1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Truyện ký “Paris+14” Một cuốn sách đáng đọc

30/06/2021
Truyện ký “Paris+14” là tác phẩm đầu tay của tác giả Cù Thu Hương, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành 12/2020. Chị là người Việt đầu tiên viết truyện ký về đại dịch Covid - 19. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), đánh giá:“Paris+14” là những trang viết rất chân thực về đại dịch Covid - 19, nhưng lại gửi thông điệp cho tất cả mọi người về số phận, về con người, về tình yêu thiên nhiên, về dân tộc Việt Nam.

Tôi có cô sinh viên cũ hôm nay mang tặng cuốn sách mới in của em gái cô - Cuốn Paris + 14. Tác giả là Cù Thu Hương, sinh năm 1963, là Tiến sĩ, tốt nghiệp đại học Leningrad thời Liên Xô cũ và hiện là Giám đốc Công ty thương mại và thời trang tại Paris. Theo lời giới thiệu của nhà văn Y Ban (cũng là sinh viên cũ của tôi) thì đây là cuốn sách thứ hai viết về đại dịch Covid - 19 (cuốn khác là Nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương - Trung Quốc).

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và tác giả Truyện ký “Paris+14” Cù Thu Hương.

Tôi đọc hết ngay 279 trang sách ngay trong buổi tối. Hóa ra đây là một tập Truyện ký viết về Paris và 14 ngày sống cách ly khi trở lại Việt Nam. Tôi thực sự ngạc nhiên vì tác giả là một nhà khoa học, một doanh nhân vậy mà tại sao lại có cách viết hay đến thế. Từng dòng, từng trang toát lên những cảm xúc chân thành mà mạnh mẽ, khiến người đọc rưng rưng. Nhà phê bình Bùi Mạnh Nhị cho biết đã trào nước mắt khi đọc những trang sách này.

Tác giả viết thật dễ dàng, thấy gì ghi lại với thật nhiều  cảm xúc - chân thành, bàng hoàng, hoảng sợ, ngơ ngác, lo lắng, nuối tiếc, xót xa, rồi đến nhớ thương, biết ơn, bình tâm, tự hào, hạnh phúc.

Bức tranh Paris trong đại dịch thật đầy đủ và sinh động. Quảng trường Trocadero trước tháp Eiffel không bóng người, nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy tàn khốc nay chỉ lác đác người, những đại lộ rộng mênh mông vì chỉ có màu đen của nhựa đường láng bóng dưới ánh đèn, những chú chim bồ câu nhớn nhác tìm những bàn tay thường vẩy bánh mỳ cho chúng mà tìm hoài chẳng thấy. Rồi thật xót xa khi sự kì thị người Châu Á xảy ra trên khắp nước Pháp. Đầu đợt dịch, người Việt nhắc nhau: Chị tuyệt đối không được đeo khẩu trang bởi vì tây nhìn thấy có khi họ gọi cảnh sát tới đó. Còn hơn cả thế nữa: mặc dù cô em đã ngụy trang rất kín mặt bằng kính, khăn, mũ - trông cứ như Ninja vào trận, nhưng vừa chạm cửa xe thì gã đã chửi luôn:  ừm, cho dù mày có che đậy cái mặt mày thì tao cũng biết mày là con Trung Quốc, biến đi! Một cháu khác nói với mẹ: con khổ quá mẹ ơi, vừa ra khỏi tàu, có mấy thằng chạy tới giật khẩu trang của con rồi vứt xuống đất, nhổ nước bọt lên, rồi cười hô hố Nihao, Nihao!

Chị có lối viết thật tự nhiên nhưng sinh động và chân thực - những con virus di chuyển thần tốc chẳng khác những biển lửa hung hãn muốn thiêu rụi cả thành phố trong chốc lát…mỗi ngày mở mắt ra lại thấy đồ thị luôn là hình leo dốc về số lượng người nhiễm bệnh, tử vong.

Nhưng thật may mắn, chị được về nước trong chuyến bay cuối cùng từ Paris, trước giãn cách xã hội đúng một ngày. Thế là những trang nhật ký trong 14 ngày bị cách ly ngập tràn những câu chuyện quá xúc động. Chị viết đề mục này là “thiên đường yêu thương” và chị thuật lại những điều mắt thấy tai nghe về 14 ngày ở “ngôi nhà chung” tại Trường quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô ở xã Xuân Sơn, Sơn Tây. Biết bao hình ảnh cảm động về các em sinh viên y khoa được tham gia “chống dịch như chống giặc”, các chiến sĩ áo xanh để có được suất ăn hàng ngày cho gần tám trăm người cách ly, ba mươi chiến sĩ phải bắt đầu làm việc từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm… những ngôi sao màu xanh của chúng tôi ở đây, ngày cũng như đêm, nắng hay mưa, vẫn thân thương và bình dị, chẳng phô trương ồn ào, cứ thầm lặng tỏa sáng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại lễ ra mắt cuốn Truyện ký “Paris+14”.

Biết bao nhiêu chuyện thật cảm động giữa những người đang được cách ly với nhau và với những ngôi sao màu xanh. Bên cạnh những người từ Pháp về hiền hậu và hết lòng san sẻ cả vật chất lẫn tinh thần cho nhau, cũng lẫn vào mấy cháu 4C (con ông cháu cha) chướng mắt đến mức yêu cầu gia đình gửi vào cả đống quần áo, đồ đạc, lại còn cả một chiếc tủ lạnh để lưu giữ thức ăn (!) Tác giả đã kỳ công ghi lại hàng loạt những dòng lưu bút của mọi người trước khi rời khu cách ly: sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly, lòng mình càng thêm kiên định sẽ  trở về Tổ quốc ngay sau khi học xong, để chung tay góp phần cho đất nước…em sẽ nhớ về 14 ngày ở đây như một kỷ niệm thật đẹp. Xin cảm ơn các anh, các chị, những người em chỉ biết qua tên gọi với đôi mắt, những chiến sĩ đeo mặt nạ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ cho chúng em…nhớ mãi những dòng ghi trên các vỏ hộp cơm: các chị cố gắng ăn hết cơm đi, không là em giận…rất cảm ơn những người hy sinh thầm lặng, không cần lời khen, chỉ sống và hiến dâng cho Tổ quốc…

Một chi tiết thật xúc động khi đọc những dòng chữ của tác giả: khi những con chữ của cuốn sách này được lên khuôn ở nhà in, thì người mẹ vô cùng yêu kính của tôi rời cõi tạm, về với bố vĩnh viễn yên nghỉ trong lòng đất. Tôi đã từng quen biết cả bố và mẹ chị, hai giảng viên đại học, những người đã gieo tình yêu khoa học và văn học vào trái tim người con gái yêu quý của mình. Anh chị yên lòng, con gái của anh chị thật tử tế và tài hoa ./.

Theo GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/mot-cuon-sach-dang-doc-p31963.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)