1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Trên đường tiếp nhận ''Truyện Kiều'': Kỳ 4- Những ngả đường tiếp nhận

18/09/2020
Đồng thời với việc tiếp tục truy tầm, phát hiện văn bản Nôm và phiên âm chữ Quốc ngữ, hoạt động tiếp nhận “Truyện Kiều” ở Việt Nam đã có quá trình lịch sử lâu dài và ngày càng phát triển. Tinh thần tiếp nhận ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao quát tất cả các định hướng nghiên cứu, chuyên luận, giáo trình, sách giáo khoa, giới thiệu, trao đổi và mở rộng các lĩnh vực sáng tác phái sinh (tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, chuyển thể điện ảnh, kịch, tuồng, chèo, cải lương, tranh minh họa, truyện tranh…).

Việc cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới đã đưa đến những nhận thức mới về giá trị kiệt tác “Truyện Kiều”.

 

Đồng cảm, thán phục


 

Ngay sau khi “Truyện Kiều” ra đời đã nhận được nhiều nhận xét, bình điểm, liên hệ, so sánh xa gần của các nhà nho đương thời Nguyễn Du và thuộc thế kỷ XIX như: Phạm Quý Thích, Vũ Trinh, Nguyễn Lượng, Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân, Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị, Minh Mệnh, Nguyễn Văn Thắng, Đào Nguyên Phổ, Chu Mạnh Trinh, Chiêm Vân Thị, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Khuyến, Lê Hoan... Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân cảm nhận về “Truyện Kiều” vào đúng năm Nguyễn Du ra đi với tất cả sự đồng cảm, thán phục: “Xem chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn “Bạc mệnh” gảy xong mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi, nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là “Đoạn trường tân thanh” cũng phải… Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy” (Bài tựa Truyện Kiều, 1820)… 

 

Đến như nhà tài tử hào hoa Nguyễn Công Trứ lại nặng lời xét đoán, mở ra những cách tiếp nhận khác biệt, thậm chí trái ngược nhau: 

 

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!

Bán mình trong bấy nhiêu năm,

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

Nghĩ đời mà ngán cho đời! 


 

(Vịnh Thúy Kiều)

Những chặng đường nối tiếp


 

Chuyển sang thời hiện đại, có thể chia lịch sử tiếp nhận, nghiên cứu “Truyện Kiều” theo ba chặng đường. Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám với tên tuổi những Lê Thước, Phạm Quỳnh, Hoa Bằng, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trương Tửu... Những ý kiến của các nhà nghiên cứu này thiên về xác định “lai lịch”, “nguồn gốc”, thiên về quan sát hình thức, so sánh cốt truyện, cấu trúc chương đoạn và nhận diện tổng quát. 

 

Trên thực tế có thể xác định học giả Đào Duy Anh là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu so sánh một cách tương đối hệ thống, khách quan, theo xu thế khoa học hiện đại qua công trình “Khảo luận về Kim Vân Kiều” (1943). Trong công trình này, Đào Duy Anh tóm tắt cốt truyện và nội dung chi tiết 20 hồi của thiên tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” đối sánh với “Truyện Kiều” (chia thành ba phần theo thứ tự 3 chương - 6 chương - 4 chương và trong mỗi chương này lại chia từ 2 đến 5 mục nhỏ). Phù hợp với cách so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” trong thế đối sánh về kết cấu, Đào Duy Anh nêu lên những nhận xét hữu lý: “So sánh hai bản cương yếu trên, ta thấy Nguyễn Du giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì… Song nguyên văn thì tự thuật rườm rà, tỉ mỉ, kết cấu theo một trật tự dễ dàng đơn giản, mà Nguyễn Du thì châm chước và sắp đặt lại thành một tổ chức có giàn giá chặt chịa, có mạch lạc khít khao” (Sđd, tr.60)...

 

Giai đoạn từ 1945 đến 1975 với đóng góp của Bùi Kỷ, Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, Đặng Thanh Lê, Xuân Diệu, Vũ Hạnh, Trần Quang Huy... Từ nhiều phương diện khác nhau như sưu tầm tư liệu, dịch thuật, khảo sát so sánh các cấp độ nội dung tư tưởng, hệ thống nhân vật, cảm hứng chủ đạo..., các nhà nghiên cứu đã xác định rõ hơn giá trị kiệt tác “Truyện Kiều”. Có một thực tế, giới nghiên cứu phía Bắc thiên về khảo sát nội dung tư tưởng và ý nghĩa đấu tranh xã hội thì học giả phía Nam thiên về vận dụng lý thuyết phương Tây để khảo sát vị thế con người cá nhân, kiếm tìm tự do, màu sắc hiện sinh… Có thể nhấn mạnh ý nghĩa khoa học của tập sách “Đọc lại Truyện Kiều” (1966) của Vũ Hạnh và chuyên luận “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” (1970) của Lê Đình Kỵ…

 

 Giai đoạn từ sau 1975 đến nay với nhiều kiến giải mới mẻ của Đặng Thanh Lê, Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Nguyễn Tài Cẩn, Phạm Đan Quế, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân... Nhìn chung, các nhà nghiên cứu “Truyện Kiều” giai đoạn cuối thế kỷ XX đến nay đã ngày càng tự ý thức rõ hơn cả đối tượng, phạm vi, phương pháp và mục đích so sánh, luận bình. Ở đây có thể kể đến 4 công trình nghiên cứu tiêu biểu theo những quan niệm và định hướng tiếp cận khác nhau. Chuyên luận “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1985) của Phan Ngọc đặt cược vào lý thuyết phong cách nhằm xác định những cái nhất, độc đáo về tư tưởng nghệ thuật, biện chứng tâm lý, đặc sắc ngôn từ, tuy có phần tư biện. Với Trần Đình Sử, khởi đầu từ tiểu luận “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du” (1981), “Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1983), tiến đến “Thi pháp Truyện Kiều” (2001) đã mở ra cả một tư trào và trở thành bài tập mẫu cho nghiên cứu thi pháp ở Việt Nam. Đến “Nguyễn Du đại thi hào dân tộc” (1996) của Phạm Công Thiện là hành trình truy tìm triết học nhân sinh qua thân xác chữ, quan hệ giữa chữ - văn bản và tác phẩm. Tiếp đến “Thả một bè lau” (2005) của Nhất Hạnh lại nhìn sâu vào triết lý “Truyện Kiều” từ cảm quan Phật giáo, sự tương hợp, giác ngộ và tỉnh thức của tuệ giác: “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” – “Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” – “Ở không an ổn, ngồi không vững vàng” – “Một mình mình mình biết, một mình mình hay”…

 

Bên cạnh các cách tiếp cận tác gia Nguyễn Du và “Truyền Kiều” khác nhau tùy theo trình độ, mục đích, yêu cầu thì việc nhận diện tác phẩm trong tương quan định hướng so sánh chắc chắn sẽ hữu ích trong hoạt động nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy và học tập. Ở đây có sự phân cấp cho những người yêu thích và mới làm quen với “Truyền Kiều”, chỉ cần đọc hiểu “Truyện Kiều” trong văn mạch dân tộc. Sự hiểu biết tương quan “Truyện Kiều” ở tầm khu vực và thế giới giúp độc giả đại chúng thêm hiểu biết về truyền thống văn chương dân tộc. Ở tầm mức chuyên sâu, các nhà nghiên cứu tiếp tục khảo sát, mở rộng chiều kích so sánh giữa các tác phẩm đồng loại hình truyện thơ để thấy rõ hơn các giá trị nội dung và nghệ thuật “Truyện Kiều” trong biểu đồ phát triển chung của nền văn học toàn thế giới

 

Trên căn bản của giải thích học và sự thay đổi, cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới đã đưa đến những cách hình dung mới, nhận thức mới về giá trị kiệt tác “Truyện Kiều”. Thêm nữa, di sản “Truyện Kiều” còn tiếp tục tỏa sáng ở khả năng kích thích sáng tạo, phái sinh, mở đường cho nhiều thể loại, loại hình và bộ môn nghệ thuật khác nữa…


 

Đón đọc kỳ tới: So sánh “Truyện Kiều” - từ khu vực đến thế giới

Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tren-duong-tiep-nhan-truyen-kieu-ky-4-nhung-nga-duong-tiep-nhan_262630.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)