cùng đơn vị tốn bao công sức chuẩn bị thì nay không được tham dự. Thế rồi còn tình yêu! Mối tình thơ mộng kia cứ ám ảnh, day dứt. Rồi tương lai của mình sẽ ra sao? Cuộc sống rồi đây sẽ thế nào?. Mình bắt đầu nhìn cuộc sống ở một vế mà trong đó mình cảm thấy như bị hắt hủi! Mình đâm ra lập dị, lẩn tránh và nghi ngờ tất cả. Ngay cả tình cảm chân thành của đồng đội mình cũng phũ phàng phủ nhận. Mình cho rằng cuộc đời đối với mình chỉ là sự ban ơn, thương hại, ôi thương hại. Đối với người tàn tật, tính tự ti bao giờ cũng đi trước mọi cá tính. Cứ thế mình luẩn quẩn với chính mình. Mình sinh ra cáu gắt với mọi người, cáu gắt với kỷ niệm, lắm khi mình nổi khùng với cả đôi nạng gỗ.
 
…Lần đầu tiên kể từ khi bị thương mình trở lại Hà Nội. Mình cảm thấy Hà Nội xa lạ quá. Nhìn mọi người đi lại trên hè phố sao mình thèm khát đến thế.
 
Cái anh chàng kia đi đâu mà nhanh như chạy thế?
 
Hai cô nàng nhún nha nhún nhảy trêu mình chắc?
 
Thằng bé con chập chững tập đi bước một bên mẹ nó, từ nãy đến giờ không hề ngã: mọi hoạt động như nhòa đi trong mắt mình. Toa tầu điện leng keng lao nhanh từ xa lại kéo theo đám trẻ đang đánh đu ở bậc lên xuống, nhìn bọn trẻ nhảy tầu nhẹ nhàng như những người vượn mà sao máu trên mặt cứ dồn lên nóng ran, nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Tâm trạng con người đa dạng quá. Lắm lúc mình chẳng biết làm gì để tự an ủi mình cả. Tự ái, tự ái là cái quái gì mà ghê gớm thế? Chẳng lẽ nó lại sai khiến được mình sao? Chẳng lẽ mình cứ quẩn quanh với những mất mát của riêng mình mãi sao? Đa cảm là một sự yếu đuối và cũng là nguyên do đưa ta đến chỗ bạc nhược. Vậy thì tại sao mình không vượt lên khỏi sự yếu đuối nhỏ nhen ấy nhỉ? Tại sao mình không nghĩ được, làm được như bao người thương binh khác nhỉ? Tại sao…”
 
Tôi đang xem từng trang nhật ký mà trong đó Tuấn đã chân thành ghi lại bằng tâm huyết của mình, thì Tuấn lại tươi cười, khập khiễng vào phòng, tay xách can bia sủi bọt trắng phau:
 
- Chà chà, bia mới đấy, bọt còn sủi lăn tăn đây này – Tuấn giơ cao can bia để tôi nhìn rõ rồi đặt nhẹ xuống bàn.
 
- Cậu ngồi một mình chắc sốt ruột lắm phải không? Cậu đang xem nhật ký của tớ đấy à? Đừng cười tớ nhé, đấy là những việc xảy ra trong dĩ vãng rồi. Bây giờ mình khác xa cả về ý nghĩ lẫn hành động cậu ạ. Tuấn cười khà khà làm tôi cũng phải cười theo. Sao lúc này tôi lại thèm cái tính vô tư và lạc quan của Tuấn đến thế. Giá mà ở trong tôi chỉ…
 
- Cậu xem đến đoạn nào rồi? 
 
 Tuấn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, dơ tay đón quyển sổ tôi đưa lại: 
 
- À! Đến đoạn “giông tố trong lòng tớ chắc”. Thành ạ: Giông tố của thiên nhiên ta còn có thể nhìn thấy được chứ giông tố trong lòng người thì muôn thuở không ai nhìn thấy, trừ người phải chịu. Nhưng rồi nó cũng phải tan đi để trả lại cho bầu trời một màu xanh nhuộm nắng. Có phải vậy không Thành?
 
- Bây giờ mình kể tiếp cho cậu nghe thời gian mình ở trại an dưỡng thương binh Hà Nội ra sao nhé,. 
 
Nhấp một hớp chè đặc, Tuấn châm điếu thuốc rồi ngả người ra sau ghế khoan khoái nhả liền mấy hơi, khói thuốc bao quanh khuôn mặt xương xương của Tuấn.
 
Tuấn lấy lại giọng trầm trầm để bắt đầu câu chuyện về mình: 
 
- Mình nằm ăn dưỡng ở trại gần một năm. Thời gian ấy sao mà vô vị thế, hàng ngày hết đi chơi rông lại về ngủ, ngủ chán thì mở mắt thao láo nhìn trần nhà, nhìn con thạch thùng đớp muỗi. Rồi nghĩ linh tinh, lẩn thẩn… 
 
 Cả hai chúng tôi bật cười khoái chí.
 
- Thế rồi mình đi làm chân giả. Tuấn tiếp tục kể - Trên đời có mấy người tập đi hai lần như chúng mình đâu. Hai tháng ròng rã tập đi sao vất vả và đau đớn thế. Lúc đầu mình bi quan ghê lắm, người cứ chập chà chập chững, có lúc ngã dúi dụi, lắm khi người cứ đổ bịch như cây chuối bị dao sắc phạt gốc, biết sắp ngã mà không làm sao chống lại được. 
 
Tuấn xoa xoa bàn tay vào bắp đùi rồi nói:
 
- Nó cứ đỏ tấy lên, mạch máu như sắp nứt bung ra. Thế rồi “khổ luyện thành tài”, từ chỗ phải đi kèm theo nạng, dần dần mình bỏ nạng, nay đi chục mét, mai vài chục mét. Mình đi lại tương đối vững vàng thì mạnh dạn tập đi xe đạp, rồi lại tập đèo người khác mới cừ chứ. Cuộc đời với phương tiện cứ quen dần. Niềm vui này tiếp theo niềm vui khác, mà điều vui nhất là mình đi lại bằng chân giả thuận lợi hơn, linh hoạt hơn.                
  
Tuấn vừa gõ bộp bộp vào cái chân giả của mình vừa cười thản nhiên như không có gì vướng mắc. Tuấn với chén nước đưa lên miệng nhấm nháp rồi vui vẻ kể tiếp:
 
- Mình kể cho cậu nghe bước ngoặt của lời mình nhé. Cậu có biết là vấn đề gì không? Tình yêu: - Thành ạ! Hạnh phúc không chỉ là tình yêu, nhưng trong hạnh phúc thì tình yêu là đòn bẩy. Như cậu đã biết đấy, khi mới bị thương mình rất bi quan trong cuộc sống, do vậy mình lại càng bi quan về tình yêu. Yêu ư? Yêu là cái gì nhỉ khi mà mình đã bị đưa ra ngoài vòng luyến ái. Người yêu cũ thì đã đi lấy chồng, mình thì thương tật thế này còn ai mà dám yêu nữa. Mình cứ luẩn quẩn với những ý nghĩ chủ quan ấy. Mình không bao giờ cởi mở với ai bởi mình nghĩ có nói cũng bằng thừa, chắc chắn chẳng ai hiểu nổi mình đâu… Nhưng cuộc đời không đơn giản như mình nghĩ cậu ạ.  
 
Tuấn nháy mắt trái nhìn tôi ha hả cười. Lát sau nói tiếp:
 
- Chính vì vậy mà tình yêu lại càng đa dạng. Tình yêu thường dành cho đời những sự bất ngờ phải không cậu nhỉ? Ở cơ quan mình ai cũng mong mỏi cho mình có hạnh phúc. Ai cũng muốn giúp mình tìm được một người vợ chung tình, hợp ý. Thế rồi không biết do ngẫu nhiên hay do sự xếp đặt của đời mà Hiền lại là nguồn an ủi, là người vợ yêu quý của mình. Chuyện còn dài lắm, để lúc nào có thời gian rỗi mình sẽ kể cho cậu nghe quá trình mình và Hiền tìm hiểu nhau ra sao nhé. Nó cũng khó khăn, trắc trở không kém gì quãng đời mà mình đã ghi chép trong quyển nhật ký này. Còn bây giờ thì cậu rõ rồi đấy. Nhân đây mình cho cậu biết một tin mừng mà mình mới nhận được.
 
Tuấn rút trong túi áo tờ giấy in Roneo đưa cho tôi xem:
 
Quyết định: Anh Nguyễn Tuấn được cử đi học Trường Đại học Thương Nghiệp tại chức khóa: 1976 - 1980 tại Hà Nội.
 
Tôi lặng người trong giây lát, ngồi trước Tuấn lúc này tôi thấy mình như bé nhỏ đi rất nhiều. Tuấn đã vượt lên tất cả mọi trở ngại trong cuộc sống để xác định cho mình một hướng đi. Tuấn đang có một niềm vui thực thụ của một quân nhân trên trận tuyến mới. Còn tôi tất nhiên là tôi cũng có khó khăn của riêng tôi, nhưng nghị lực để vượt qua khó khăn đó thì tôi còn yếu đuối quá, tôi còn luẩn quẩn quá. Mối tình của tôi với Nhung bế tắc đã làm tôi bi đát. Tuyệt vọng! Tại sao tôi lại phải như vậy nhỉ? Tại sao tôi không mạnh dạn cắt bỏ những cái cần phải cắt bỏ đi. Tôi chỉ biết đổ lỗi cho đời, đổ lỗi cho Nhung chưa can đảm, chưa thực lòng. Nhưng cái lỗi lớn mà tôi chưa nhận ra chính lại ở tôi, do tôi.
 
Trong phòng như nóng rực lên, tôi đứng dậy mở toang cửa sổ để hóng gió trời. Làn gió mát ùa tới mang theo âm vang trầm bổng lời ca say sưa, thôi thúc của tiếng radio bên nhà hàng xóm. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao… Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích…” Lời ca rộn ràng, cuốn hút tôi đi lại phía cây đàn ghita đang đung đưa trên tường. Tiếng cọt kẹt của cái chân giả kéo tôi trở lại thực tại, tôi chợt thấy mình cần phải tập đi lại từ đầu. Những bước đi trong hy vọng. Lần tập đi thứ ba trong đời tôi! 
 
Nguyễn Hoàng Ngân/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)