1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

“Quê nội” của nhà văn Võ Quảng: Những trang sách để đời

16/09/2019
Một ngày cuối năm 1973 tôi đến trụ sở NXB Kim Đồng (64 Bà Triệu) chợt thấy nhà văn Bùi Hồng (lúc đó là Phó tổng biên tập NXB Kim Đồng) đang đứng ở cổng trên tay cầm một cuốn sách mới tinh, đó là cuốn Quê nội của nhà văn Võ Quảng.

Một ngày cuối năm 1973 tôi đến trụ sở NXB Kim Đồng (64 Bà Triệu) chợt thấy nhà văn Bùi Hồng (lúc đó là Phó tổng biên tập NXB Kim Đồng) đang đứng ở cổng trên tay cầm một cuốn sách mới tinh, đó là cuốn Quê nội của nhà văn Võ Quảng. Ngày ấy là một tác giả trẻ (mới có sách in ở Kim Đồng), được một vị lãnh đạo tặng một cuốn sách mới của nhà văn hàng đầu văn học thiếu nhi Việt Nam, tôi rất xúc động. Thời chiến tranh, sách mới xuất bản chưa có “Lễ ra mắt” rầm rộ như hiện nay, việc chuyền tay nhau đọc sách mới như là sự chia sẻ tri âm tri kỷ của các bạn văn. Sau đó chừng nửa năm, tôi lại được chính nhà văn Võ Quảng tặng cuốn Tảng sáng (phần tiếp theo của Quê nội). Khi đưa cuốn sách cho tôi, nhà văn Võ Quảng tủm tỉm cười, nụ cười hiền và hóm rất quen thuộc. Từ ánh mắt của ông tỏa ra niềm tin cậy như gửi gắm cho tôi một báu vật quý giá không thể có vàng ngọc gì sánh bằng nữa! Cảm nhận lần đầu cầm trên tay Quê nội - Tảng sáng (sau này in chung là Quê nội) đã đi theo tôi suốt hơn bốn mươi năm qua. Tôi đã đọc đi đọc lại Quê nội rất nhiều lần, thế mà đến dịp đọc năm 2019 này, tôi mới ngộ ra vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, những điều mà nhà văn Võ Quảng đã gửi gắm lại từ ánh mắt năm 1973 ấy. Thế là một cảm giác mãnh liệt thôi thúc tôi viết bài này.

Quê nội từ khi ra đời luôn được coi là tác phẩm viết cho thiếu nhi. Sự khẳng định ấy có từ chủ kiến của tác giả Võ Quảng. Ông đã tự bạch rằng: “Tôi tham gia cách mạng từ giữa năm 1935. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công tôi mới 25 tuổi đã làm quyền Chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Cách mạng giúp thế hệ chúng tôi lớn nhanh như thế. Tôi còn được giao nhiều việc khác. Sau đó tôi đến với văn học thiếu nhi theo sự mách bảo của trái tim mình” (1) Những lời tâm sự này đã cho chúng ta biết nhà văn Võ Quảng có tuổi thành niên sống sâu sắc với giai đoạn lịch sử Cách mạng tháng Tám tại quê hương ông vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Với vốn sống đó có nhà văn sẽ thể hiện tài năng bằng một cuốn tiểu thuyết dầy dặn cho người lớn. Võ Quảng không như vậy, ông đã tâm sự rằng: “Tôi từ bỏ tất cả để đến với văn học thiếu nhi và khi viết được một tác phẩm hay cho các em đọc nghĩa là tôi đã đi được đến đích của cuộc đời mình” (1). Người bạn quý của nhà văn Võ Quảng, bà Nguyễn Thị Nhất - nhà tâm lý giáo dục đã bình luận: “Ta tưởng rằng viết cho trẻ, chỉ những truyện trẻ con với nhau mới làm trẻ thích thú… Võ Quảng không làm thế. Võ Quảng đã hấp dẫn trẻ bằng cách mở rộng cuộc sống của người lớn cho các em, mạnh dạn cho các em đi vào xã hội đó… làm cho các em biết thêm nhiều việc, hiểu rõ thêm nhiều người, nhiều kiểu người…” (2)

Tác phẩm Quê nội tác giả Võ Quảng dẫn người đọc trở về làng Hòa Phước bên sông Thu Bồn đất Quảng Nam. Từ trang đầu tiên âm thanh rộn rã của văn học thiếu nhi đã vang lên! Các nhân vật của cuốn sách như anh Bốn Linh, ông Kiếm Lài, bà Hiến, thầy Lê Hảo, ông Tư Đàm, chú Năm Mùi, ông Bốn Rị, dượng Hương Thư… đã hiện ra rất sinh động không phải bằng một bản lý lịch hay một phác họa chân dung mà bằng tiếng gà gáy! Tác giả Võ Quảng đã miêu tả âm thanh tiếng gà gáy và dáng điệu của từng chú gà đủ vẻ khác nhau tùy theo tính cách của các gia chủ. Tôi có cảm giác đoạn mở đầu tác phẩm giống như là cảnh mở đầu hoạt náo của một vở diễn nghệ thuật múa rối cho thiếu nhi, hay là một vở tuồng (loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian được người dân xứ Quảng rất mến mộ). Nói như vậy tôi không hề có ý đùa giỡn mà thực sự tôn trọng lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn Võ Quảng. Âm hưởng truyện kể dân gian cho trẻ em này đã thể hiện một sự kiện lớn của lịch sử: Tiếng gà gáy tưng bừng trong một buổi sớm mai sau ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám được tác giả miêu tả cùng với việc tường thuật cảnh tập tự vệ vui ngộ. Văn phong điệu nghệ của Võ Quảng quả thực đã khiến người đọc (trẻ em hay người lớn) đều ngay lập tức bị cuốn hút vào cuốn sách hứa hẹn những thú vị độc đáo. Việc mở đầu tác phẩm như vậy (trong tầm đọc của tôi) quả thật là có một không hai! Ở tác phẩm Quê nội giọng văn kể chuyện dân gian cho trẻ em là một dòng văn giàu cảm xúc chảy xiết dào dạt như nước sông Thu Bồn. Cách nhìn của tác giả với các loài vật quen thuộc như con gà, con chó, con trâu Bỉnh đến các vật vô tri mái nhà, mái chùa, vườn  cây, nong tằm chín vàng rộ, bãi dâu xanh mướt, vạn thuyền trên bãi, chòm đa Lý, rồi thác lớn, rừng sâu, núi cao… tất cả đều thân thiết trìu mến mang hồn thiêng của thiên nhiên huyền thoại. Tình yêu quê hương của Võ Quảng đã hiện ra thành những câu văn khúc chiết trong sáng làm cho Quê nội của Võ Quảng trở nên gần gũi với mọi người đọc dù họ là người quê vùng nào trên cõi đất này. Nhà văn Đoàn Giỏi tác giả Đất rừng phương Nam đã viết: “Xã Hòa Phước của tỉnh Quảng Nam, bối cảnh chính của tác phẩm Quê nội, một nơi tôi chưa hề tới hiện ra trong tôi như một nỗi nhớ. Tôi như gặp lại - nói theo kiểu người xưa - một quê hương tiền kiếp, như thế kiếp trước tôi đã từng sống ở đó, lớn lên và chết ở đó một lần rồi.” (3)

 

Đọc Quê nội, ta được hiểu Cách mạng tháng Tám ở một vùng quê Quảng Nam thông qua câu chuyện của chú Hai Quân (có con trai là cậu bé Cù Lao). Trước năm 1945, chú Hai Quân một người nghèo khổ làm chân phục dịch cho bọn cường hào ở làng. Do bị áp bức cùng khốn Hai Quân phải bỏ làng đi. Sau Cách mạng tháng Tám, chú Hai Quân đã trở về làng đoàn tụ với bà con và rồi Cù Lao (cậu bé ban đầu bị gọi là mọi biển) đã trở thành người bạn thân thiết của cậu bé Cục người làng Hòa Phước. Hai thiếu niên nhân vật chính của cuốn sách đã trải qua những cuộc phiêu lưu thử thách sôi động trong những năm tháng 1945, 1946. Người đọc hôm nay, nhất là những bạn sinh ra trong thời đất nước thống nhất hòa bình sẽ khó hình dung giai đoạn lịch sử: Toàn dân đánh ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đọc Quê nội các bạn sẽ được biết những cảnh đánh giặc đó là như thế nào. Các bạn sẽ được dẫn về một thời lạ lùng: người thầy (thiếu niên) phải đi đến tận nhà người học (là người lớn tuổi, người già) để vận động người ta học chữ quốc ngữ (a, b, c…). Các bạn sẽ được đọc một đoạn văn về chú bé Cục dạy bà Hiến (một người phụ nữ nghèo khổ trong làng) học chữ quốc ngữ. Đó là một đoạn văn rất thú vị, ai đọc rồi cũng phải nhớ đời, hơn thế nữa những ai muốn tìm hiểu văn hóa đại chúng Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng có thể thấy ở đoạn văn này những ý nghĩa sâu sắc.

Đọc Quê nội, người đọc có dịp được hiểu biết về nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm đường, nghề hàn nồi bịt bát, nghề cạo đầu ở làng quê… Người đọc cũng được trải nghiệm cảnh vượt thác xuống ghềnh vô cùng mạo hiểm của những người theo bè gỗ từ rừng thượng nguồn miền núi Quảng Nam về miền hạ lưu sông Thu Bồn. Phải chăng thiên chức của nhà văn chính là việc lưu giữ lại trên trang văn của mình những cảnh nguyên sơ  của thiên nhiên, những cảnh sống và hoạt động của con người trong một thời kỳ lịch sử, những cảnh mà tác giả đã nếm trải rất sâu sắc và viết ra từ tiềm thức minh triết của mình. Nhà văn Võ Quảng đã làm được thiên chức ấy, ông đã viết về những cảnh vật và những con người trong một thời kỳ lịch sử “một đi không trở lại”. Ông đã viết từ tư thế của người trong cuộc với tình yêu thương vô hạn cũng là nỗi niềm suy tư tỉnh táo bằng những câu văn có tính trào lộng hóm hỉnh.

Nhà văn Võ Quảng vốn là một nhà chính trị, ông đã viết với một tấm lòng yêu trẻ em, gửi gắm thế hệ tương lai của đất nước. Ông đã viết tác phẩm Quê nội bằng cả tất cả nhiệt thành từ trái tim để lại cho đời sau những suy nghĩ rất tỉnh táo và tâm huyết của mình. Đọc lại Quê nội hôm nay, tôi thiết nghĩ rằng cuốn sách không chỉ là tác phẩm dành cho trẻ em, mà có lẽ những người lớn từng trải nếu có dịp đọc sẽ nhận thấy từ cuốn sách này những tình cảm và nhận thức có ý nghĩa cho cuộc sống hiện tại.

...........................................................

 

(1) Võ Quảng - Tự bạch - Trang 611 - Tác giả Văn học thiếu nhi Việt Nam - Vân Thanh Biên soạn - NXB Từ điển bách khoa - 2006)

(2) Nguyễn Thị Nhất - Nhà văn Võ Quảng và vấn đề giáo dục thiếu nhi - Trang 563 - Văn học thiếu nhi Việt Nam (Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình, Tiểu luận, Tư liệu) Vân Thanh sưu tầm và biên soạn - NXB Kim Đồng 2003)

(3) Đoàn Giỏi - Tác phẩm và con người Võ Quảng - Trang 579 - Sách đã dẫn ở trên)

Lê Phương Liên/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)