1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Truyện Kiều ở Đức: Kỳ II Người khích lệ Faber dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức

23/11/2020
Nhà báo, dịch giả Franz Faber được tháp tùng Bác Hồ trong chuyến công tác cuối năm 1955 của Người tại Việt Bắc
 
Uống mấy ngụm trà, Faber nói tiếp: “Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi về Bác Hồ. Tiếp sau cuộc gặp này, tôi được tham dự lễ chào mừng của nhân dân Hà Nội dành cho Hồ Chủ tịch và Chính phủ từ chiến khu trở về. Quảng trường lớn Ba Đình, phía trước Phủ Chủ tịch, chưa bao giờ chứng kiến một số lượng người đông đúc đến vậy! Toàn dân tộc như đang diễu hành trước Bác Hồ của mình. Đi đầu là quân đội với vũ khí - những vũ khí xưa kia của địch, rồi đến các em nhỏ, các em tươi vui, đầy màu sắc như những bông hoa các em cầm trong tay. Các em ríu rít chạy dưới những cánh tay của các chú công an đang giữ trật tự, và từ trong đoàn người sôi động có bốn em chạy nhanh hơn các bạn mình, lên phía trước để dâng hoa Bác Hồ. Người ôm các cháu vào lòng và hôn chúng. Hàng chục vạn người đang diễu qua đều nhìn thấy Người trong khung cảnh ấy, họ là công nhân, nông dân, những người dân chài đến từ đồng bằng, từ biển Nam Hải và từ núi rừng Tây Bắc.
 
Bác Hồ!
 
Đoàn diễu hành của những người hạnh phúc đã kết thúc. Song, họ không muốn những khoảnh khắc tuyệt diệu này qua đi. Họ chen chúc nhau đến trước lễ đài. Năm giờ đồng hồ liền Hồ Chủ tịch đứng dưới nắng của vùng nhiệt đới. “Chắc chắn là các cháu của chúng ta đã đói rồi” - Người nói như vậy với hàng nghìn con người trước mặt. “Và tôi cũng đói. Giờ chúng ta về nhà, xin chúc đồng bào ăn ngon miệng”. 
 
Vẫy tay, Người chào tạm biệt.
 
Và một lời chào dành cho các vị khách từ các nước anh em. Với các vị khách, hôm nay là ngày Tết năm mới, và họ đều nhận lời chúc mừng của vị Chủ tịch theo ngôn ngữ của họ. Người đưa tay bắt nhiều người, tôi cũng đã được Người bắt tay - Người chưa kịp tìm ra những từ Đức thích hợp, tôi liền thưa với Người: “Xin Người cứ nói bằng tiếng Pháp!”. Nhưng Người lắc đầu rất mạnh, rồi nói bằng tiếng Đức: “Prosit Neujahr!” (Chúc mừng năm mới!).
 
Về đến chỗ ở, tôi thấy trên bàn có thiếp mừng của vị Chủ tịch…”
 
Trong hai nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Franz Faber đã nhiều lần được gặp Bác, có lần cùng đi công tác với Người lên Việt Bắc dự hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất, có lần Người trả lời phỏng vấn của ông… Chính chuyến đi Việt Bắc đã có những ấn tượng sâu sắc đến hoạt động văn học của ông: Khi trở về, tới một khu đồi, Bác nói với mọi người: “Chúng ta tạm nghỉ để ăn sáng đã!” Một vài anh em bộ đội trải khăn ra dọn ăn. Bác Hồ đang ngồi dưới một gốc thông. Khi Faber đến gần, Người nói bằng tiếng Đức: 
 
- Mời đồng chí ngồi xuống đây!
 
Mọi người đều quây quần bên Người. Bữa ăn khá đơn giản: cơm nắm với một ít trứng và cá nướng. Faber cũng lấy thức ăn của mình ra, Người bảo cứ ăn cùng với Người.
 
Thoạt đầu, Người nói chuyện với Faber bằng tiếng Pháp. Dần dần, như nhớ lại được nhiều từ hơn, Người nói bằng tiếng Đức. Cuộc đời chiến đấu của Người đã đưa Người tới nhiều nước trên thế giới, kể cả ở Đức. Người cho biết: Người chỉ ở Berlin một thời gian ngắn vì cảnh sát truy lùng rất gắt gao. Lúc đầu, Người ra ở các vùng Neukoeln, Wedding và sau cùng được các đồng chí cộng sản Đức đưa xuống Chemnitz. Vùng này yên ổn hơn mà lại là nơi có phong trào công nhân mạnh.
 
Faber nói: Đó là lần thứ ba tôi có dịp được thưa chuyện với Hồ Chủ tịch. Nhưng, tôi chưa từng được nhìn thấy Người như hôm nay. Gương mặt gầy trông thoải mái hơn, cặp mắt nghiêm nghị, từng biết đến nỗi gian khổ và những thắng lợi, ngời sáng lên hơn mọi khi. Cứ như là Người đọc được những ý nghĩ của tôi vậy! Với một nụ cười, Người nói rằng: “Một sự yên tĩnh như thế này, với tôi quả là hiếm hoi! Bác sĩ của tôi nói rằng - sự yên tĩnh này có lợi cho tôi - và quả là anh ấy có lý”. Chúng tôi nâng các cốc bia và đưa lên miệng, và lúc này trong mắt Người hiện lên chút hóm hỉnh khi Người hỏi món bia “Bolk” ở Berlin còn ngon như xưa kia không. Bữa ăn diễn ra một cách vui vẻ… Chợt Người hỏi tôi:
 
- Chú có biết nhiều về văn học Việt Nam không?
 
Tôi thưa:
 
- Ở Đức, dường như văn học Việt Nam chưa được giới thiệu gì cả.
 
Và Người nói:
 
- Muốn hiểu văn học Việt Nam, trước hết nên đọc Truyện Kiều. Đó là tác phẩm của Nguyễn Du, nhà thơ lớn nhất của dân tộc Việt Nam.
 
Nghe Faber kể đến đây, tôi hỏi:
 
- Cũng từ đó cụ có ý định dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức?
 
- Đúng vậy, và thật xúc động là chính Hồ Chủ tịch khích lệ tôi làm điều đó. Người nói: “Chú hãy gắng đọc Truyện Kiều, và nếu thấy hay, thấy làm được, chú hãy dịch và giới thiệu với các bạn ở Đức…”
 
Faber tâm sự: “Mang sẵn trong lòng mình những xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều. Lúc đó tôi có hai bản Truyện Kiều, một bản tiếng Việt, một bản tiếng Pháp mà học giả Đào Duy Anh đã mang cho tôi, theo chỉ thị của Bác Hồ. Suốt một thời gian dài, không biết bao lần, tôi cứ bồi hồi, xao xuyến không nguôi. Chính trong thời điểm ấy, tôi quyết định tìm hiểu sâu sắc tác phẩm này và sẽ dịch nó ra tiếng Đức”.
 
Franz Faber đã tranh thủ từng giờ, từng phút để làm công việc này. Ông xin gặp nhiều trí thức lớn như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh để tham khảo nội dung của từng điển tích và từ vựng. Ông về làng Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du, tiếp xúc với những con người chân chất, hồn nhiên mà sâu sắc trên mảnh đất kiên cường, khắc khổ này. Ông cho rằng, cái khó khăn nhất của việc dịch là làm sao lột tả được vẻ đẹp của ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng một cách tài tình. Dịch những câu thơ lục bát sang tiếng Đức mà lại giữ nhịp điệu trung thành như vậy là khó lòng thực hiện được. Và mỗi từ trong đó đều hàm chứa một nội dung rộng lớn hơn bản thân nó. Faber nói: “Chẳng hạn, mở đầu thi phẩm là hai từ “Trăm năm”, không thể hiểu đơn giản đó là một con số. Ở đây có mối quan hệ hài hòa giữa các đặc điểm của sự vật về hình thức, màu sắc và số lượng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mười lần viết “Trăm năm” và mỗi lần như vậy, đòi hỏi một cách dịch khác. Cho dù ở trường hợp nào, thi sĩ cũng hàm ý nói đến độ dài của đời người…”
 
Trước đây, có lần Faber nói với tôi: “Tôi biết rõ: dịch Truyện Kiều là tự nguyện đón nhận một công việc cực kỳ khó. Song, điều rất đáng thổ lộ là: càng đi sâu vào công việc, tôi như càng bị cuốn hút vào thân phận nàng Kiều, người con gái tài hoa mà lắm nỗi truân chuyên. Khi đã nắm được cốt lõi truyện, bối cảnh lịch sử của Truyện Kiều, tôi càng tự hỏi mình: phải chăng đó là điển hình của bao nhiêu thế hệ phụ nữ bị dập vùi dưới chế độ phong kiến? Đấy chẳng những là câu chuyện của một mối tình trong sáng, thủy chung, mà còn là tấm gương của lòng dũng cảm, của niềm hy vọng và của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn”.
 
Đón đọc kỳ tới: Người “trợ thủ” đắc lực trong việc dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/truyen-kieu-o-duc-ky-ii-nguoi-khich-le-faber-dich-truyen-kieu-ra-tieng-duc_263043.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)